VnReview
Hà Nội

12 điều cần tránh khi mua chiếc máy ảnh phim đầu tiên của bạn

Bạn muốn dấn thân vào cuộc chơi máy ảnh phim đầy tốn kém? Bạn cần làm gì?

film

Không ai có thể nói cho bạn biết chính xác nên làm gì, bởi xuất phát điểm cũng như kỹ năng của mỗi người khi bước vào thế giới SLR 35mm là khác nhau. Tuy nhiên, có 12 điều sau bạn nên tránh khi mua chiếc máy ảnh phim đầu tiên của mình.

1. Đừng quá lo lắng về việc phải mua được chiếc máy ảnh "tốt nhất"

Đây có lẽ là điều khá lạ lẫm đối với một số nhiếp ảnh gia từng sử dụng máy ảnh kỹ thuật số: trong thế giới nhiếp ảnh phim, thân máy có ảnh hưởng rất ít đến chất lượng hình ảnh. Trong thế giới kỹ thuật số, một chiếc Nikon D40 bình dân đơn giản là không thể đạt được chất lượng hình ảnh tương đương một chiếc Nikon D5 cao cấp. Nhưng với máy ảnh phim, một chiếc Nikon N55 bình dân vẫn có thể cho ra một bức ảnh đẹp không kém một chiếc Nikon F6 chuyên nghiệp. Thứ thực sự tác động đến chất lượng (xét về mặt kỹ thuật) của ảnh là ống kính và cuộc phim.

Tất cả những gì thân máy ảnh phim làm là giữ cuộn phim và tạo điều kiện cho nó tiếp xúc với ảnh sáng. Những máy ảnh tiên tiến hơn cho bạn nhiều lựa chọn hơn trong quá trình thực hiện điều đó, nhưng kết quả thu được không hẳn là tốt hơn – quả thực, rất ít người có thể chỉ ra sự khác biệt giữa một bức ảnh chụp bằng máy ảnh Leica giá 5.000 USD với một bức ảnh chụp bằng máy ảnh Minolta giá 50 USD. Miễn là bạn trang bị cho máy ảnh của mình một ống kính tốt – mà hầu hết các ống kính được sản xuất bởi các hãng sản xuất máy ảnh đều khá tốt – thì bạn đã có cơ hội chụp được ảnh với chất lượng tốt rồi (về mặt kỹ thuật thôi, còn bố cục có tốt hay không thì tùy vào kỹ năng của bạn). Do đó đừng nên sốt sắng tìm mua chiếc máy ảnh tốt nhất, chỉ cần tìm một chiếc máy ảnh hoạt động tốt mà bạn thích, bởi với nhiếp ảnh phim, máy ảnh tốt là đã đủ tốt rồi!

2. Đừng nghĩ rằng máy ảnh đắt hơn là tốt hơn

film

Giá máy ảnh phim đã qua sử dụng có thể chịu ảnh hưởng bởi đủ loại yếu tố, bao gồm tính hoài cổ. Kết quả là, những máy ảnh "sinh viên" phổ biến như Pentax K1000 và Canon AE-1 thường có giá quá cao so với những tính năng chúng sở hữu. Trên thực tế, trong thế giới của những chiếc máy ảnh phim đã qua sử dụng, một vài mẫu máy ảnh tiên tiến bậc nhất lại nằm trong số những mẫu máy…rẻ nhất. Ví dụ, N8008, chiếc máy ảnh chuyên nghiệp đỉnh của đỉnh do Nikon sản xuất vào cuối những năm 1980, có giá cao gấp 3 lần chiếc Pentax K1000 bình dân khi mới xuất hiện. Nhưng ngày nay, K1000 lại có giá cao gấp 3 lần (hoặc hơn) N8008.

Uy tín của nhãn hiệu cũng đóng một vai trò lớn (và đôi lúc là rất lớn). Nikon FE, một chiếc SLR lấy nét tay tuyệt đỉnh với chế độ tự động ưu tiên khẩu độ, được bán với giá từ 75-150 USD – quá hời đối với một chiếc Nikon từng một thời đỉnh cao. Nhưng Ricoh KR-10 cũng có những tính năng tương tự thì lại có thể dễ dàng mua được với giá từ 35 USD trở xuống. Ricoh KR-10 có thể có độ hoàn thiện kém hơn một chút, nhưng cho ảnh tốt tương đương Nikon FE.

