VnReview
Hà Nội

Bỏ 10.000 USD mua camera có độ phân giải 100 megapixel, có đáng không?

Chiếc GFX 100 mới của Fujifilm là một con quái vật trong làng nhiếp ảnh. Tất nhiên, bên cạnh chụp ảnh thông thường, nó được tạo ra để phục vụ nhiều mục đích chuyên dụng khác.

100megapixel

Vừa qua, Fujifilm đã chính thức công bố chiếc máy ảnh kỹ thuật số medium format GFX 100. Dù chiếc máy này có khá nhiều thông số ấn tượng, như cân nặng chỉ 1,16kg, hay mức giá 10.000 USD (rẻ so với các đối thủ medium format khác), nhưng điểm khiến giới nhiếp ảnh sửng sốt là nó được trang bị một cảm biến hình ảnh 102-megapixel bên trong. Chắc chắn rằng trên thị trường có nhiều camera với độ phân giải cao hơn, nhưng GFX 100 lại khác biệt so với những chiếc máy medium format thông thường.

Tuy nhiên, liệu bạn có thực sự cần độ phân giải cao đến vậy? Câu trả lời tùy thuộc vào việc bạn hỏi ai và bạn hỏi họ khi nào.

100-megapixels có nghĩa là gì?

Khi nói về số megapixel của một camera, chúng ta thường ám chỉ độ phân giải cuối cùng của những hình ảnh mà nó tạo ra, và số megapixel có thể khác so với số tế bào cảm quang trên cảm biến camera. Hai con số này thường rất gần nhau, và đôi lúc tương đồng, nhưng có một vài biến số khác.

Trong trường hợp của GFX 100, hình ảnh cuối cùng cho ra có độ phân giải 11.648 x 8.736 pixel. Nhân chúng với nhau, bạn có 101.756.928, tức về cơ bản là con số 102-megapixel nói trên. Hãy so sánh nó với độ phân giải của màn hình các thiết bị mà bạn dùng để xem ảnh mỗi ngày. Ví dụ, iPhone XS Max có độ phân giải 2.688 x 1.242, tương đương 3,3-megapixel. Các màn hình 4K có độ phân giải 8,5-megapixel, và nếu bạn dùng TV 8K thì độ phân giải tăng lên đến gần 33-megapixel.

gfx100

Bên cạnh các điểm ảnh, GFX 100 còn có khoảng 3,76 triệu điểm ảnh dành riêng cho việc hỗ trợ lấy nét. Những điểm ảnh này không tính vào tổng số megapixel, nhưng chúng lại cực kỳ quan trọng trong các máy ảnh không gương lật như GFX 100, vốn không sử dụng một cảm biến lấy nét thông thường như DSLR.

Nhiều megapixel hơn có tốt hơn? Trong thời kỳ đầu của cuộc đua máy ảnh kỹ thuật số, vào cuối những năm 1990, "cuộc chiến megapixel" đã nổ ra trên các bảng thông số máy ảnh và các chương trình marketing. Vào thời đó, mỗi megapixel có ý nghĩa rất lớn. Chiếc DSLR đầu tiên của Nikon, D1, ra mắt năm 1999 với độ phân giải chưa đến 3-megapixel. Ngay cả khi bạn không crop các bức ảnh 2.000 x 1.312 mà máy cho ra, chúng cũng chỉ nhỏ chưa bằng một nửa kích thước bạn cần để có thể in ấn những thứ như một trang tạp chí, vốn đòi hỏi độ phân giải tối thiểu 8-megapixel nếu bạn không cần crop và thiết lập độ phân giải in ấn khoảng 300 dots-per-inch (dpi).

Khi bàn đến chất lượng hình ảnh tổng thể, mối quan hệ với độ phân giải không còn đơn giản như vậy nữa, bởi số lượng điểm ảnh chỉ còn là một yếu tố trong một loạt những thứ quyết định bức ảnh cuối cùng sẽ trông ra sao.

Khi các máy ảnh kỹ thuật số bắt đầu vượt quá cột mốc 10-megapixel, cuộc chiến megapixel bắt đầu nguội lạnh dần, và người tiêu dùng bắt đầu nhận ra rằng nhiều điểm ảnh hơn không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với chất lượng hình ảnh tốt hơn. Bởi cảm biến vẫn dậm chân tại chỗ về mặt kích thước, bản thân các điểm ảnh đôi lúc phải thu nhỏ lại để vừa với cảm biến, và càng thu nhỏ, mỗi điểm ảnh càng nhận được ít ánh sáng hơn. Điều này thường dẫn đến hình ảnh bị nhiễu hạt hơn, bởi các điểm ảnh có ít thông tin hơn về ánh sáng chúng đang thu vào.

gfx100

Quả là phức tạp, nhưng dần dần, người ta đơn giản hóa nó thành một khái niệm…có phần sai lầm: nhiều điểm ảnh hơn đồng nghĩa hình ảnh…nhiễu hạt hơn. Đó là thông tin mà có lẽ đến nay bạn vẫn sẽ nghe được, nhưng nhìn chung điều đó phần nhiều là sai lầm và chưa hoàn chỉnh.

