VnReview
Hà Nội

Đừng chỉ chụp ảnh xong “để đấy” - hãy làm ngay những việc sau đây

Bạn đã chụp tổng cộng bao nhiêu tấm ảnh kĩ thuật số trong cuộc đời mình? 10 nghìn, 20 nghìn hay thậm chí là 50 nghìn bức? Tuy nhiên, hãy nhớ lại xem kể từ khi chụp đến giờ, bạn đã làm những gì với chúng, hay mới chỉ lưu trữ nó trong bộ nhớ điện thoại hay những chiếc ổ cứng máy tính có dung lượng khổng lồ? Vậy tại sao thay vì cứ "chụp xong để đấy", chúng ta không làm một điều gì đó thú vị với những bức ảnh chụp được?

Nhiếp ảnh gia chụp cưới hướng dẫn cách sao lưu ảnh không đánh mất một khoảnh khắc quan trọng nào

Cứ thử bước chân ra ngoài đường phố đô thị tấp nập, bạn sẽ thấy hàng trăm người đang cầm trên tay những chiếc điện thoại thông minh và chụp hình liên tục. Một số bức ảnh đẹp nhất, sau khi được "tuyển chọn" cẩn thận và chỉnh sửa kĩ càng, sẽ được đăng tải lên các mạng xã hội như Facebook hoặc Instagram. Tuy nhiên, đa số chúng sẽ chỉ đơn giản được lưu trữ trong những bộ nhớ kĩ thuật số khổng lồ và gần như bị lãng quên.

Đây thực sự là một điều rất đáng tiếc. Đáng lý ra, chụp ảnh là một trong những cách tốt nhất để lưu giữ lại những khoảnh khắc, kỉ niệm về mọi người xung quanh, về những nơi chúng ta đã đặt chân tới, hay những sự kiện chúng ta đã trải qua - trong khi ngày nay, ngay cả những tấm ảnh chụp bằng điện thoại di động cũng cho chất lượng rất tốt.

Nếu chịu khó tìm hiểu và dành một chút thời gian, bạn có thể làm được một số thứ rất thú vị với những bức ảnh kĩ thuật số của mình. Dưới đây là một số gợi ý của chúng tôi:

Sắp xếp lại kho ảnh

Tôi đã chụp hàng nghìn bức ảnh bằng cả chiếc điện thoại thông minh và chiếc máy ảnh chuyên dụng của mình. Tuy nhiên, phải nói thực rằng đa số chúng có chất lượng rất tệ. Những bức ảnh selfie bị rung nhoè, những hình ảnh chụp lệch, chụp thiếu, sai bố cục, ảnh chụp màn hình điện thoại, các loại "meme" tải về để comment "dạo" trên Facebook, và cả nghìn thể loại linh tinh khác nữa. Chúng không những chỉ nên bị lãng quên – mà còn cần phải xoá ngay lập tức; và bất cứ ổ cứng hay thiết bị lưu trữ nào "chứa chấp" chúng đều rơi vào tình trạng ngập trong "rác". Tuy nhiên, lẫn trong số những bức ảnh "rác" ấy luôn tồn tại một vài bức ảnh thú vị, một số kỉ niệm quý giá không thể quên – những thứ mà tôi sẽ muốn lưu trữ vĩnh viễn. Do những bức ảnh "tốt" và "không tốt", "cần giữ" và "đáng bỏ" luôn bị để lẫn với nhau trong điện thoại, nên khi cần, tôi thường mất rất nhiều thời gian, hoặc thậm chí là không thể tìm được bức hình mình muốn. Tôi cam đoan với bạn rằng các bạn cũng đã từng ít nhất 1 lần gặp tình huống tương tự.

Và tin không tốt là không có cách nào đơn giản để sắp xếp hình ảnh cả. Cách duy nhất là bạn phải dành thời gian ngồi xuống, bỏ tất cả những sở thích và công việc sang một bên, cầm điện thoại lên và rà soát, xoá hết tất cả những tấm ảnh không cần thiết, sắp xếp hình theo từng album sự kiện, và nhấn "yêu thích" (favorite) những tấm ảnh xuất sắc nhất trong thư viện của bạn.

