VnReview
Hà Nội

Camera selfie dưới màn hình hoạt động ra sao?

Các nhà phát triển smartphone đang tập trung vào một tính năng mới được dự báo sẽ chiếm nhiều sự chú ý trong năm 2020: camera selfie ẩn dưới màn hình. Nhưng chúng thực sự hoạt động ra sao?

Một camera trước chất lượng tốt luôn là thành phần quan trọng đối với bất kỳ chiếc smartphone nào. Ngoài việc giúp bạn chụp được những tấm ảnh selfie hoàn hảo cùng chú mèo cưng, nó còn cho phép bạn tham gia những buổi họp trực tuyến với công ty hoặc chat với gia đình và bạn bè.

Các nhà sản xuất smartphone từ lâu đã theo đuổi giấc mơ về một loại camera ẩn dưới màn hình - thay vì nằm ở phần viền trên màn hình, hoặc nằm trong khu vực tai thỏ, nốt ruồi... camera trước sẽ được ẩn một cách hoàn hảo ngay bên dưới mặt kính của màn hình.

Thời đại của camera dưới màn hình đã cận kề, và có lẽ đã đến lúc chúng ta nên tìm hiểu xem chúng hoạt động ra sao.

Camera dưới màn hình là gì?

Camera trước của smartphone từ trước đến nay luôn hiện ra trước mắt người dùng. Dù bạn có một chiếc iPhone, Samsung, OnePlus, Huawei, hay bất kỳ hãng nào khác, camera trước vẫn đòi hỏi một phần cắt nhỏ trên màn hình. Đó là điều hiển nhiên, bởi nếu không, thứ duy nhất camera trước chụp được sẽ chỉ là mặt sau của...màn hình smartphone mà thôi.

Khi viền màn hình smartphone ngày càng nhỏ đi, và thiết kế smartphone dần hướng đến phong cách tối giản, chỉ gồm một tấm kính duy nhất, thì nhiều người bắt đầu xem phần cắt để chứa camera trước nói trên như "cái gai trong mắt", phá hỏng sự hoàn hảo của màn hình điện thoại.

Câu trả lời cho vấn đề này là gì? Đặt camera trước xuống dưới màn hình. Một đáp án nghe có vẻ hiển nhiên, vậy tại sao chưa nhà sản xuất smartphone nào tung một chiếc smartphone với camera trước ẩn dưới màn hình ra thị trường?

Trên thực tế, câu trả lời phức tạp hơn một chút, liên quan đến phát triển, giá thành, và công nghệ.

Dù camera dưới màn hình đã đôi lần chiếm mặt báo trong vài năm trở lại đây, hầu hết các công bố chủ yếu tập trung vào tiến trình phát triển của nó. Xiaomi gây nên một làn sóng tò mò vào năm 2019 sau khi tung ra một loạt các slide nêu chi tiết về quá trình phát triển camera dưới màn hình của mình.

Giải pháp camera selfie dưới màn hình của Xiaomi

Một nhà sản xuất khác, OPPO, cũng tiết lộ đang nghiên cứu camera dưới màn hình vào năm 2019. Concept mà họ công bố tại MWC Thượng Hải 2019 đã khiến mọi người trầm trồ, dù rằng OPPO nói rõ camera dưới màn hình của họ chỉ là một sản phẩm demo đang được phát triển, có khả năng xuất hiện trên một thiết bị trong tương lai mà thôi.

Tại IFA 2020, ZTE tiết lộ Axon 20 5G, chiếc smartphone đầu tiên có camera trước ẩn dưới màn hình được bán thương mại trên thị trường.

Trên ZTE Axon 20 5G, để có được camera dưới màn hình, hãng đã phải kết hợp nhiều loại công nghệ khác nhau - một vài trong số đó khá mới mẻ.

Đầu tiên là một loại màn hình mới.;ZTE cho biết đã phát triển một "vật liệu mới có độ trong suốt cao", bao gồm nhiều lớp phim hữu cơ và vô cơ. Vật liệu mới này cho phép lượng ánh sáng lớn hơn thông thường đi xuyên qua màn hình để tiếp cận đến camera bên dưới.

