VnReview
Hà Nội

Làm cách nào để vượt qua nỗi sợ khi chụp ảnh đường phố (và trong cuộc sống nói chung)? (phần 2)

Không có cách "thần kỳ" nào để loại bỏ hoàn toàn nỗi sợ hãi tồn tại bên trong mỗi người cả, nhưng tôi có một số ý tưởng mà bạn có thể học hỏi và áp dụng để giúp bản thân vượt qua nỗi sợ hãi, đặc biệt là nếu bạn có thể kết hợp chúng với nhau.

Làm cách nào để vượt qua nỗi sợ khi chụp ảnh đường phố (và trong cuộc sống nói chung)? (phần 1)

Nối tiếp phần trước, VnReview chuyển ngữ và giới thiệu tới bạn đọc phần 2 của bài viết "Làm cách nào để vượt qua nỗi sợ khi chụp ảnh đường phố (và trong cuộc sống nói chung)?" của tác giả Kristjan Vingel, một nhiếp ảnh gia đường phố sinh sống tại Luxembourg. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Sự háo hức

Điều đầu tiên bạn cần nhận ra và ghi nhớ, đó là những nỗi sợ mà bạn đang trải qua thực chất không phải là sự sợ hãi. Đó là sự háo hức. Thật vậy, những biểu hiện của sợ hãi và háo hức tương đối giống nhau, do đó chúng ta thường nhận thức "nhầm" về thứ cảm xúc mà chúng ta đang trải qua.

Khi bạn cầm máy ảnh ra đường, xuống phố, tức là bạn đang rất háo hức muốn chụp một bức ảnh. Tâm trí của bạn thúc giục bạn phải làm điều đó. Vậy nên đây không phải sự sợ hãi. Làm gì có con hổ nào tấn công bạn, đe doạ tính mạng của bạn khi bạn chụp ảnh phố phường đâu, vì thế làm sao mà phải sợ? Nếu đó không phải là nỗi sợ thì là gì? Chắc chắn là sự háo hức.

Hãy coi việc này giống như bạn đang nhìn vào một cái la bàn đi. Khi bạn đang cảm thấy cái-cảm-giác-mà-bạn-cho-là-sợ trước khi làm việc gì, thì hãy tự nhủ rằng đó chính là dấu hiệu thúc giục bạn càng phải làm việc đó. Tôi biết rằng nói thì dễ hơn làm, nhưng hãy thử nghĩ về điều đó một cách tích cực (chứ không phải là tiêu cực) đi. Steven Pressfield gọi đó là "sự phản kháng" của chúng ta trước tự nhiên.

Những cơ hội bị bỏ lỡ

Điều mà bạn thực sự nên lo lắng và thậm chí "sợ hãi" là những cơ hội bị bỏ lỡ. Nếu bạn không thể bấm máy chụp "trộm" mà cũng không dám bước ra hỏi xin để được chụp một bức ảnh chân dung của cô gái xinh đẹp bạn vô tình bắt gặp trên phố, thì bạn biết rằng bạn sẽ không bao giờ có cơ hội để chụp cô ấy một lần nào nữa.

Do đó, thay vì lo sợ rằng mình trông sẽ thật "kỳ lạ" và "khác người", sẽ bị từ chối khi hỏi xin hay chỉ đơn giản là ngại "chạm mặt"/giao tiếp với người khác, thì bạn nên cảm thấy lo sợ vì đã "bỏ lỡ cơ hội" đi!

Hãy tự nhủ một điều: Bạn không bao giờ hối hận vì đã làm một việc gì đó; bạn chỉ hối hận vì đã không làm điều đó mà thôi.

Hãy bước ra khỏi "vòng lặp luẩn quẩn"

Đầu tiên, bạn phải nhận thức được rằng mình đang rơi vào một "vòng lặp luẩn quẩn". Thứ hai, bạn đưa ra một quyết định tỉnh táo để bước ra khỏi "cái vòng" đó.

"Vòng lặp" ở đây nghĩa là gì? Khi bạn liên tục có những suy nghĩ tương tự nhau và kết quả của những suy nghĩ ấy là những hành động (hoặc không hành động) cũng tương tự như thế, thì đó gọi là vòng lặp. Chẳng hạn, bạn biết rằng bạn cần phải dậy sớm vào buổi sáng, nhưng bạn cứ liên tục trì hoãn điều đó vì nghĩ rằng ‘thôi, nằm thêm một chút nữa cũng chưa muộn', đó chính là vòng lặp; vòng lặp này chỉ kết thúc khi bạn "bứt" ra khỏi suy nghĩ đó và bật hẳn dậy.

Suy nghĩ tương tự cũng xảy ra trong tâm trí bạn khi bạn đi lại trên phố với chiếc máy ảnh trong tay, nhưng vẫn "sợ" và không chịu chụp ảnh. Hãy để ý suy nghĩ của bản thân. Chúng vẫn luôn như vậy, chẳng có gì thay đổi phải không? Còn hành động của bạn thì sao? Cũng y hệt. Tuy nhiên, cái "hành động" của bạn ở đây thực chất không phải là hành động, mà là sự "không hành động". Đó là bạn cứ đi đi lại lại (lặp) mà thôi, có chụp được gì đâu.

