VnReview
Hà Nội

Tất tần tật các ký hiệu và ý nghĩa trên ống kính của Canon

Nếu đã từng tìm mua ống kính Canon, bạn có thể phải mất vài phút để nghiên cứu cái tên của ống kính thực sự có ý nghĩa gì. Với một chuỗi các chữ cái và số có vẻ ngẫu nhiên, chúng đã khiến đa số nhiếp ảnh gia, người mới bắt đầu hay một số chuyên gia, bối rối, không hiểu ý nghĩa thực sự đằng sau chúng là gì.

Tất tần tất các ký hiệu trên ống kính của Canon và ý nghĩa đằng sau chúng

Nhìn có vẻ là khó hiểu, thế nhưng, những con số và chữ cái này lại tiết lộ khá nhiều về loại ống kính Canon, công nghệ bên trong chúng hay nhiều thứ khác. Và nếu không biết cách đọc chúng, thì đừng lo lắng bởi bạn không phải là người duy nhất.

Dưới đây là danh sách các ký hiệu có trên ống kính của Canon và ý nghĩa đằng sau chúng.

Các hệ thống ngàm ống kính Canon

Tất tần tất các ký hiệu trên ống kính của Canon và ý nghĩa đằng sau chúng

RF

RF là ngàm ống kính mới nhất của Canon, được ra mắt vào tháng 9/2018. Mục đích phát triển của nó là nhằm hoạt động với các máy ảnh mirrorless Full Frame mới nhất của Canon. Do khoảng cách giữa ngàm ống kính và mặt phẳng cảm biến ngắn hơn, ngàm RF đã mở ra cơ hội cho một số thiết kế ống kính mới. Nó cũng có khả năng giúp cho các ống kính nhỏ hơn và nhẹ hơn. Nếu đang muốn sử dụng các ống kính EF, Canon cũng đã phát hành 3 bộ adapter chuyển từ EF sang RF. Chúng sẽ giúp một số ống kính EF hoạt động với các máy ảnh mirrorless EOS R.

EF

Được giới thiệu vào năm 1987, EF hiện là ngàm tiêu chuẩn của Canon DSRL hiện nay. Các ống kính gắn mác EF tương thích với mọi máy ảnh EOS, cả số lẫn film. Điều này đồng nghĩa rằng nó sẽ hoạt động với các máy ảnh cảm biển số Full Frame hay crop cũng như những chiếc máy ảnh film EOS.

Không giống như thế hệ tiền nhiệm FD, ngàm này được tạo ra để thiết kế và phát triển các ống kính tự động lấy nét.

EF-S

Phần "-S" trong EF-S là viết tắt của "vòng tròn ảnh nhỏ". Do đó, những ống kính này được thiết kế cho những chiếc máy ảnh có vòng tròn ảnh nhỏ hơn, cụ thể là cảm biến APS-C.

Mặc dù có thể sử dụng các ống kính EF trên máy ảnh APS-C, thế nhưng, rất nhiều ống kính thường bị "lãng phí" trên một thân máy crop. Canon tìm ra giải pháp cho vấn đề này bằng cách tạo ra ngàm EF-S rẻ hơn và nhẹ hơn. Tuy nhiên, không giống như những ống kính EF, các ống kính này không thể sử dụng trên thân máy Full Frame. Chúng cũng phù hợp với nhu cầu của những người mới bắt đầu với máy ảnh crop.

FD

Xuất hiện từ năm 1971 trên Canon F-1, đây là ngàm ống kính Canon khá cũ, lấy nét thủ công và được sử dụng cho đến năm 1987. Kể từ khi ngàm và các ống kính EOS có tự động lấy nét xuất hiện, Canon FD đã bị "khai tử". Tuy nhiên, nó vẫn được nhiều người đam mê chụp ảnh film sử dụng.

FDn

Đây là một phiên bản cải tiến cho FD. Điểm khác biệt duy nhất đối với ngàm ống kính này là đi kèm với SSC trên những thành phần thấu kính.

FL

Được giới thiệu vào năm 1964, ngàm FL gần như giống với FD, ngoại trừ việc không có khả năng đo bằng khẩu độ lớn.

Phân loại ống kính Canon

Tất tần tất các ký hiệu trên ống kính của Canon và ý nghĩa đằng sau chúng

I, II, III

Các ký hiệu số la mã này trên ống kính biểu thị thế hệ của chúng. Về cơ bản, chúng là phiên bản nâng cấp hoặc sửa đổi. Tất nhiên, các ống kính được đánh dấu III sẽ mới hơn những ống kính II. Những con số này cung cấp cho người dùng một cách để phát hiện ống kính đó là phiên bản mới hay cũ.