Bản thân màn hình OLED là một tấm phim rất mỏng, có thể nhìn xuyên qua được. Trên tấm phim màn hình OLED có chứa các bóng đèn LED rất nhỏ với mật độ dày đặc, khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Mật độ bóng đèn LED này càng dày đặc, độ phân giải của màn hình càng cao và mức độ nhìn xuyên qua càng thấp. Điều ZTE thực sự "cải tiến" ở đây là giảm mật độ bóng đèn LED tại khu vực có camera, để ánh sáng có thể đi vào cảm biến hình ảnh. Tuy nhiên, nếu giảm hết bóng đèn LED để có chất lượng camera tốt nhất, khu vực đó sẽ không thể hiển thị hình ảnh nữa, cũng chính là thiết kế đục lỗ "nốt ruồi" mà chúng ta thường thấy hiện nay. Như vậy, việc giảm bóng đèn LED sẽ có giới hạn, mà ở thời điểm hiện tại, con số này là 50%.

ZTE Axon 20 5G

Thứ hai, Axon 20 5G đòi hỏi các linh kiện đặc biệt. Một con chip điều khiển độc lập với bo mạch chủ sẽ đảm nhận việc đồng bộ màu sắc của ánh sáng đi xuyên qua màn hình một cách hoàn toàn riêng rẽ. Con chip điều khiển phụ này cho phép camera lọc bỏ bất kỳ sự biến dạng ánh sáng và màu sắc nào mà camera gặp phải do màn hình phía trên, giúp hình ảnh rõ nét và trong trẻo.

Thứ ba, ZTE tạo ra một "ma trận đặc biệt" với chức năng tối ưu các điểm ảnh, nhằm đảm bảo tính nhất quán của hình ảnh hiển thị trên màn hình, đặc biệt là khu vực có camera ẩn bên dưới. Ma trận này hứa hẹn giúp chất lượng hình ảnh đồng đều trên toàn diện tích hiển thị, thay vì để lộ ra một khu vực nhỏ bị biến dạng.

Cuối cùng, camera dưới màn hình của Axon 20 5G sử dụng một thuật toán đặc biệt để tối ưu hoá hiệu năng trong quá trình hoạt động. Thuật toán này sẽ tính toán nhiều yếu tố đi xuyên qua màn hình, điều chỉnh ánh sáng, độ tương phản, và các dải động khác trước khi chụp ảnh.

Vậy chất lượng camera này ra sao?

Qua thử nghiệm thực tế, ngay cả trong điều kiện đủ sáng, ảnh "tự sướng" và chân dung của ZTE Axon 20 5G cũng chỉ ở mức dưới trung bình, thậm chí thua kém nhiều smartphone khác trong tầm giá 3 triệu đồng hiện nay. Ảnh có độ chi tiết kém, dải tương phản hẹp, và luôn tồn tại một lớp sương mờ giống như các thợ ảnh chuyên nghiệp phủ một lớp vaseline mỏng lên filter camera để tăng tính "mờ ảo" cho bức ảnh. Trong điều kiện ánh sáng bình thường, rõ ràng đó là điều mà chúng ta không mong muốn.

Ảnh xóa phông của Axon 20 5G cũng không ổn, khi ảnh đã mờ sẵn lại càng mờ hơn do hiệu ứng xóa nền. Sự tách bạch giữa chủ thể và nền phía sau gần như không có, viền chủ thể, các khu vực như tóc, vai,... đều bị xóa lem nhem một cách vụng về. Nguyên nhân hiển nhiên là do sự thiếu hụt ánh sáng vào cảm biến, và có lẽ thuật toán xử lý ảnh của ZTE, không rõ có dùng AI hay không, chưa được tốt.

Đủ sáng đã vậy, nên bạn cũng không kỳ vọng nhiều vào chất lượng ảnh selfie của Axon 20 5G khi thiếu sáng và ngược sáng. Trong các điều kiện này, ảnh từ Axon 20 5G nhòe, bệt, các phần viền chủ thể xuất hiện các quầng sáng giống hiện tượng bóng mờ (ghosting effect).