Tuy nhiên, có lẽ bạn sẽ không lựa chọn giải pháp này. Gần như tất cả mọi người (ngay cả tôi) đều đã chụp nhiều ảnh đến mức mà gần như không thể áp dụng được phương pháp thủ công như vậy được. Do đó, có lẽ chúng ta cần phải sử dụng những "chiến thuật" tốn ít thời gian hơn, đổi lại, chúng chắc chắn cũng không thể "kĩ lưỡng" bằng cách thủ công:

- Xem lại các tài khoản mạng xã hội Facebook và Instagram của bạn. Nếu trên đó có đăng tải những bức ảnh mà bạn thấy thích và cần phải lưu trữ lại, hãy "lục" trong điện thoại của bạn để tìm ra file ảnh gốc. Sau đó, sử dụng bức ảnh vừa tìm được làm "đầu mối" về sự kiện và tìm thêm các bức ảnh khác cũng được chụp trong sự kiện ấy.

- Sử dụng ứng dụng Photos trên điện thoại của bạn. Cả ứng dụng Photos mặc định của iPhone và ứng dụng Google Photos (hiện có cho cả hai nền tảng iOS và Android) đều có khả năng sắp xếp và hiển thị các bức ảnh của bạn theo địa điểm chụp và theo sự kiện, cùng nhiều tính năng hữu ích khác. Do được ứng dụng công nghệ máy học nên các ứng dụng này còn có khả năng gợi ý các cách sắp xếp ảnh giúp bạn – chẳng hạn như gợi ý tạo album chứa những bức ảnh được chụp khi bạn tới thăm vịnh Hạ Long năm 2019.

- Tập thói quen: bất cứ khi nào chợt nhớ ra một sự kiện thú vị nào đó trong quá khứ, bạn hãy dành ra 5 phút để tìm lại tất cả những bức ảnh được chụp ở thời điểm đó, và sắp xếp thành một album. Công việc này chắc chắn sẽ cần rất nhiều thời gian để hoàn thành, nhưng dần dần, bạn sẽ có thể sắp xếp một cách hoàn chỉnh toàn bộ kho ảnh của mình.

- Nếu bạn đang dùng iPhone, hãy thử tải ứng dụng Gemini (có giá 2,99 USD/tháng) để lọc bỏ tất cả những bức ảnh chất lượng kém hoặc không cần thiết (rung, mờ nhoè, ảnh chụp màn hình, ảnh download từ Internet…) để "dọn dẹp" kho ảnh, giúp bạn dễ dàng tìm kiếm những tấm ảnh quan trọng hơn.

In ảnh

Nhà bà ngoại tôi có rất nhiều ảnh. Bà có 4 đứa con và 14 đứa cháu (cùng rất nhiều anh chị em, cô dì chú bác, anh em họ hàng và bạn bè thân thiết), mỗi người trong số chúng tôi đều xuất hiện trong album của bà ít nhất từ 4-5 lần. Trong kho ảnh của bà không thiếu một bức ảnh nào đánh dấu từng bước lớn lên, trưởng thành của mỗi người chúng tôi. Mặc dù đa số ảnh đều có chất lượng khá… tệ, nhưng vì đó là bức ảnh duy nhất mà bà có chụp lại khoảnh khắc ấy, nên chúng vẫn được bà trưng bày.

Còn thời nay, đa số chúng ta đều có hàng trăm bức ảnh khác với chất lượng tốt hơn nhiều, nhưng vì chúng ta chẳng bao giờ in ra, nên không có ai khác có thể biết đến sự tồn tại của chúng. Cách tốt nhất để "đối xử" với những tấm ảnh kĩ thuật số là phải in chúng ra.