Ví dụ với Canon EF 600mm F4 L IS III USM, III là phiên bản thứ 3 của ống kính này, với cấu trúc quang học và công nghệ tốt hơn so với các phiên bản trước đó.

L

Nổi bật với một vòng tròn màu đó nằm ở phía trước, các ống kính L đại diện cho dòng ống kính hàng đầu của Canon. Chúng sở hữu một số công thức quang học chất lượng cao cũng như công nghệ tiên tiến nhất. Chữ L là viết tắt của "Luxury" (Sang trọng), và những ống kính này đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất từ Canon.

Dòng L có khá nhiều loại ống kinh, từ ống kính 1 tiêu cự siêu tele cho đến ống zoom Fisheye (mắt cá) 8-15mm f/4 L. Tất cả các ống kính này đều có động cơ Ultrasonic (siêu âm) và hầu hết chúng đều có khả năng chống chịu thời tiết.

Là các ống kính thuộc dòng chuyên nghiệp, dòng L nổi bật nhờ vào khả năng lấy nét nhanh, độ bền, chất lượng quang học mang lại và mức giá đáng đến từng xu.

DO

DO mô tả các ống kính Diffractive Optics. Được đánh dấu bằng một vòng màu xanh lục xung quanh ống kính, chúng được chế tạo theo các tiêu chuẩn giống như dòng L. Công nghệ quang học nhiễu xạ sử dụng các thấu kính đặc biệt nhằm bẻ cong nhiều ánh sáng hơn so với thấu kính thông thường.

Điều này cho phép Canon sử dụng các thấu kính nhỏ hơn trong ống kính. Do do, những ống kính này thường nhỏ và nhẹ hơn so với các ống kính khác được chế tạo dựa trên thiết kế quang học tiêu chuẩn.

Macro

Các ống kính loại này thường được thiết kế đặc biệt để chụp ảnh cận ảnh. Điều này là do chúng có khả năng lấy nét ở khoảng cách rất ngắn và mang đến độ phóng đại 1:1.

Canon 100mm f/2.8 L IS Macro là một trong những ống kính sắc nét nhất từ Canon. Một số ống kính Canon cũng có "Macro Mode" (Chế độ Macro). Mặc dù không có độ phóng đại 1:1 tương đương, thế nhưng, chúng cũng mang lại độ phóng đại khá gần với macro.

Compact Macro

Giống như tên gọi, một ống kính Compact Macro có kích thước nhỏ gọn hơn các ống kính macro khác, giúp nó trở nên hoàn hảo khi du lịch. Dù khoảng cách lấy nét tối thiểu (MFD) đủ ngắn để mang đến khả năng chụp cận cảnh, thế nhưng, ống kính này chỉ có độ phóng đại 0,5.

Canon EF 50mm f/2.5 Compact Macro hiện là ống kính macro nhỏ gọn duy nhất của Canon. Tuy nhiên, có một bộ chuyển đổi cho ống kính này có tên là Canon Life-Size Converter EF. Nó giúp tăng khoảng cách lấy nét của ống kính và mang đến độ phóng đại 1:1.

TS-E

Đại diện cho những ống kính Tilt-Shift, lấy nét thủ công và có khả năng nghiêng cũng như dịch chuyển. Chúng cho phép bạn điều chỉnh góc của mặt phẳng lấy nét đối với cảm biến máy ảnh. Chúng cũng cho phép các nhiếp ảnh gia thay đổi góc nhìn.

Nói chung, mặt phẳng lấy nét thường có xu hướng song song với cảm biến. Tuy nhiên, với ống kính TS-E, bạn có thể định vị nó ở bất kỳ góc nào, từ song song thông thường cho đến vuông góc. Những ống kính này rất phù hợp để chụp phong cảnh hay chân dung sáng tạo và được các nhiếp ảnh gia kiến trúc đặc biệt ưa thích vì chức năng dịch chuyển của chúng.

MP-E

Chữ viết tắt MP-E biểu thị cho quang học có độ phóng đại cực cao. Từ trong khoảng 1:1 đến 5:1, những ống kính này có thể đạt được độ phóng đại đáng kinh ngạc.