3. Đừng ngại chọn một chiếc máy ảnh điện tử

Fan của máy ảnh cơ nhiều vô kể. Nhưng một số lý do thôi thúc bạn phải sắm máy ảnh cơ lại không hợp lý lắm đối với những người sử dụng máy ảnh phim (đúng là máy ảnh cơ vẫn hoạt động dù hết pin, nhưng chức năng đo sáng sẽ vô dụng). Các máy ảnh cơ như Nikon FM, Olympus OM-1, và Pentax MX đều rất mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần đắt đỏ. Các camera với màn trập điện tử (cần pin để điều khiển màn trập) thường có giá thấp hơn, và nhiều máy ảnh lấy nét tự động điện tử 100% lại càng rẻ hơn nữa.

Máy ảnh điện tử có một vài ưu điểm nổi trội so với máy ảnh cơ, đặc biệt đối với những người lần đầu sử dụng. Chúng có ít bộ phận di chuyển hơn và ít bị mất nét hơn máy ảnh cơ. Có nghĩa là nếu chúng hoạt động bình thường, mọi thứ sẽ đúng như dự tính, với khả năng đo sáng và đóng màn trập chính xác (đó là lý do tại sao các nhà sản xuất máy ảnh chuyển sang máy ảnh điện tử). Khả năng sửa chữa có thể…hên xui, bởi chúng thường phụ thuộc vào linh kiện điện tử từ các máy ảnh đã hỏng khác, vốn cũng có thể gặp những vấn đề liên quan đến tuổi tác tương tự. Nhưng vì chúng quá rẻ, đôi lúc thay mới một chiếc máy ảnh điện tử lại kinh tế hơn hẳn đi sửa một chiếc máy ảnh cơ.

4. Đừng mua máy ảnh khi chưa tìm hiểu hệ ống kính

Nghiện ống kính khi dùng máy ảnh phim cũng giống như nghiện so chi tiết khi dùng máy ảnh số vậy Rất ít người có thể nhìn vào một bức ảnh và kết luận rằng nó được chụp bởi ống kính Nikkor (của Nikon), Rokkor (của Minolta), Zuiko (của Olympus), Rikenon (của Ricoh) hay Takumar (của Pentax). Những khác biệt trong chất lượng giữa các ống kính của các nhà sản xuất máy ảnh là rất nhỏ, nhưng sự khác biệt về giá thì có thể rất lớn. (Ống kính bên thứ ba là một câu chuyện khác, bởi chất lượng của chúng "thượng vàng hạ cám"). Nên nhớ rằng, một chiếc máy ảnh rẻ tiền sẽ không hề rẻ nếu nó buộc bạn phải sắm toàn những ống kính "khủng".

Thông thường, người ta nghĩ rằng máy ảnh lấy nét tay tốt nhất nên sử dụng cùng các ống kính prime (ống kính với tiêu cự cố định), bởi chất lượng quang học của các ống kính zoom vào thời đó chưa thực sự tốt. Ngoài ra, ống kính prime thường có khẩu độ tối đa lớn hơn, giúp chụp thiếu sáng dễ dàng hơn. Công nghệ zoom đã được cải thiện trong nửa sau của thập niên 1980, do đó chúng là những lựa chọn tốt hơn nếu sử dụng máy ảnh lấy nét tự động.

Bạn sẽ cần tìm hiểu về khả năng tương thích ống kính (sẽ khá phức tạp đấy – ví dụ, Nikon đã và đang sử dụng một loại ngàm trong hàng thập kỷ, nhưng không phải mọi ống kính đều hoạt động đầy đủ chức năng với mọi máy ảnh). Bạn không biết nên bắt đầu từ đâu? Với máy ảnh SLR 35mm, ống kính 50mm với khẩu độ tối đa nằm giữa F2 và F1.4 là một lựa chọn tốt để làm quen, và đối với máy ảnh lấy nét tự động, ống kính zoom với dải tiêu cự 28-85mm sẽ phù hợp nhất. Hoặc bạn có thể mua một chiếc máy ảnh rangefinder, compact, hoặc bridge (máy ảnh ống kính liền cao cấp, giống compact nhưng kiểu dáng hầm hố hơn) – những loại máy ảnh với ống kính không tháo rời được.