Bạn nên lựa chọn khoảng chục tấm hình mà bạn yêu thích nhất, in chúng ra (không cần khổ giấy quá to, chỉ cần in ở khổ 10x15cm là đủ), lồng khung và trang trí xung quanh nhà, giống như bà ngoại của tôi vậy. Hoặc, nếu có một bức ảnh bạn đặc biệt yêu thích – chẳng hạn như ảnh gia đình tập thể, bạn có thể in chúng ra với kích thước rất lớn (khoảng 90x60cm) có thể phủ kín một bức tường nhà. Đừng lo về chất lượng ảnh bị giảm sút khi phóng to, bởi đối với ảnh kĩ thuật số, ngay cả ảnh chụp bằng điện thoại di động, nếu bạn có file gốc thì có thể in phóng ở kích thước rất lớn mà không sợ bị ảnh hưởng nhiều về chất lượng.

Nhìn chung, có rất nhiều sự lựa chọn dành cho bạn. Bạn cũng có thể in ảnh thành một cuốn album nhỏ để lưu giữ trong gia đình. Việc lưu trữ những tấm ảnh vật lý sẽ giúp bạn tiện chia sẻ với những người không có điều kiện sử dụng các thiết bị di động thông minh và máy tính (chẳng hạn như những người lớn tuổi trong nhà) và tăng cường sự gắn kết, trân trọng với những kỷ niệm trong quá khứ hơn.

Tạo và chia sẻ album trên mạng

Cùng với hàng nghìn bức ảnh chụp… chính bản thân mình, thì tôi cũng chụp hàng nghìn bức ảnh khác về bạn bè, người thân… Và bên cạnh đó, bạn bè, người thân của tôi cũng chụp rất nhiều ảnh về tôi. Vấn đề ở đây là sau mỗi sự kiện, mỗi chuyến đi… thì trong máy tôi chỉ có những bức ảnh tôi chụp, và trong máy họ cũng chỉ có những bức ảnh mà họ chụp (và tất cả chúng đều đang đang được lưu trữ trên các ổ cứng máy tính và điện thoại thông minh của mỗi người). Chúng tôi ít khi chia sẻ ảnh cho nhau, và do đó chúng tôi cũng khó có dịp chiêm ngưỡng lại những bức ảnh đẹp của bản thân và những người cùng tham gia.

Tuy nhiên, có một giải pháp rất đơn giản để khắc phục tình trạng này: đó là tạo ra những album ảnh chia sẻ trực tuyến. Nhờ vậy mà tất cả mọi người đều có thể truy cập và xem tất cả các bức ảnh của chuyến du lịch hay sự kiện, trong đó có cả những bức ảnh mà mình không chụp.

Nếu tất cả mọi người tham gia đều sử dụng chung một nền tảng hệ điều hành di động thông minh, thì mọi thứ sẽ rất đơn giản. Bạn có thể sử dụng tính năng album chia sẻ có sẵn trong ứng dụng Photos trên iPhone hoặc app Google Photos (trên Android). Tuy nhiên, nếu bạn bè và người thân của bạn sử dụng các nền tảng di động khác nhau, thì bạn cần tìm đến những dịch vụ hoạt động đa nền tảng. Google Photos là một lựa chọn mà tôi rất yêu thích sử dụng bởi sự tiện dụng và "thông minh" của nó.

Cài đặt bức ảnh yêu thích làm hình nền máy tính hoặc điện thoại của bạn

Mặc dù đa số các ảnh nền mặc định cung cấp sẵn trên các thiết bị di động hiện đại đều khá đẹp, tuy nhiên chúng dẫn đến tình trạng máy nào trông cũng giống máy nào, thiếu đi bản sắc cá nhân. Vậy tại sao không sử dụng những bức ảnh đẹp do chính bạn chụp để làm hình nền máy tính, điện thoại và máy tính bảng?