Trên thực tế, các công ty máy ảnh smartphone thời gian gần đây đã tập trung cải thiện máy ảnh về mặt phần mềm, thay vì tìm cách nhồi nhét thêm nhiều phần cứng vào những khoảng trống ngày càng nhỏ bên trong thân máy. Phần mềm có lợi hơn phần cứng ở chỗ nó nắm được nhiều dữ liệu hình ảnh RAW hơn, và hầu như bất kỳ loại máy ảnh nào cũng vậy. Ví dụ, khi bạn áp tính năng giảm nhiễu lên một hình ảnh, phần mềm về cơ bản sẽ "cà phẳng" các chi tiết của hình ảnh một chút nhằm che đi những vết nhiễu kỹ thuật số nham nhở. Ảnh sẽ trông ít nhiễu hơn, nhưng nó cũng không sắc nét hay chi tiết nữa. Với một lượng lớn dữ liệu hình ảnh thu được từ một cảm biến lớn, phần mềm có thể xử lý nhiễu tốt hơn nhiều trong khi vẫn đảm bảo lưu giữ những chi tiết nhỏ.

Vậy bạn có cần độ phân giải 100-megapixel hay không? Chụp bảng quảng cáo à? Bảng quảng cáo được chụp bằng một máy ảnh DSLR 12-megapixel trông vẫn đẹp. Dù kích cỡ khổng lồ, nhưng bảng quảng cáo thường được xem bởi những người đứng cách đó hàng trăm mét. Kết quả là, những hình ảnh in trên bảng quảng cáo có thể chỉ nhỏ bằng 888 x 260 pixel mà thôi. Ngay cả những bảng quảng cáo được in ra thường cũng không đòi hỏi số megapixel cao bởi chúng được xem từ rất xa. Trên thực tế, 1-megapixel cũng đã quá đủ để in bảng quảng cáo trong một số trường hợp.

resolution

Tuy nhiên, khi người xem tiến đến gần bức ảnh hơn, mọi thứ thay đổi đáng kể. Những bức ảnh lớn có thể xem từ khoảng cách gần, ví dụ như các quảng cáo cỡ lớn ở các trạm tàu điện, nhà ga, sân bay... cần đọc được từ xa, nhưng thường thì nhiều người lại đứng xem từ khá gần. Trong những trường hợp như thế này, độ phân giải cao là rất hữu dụng.

Nhiều megapixel hơn còn cho phép bạn crop ảnh tốt hơn mà không mất chi tiết. Với cảm biến 100-megapixel, bạn có thể crop bớt 90% bức ảnh mà kết quả thu được vẫn có độ phân giải đủ để in đầy một trang giấy. Độ phân giải cao không giống như tính năng siêu zoom trên ống kính, nhưng nó có thể đạt được mục đích tương tự. Về cơ bản, crop ảnh chính là cách mà nhiều camera smartphone sở hữu tính năng "zoom kỹ thuật số" thực hiện để đạt được hiệu ứng zoom của chúng.

Nếu đã có nhiều camera với độ phân giải 100-megapixel trên thị trường, thì tại sao GFX 100 lại đặc biệt? Có nhiều lý do. Khác biệt chủ đạo là nó có thể được sử dụng như một chiếc máy ảnh bán chuyên. Hầu hết các máy ảnh medium format kỹ thuật số với độ phân giải cao (có cảm biến lớn hơn camera thông thường dành cho người tiêu dùng) thường chậm chạp trong việc lấy nét và xử lý hình ảnh. Những camera này thông thường còn thiếu những tính năng được người dùng trông chờ nhất, như quay phim độ phân giải cao chẳng hạn, cũng như thiếu các tùy chọn phong phú trong menu hệ thống để tinh chỉnh cách hoạt động của máy.

GFX 100 chia sẻ khá nhiều tính năng tương tự chiếc X-T3 giá 1.500 USD, với kích thước nhỏ hơn nhiều. Nó có một hệ thống lấy nét tự động lai (hybrid autofocus), hoạt động giống các máy ảnh nhỏ hơn, nhanh hơn. Và nó có kích thước gần như những chiếc DSLR chuyên nghiệp.

Mức giá 10.000 USD chắc chắn là khá cao khi so với các máy ảnh dành cho người tiêu dùng thông thường, nhưng nếu để ý, bạn sẽ thấy phần lưng của chiếc máy ảnh kỹ thuật số 100-megapixel của Hasselblad hiện có giá lên đến 26.495 USD – chỉ là phần lưng thôi, tức chưa kèm thân máy hay ống kính. Phase One cũng có một phần lưng máy ảnh 100-megapixel, và có giá 24.990 USD chưa kèm thân máy hay ống kính.

Những sản phẩm đó dành riêng cho giới chuyên nghiệp, và giá của chúng đã phản ánh điều đó. Nhưng bạn cứ lên website của Fujifilm mà xem những bức ảnh đầy đủ độ phân giải do GFX 100 chụp, đảm bảo bạn sẽ thèm chảy dãi!

Minh.T.T

Chủ đề khác