Giải pháp là bạn hãy làm tương tự như cách bạn "dứt" khỏi giấc ngủ đầy sung sướng của mình vào mỗi buổi sáng. Bạn phải tự mình "bước ra".

Liên hệ với nhiếp ảnh đường phố, trong trường hợp này, bạn chỉ cần tiến lại gần người ta và nói, "Xin lỗi, tôi thấy chị rất đẹp và nổi bật, tôi có thể xin chụp một bức ảnh chân dung chị được không?" Có thế thôi. Đừng lo lắng về chuyện gì sẽ xảy ra sau đó, mọi thứ sẽ xảy ra theo cách tự nhiên của nó mà thôi. Thậm chí ngay cả khi mọi thứ không diễn ra một cách tự nhiên, thì không phải vì nó không tự nhiên, mà là bởi bạn chưa luyện tập thành thục hoặc vẫn có gì đó "vương vấn" trong lòng bạn khiến bạn "lo lắng".

Không ai sinh ra đã giỏi tương tác với người khác hay giỏi đối mặt với những thử thách trong cuộc sống. Đó chính là một kĩ năng mà bạn cần phải học thông qua việc thường xuyên "ném" bản thân vào những hoàn cảnh như vậy.

Ở một thời điểm nào đó bạn cần phải "phá bỏ" vòng lặp; cần nhớ rằng điều này sẽ không bao giờ tự nó xảy ra đâu. Bạn cần phải đưa ra quyết định và tự bản thân thực hiện điều đó.

Người khác sẽ nghĩ gì về tôi?

Đây thực sự là một nỗi băn khoăn phổ biến.

Tất cả chúng ta lúc nào cũng nghĩ (và lo lắng) về cách người khác nghĩ về mình. Nhưng sự thật là, chẳng ai quan tâm đâu!

Bạn có thể cảm thấy lo lắng về những gì người khác đang nghĩ về bạn, nhưng hãy nhớ rằng, đâu chỉ có mình bạn lo lắng như vậy. Ai cũng có suy nghĩ giống như bạn mà thôi.

Đa số mọi người bước đi trên phố chẳng nhìn thấy gì ngoài tầm với cánh tay của họ đâu, nhất là trong thời đại hiện nay ai ai cũng cắm mặt vào chiếc điện thoại và chìm sâu vào thế giới bên trong đó. Tất cả mọi thứ khác bên ngoài đối với họ chỉ là những khoảng nền mờ mà thôi.

Khi bạn bắt chuyện hay chụp ảnh "trộm" người khác, bạn có thể sẽ thu hút ánh nhìn của những người xung quanh, nhưng chỉ trong một vài giây mà thôi. Ngay sau đó, tất cả mọi người sẽ lại chìm vào những suy nghĩ và thế giới riêng của họ. Nên chẳng có gì phải lo hết!

Bằng chứng, chứ không phải những lời hứa

Hãy tự hỏi bản thân rằng bạn sợ điều gì, và đi tìm nguyên nhân tận cùng của nỗi sợ ấy. Rồi hãy thử nghĩ một lý lẽ để phản biện lại điều đó.

Ví dụ: "Tôi sợ đến gần người khác để chụp ảnh vì có thể họ sẽ nổi điên lên và đấm vào mặt tôi." Bạn có thể dùng những phản đề nào để phản đối quan điểm này?

Bạn hãy chứng minh với chính "não bộ" của mình rằng sự lo lắng trên là không có cơ sở. Hãy tự hỏi bản thân rằng đã bao giờ điều đó xảy ra với bạn hay chưa? Đã có ai đấm vào mặt bạn sau khi bạn chụp ảnh mà không hỏi xin ý kiến của họ hay chưa? Có lẽ là chưa. Vậy điều tồi tệ nhất đã từng xảy đến với bạn khi bạn chụp ảnh người lạ là gì?

Đây chỉ là một trong những câu hỏi bạn có thể tự đặt ra cho bản thân để "phân tích" nguyên nhân đằng sau nỗi sợ của mình.

Tuy nhiên đây mới chỉ là một phần của vấn đề.

Phần còn lại là làm thế nào bạn phải cung cấp cho não bộ của mình những bằng chứng, chứ không phải là những lời hứa hẹn. Việc nghĩ ngợi – tìm lý lẽ biện hộ để phản biện bộ não của bạn chỉ có tác dụng tương đối nhỏ. Điều có tác động lớn hơn nhiều là hãy minh hoạ/minh chứng cho não bạn thấy nỗi sợ đó là không có cơ sở.

Và cách tốt nhất để làm việc này là bạn hãy thử làm cái điều mà bạn vẫn thường hay sợ đi. Hãy nhắm mắt, đối mặt với nỗi sợ, và làm!