5. Đừng mua máy ảnh quá tự động… hoặc quá thủ công

Máy ảnh phim có nhiều mức độ tự động khác nhau. Một số chỉ có thể điều khiển phơi sáng thủ công, đòi hỏi nhiếp ảnh gia phải thiết lập cả khẩu độ và tốc độ màn trập. Một số yêu cầu bạn phải thiết lập một thứ (thường là khẩu độ) và sẽ tự động thiết lập thứ còn lại cho bạn. Số khác lại có chế độ chụp theo chương trình, có thể tự động làm mọi thứ. Lấy nét và những thứ khác cũng có thể được làm thủ công hoặc tự động tùy ý bạn.

Nếu bạn mua máy phim lần đầu, hãy tránh các máy ảnh chỉ có chức năng phơi sáng tự động. Dù chúng cho ra những bức ảnh đẹp, sẽ tốt hơn nếu máy ảnh cho phép bạn thiết lập phơi sáng thủ công và thực sự nắm quyền kiểm soát toàn bộ quá trình chụp. Mặt khác, một máy ảnh hoàn toàn thủ công có thể gây phức tạp nếu bạn có thói quen dùng máy ảnh kỹ thuật số tự động ngày nay. Một máy ảnh lấy nét thủ công với cả chế độ phơi sáng thủ công và tự động là lựa chọn tốt để bắt đầu. Bạn có thể chụp ở chế độ tự động nếu muốn tìm hiểu về lấy nét, sau đó chuyển sang thủ công khi đã sẵn sàng. Một vài ví dụ hấp dẫn của loại máy ảnh này bao gồm Nikon FE2, Minolta X-700, và Canon AE-1. Nếu bạn mua một chiếc SLR tự động lấy nét, hãy chọn máy nào có chế độ thủ công tích hợp sẵn.

6. Đừng mua máy ảnh chưa qua kiểm tra

Nếu bạn mua máy ảnh trên các website mua bán trực tuyến, hãy đọc kỹ phần miêu tả và hỏi xem máy đã được kiểm tra chưa. Một chiếc máy ảnh phim tốt sẽ có thể đo sáng hoàn hảo, màn trập nhảy tanh tách ở mọi; tốc độ chụp, chốt khóa buồng chứa phim và pin đóng kín, cuộn phim không bị kẹt hoặc khó di chuyển, và các chức năng như tự động lấy nét, tự động lên phim, và hẹn giờ chụp đều thực hiện được. Không phải mọi người bán đều biết điều đó, nhưng bạn phải biết, và nếu người bán nói rằng camera hoạt động nhưng nó không như vậy, bạn phải yêu cầu hoàn tiền. Những máy ảnh chưa qua kiểm tra hoặc chỉ có một số chức năng hoạt động đều không đáng mua. Để "chắc ăn", bạn nên mua máy tại một cửa hàng gần nhà hoặc có uy tín – có thể bạn sẽ phải tốn nhiều tiền hơn một chút, nhưng bạn sẽ nhận được sự đảm bảo.

Bạn có nên mua một chiếc máy ảnh không hoạt động được? Có lẽ là không nếu đó là chiếc máy ảnh phim đầu tiên của bạn – nhưng đừng bỏ qua nó. Hầu hết các vấn đề với máy ảnh cơ, và một số máy ảnh điện tử, có thể được khắc phục thông qua một quy trình lau chùi, bôi trơn và tinh chỉnh – vốn thường tốn khoảng hơn 2 triệu đồng, và có lẽ là số tiền hoàn toàn xứng đáng đối với một chiếc máy ảnh giá trị cao hoặc một mẫu máy mà bạn thực sự muốn sở hữu. Một khi đã được khắc phục, máy ảnh sẽ có thể hoạt động nhiều năm trời mà không gặp vấn đề gì nữa. Quan trọng là bạn phải tìm được một cửa hàng sửa chữa máy phim uy tín và tham khảo ý kiến của họ xem chiếc máy ảnh bạn muốn sửa có đáng để sửa hay không.