Các ống kính macro thông thường sẽ có mức giới hạn nhất định của nó. Và các ống kính MP-E sẽ bắt đầu tập trung vào độ phóng đại, giúp nó trở thành 1 thiết bị độc đáo có khả năng chụp những bức ảnh "siêu macro". Vì những ống kính này không có vòng lấy nét, thế nên, các nhiếp ảnh gia phải di chuyển để lấy nét.

Hơn nữa, do các ống kính này này có độ sâu trường ảnh khá nông, do đó, cần phải có một tay vịn lấy nét. Tính đến thời điểm hiện tại, Canon MP-E 62mm f/2.8 1-5x Macro là ống kính duy nhất của Canon thuộc loại này.

CN-E

Đây là dòng ống kính dành riêng cho quay phim cinema, được sơn 2 màu đỏ đen đặc trưng và đóng dấu CN-E. Chúng đều là những ống kính lấy nét thủ công và có vòng điều khiển khẩu độ cũng bằng tay. Là một phần của dòng L, các ống kính CN-E được thiết kế để mang lại độ bền đáng kinh ngạc và được chế tạo theo tiêu chuẩn cực kỳ cao.

SF

Phổ biến vào những năm 70 và 80 (rất lâu trước khi nhiếp ảnh số xuất hiện), Softfocus được thiết kế để tạo ra hiệu ứng mơ màng, rực rỡ trong chân dung và nhiếp ảnh film. Canon 135mm Soft Focus là ống kính Canon duy nhất có tính năng Softfocus và không còn xuất hiện nữa.

Ống kính này có 1 vòng điều chỉnh xung quanh để bạn có thể xoay nhằm mang lại hiệu ứng mềm mại, mơ màng cho những hình ảnh.

Những từ viết tắt về công nghệ

Tất tần tất các ký hiệu trên ống kính của Canon và ý nghĩa đằng sau chúng

AFD

Là từ viết tắt của Arc-From Drive. Đây là công nghệ động cơ tự động lấy nét đầu tiên của Canon và hiện không còn được sử dụng nữa. Các ống kính này khá ồn khi lấy nét và tốc độ chậm hơn nhiều so với những ống kính khác. Chúng cũng không có tính năng thực hiện chồng chéo thủ công, tức bạn sẽ phải gạt công tắc chuyển đổi AF/MF để có thể lấy nét thủ công.

AL

AL là từ viết tắt của các thấu kính phi cầu (aspherical lens). Chúng được thiết kể nhằm cải thiện độ rõ ràng và sắc nét từ đầu đến cuối của 1 bức ảnh.

ASC

Được giới thiệu lần đầu năm 2014 với ống kính Canon 100-400mm f/4.5-5.6 L IS II, Air Sphere Coating (ASC) giúp giảm hiện tượng bóng mờ và lóa sáng trong các tình huống ngược sáng. Dẫu vậy, chữ này không xuất hiện trên các ống kính mà lại được in trên hộp hoặc bao bì của ống kính.

BR

BR biểu thị cho một loại thấu kính hữu cơ mới, có tên là Blue Spectrum Refractive. Thấu kính này có thể giúp giảm quang sai màu bằng cách hiệu chính những bước sóng màu xanh lam và tím. Hiện tại, Canon 35mm f/1.4 L II là ống kính duy nhất của Canon có thành phần thấu kính BR này.

DC

Là viết tắt của từ Direct Connect. Động cơ giảm tốc DC là một tính năng của một số ống kính cũ hơn hoặc giá cả phải chăng hơn mà Canon cung cấp. Các ống kính có động cơ DC thường lấy nét chậm hơn và ồn hơn so với những mẫu USM và Micro USM. Chúng cũng không cung cấp tính năng lấy nét thủ công toàn thời gian.

DS

DS là từ viết tắt của Defocus Smoothing, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2019 trên ống kính Canon RF 85mm f/1.2 DS. Về bản chất, DS là một phiên bản ống kính của Canon có filter (bộ lọc) apodization tích hợp – một bộ lọc trung tính chia độ tròn. Bộ lọc này nằm phía sau các thành phần thấu kính. Nó giúp làm mịn các vùng mất nét trong ảnh, đặc biệt là những bóng bokeh.

FP

FP đại diện cho giá trị lấy nét đặt trước (focus preset), cho phép bạn quay lại khoảng cách lấy nét đặc trước ngay lập tức. Đây là một tính năng của một số ống kính tele siêu dài.

FR

FR là viết tắt của Filter Rotation. Nếu vòng bộ lọc đặt phía trước ống kính xoay như khi bạn lấy nét ống kính, nó sẽ ảnh hưởng mạnh đến hình ảnh, đặc biệt khi sử dụng bộ lọc phân cực hoặc chia độ.

