VnReview
Hà Nội

Thế nào là một bức ảnh "sắc nét"?

Trong nhiếp ảnh, người ta luôn muốn chụp được những bức ảnh "sắc nét". Thông thường, điều đó có nghĩa là chủ thể của bức ảnh sẽ được lấy nét chính xác với những đường nét rõ ràng, chi tiết và không bị nhoè không chủ đích. Nó là sự kết hợp giữa sự chính xác của lấy nét, trạng thái tĩnh của camera, và thuộc tính của ống kính bạn đang sử dụng nữa.

Theo How-to Geek,;có hai loại "sắc nét": một loại được định nghĩa theo các chuẩn mực quang học chính thức, cực kỳ phức tạp, và loại thứ 2 là độ sắc nét chúng ta nhìn nhận được, chính là thứ mà các nhiếp ảnh gia mong muốn. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ nói về loại thứ 2, và đôi lúc sẽ "lấn" sang loại thứ nhất đôi chút. Ok, bắt đầu thôi!

Cụ thể thì "độ sắc nét" là cái gì?

Như đã định nghĩa ở trên, một hình ảnh sắc nét là hình ảnh mà chủ thể - hay phần chủ thể mà bạn muốn - được lấy nét hoàn hảo với các chi tiết rõ ràng, sắc cạnh. Dưới đây là một trong nhiều ví dụ về một hình ảnh được coi là sắc nét:

Chủ thể chính của bức ảnh là đôi mắt của người mẫu; chúng sắc nét đến nỗi bạn có thể thấy từng sợi lông mi ngay cả khi các phần khuôn mặt xung quanh đôi mắt của cô này không phải là trọng tâm lấy nét. Hãy so sánh độ sắc nét của đôi mắt với phần tai hơi mờ và hậu cảnh bị xoá nhoà mà xem. Có thể nói, đây là một ví dụ tuyệt vời về ảnh chân dung cổ điển.

Dưới đây là một ví dụ khác, một bức ảnh phong cảnh:

Trong bức ảnh này, toàn bộ khung hình đều sắc nét, từ những tảng đá ở tiền cảnh, cho đến ngọn hải đăng ở hậu cảnh. Các tảng đá bị hiện tượng mờ trong bức ảnh này cũng chỉ là một yếu tố của nhiếp ảnh phơi sáng thời gian dài mà thôi.

Trong cả hai ví dụ nêu trên, độ sắc nét là kết quả của việc lấy nét chính xác, camera được giữ ở trạng thái tĩnh, ống kính tốt, và các thiết lập máy ảnh hợp lý. Bây giờ chúng ta sẽ đi cụ thể vào từng thứ một.

Lấy nét chính xác

Lấy nét chính xác, không phải bàn cãi, chính là yếu tố quan trọng nhất để chụp được những bức ảnh sắc nét. Nếu bạn lấy nét sai, dù cho chỉ một chút mà thôi, thì hình ảnh sẽ trở nên kỳ quặc và không hình thức hậu kỳ nào có thể cứu vãn được. Hình ảnh cụ ông đang chuẩn bị mồi câu dưới đây khá đẹp, nhưng đáng tiếc khi zoom lên, bạn sẽ thấy nó bị mất nét.

Dù chỉ lệch nét một chút xíu thôi - điểm nét nằm đâu đó giữa bàn tay và chiếc áo cụ ông đang mặc - nhưng nó cũng khiến bức ảnh chẳng thể dùng cho mục đích nào khác ngoài... làm ví dụ cho một tình huống lấy nét sai.

So với hình ảnh cô người mẫu ở trên: dù phần lớn chi tiết trong ảnh cô người mẫu bị mờ, nhưng bởi đôi mắt của cô rất sắc nét, nên hình ảnh đó được xem là một thành công. Còn ở đây, dù phần lớn chi tiết khá đúng nét, nhưng khuôn mặt cụ ông thì không, và do đó ảnh được xem là thất bại.

Camera ở trạng thái tĩnh

Để có một bức ảnh sắc nét, camera tuyệt đối không được di chuyển trong lúc chụp. Có nghĩa là: hoặc bạn phải chụp với tốc độ màn trập đủ nhanh để đóng băng chuyển động, hoặc bạn phải dùng một tripod để khoá cứng camera lại.

Bạn chọn giải pháp nào còn tuỳ thuộc vào thể loại ảnh bạn muốn chụp. Với ảnh chân dung, bạn sẽ cần tốc độ màn trập nhanh. Với ảnh phong cảnh, bạn có thể chọn tốc độ màn trập nhanh hoặc dùng tripod nếu muốn phơi sáng thời gian dài.

Đặc tính của ống kính

Ống kính quan trọng hơn bản thân chiếc camera rất nhiều khi nói đến chất lượng hình ảnh. Ngay cả những chiếc DSLR cơ bản nhất cũng có thể chụp được những bức ảnh sắc nét, tuyệt đẹp, nhưng nếu dùng một ống kính dở tệ thì chiếc camera giá 10.000 USD của bạn cũng chẳng khác gì phế phẩm.

Nói chung, những ống kính tốt - cũng đồng nghĩa với những ống kính đắt - sẽ giúp hình ảnh tổng thể sắc nét hơn, mà giới nhiếp ảnh gọi là "sắc nét toàn khung". Những ống kính giá rẻ có thể chụp được ảnh nét ở trung tâm, nhưng các rìa lại bị mờ.

Các ống kính tốt còn có độ biến dạng quang học thấp hơn và quang sai màu ít hơn. Trong hình ảnh tờ báo dưới đây, bạn có thể thấy ở phần rìa, độ sắc nét giảm đi đôi chút. Khung chữ màu hồng ở bên trái nằm ở trung tâm bức ảnh, còn khung chữ màu hồng ở bên phải thì nằm ở rìa. Ảnh này được chụp bởi ống kính Canon 50mm f/1.8.

Bạn cũng cần lưu ý rằng, chất lượng ảnh chụp từ một ống kính không phải lúc nào cũng như nhau khi trong suốt dải tiêu cự hoặc dải khẩu của nó - khiến vấn đề càng phức tạp hơn. Hầu hết ống kính đều có một "sweet spot" - khẩu độ mà khi chụp, ảnh có độ sắc nét cao nhất. Thông thường "sweet spot" này nằm giữa khẩu f/5.6 và f/16, tuỳ thuộc vào cách từng ống kính được thiết kế. Để kiểm tra xem ống kính sắc nét đến đâu và "sweet spot" của nó nằm ở đâu, bạn có thể xem thêm ở đây.

Vậy kết lại: độ sắc nét là kết quả thu được khi bạn lấy nét chính xác bằng một ống kính tốt, miễn là camera không rung lắc trong quá trình chụp.

Minh.T.T

Chủ đề khác