Hoặc nếu có thể, lý tưởng nhất là bạn có thể đặt chúng làm screensaver cho TV. Một số mẫu TV và TV box hiện đại (chẳng hạn như Apple TV và Chromecast) hỗ trợ tính năng này.

Sử dụng hình ảnh để làm thiệp

Bạn không nhất thiết phải in những bức ảnh ra và treo khắp quanh nhà nếu bạn cảm thấy ý tưởng đó hơi… "kì cục". Thực tế là, bạn có thể làm được nhiều hơn thế. Một trong những điều tôi rất thích làm vào dịp Giáng sinh là làm những tấm thiệp handmade với nội dung là những bức ảnh do chính tôi chụp hoặc những tấm ảnh có mặt tôi và gửi cho bạn bè.

Và không nhất thiết phải là dịp Giáng sinh – bạn có thể làm thiệp sinh nhật, Lễ Tết, danh thiếp, hoặc một món đồ lưu niệm nhỏ từ những bức ảnh của mình. Hãy lan toả tình yêu thương và sự hứng khởi tới cho mọi người xung quanh bằng những tấm thiệp này nhé.

Làm những món đồ "dị" một chút

Trong một vài năm qua, trên thị trường bắt đầu xuất hiện một số dịch vụ rất "dị" (và cũng rất tuyệt vời) để "xử lý" những bức ảnh cá nhân của bạn. Bạn có muốn khuôn mặt mình xuất hiện trên một đôi tất hay đôi giày hay không? Chắc chắn là được, đã có một số dịch vụ cho phép "in" mặt bạn lên những sản phẩm thời gian và đồ dùng gia đình.

Trên thực tế, hầu như không có giới hạn nào với những thứ bạn có thể in hoặc làm từ những bức ảnh của mình. Nếu bạn nghĩ ra được một ý tưởng gì đó, thì có thể đã có những người khác nghĩ ra trước và kinh doanh dịch vụ đó rồi. Vậy nên tất cả những gì bạn cần làm chỉ là tìm một nhà cung cấp dịch vụ, trả tiền và nhận về sản phẩm siêu "dị" của mình. Tôi đã từng chứng kiến những bức tranh ghép hình, vỏ điện thoại, tranh tường và ván trượt tuyến được in hình ảnh của khách hàng. Nếu bạn có một sở thích nào đó, bạn có thể in hình của mình dán lên các dụng cụ này để gây ấn tượng với mọi người xung quanh và truyền cảm hứng cho chính mình.

Tặng ảnh làm quà

Mặc dù trong cuộc sống bận rộn ngày nay, mọi người thường không có nhiều thời gian ngắm nhìn những bức ảnh, nhưng từ sâu thẳm bên trong tôi tin ai cũng thích nhìn lại những kỉ niệm cũ. Tất cả chúng ta điều muốn xem ảnh bạn bè mình thời thơ ấu hoặc những khi còn "trẻ trâu". Nếu bạn lục lại những cuốn album hay những folder ảnh cũ và vô tình tìm thấy một bức ảnh thú vị, hãy gửi cho bạn bè mình làm quà ngay hôm nay và trong nhiều năm tới. Bạn có thể in ảnh ra, đóng khung lồng kính hoặc tìm đến những dịch vụ "dị" mà chúng tôi đã giới thiệu ở trên, tuỳ thuộc vào đối tượng nhận món quà. Tôi tin chắc tất cả mọi người đều sẽ thích những món quà như vậy.

Dù bạn có ý định làm gì với những bức ảnh của mình, có một điều mà tôi chưa nhắc đến trong bài viết nhưng lại vô cùng quan trọng: đó là hãy luôn nhớ sao lưu ảnh. Có vô số rủi ro có thể xảy đến: ổ cứng bị hỏng, smartphone bị đánh cắp hay nứt vỡ. Đừng để số phận những kỉ niệm vô giá của mình gặp rủi ro; có thể khi bạn cần, chúng đã không còn ở đó nữa rồi.

Quang Huy

Chủ đề khác