VnReview
Hà Nội

Bí quyết chụp ảnh Mặt trăng ảo diệu, ấn tượng

Chụp được một bước ảnh đẹp của "Chị Hằng" khó hơn bạn nghĩ, nhưng với một chút thời gian chuẩn bị, bạn có thể tạo ra một khác biệt lớn.

Mặt Trăng là một thứ khó chịu đối với các nhiếp ảnh gia. Nó treo lơ lửng trên bầu trời, to và sáng. Thế rồi bạn tìm cách chụp ảnh nó, và kết quả thu được chỉ là một chấm trắng ngớ ngẩn nằm giữa bóng tối và...vô số nhiễu hạt. Quả là bực bội, đặc biệt khi bạn đang ngắm siêu trăng, hay trăng máu, trăng rằm, hay bất kỳ loại trăng nào khác.

Nhưng, dù rằng "Chị Hằng" có thể ỏng ẹo, khó chụp, nếu bạn chuẩn bị kỹ và may mắn, kết quả có thể thực sự tuyệt vời. Dưới đây là một vài mẹo nhỏ giúp bạn chụp ảnh trăng tròn, không quan trọng bạn dùng loại máy ảnh gì.

Lên kế hoạch chụp

Hãy bắt đầu bằng một tin xấu đối với các fan nhiếp ảnh di động: bạn chẳng thể nào đang đi trên đường, thấy mặt trăng đẹp quá, rồi rút smartphone ra với hi vọng chụp được một bức ảnh thật hoành tráng đâu. Trên thực tế, ảnh bạn thu được nhiều khả năng sẽ trông như mớ hổ lốn này đây:

iPhone 8 Plus sở hữu một camera không hề tồi, nhưng nó không phù hợp để chụp mặt trăng.;

Xấu thật, đúng không? Đó là bởi chiếc smartphone của bạn (và hầu hết các smartphone khác trên thị trường) không được thiết kế để chụp những thể loại ảnh như thế này. Ống kính quá rộng, cảm biến tạo ra quá nhiều nhiễu ảnh, và bề mặt ống kính thường xuyên dính những vết bẩn do bị nhét vào túi quần hoặc cầm trên tay, khiến khung hình cũng bị ảnh hưởng theo. Do đó, để chụp được ảnh Mặt trăng thật đẹp, bạn cần hình dung ra bức ảnh mình muốn, và từ đó xác định được những trang bị và kỹ thuật cần sử dụng. 

Bạn cũng sẽ cần tham khảo các website như In-the-sky.org để biết các sự kiện liên quan Mặt trăng, hoặc đơn giản chỉ là theo dõi các hoạt động thường ngày của Mặt trăng mà thôi.

Sử dụng máy ảnh chuyên dụng

Muốn chụp ảnh Mặt trăng thật đẹp, bạn chỉ có thể trông chờ vào một chiếc máy ảnh tiên tiến với khả năng kiểm soát mức độ phơi sáng và một ống kính telephoto thật dài. Ví dụ, bức ảnh bên dưới được chụp từ máy DSLR Canon 5D Mark III (full-frame) với ống kính zoom Tamron 150-600mm và một extender nữa. Nếu bạn không hiểu những con số rắc rối liên quan ống kính zoom nói trên, thì hãy nghĩ đơn giản rằng 600mm là cực kỳ dài. Trên thực tế, nó dài hơn hầu hết những ống kính to bự, dài ngoằng mà bạn thường thấy các phóng viên sử dụng tại các sự kiện thể thao.

May cho bạn là bạn chẳng cần phải bỏ ra 10.000 USD cho một bộ trang thiết bị mới chụp được ảnh Mặt trăng đẹp. Bất kỳ máy ảnh hiện đại nào với khả năng thay được ống kính và có ống kính zoom tương thích đều sẽ được việc. Kể cả một chiếc máy ảnh compact với ống kính zoom dài tích hợp cũng "chiến" tốt, tuy nhiên mọi chuyện sẽ khó khăn hơn một chút.

Hãy đảm bảo bạn sử dụng ống kính telephoto dài nhất có thể. Nếu không chắc ống kính nào là telephoto, hãy nhìn con số tiêu cự trên ống kính: các ống zoom thường có 2 con số thể hiện dải tiêu cự, như 18-55mm hoặc 70-200mm. Con số này càng cao, bạn càng zoom được lại gần vật thể.