FS

Focus Range Selection cho phép bạn giới hạn phạm vi lấy nét trong ống kính. Điều này rất hữu ích cho các ống zoom tele nhằm giúp khả năng tự động lấy nét của chúng nhanh hơn.

IS

Đây là thuật ngữ riêng của Canon cho khả năng chống rung hình ảnh bằng quang học. Công nghệ này là thứ giúp ổn định máy ảnh khi cầm trên tay bằng cách sử dụng con quay hồi chuyển để chống lại những chuyển động nhỏ từ máy ảnh. Bằng cách dịch chuyển một số thành phần quan trong của ống kính, công nghệ này sẽ chống lại những sự rung lắc và mang đến kết quả sắc nét hơn nhiều khi sử dụng tốc độ màn trập chậm hơn để chụp chủ thể tĩnh.

Micro USM

Động cơ lấy nét tự động này đơn giản chỉ là một phiên bản nhỏ hơn và rẻ hơn của thiết kế USM. Nó dành cho các ống kính thấp cấp và kit zoom. Dĩ nhiên nó ồn hơn USM. Ngoại trừ Canon 50mm f/1.4, nó không cho phép chồng chéo lấy nét thủ công.

MM

Với ý định phát triển các phiên bản ít tốn kém hơn cho động cơ AFD, Canon đã tạo ra Micro Motor (MM). Trên thực tế, đây là động cơ AF kém tiên tiến nhất từng được sử dụng.

Động cơ này thậm chí còn chậm hơn và ồn hơn động cơ AFD và không cho phép ghi đè lấy nét thủ công toàn thời gian. Chỉ những ống kính rẻ nhất của Canon mới sử dụng loại động cơ lấy nét tự động này.

Theo nguyên tắc chung, nếu ống kính Canon có lấy nét tự động không cho biết loại động cơ AF nào đang được sử dụng trên thân ống kính, thì mặc định, đó sẽ là động cơ MM hoặc AFD.

PZ

Viết tắt của Power Zoom. Đây là động cơ chuyên dụng giúp thay đổi tiêu cự của ống kính. Canon 35-80 f/4-5.6 PZ là ống kính duy nhất của Canon có tính năng này.

STM

Stepper Motor là một động cơ cho phép quá trình lấy nét mượt mà và êm ái hơn bằng cách giảm thiểu rung động từ việc tự động lấy nét cũng như tiếng ồn khi quay video. Những ống kính STM này sử dụng hệ thống lất nét bằng dây. Điều đó có nghĩa là vòng lấy nét điều khiển một động cơ, sau đó sẽ di chuyển các thành phần thấu kính bên trong.

SC và SSC

Lần lượt là các từ viết tắt của Spectra Coating và Super Spectra Coating. Những từ này thường xuất hiện trên các ống kính Canon vào thời điểm ngàm FD còn tồn tại. Những lớp phủ này được áp dụng cho các thành phần thấu kính quang học bên trong nhằm tăng độ tương phản và giảm bất kỳ hiện tượng lóa hay phản xạ nào.

Trong khi SC được sử dụng cho các ống kính rẻ hơn thì SSC lại dành cho những ống kính đắt đỏ. Khi các ống kính ngày nay được phủ khá nhiều lớp tráng phức tạp, SSD không còn được sử dụng nữa.

UD

UD là viết tắt của lớp kính phân tán cực thấp (ultra-low dispersion), được sử dụng để hiệu chỉnh quang sai màu.

USM

USM là viết tắt của UltraSonic Motor. Đây là loại động cơ lấy nét hàng đầu của Canon. USM được sử dụng trong hầu hết các ống kính mới nhất của Canon. Động cơ này giúp quá trình lấy nét tự động trở nên mạnh mẽ, nhanh chóng và yên tĩnh, mang đến khả năng lấy nét thủ công chồng chéo toàn thời gian.

Tất tần tất các ký hiệu trên ống kính của Canon và ý nghĩa đằng sau chúng

Lời kết

Hi vọng, hướng dẫn này giúp ích cho bạn và giải quyết mọi nhầm lẫn. Ngày nay, có rất nhiều lựa chọn ống kính, việc hiểu được những từ viết tắt này có thể rất hữu ích khi cố gắng xác định ống kính nào phù hợp với nhu cầu bạn.

Xuân Thành

Chủ đề khác