VnReview
Hà Nội

Đây là lý do tại sao bạn nên mua máy ảnh DSLR cũ 10 năm tuổi

Những chiếc máy ảnh DSLR đã qua sử dụng thực sự là một món hời, nếu bạn biết cách chọn lựa.

Chiếc Nikon D700, ra mắt năm 2008 với giá gần 3.600 USD, nhưng đến năm 2020 chỉ còn 1/10, tức 350 USD. Đây là chiếc máy ảnh thuộc phân khúc chuyên nghiệp với khá nhiều tính năng thú vị mà nếu so với những chiếc máy ảnh ngày nay, nó vẫn tốt hơn ở nhiều mặt. Sau 12 năm, Nikon D700 vẫn là một chiếc DSLR bền bỉ, cho chất lượng ảnh tuyệt vời như ngày mới xuất hiện, và tương thích với gần như bất kỳ ống kính nào do Nikon chế tạo ra trong vòng 60 năm trở lại đây.

Không chỉ những chiếc DSLR, các máy ảnh không gương lật như Fujifilm X100s ở thời điểm hiện tại vẫn tốt không kém những người anh em ra đời sau này. Nhìn chung, máy ảnh kỹ thuật số lỗi thời nhanh hơn máy ảnh phim - những tính năng mới cùng những cảm biến tốt hơn liên tục ra mắt khiến những mẫu máy "cũ" bị bỏ lại đằng sau với tốc độ nhanh hơn nhiều so với những gì từng xảy ra với máy ảnh phim. Nhưng không như những ngày đầu của nhiếp ảnh kỹ thuật số, khi mà đều đặn hàng năm lại xuất hiện thêm kha khá những cải tiến đáng kể hơn hẳn năm trước, thì ngày nay tốc độ cải tiến đã chậm đi nhiều.

Tốc độ phát triển chậm, kết hợp cùng giá bán không ngừng giảm sâu sau một thời gian dài sử dụng, đồng nghĩa bạn sẽ có thể tìm mua được một chiếc máy ảnh từng là "hàng khủng" vào 5 - 10 năm trước và hiện vẫn không hề thua kém các mẫu máy ảnh đang tồn tại trên thị trường. Chưa kể nếu muốn, bạn có thể dùng nó như một webcam với chất lượng hình ảnh khiến mọi người phải kinh ngạc.

Tại sao lại mua máy ảnh DSLR cũ?

Lý do chính mà nhiều người cân nhắc mua một chiếc máy ảnh kỹ thuật số cũ là chúng không đắt đỏ như khi mới ra mắt. Một chiếc DSLR phân khúc chuyên nghiệp giá 5.000 USD sẽ mất 1/3 giá trị ngay khi bạn vừa mở hộp, sau đó mỗi năm lại mất thêm 1.000 USD nữa. Năm 2008, Nikon D700 có giá khoảng 3.000 USD. Ngày nay, bạn có thể tìm mua một chiếc trên eBay với giá bằng 1/10. Nếu chịu khó lùng sục, combo thân máy kèm grip pin (giá gốc 300 USD) sẽ thuộc về bạn mà chỉ khiến túi tiền của bạn hao đi 375 USD.

Một lý do khác để mua máy ảnh đã qua sử dụng là bạn sẽ có một thiết bị tốt hơn rất nhiều so với số tiền bèo bọt bỏ ra. Bạn có thể sở hữu chiếc DSLR chuyên nghiệp của vài năm trước với rất nhiểu thiết lập và tính năng để vọc vạch, cùng khả năng cho ra những tác phẩm độ phân giải cao phù hợp cho nhiều tình huống sử dụng, mà chi phí không chênh là bao so với một chiếc máy ảnh "thường thường bậc trung" ngày nay. Nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sử dụng những mẫu máy ảnh yêu thích của họ trong nhiều năm trời, không hề có ý định lên đời, bởi đối với họ, kỹ năng quan trọng hơn thiết bị.