Khi sử dụng một máy ảnh với ống kính zoom tích hợp, kỹ thuật sẽ phức tạp hơn. Khi zoom về phía cuối của dải tiêu cự, lượng ánh sáng đi vào ống kính sẽ bị giảm đi nhiều (bởi khẩu độ bị thu nhỏ đi). Kết quả là bạn phải tăng độ nhạy sáng của cảm biến, gây ra nhiễu nhiều hơn. Bạn sẽ phải thử nhiều lần để tìm ra điểm cân bằng hoàn hảo giữa mức zoom và độ nhiễu trên máy ảnh của mình, đặc biệt nếu nó là một chiếc máy ảnh với mức zoom "khủng" 50x. Nhiều máy ảnh còn có khả năng "zoom kỹ thuật số", nhưng bạn nên bỏ qua bởi nó sẽ chỉ cắt xén bớt hình ảnh thôi, và bạn có thể làm điều đó tốt hơn nhiều trong giai đoạn hậu kỳ.

Chuẩn bị địa điểm chụp

Bạn sẽ cần một chiếc tripod, không phải bởi trời quá tối, mà bởi ống kính telephoto quá lớn và nặng, rất khó để giữ chắc và không gây ra hiện tượng mờ nhoà do chuyển động nếu không có chân đế thật chắc.

Tiếp đó, chọn một vị trí với góc nhìn Mặt trăng thật rõ ràng - bạn có thể dành đêm trước đó để ra ngoài và theo dõi quá trình di chuyển của Mặt trăng trên trời để biết được khi nào mọi thứ sẽ vào đúng vị trí mong muốn.

Nếu bạn chỉ muốn chụp mỗi Mặt trăng, vị trí sẽ không quan trọng cho lắm, nhưng thêm vào khung hình một chút hậu cảnh có thể giúp Mặt trăng trông lớn hơn.

Đôi lúc, thời điểm chụp sẽ được quyết định bởi một sự kiện cụ thể, như nguyệt thực chẳng hạn. Nếu không, bạn có thể chọn bất kỳ thời điểm nào miễn là phù hợp với bố cục bạn mong muốn. Chụp Mặt trăng khi nó vừa hiện ra khỏi đường chân trời sẽ khiến nó trông khá lớn, đặc biệt trong những đêm "siêu trăng".

Thiết lập máy ảnh

Nếu bạn không rành các chế độ và thuật ngữ liên quan phơi sáng của máy ảnh, bạn nên chuyển sang chế độ Program, thường được thể hiện bởi ký tự "P" trên núm xoay chế độ. Đây là chế độ tự động, nhưng cho phép bạn điều chỉnh mức độ phơi sáng thông qua một thứ gọi là "exposure compensation". Bạn có thể tham khảo cách sử dụng "exposure compensation" trong hướng dẫn sử dụng máy ảnh của mình, nhưng trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ phải giảm nó xuống mức -2 hoặc hơn nữa.

Quá trình chụp ảnh Mặt trăng thường khiến thước đo sáng của máy ảnh phải làm việc vất vả đôi chút, bởi nó phải tìm cách tính toán độ sáng trung bình giữa Mặt trăng với bầu trời đêm. Bạn có thể biết khi nào độ sáng là phù hợp nếu bắt đầu thấy một số chi tiết thực sự trên Mặt trăng.

Nếu không biết cách thiết lập máy ảnh, hãy bắt đầu với mức ISO thấp - thậm chí mức 100 cũng được. Chọn khẩu độ nhỏ như f/8 hoặc f/11 để ống kính thu được hình ảnh sắc nét nhất, và chọn tốc độ màn trập khoảng 1/125. Tuỳ thuộc vào vị trí bạn đang đứng, có thể ảnh sẽ quá tối, hãy tinh chỉnh lại đến khi bạn thấy ưng ý là được.

Chụp thôi!

Lấy nét vào Mặt trăng là việc khá dễ dàng nếu ống kính đủ dài. Hãy tận dụng màn hình sau máy để lấy bố cục trong quá trình zoom, bởi đó là một cách tuyệt vời để kiểm tra xem mọi thứ đã sắc nét chưa. Bạn có thể sử dụng hệ thống lấy nét tự động của máy ảnh, nhưng nếu thấy nó liên tục lấy nét ở nhiều vị trí khác nhau để tìm ra được chủ thể, hãy chuyển sang lấy nét thủ công để có kết quả tốt hơn.

