VnReview
Hà Nội

6 máy ảnh film Rangefinder tuyệt vời cho người mới chơi ảnh

Mặc dù những dòng máy DSLR hay mirrorless đang;thống trị thị trường nhiếp ảnh hiện nay, nhưng trong quá khứ, vẫn có những dòng máy khác nhận được sự quan tâm rất lớn của người dùng, đó là các dòng máy ảnh film Rangefinder.

Cho tới tận ngày nay, vẫn có một lượng người dùng nhất định quan tâm tới dòng máy "cổ điển"này. Hãy cùng điểm qua danh sách 6 chiếc máy ảnh Rangefinder dành cho người dùng mới bắt đầu làm quen đến nhiếp ảnh nói chung và chụp ảnh film nói riêng, với mức giá phải chăng, được trang Petapixel tổng hợp.

1. Canon Canonet QL 17 GIII

Là một máy ảnh rất thân thiện với người dùng bởi sự nhỏ gọn đặc trưng của các máy Rangefinder, không những thế, chúng vô cùng dễ sử dụng. Việc đo khoảng cách để lấy nét là ưu điểm lớn của thiết bị này. QL 17 GIII được trang bị ống kính 40mm f/1.7 đi kèm màn trập tốc độ tối đa 1/500 giây. Máy còn có chế độ phơi sáng ưu tiên màn trập và hiệu chỉnh hiện tượng quang sai qua kính ngắm. 

Cho tới tận những năm 1970, Canon mới chính thức ngừng sản xuất dòng máy ảnh này. Giá thị trường của thiết bị này vào khoảng 100 USD (2,2 triệu đồng).

2. Yashica Electro 35 GSN/GTN

Một tên tuổi mà ngày nay hầu như không được nhắc tới trên thị trường, nhưng chiếc máy ảnh Yashica Electro 35 GSN/GTN lại là niềm mơ ước của bao người chơi ảnh thời hoàng kim của máy ảnh film. Đây là sản phẩm đã từng rất thịnh hành cho tới những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Giá bán của máy chỉ vào khoảng 50 USD (1,1 triệu đồng).

Điểm đặc trưng phân biệt của máy ảnh này là một màn trập lưỡi điện tử có tốc độ tối đa 1/500 giây, có thể đồng bộ với các chế độ đèn Flash. Không giống với mẫu Canon Canonet QL 17 GIII, Yashica Electro 35 GSN/GTN có chế độ ưu tiên phơi sáng với khẩu độ rộng. 

3. Konica Hexar AF

Tên tuổi một thời Konica đã từng cho ra mắt một máy ảnh Rangefinder sử dụng film vào năm 1999 có tên Hexar AF và nhanh chóng nhận được ủng hộ lớn. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở đây là máy ảnh này không sử dụng các kỹ thuật chụp chính thống của dòng Rangefinder mà chỉ là một sản phẩm mang phong cách Rangefinder cổ điển một thời.

Ngay từ khi ra mắt, nó đã trở nên rất được yêu thích và được sử dụng phổ biến trong cộng đồng những người làm ảnh film. Thậm chí, nó đã từng được coi là một siêu phẩm có giá lên tới 400 USD (8,9 triệu đồng) và được đem ra để so sánh với máy ảnh Leica CM rất nổi tiếng thời đó.

Mặc dù tốc độ màn trập của máy chỉ đạt 1/250 giây nhưng việc trang bị ống kính 35mm f/2 lại cho ra những bức ảnh khá sắc nét với độ tương phản cao.

4. Minolta Hi-Matic E

Chiếc máy ảnh này ra đời vào năm 1971, là một phiên bản Rangefinder cao cấp cuối cùng của công ty Minolta sản xuất. Máy được gắn ống kính Rokkor 40mm f/1.7 với tốc độ màn trập lên tới 1/1000 giây. Sự vượt trội trong khả năng lấy nét và bắt hình ở tốc độ cao là điều làm nên tên tuổi của thiết bị này. 

Tính năng phơi sáng tự động cũng sử dụng chế độ ưu tiên khẩu độ như trên chiếc Yashica Electro, hệ thống màn trập hoạt động rất chính xác và hiệu quả. Dù có nhiều ưu điểm nhưng giá bán của Hi-Matic E chỉ có 50 USD (1,1 triệu đồng).

5. Contax G2

Với giá bán 400 USD (8,9 triệu đồng) nhưng chỉ tính riêng thân máy, đây là máy ảnh đắt nhất trong danh sách này. Tuy nhiên, những tính năng cao cấp mà G2 mang lại rất xứng đáng với số tiền trên. Đầu tiên phải kể tới tính năng có thể thay đổi ống kính theo ý thích, tiếp sau đó là hệ thống lấy nét điện tử tiên tiến với hai chế độ lấy nét liên tục và một lần.

G2 tự đặc trưng tốc độ màn trập đối đa lên tới 1/6000. Không chỉ có thế, máy còn có thể sử dụng cùng với các ống kính Carl Zeiss nổi tiếng để tạo ra một thiết bị nhiếp ảnh tuyệt vời. Trong số đó, 45mm f/2 Planar được xem là ống kính khổ 35mm tốt nhất mọi thời đại.

6. Minolta CLE

Là sự kết hợp giữa Minolta và hãng Leica danh tiếng, Minolta CLE có giá bán lên tới 300 USD (6,7 triệu đồng) tính riêng cho thân máy vào thời điểm thịnh hành, một con số không hề nhỏ. Tốc độ màn trập tối đa 1/1000 giây đi cùng công nghệ TTL Flash Minolta nên tốc độ đánh Flash và các chế độ Flash khá hữu ích khi sử dụng.

CLE thích hợp với ống kính ngàm M-mount, với thấu kính CdS kết hợp chế độ ưu tiên khẩu độ khi phơi sáng giúp khả năng tạo ảnh rất hoàn hảo. Máy có hai chế độ chụp tự động và bằng tay khá hữu ích trong nhiều tình huống.

Ngày nay, các máy ảnh Rangefinder có thể không còn được sản xuất và ít người biết tới, nhưng di sản mà nó để lại là rất lớn trong dòng lịch sử phát triển của những thiết bị ghi hình.

Song Anh

Chủ đề khác