Số chấm và ISO

Đây là cảm biến của Canon EOS Rebel T5

Số chấm (megapixel) từ lâu đã là một yếu tố quan trọng khi nhắc đến máy ảnh kỹ thuật số. Nhưng nhiều chấm hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn. Nikon D700 chỉ có 12.1MP, quá ít so với các mẫu máy hiện đại. Nhưng 12MP đã là quá đủ. Cứ hỏi Sony, hãng vừa tung ra một chiếc máy ảnh với cảm biến 12MP, là rõ. Đầu tiên, hãy tự hỏi bản thân xem trong suốt quá trình chụp ảnh, bạn đã in bao nhiêu tấm ảnh rồi? Và những tấm ảnh in ra đó lớn đến mức nào? Một cảm biến 12MP sẽ in ra được một tấm ảnh 15x10 với chất lượng xuất sắc. Còn nếu chỉ để chia sẻ lên mạng xã hội, thì 12MP là quá nhiều.

Nikon D700 cùng những mẫu máy ảnh ra mắt từ những năm 2008 đều có thể chụp tốt trong môi trường thiếu sáng. D700 là một trong những chiếc máy ảnh đầu tiên cung cấp cho người dùng những mức thiết lập ISO khá cao để cho ra những bức ảnh "dùng được". Máy ảnh trên smartphone ngày nay sử dụng các thuật toán tuỳ biến chạy trên những con chip chuyên dụng nhằm đạt được những bức ảnh thiếu sáng chất lượng. Nhưng D700, và nhiều mẫu DSLR ra mắt sau này, tận dụng cảm biến hình ảnh mạnh mẽ của chúng để làm điều đó. Nikon D700 có thể cho ra những tác phẩm khá đẹp ở ISO 6.400 - tức nó chỉ cần lượng ánh sáng chưa bằng 1/5 so với khi chụp vào ban ngày ở ISO 200!

Ống kính cổ là thứ trường tồn

Điều thú vị về DSLR là bạn có thể tìm thấy và sử dụng nhiều ống kính khá lâu đời, kể cả trên những thân máy tương đối mới. Nikon là một ví dụ điển hình. Bạn có thể gắn mọi ống kính Nikon ngàm F nào được sản xuất từ năm 1958 trở về sau lên bất kỳ thân máy Nikon SLR nào.

Tuy nhiên, có một số cảnh báo bạn cần biết về khả năng tương thích của ống kính. Một ống kính có thể tương thích với một thân máy không có nghĩa mọi tính năng của ống kính sẽ phát huy tác dụng. Những thân máy bán chuyên hiện nay không được trang bị mô-tơ để điều khiển các ống kính lấy nét tự động đời cũ, và những ống kính "đời cô Lựu" thậm chí sẽ chẳng sử dụng được tính năng bù sáng tự động nữa. Nhưng nhìn chung, hầu hết những tính năng cơ bản sẽ không gặp trở ngại gì, và hiển nhiên bạn vẫn chụp được ảnh như thường! Canon đã thay đổi hoàn toàn thiết kế ngàm khi chuyển sang sử dụng cơ chế lấy nét tự động vào những năm 1980, nhưng nếu tìm hiểu kỹ, bạn sẽ thấy nhiều ống kính và thân máy tương thích ngược với nhau.

Ưu điểm so với những mẫu máy ảnh mới

Nhiều máy ảnh thuộc phân khúc chuyên nghiệp trước đây được thiết kế chắc chắn hơn các thế hệ sau này. Chúng sử dụng chất liệu kim loại thay cho nhựa, và có khả năng chống chịu trước thời tiết và bụi bặm. Thiết kế của chúng cũng ưu việt hơn. Ví dụ, D700 có một núm xoay, nút gạt, hay nút bấm riêng biệt dành cho mọi thiết lập quan trọng. Một khi đã tinh chỉnh theo ý thích, bạn có thể sử dụng máy ảnh mà không cần phài mò mẫm các mục menu phức tạp trên màn hình nhỏ xíu, với các nút bấm ảo thậm chí còn nhỏ hơn, đặc biệt dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào. Trên D700, bạn thậm chí có thể format thẻ CF bằng cách nhấn giữ hai nút cùng lúc nữa!