Một khi đã sẵn sàng chụp, hãy sử dụng chế độ hẹn giờ của máy ảnh thay vì tự nhấn nút chụp. Nhiều máy ảnh có chế độ chờ 2 giây sau khi bạn nhất nút mới bắt đầu chụp, và chế độ này sẽ rất tiện lợi trong việc chụp Mặt trăng. Nhấn nút chụp bằng ngón tay sẽ khiến máy ảnh bị rung nhẹ và cho ra một bức ảnh mờ nhoè, kể cả khi dùng tripod.

Đừng chụp chỉ một bức ảnh. Một bức ảnh phức tạp như Mặt trăng có thể gặp nhiều sai sót, do đó hãy chụp càng nhiều càng tốt khi còn có cơ hội.

Nếu không thể đến đủ gần để chụp được trọn Mặt trăng trong khung hình thì cũng đừng quá lo lắng. Bạn chỉ cần một bức ảnh 1.000 x 1.000 pixel là đủ để tạo ra một bài đăng tuyệt vời trên Instagram rồi, do đó bạn có thể thoải mái cắt xén ảnh gốc do máy ảnh chụp được.

Ảnh chụp Mặt trăng trên Instagram của NASA

Chụp bằng điện thoại

Thách thức lớn nhất khi chụp Mặt trăng bằng điện thoại chính là ống kính. Giải pháp đơn giản nhất là tìm một người bạn có kính viễn vọng và mượn tạm một buổi. Trên internet có vô số loại adapter đặc biệt cho phép bạn gắn điện thoại trực tiếp lên ống ngắm của kính viễn vọng, nhưng nếu không tiện mua, bạn có thể dùng tay giữ điện thoại cũng được.

Bạn sẽ phải dùng tay - hoặc một ít băng dính - để chắn ánh sáng lọt vào khe hở giữa điện thoại và kính viễn vọng. Ánh sáng lọt vào có thể gây ra hiện tượng loé sáng, khiến bức ảnh bị hỏng.

Nhiều khả năng, bạn sẽ phải mày mò một chút để tìm ra khoảng cách chính xác từ điện thoại đến ống ngắm của kính viễn vọng nhằm đưa được mọi thứ vào vùng lấy nét. Nhưng may mắn là điện thoại ngày nay có bộ nhớ trong khá lớn, bạn có thể tha hồ lưu ảnh rồi xoá những bức không ưng ý sau.

Biên tập ảnh

Bạn chụp bằng cách nào không quan trọng, quá trình biên tập ảnh thường đơn giản hơn. Bạn có thể sử dụng thiết lập "daylight" để cân bằng màu, kể cả khi chụp trong điều kiện nguyệt thực (làm ảnh bị ám đỏ), bởi suy cho cùng, chụp Mặt trăng thực ra là chụp ánh sáng Mặt trời phản chiếu lại mà thôi.

Nếu bạn biết cách chụp ảnh RAW - định dạng mà cả smartphone lẫn máy ảnh chuyên dụng ngày nay đều làm được - thì hãy kích hoạt nó lên để lưu giữ được mọi dữ liệu hình ảnh mà không khiến ảnh bị nén thành tập tin JPEG. Tập tin RAW sẽ cho phép bạn tinh chỉnh nhiều thông số hơn trong khâu hậu kỳ sau này.

Và nếu bạn thấy một đường viền lạ màu tím hoặc xanh lá quanh Mặt trăng, thì đó là một hiệu ứng gọi là "chromatic aberration", thường xảy ra ở những vùng rìa với độ tương phản cao, đặc biệt với các ống kính rẻ tiền, đơn giản vì ống kính không thể kiểm soát được các dải ánh sáng đủ màu sắc phản xạ theo nhiều góc khác nhau. Bạn có thể khắc phục nó trong khâu hậu kỳ bằng Lightroom hoặc Photoshop, hoặc chuyển sang chụp bằng chế độ đen trắng đầy nghệ thuật!

Minh.T.T (theo Popsci)

Chủ đề khác