Dù sao đi nữa, nếu chỉ để chia sẻ lên mạng xã hội, thì chất lượng ảnh từ camera selfie dưới màn hình này cũng không đến mức quá tệ, nếu không muốn nói là tạm đủ dùng.

Tất nhiên, việc ứng dụng camera ẩn dưới màn hình đi kèm với một vấn đề khác: nếu màn hình bị vỡ thì sao? Màn hình càng tiên tiến, việc sửa chữa khi bị vỡ - vốn là điều rất đơn giản từ trước đến nay - bỗng trở nên khó khăn hơn nhiều.

Bạn có thể "thấy" được camera dưới màn hình hay không?

Khi nhắc đến camera dưới màn hình, bạn hẳn tự hỏi liệu có thể nhìn thấy được cụm camera đó hay không?

Thực tế sử dụng, khi hiển thị các hình ảnh tối màu, bạn sẽ gần như không thể phát hiện ra sự hiện diện của camera ẩn dưới màn hình. ZTE đã rất khéo léo khi cài sẵn các hình nền mặc định luôn tối màu ở khu vực camera, và tính chất màu đen sâu gần như tuyệt đối của tấm nền OLED cũng giúp ích rất nhiều cho công cuộc "ẩn thân" của camera selfie. Còn khi cho hiển thị các tông màu sáng, phần màn hình bị giảm số lượng bóng LED hiện lên rất rõ, nhìn thấy được từ xa, khiến bạn phải tự hỏi nó và màn hình đục lỗ có khác biệt nhiều hay không?

Còn về phần Xiaomi, các tweet của họ tiết lộ rằng khu vực camera ẩn dưới màn hình trên thiết bị sẽ lộ ra khi chế độ selfie được kích hoạt. Camera trước này sẽ hoàn toàn biến mất khi không dùng đến, mang lại cho người dùng hiệu ứng một tấm kính liền mạch mà họ luôn mơ ước.

Tương tự, OPPO cũng sử dụng một vật liệu trong suốt nhiều lớp tự phát triển để cho phép ánh sáng đi vào camera nhưng không xung đột với hình ảnh hiển thị trên màn hình. Dẫu vậy, khi trên tay nguyên mẫu thử nghiệm của OPPO, các reviewer cho biết camera dưới màn hình của hãng vẫn lộ ra dưới một số góc độ và điều kiện nhất định.

Liệu Samsung và Apple có sử dụng camera dưới màn hình?

Liệu các nhà sản xuất smartphone lớn khác có đang cân nhắc giải pháp camera dưới màn hình cho các thiết bị flagship của họ? Có thông tin cho biết Samsung Galaxy S21 sẽ được trang bị camera selfie ẩn dưới màn hình, dù rằng ở thời điểm này, chưa có chi tiết cụ thể nào được xác nhận.

Apple dường như cũng không đứng ngoài trào lưu. Hồi giữa năm nay, có một nguyên mẫu được cho là iPhone 13 bị rò rỉ - nhưng không có gì đảm bảo đó là iPhone 13 cả - và nguyên mẫu này không hề có phần tai thỏ chứa camera trước, khiến nhiều người dự đoán rằng iPhone 13 sẽ có camera dưới màn hình. Nhưng đó cũng chỉ là dự đoán, và những người thực sự biết việc có lẽ chỉ có các nhân viên Apple mà thôi.

Samsung, Apple, và các nhà sản xuất khác sẽ tiếp tục phát triển các giải pháp camera dưới màn hình cho đến khi chất lượng hình ảnh thu được không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên trên nó, khi mà chi phí phát triển và ứng dụng trở nên hợp lý, hoặc cả hai.

Còn ở thời điểm hiện tại, ZTE Axon 20 5G là mẫu smartphone duy nhất trên thị trường có camera dưới màn hình.

Minh.T.T (theo MakeUseOf)

Chủ đề khác