7. Đừng mua máy ảnh không lấy nét

film

Nếu bạn đang tìm một chiếc máy ảnh point-and-shoot gọn nhẹ, bạn nên biết sự khác biệt giữa lấy nét tự động (autofocus) và không lấy nét (focus-free). Lấy nét tự động là máy có khả năng tự động lấy nét (hiển nhiên rồi!), trong khi máy ảnh không lấy nét thì có một ống kính khẩu độ nhỏ và dựa vào độ sâu trường ảnh để làm ảnh của bạn trở nên sắc nét. Những máy ảnh này cũng không cho phép bạn kiểm soát nhiều vào quá trình phơi sáng; chúng dựa vào sự linh hoạt của quy trình in phim màu để cho ra ảnh đẹp với độ phơi sáng vừa đủ.

Dù bạn tin hay không, thì có khá nhiều mẫu máy ảnh không lấy nét được sản xuất bởi những tên tuổi lớn như Olympus, Minolta, và Kodak, cũng như những hãng bình dân như Vivitar, Argus, và Keystone. Hầu hết các máy ảnh này đều ghi rõ trên thân máy là "Focus Free". Nếu một chiếc máy ảnh làm bằng nhựa rẻ tiền đi kèm với một cái tên mà bạn chưa từng nghe đến, khả năng cao đó là máy ảnh không lấy nét.

8. Đừng mua một chiếc máy ảnh 35mm "chuyên nghiệp" đã qua sử dụng

Khi bạn thấy một chiếc máy ảnh hàng đỉnh huyền thoại như Nikon F4 hay Canon EOS-1n xuất hiện trên eBay với giá rất thấp so với giá gốc, bạn hẳn ngứa ngáy tay chân muốn bấm vào nút mua ngay. Những chiếc máy ảnh như vậy từng thuộc hàng "nhất của nhất" vào thời của chúng, giá từ 2.000 USD trở lên, và việc có thể mua chúng mà chỉ cần bỏ ra vài trăm đô rõ ràng là một món hời. Đừng! Đừng bao giờ!

Vấn đề ở đây là: rất nhiều trong số những máy ảnh này đã từng được dùng bởi những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, có nghĩa chúng đã phải hoạt động thường xuyên và liên tục. Giống DSLR, máy ảnh phim với màn trập điện tử có tuổi thọ màn trập giới hạn, và ngay cả màn trập cơ cũng có thể xuống cấp. Một nhiếp ảnh gia chụp vì đam mê sử dụng trung bình 2 cuộn phim 35mm mỗi tuần sẽ chụp khoảng 3.800 ảnh mỗi năm, nhưng một nhiếp ảnh gia chuyên chụp cưới hoặc làm báo có thể chụp cùng con số đó, tính theo tháng. Nếu màn trập bị lỏng, thay thế nó có thể tốn kém hơn cả giá trị của chiếc máy ảnh. Tốt nhất hãy chọn những chiếc máy ảnh "bán chuyên" cao cấp, vốn có những tính năng tương tự máy ảnh chuyên nghiệp nhưng được sử dụng ít hơn nhiều.

9. Đừng (hoặc chưa) nên mua máy ảnh medium-format

Máy ảnh medium format cho ra những bức ảnh âm bản to, đẹp, có thể được phóng lên những kích cỡ lớn một cách vô lý. Nhưng ảnh càng to, bạn càng phải chi nhiều tiền, cả cho máy ảnh lẫn phim. Nếu bạn chỉ mới quan tâm đến máy ảnh phim, máy ảnh 35mm sẽ mang đến cho bạn nhiều lựa chọn hơn, cả về mẫu máy lẫn ống kính, ở một mức giá dễ thở hơn. Nếu bạn tìm thấy tình yêu nơi máy phim, bạn luôn có thể "thăng cấp" lên máy ảnh medium format sau này.

