VnReview
Hà Nội

Làm cách nào để vượt qua nỗi sợ khi chụp ảnh đường phố (và trong cuộc sống nói chung)? (phần 1)

Điều đầu tiên, đối với tôi, nhiếp ảnh đường phố không chỉ là chuyện làm cách nào để chụp được những bức ảnh đẹp. Nhiếp ảnh đường phố còn là thử thách khi bạn phải xin phép một người hoàn toàn xa lạ để được chụp ảnh họ, hay khi chúng ta chỉ có một con phố trống không để "sáng tạo".

Đừng chỉ chụp ảnh xong "để đấy" - hãy làm ngay những việc sau đây

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Kristjan Vingel, một nhiếp ảnh gia đường phố sinh sống tại Luxembourg, được đăng tải trên chuyên trang Petapixel. VnReview chuyển ngữ và giới thiệu tới bạn đọc.

Tuy vậy, "mẫu số chung" của nhiếp ảnh đường phố là bạn sẽ phải dạo bước trên những con phố với chiếc máy ảnh trên tay và ghi lại những khoảnh khắc của "nhịp sống đường phố". Tôi cố gắng chỉ hiểu đơn giản như vậy thôi.

Nếu bạn muốn chụp ảnh một toà nhà, thì mọi việc rất "dễ đoán" và bạn có thể dễ dàng dự tính trước những gì cần làm. Bạn có thể ngồi ở một góc phố nào đó với chiếc máy ảnh trên tay cả ngày trời, sắp xếp, bố cục, suy nghĩ và chờ đợi một thời khắc thích hợp nhất để ghi lại hình ảnh toà nhà mình muốn chụp. Toà nhà sẽ không có "phản ứng" gì khi "thấy" bạn chụp, và nó cũng chẳng chạy đi khi bạn chĩa ống kính vào nó đâu.

Tuy nhiên, đa phần các nhiếp ảnh gia đường phố đều rất thích chụp người, bởi con người luôn là một trong những chủ đề hấp dẫn nhất và thú vị nhất để chụp. Không nghi ngờ gì điều đó.

Tuy nhiên, bạn cũng cần nhớ rằng: bên cạnh sự thú vị, chụp ảnh người cũng là một việc vô cùng thử thách. Họ di chuyển liên tục và rất khó đoán. Khó đoán ở chỗ mỗi người có một cách thức hành động, phản ứng khác nhau trước cùng một bối cảnh, một tình huống. Chưa kể, chẳng có tình huống nào trong cuộc sống hoàn toàn giống hệt nhau hết.

Đây chính là yếu tố khiến việc chụp ảnh người vừa thú vị nhưng cũng rất đáng sợ. Đáng sợ từ việc cầm máy bấm chụp đến việc xin phép người khác cho chúng ta chụp hình họ. Thông thường, chúng ta cố gắng định hình sẵn trong đầu bố cục, hình khối của bức ảnh mà chúng ta định chụp từ trước, nhưng cuối cùng thì chúng ta lại không làm được như những gì mong đợi. Vì sao lại như vậy? Vì sao chúng ta muốn nhưng lại không thể thực hiện được. Khi đứng trên đường, chúng ta luôn có cảm giác như đang có một bức tường khổng lồ vô hình chắn giữa chúng ta và chủ thể chúng ta định tác nghiệp.

Bạn đã bao giờ đi lại trên khắp các con phố, cầm theo chiếc máy ảnh trên tay nhưng vẫn mang trong mình nỗi "sợ sệt" và không dám chụp ảnh người lạ? Bạn cứ bỏ lỡ hết cơ hội này đến cơ hội khác. Hoặc khi bạn nhìn thấy một người rất "cool" trên phố và nghĩ rằng mình có thể xin phép anh/chị ấy để chụp, nhưng cuối cùng thì bạn lại không thể làm như vậy. Tôi cũng đã từng rất nhiều lần rơi vào trường hợp đó.

Trong bài viết này, tôi chủ yếu tập trung vào nỗi sợ hãi khi xin phép người lạ chụp ảnh và những khó khăn bạn có thể gặp phải trong quá trình tạo ra những bức ảnh đường phố "để đời" (nhất là khi chụp cận cảnh), bởi mặc dù nguyên tắc chụp là như nhau, nhưng nhiều người trong chúng ta đôi khi vẫn rất "rụt rè" và sợ sệt khi áp dụng chúng.

Nỗi sợ

Điều đầu tiên mà bạn cần hiểu ở đây đó là nỗi sợ tồn tại "cố hữu" trong đầu bạn sẽ không thể nào biến mất. Nỗi sợ ấy được "in hằn" vào trong não bộ của chúng ta, do đó đừng nghĩ đến việc loại bỏ nó ra khỏi tâm trí. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là học cách kiểm soát nỗi sợ ấy. Do đó, thay vì sợ sệt và không làm điều mình định làm, thì bạn phải cố gắng bằng mọi cách tự ép mình phải làm những điều đó.