Tuy nhiên, với nhiều người, điều này rất khó. Chẳng hạn có những người rất sợ đi máy bay, và họ kiên quyết không bao giờ từ bỏ quan điểm của mình là sẽ không đi. Và do đó cả đời họ chẳng bao giờ biết đến cảm giác đi máy bay là gì. Bạn thấy không, nỗi sợ có sức mạnh to lớn đến vậy đó. Nó chỉ huy những quyết định và hành động của chúng ta.

Vậy tôi phải làm sao? Đừng lo lắng, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ. Bạn hãy nhìn vào những tấm ảnh được chụp từ khoảng cách gần do các nhiếp ảnh gia đường phố khác chụp. Hãy xem những đoạn video theo phong cách "kể chuyện bằng ngôi thứ nhất", trong đó các nhiếp ảnh gia đường phố quay cận mặt cảnh họ đi lại và giao tiếp, nói chuyện với chủ thể mà họ muốn chụp. Hãy xem video nhiếp ảnh gia Eric Kim chụp đường phố bằng đèn flash ở Los Angeles hay những video hướng dẫn chụp ảnh đường phố nổi tiếng của Bruce Gilden.

Điều này sẽ giúp chứng minh cho não bộ của bạn thấy rằng chẳng có điều gì xấu xảy ra cả, và chuyện chụp ảnh trên phố là "hoàn toàn bình thường".

Đó sẽ là những bằng chứng để giúp bạn tự tin hơn, dám bước ra ngoài và tự mình làm những điều tương tự như trong video. Bạn càng ra ngoài làm nhiều, bạn càng cho não bộ của bạn thêm bằng chứng rằng mọi thứ đều sẽ ổn thôi và chẳng có gì phải sợ cả.

Trong tâm lý học, cách này gọi là "liệu pháp nhận thức – hành vi" và là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để "chữa" bệnh lo âu dạng này.

Chẳng hạn, khi chữa bệnh "sợ rắn", bước đầu tiên người ta thường cho những người sợ rắn nhìn hình ảnh của những con rắn đằng sau tấm kính. Sau đó, họ sẽ được quan sát những người điều khiển rắn chuyên nghiệp làm việc. Kết quả là, khi "người bệnh" còn chưa kịp nhận ra, thì người ta đã để con rắn trườn lên tay họ rồi.

Đây là một trận chiến

Như tôi đã nói ở đầu bài viết, "nỗi sợ" không bao giờ thực sự biến mất. Chỉ là bạn học cách để trở nên tự tin hơn, học cách kiểm soát nỗi sợ của mình. Nhưng nỗi sợ thì vẫn ở đó.

Bạn sẽ để ý thấy rằng khi bạn bắt đầu hành động và não bạn thấy bằng chứng rằng không có chuyện gì xảy ra cả, thì bạn sẽ rơi vào trạng thái "phiêu", giống như thể bạn đang "trôi theo dòng nước" vậy. Có cảm giác rằng những bức ảnh đang tự chụp chính nó, còn bạn chỉ là một "công cụ" chạy theo sau mà thôi!

Hãy cùng xét một ví dụ: bạn ra ngoài, hỏi xin người lạ cho bạn chụp một tấm ảnh chân dung của họ. Lần đầu tiên và lần thứ hai có thể sẽ khó khăn, nhưng bạn sẽ nhận ra rằng mọi thứ sẽ dần trở nên dễ dàng hơn, từng chút, từng chút một, cho đến lúc bạn bước vào trạng thái chẳng quan tâm đến cái gì nữa, và bạn chỉ muốn tương tác thật nhiều với mọi người xung quanh mà thôi (hoặc thoải mái đến gần họ và chụp ảnh mà chẳng buồn hỏi xin). Có khi bạn còn cảm thấy mình thật "vênh váo" nữa ấy chứ!

Tuy nhiên, cũng có khả năng, bạn chỉ làm được như thế trong đúng 1 ngày đầu tiên mà thôi. Đến ngày thứ hai, mọi thứ lại như cũ và bạn phải bắt đầu lại từ đầu.

Nhưng hãy nhớ rằng, kể cả khi đến ngày thứ hai, bạn phải bắt đầu lại từ con số 0, thì cũng không hẳn là bạn tay trắng. Bạn vẫn giữ trong mình những kinh nghiệm của ngày đầu. Qua thời gian, những kinh nghiệm cứ tích góp lại, lớn dần lên, và đó chính là lúc sự tự tin trong bạn hình thành. Bạn biết rằng bạn đã trải qua cảm giác này nhiều lần, và bạn cũng biết chắc chắn rằng mọi thứ rồi sẽ ổn cả thôi. Bạn sẽ có thể giải quyết mọi trở ngại xuất hiện trên đường đi của mình. Đó mới chính là sự tự tin thực sự.

Quang Huy

Chủ đề khác