10. Đừng vội mua ngay phim xịn

film

Mua một chiếc máy ảnh đã qua sử dụng luôn kèm theo một nguy cơ nào đó, và chẳng có gì khiến một nhiếp ảnh gia mới tập tọe chơi ảnh phim cụt hứng hơn việc bỏ ra một số tiền lớn mua phim, sau đó chụp và mang đi rửa, chỉ để nhận về một cuộn phim với những thước phim âm bản chẳng thể dùng được. Hãy khoan mua các cuộn phim Ektar, Portra, hay Cinestill. Cuộn phim đầu tiên bạn nên chụp với bất kỳ chiếc máy ảnh mới nào là một cuộn phim màu âm bản 24-exposure rẻ nhất có thể mua được.

Chụp nhanh vài tấm ở gần nhà. Thử đưa nhiều chủ thể với họa tiết và độ sáng khác nhau vào khung hình, và chụp ở các khoảng cách khác nhau. Nếu có thể, sử dụng các khẩu độ và tốc chụp khác nhau. Mang phim đi rửa và kiểm tra ảnh âm bản thật kỹ. Nếu bạn không có kinh nghiệm đánh giá âm bản, cửa hàng rửa phim có thể giúp bạn tìm những dấu hiệu hở sáng hoặc phơi sáng không chính xác. Một khi biết chắc máy ảnh mới mua hoạt động tốt, bạn có thể tự tin mua phim xịn được rồi!

11. Đừng mua chỉ một chiếc máy ảnh

Ngày trước, việc mang theo hai máy ảnh trong túi là điều khá phổ biến. Không như máy kỹ thuật số, máy phim không thể thay đổi ISO nhanh chóng được, hoặc không thể chuyển đổi liền mạch giữa ảnh màu và ảnh đen trắng, trừ khi bạn thay cuộn phim. Một camera thứ hai cho phép bạn có thêm lựa chọn: có thể chụp cùng một khung cảnh với màu và trắng đen, hoặc có thể chụp những đám mây đang bay nhanh hơn, hoặc khi chuyển bối cảnh chụp từ ngoài trời vào trong nhà. Và máy ảnh này cũng có thể đóng vai trò dự phòng trong trường hợp máy chính bị hỏng.

Nếu bạn sử dụng máy ảnh thay ống kính được, mang theo hai thân máy tương thích lẫn nhau sẽ giúp bạn ít phải mang theo "đồ nghề" hơn. Bạn không cần phải mang hai máy cùng mẫu: một chiếc Pentax MG giá 35 USD sẽ làm dự phòng tốt cho một chiếc Pentax LX giá 350 USD (hoặc combo Nikon EM + FM2). Bạn không nhất thiết phải mua hai máy ảnh cùng lúc, nhưng nếu tìm thấy một chiếc máy ảnh và một bộ ống kính ưng ý, đầu tư thêm một thân máy thứ hai có khả năng tương thích là điều nên làm.

12. Đừng vội vàng chi quá nhiều tiền

Nhiếp ảnh phim là thú vui tuyệt vời, nhưng không dành cho mọi người. Sau một thời gian chơi phim, bạn có thể thu được một ít kinh nghiệm, và quyết định…quay về với máy ảnh kỹ thuật số. Nhưng sẽ thật là thảm họa nếu trước đó bạn lỡ chi ra đến 500 USD cho một bộ máy phim. Có rất nhiều máy ảnh phim tốt với giá dưới 100 USD, do đó hãy bắt đầu với thứ gì đó tiết kiệm thôi.

Máy ảnh giữ giá khá tốt, nên nếu bạn thấy bản thân không hợp với máy phim, bạn có thể bán bộ máy mà chỉ lỗ đôi chút – hoặc tặng nó cho ai đó muốn thử. Nếu bạn trót yêu máy phim, giống như nhiều người khác, bạn luôn có thể mua những máy đắt hơn, dù rằng một điều chắc chắn là chiếc máy phim đầu tiên sẽ luôn có một vị trí đặc biệt trong tim bạn!

Minh.T.T (theo DPRreview)

Chủ đề khác