Ngoài ra, chúng ta cũng không nên tìm mọi cách "rũ bỏ" hoàn toàn sự sợ hãi tồn tại bên trong mỗi người. Nỗi sợ giúp chúng ta sống sót và tồn tại trong cuộc sống này. Thử tưởng tượng bạn đứng trước một cái vực sâu và không hề sợ nhảy xuống dưới đó? Nghe có vẻ không ổn lắm nhỉ?

Chúng ta cũng thường nghĩ rằng trên đời có một số người chẳng sợ điều gì và do vậy cuộc sống của họ chắc hẳn phải dễ dàng lắm. Điều này không đúng. Chúng ta đều sở hữu những bộ não giống nhau với "phần cứng" cũng như nhau. Tất nhiên là mỗi người đều khác biệt, nhưng chúng ta đều biết ăn, biết thở, biết đi lại, đều biết quan hệ tình dục và biết nói tiếng mẹ đẻ theo cùng một cách giống nhau. Vậy nên tất cả những đặc điểm cốt lõi của chúng ta đều giống hệt nhau. Chỉ có một số chi tiết là khác nhau mà thôi.

Quay về thời kỳ nguyên thuỷ, nếu chúng ta cố tình "phá cách" và làm những điều không giống mọi người (chẳng hạn như "đang yên đang lành" lại đi "đối đầu" với người khác), thì kết cục là chúng ta sẽ bị đuổi khỏi bộ lạc – một điều chẳng khác nào "bản án tử". Vì vậy, theo tự nhiên, não bộ sẽ có xu hướng ngăn chúng ta làm những điều khiến chúng ta "khác biệt" so với mọi người xung quanh. Bằng cách này, não muốn bảo vệ chúng ta được an toàn; và cách tốt nhất để làm điều đó là tránh gây sự chú ý, chỉ làm những thứ "an toàn" giống như tất cả mọi người vẫn làm mà thôi.

Nhiếp ảnh đường phố có thể đặt chúng ta vào tình huống giống như một mình đứng dưới ánh đèn spotlight sân khấu. Chụp ảnh người khác trên phố – chụp cận cảnh – mà không hỏi xin ý kiến họ là một cách "đối đầu" với họ. Việc làm đó đồng nghĩa với việc bạn đang "xâm phạm" vào không gian riêng tư của người khác. Một số người có thể không thích và coi đó là một hành vi "khiêu chiến" hay "chế giễu".

Ngay cả việc hỏi xin ý kiến người lạ cũng là một việc làm "đáng sợ", và não chúng ta không muốn chúng ta làm như vậy. Tương tự, ngay từ thời nguyên thuỷ, việc tiếp cận với người lạ cũng khiến chúng ta trở nên khác biệt so với mọi người, và kết cục của việc làm đó có lẽ cũng không lấy gì làm "tốt" cho lắm. Não có xu hướng muốn giảm thiểu tối đa rủi ro có thể. Nó tìm mọi cách để giúp chúng ta sống sót trong cuộc sống này. Nó không quan tâm đến sở thích nghệ thuật hay sự phát triển cá nhân của chúng ta chút nào đâu.

Ngày nay, trong xã hội hiện đại, mọi thứ khác xa so với hàng nghìn năm trước. Chúng ta không còn sống trong các bộ lạc nữa, vì vậy chúng ta cũng chẳng thể bị "đuổi" khỏi đâu được. Việc có những tương tác "không tích cực" với người lạ cũng chẳng gây ra vấn đề gì lớn lắm. Vì đơn giản, nhiều khả năng chúng ta sẽ chẳng bao giờ gặp lại họ nữa.

Tuy nhiên, não bộ của chúng ta thì không hiểu được điều này. Chúng vẫn lưu giữ những thói quen có từ thời nguyên thuỷ của loài người. Sự tiến hoá không thể bắt kịp với tốc độ phát triển chóng mặt của xã hội loài người. Đó là lý do vì sao chúng ta vẫn cứ ăn "vô tội vạ" sô-cô-la và các loại đồ ăn có hàm lượng calo cao. Bởi hàng nghìn năm trước, thức ăn có hàm lượng calo cao rất hiếm, và nếu bạn tìm thấy một thứ gì như vậy, bạn sẽ cố gắng "ăn lấy ăn để" để duy trì "mạng sống" của mình (theo đúng nghĩa đen).

Tôi dành toàn bộ phần 1 của bài viết này để giải thích cơ chế đằng sau nỗi sợ, bởi tôi nghĩ rằng nếu bạn thực sự "hiểu" được vấn đề, thì tức là bạn đã vượt qua được một nửa chặng đường để "khắc chế" nó rồi. Bạn chỉ cần hiểu được nguyên nhân vì sao mình sợ là đã giúp giảm bớt sự lo lắng mỗi khi chúng ta rơi vào một tình huống tương tự, bởi lẽ khi ấy chúng ta có thể tự "an ủi" bản thân rằng: "Ồ, không có gì đâu mà, chỉ là não tôi đang làm đúng chức năng của nó mà thôi!"

(Còn tiếp)

Quang Huy

Chủ đề khác