Điều đó khiến việc sử dụng máy ảnh trở nên dễ dàng hơn. Các mẫu máy ảnh giá rẻ thường tiết kiệm nút bấm và giấu đi mọi chức năng trong hệ thống menu, kể cả những chức năng quan trọng như ISO và cân bằng trắng.

Cần lưu ý những gì khi mua máy ảnh cũ

Thẻ CF

Không phải thứ gì cổ cũng tốt hơn. Máy ảnh SLR thời xưa hiếm khi có chức năng quay video hoặc live-view (xem khung hình trực tiếp trên màn hình nhỏ phía sau máy). Chúng có khi còn dùng thẻ CompactFlash (CF), vốn đắt đỏ hơn thẻ SD cùng dung lượng. Thẻ CF có hai dãy chân kết nối để cắm vào các chân kim loại trong máy ảnh. Những chân này có thể bị cong, làm hỏng máy ảnh. Một số mẫu máy cảnh compact của Canon vào những năm 2000 có thể hỏng hoàn toàn nếu người dùng không may cắm thẻ CF sai cách!

Một điều nữa cần chú ý là shutter count - số lần đóng màn trập. Màn trập của D700 tính trung bình có thể trụ vững hơn 150.000 lần đóng mở. Nếu máy ảnh được dùng bởi một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, thì nó có thể tiến đến con số trung bình đó sớm hơn bạn nghĩ. Bạn có thể kiểm tra số shutter count một cách chính xác trên các máy ảnh kỹ thuật số theo hướng dẫn tại đây, và đừng quên tham khảo số shutter count trung bình mà máy ảnh của bạn có thể chịu được tại đây. Kể cả khi bạn sơ ý mua nhầm một chiếc máy ảnh có số shutter count gần đến cuối vòng đời, thay thế màn trập vẫn là giải pháp tốt bởi chi phí rẻ hơn nhiều so với mua một chiếc máy ảnh mới.

Bụi dính trên cảm biến cũng là một vấn đề cần xem xét. Một khi bụi đã mắc kẹt trên cảm biến, thổi nó ra sẽ rất khó khăn. Cách kiểm tra bụi như sau: chụp một bề mặt đen tuyền và một bề mặt trắng tinh, sau đó nhìn kỹ ảnh thu được để xem có dấu bụi hay không. Bạn có thể tự chùi bụi bằng một bộ kit lau chùi cảm biến bán trên mạng, hoặc mang máy ra cửa hàng nhờ trợ giúp.

Những vấn đề pháp lý liên quan chức năng quay video

Năm 2006, EU đưa ra phán quyết rằng máy ảnh kỹ thuật số cũng là một loại máy quay phim, và áp lên chúng mức thuế nhập khẩu bổ sung lên đến 12,5%. Khoản thuế này có lẽ nhằm mục đích bù đắp trước thiệt hại xảy ra khi người chủ máy ảnh sử dụng chúng để quay trộm phim chiếu rạp hoặc phim truyền hình. Để tránh khoản thuế, các nhà sản xuất máy ảnh đã giới hạn thời gian quay chỉ còn 30 phút (chính xác là 29 phút 59 giây). Dường như EU chẳng quan tâm việc người ta quay trộm các tập phim sitcom.

Tất nhiên, các bản hack nhằm phá bỏ giới hạn 30 phút lập tức xuất hiện. Với hầu hết mọi người, 30 phút là quá đủ. Nhưng nếu bạn đang quay lại một buổi kịch nghệ hay một sự kiện nào đó cho nhà trường, bạn sẽ muốn quay lâu hơn một chút.

Nếu sử dụng máy ảnh Canon, thì có một phần mềm thú vị gọi là Magic Lantern. Nó chạy từ thẻ CF/SD, và mang lại cho chiếc EOS của bạn đủ loại tính năng mới hấp dẫn. Với các hãng khác, bạn có thể nhờ Google tìm kiếm cách "vượt rào". Nhưng hãy nhớ rằng, chiếc smartphone hiện tại của bạn nhiều khả năng quay video tốt hơn nhiều so với một chiếc máy ảnh 10 năm tuổi đấy!

Cách mua máy

Giải pháp an toàn nhất là mua máy từ một cửa hàng máy ảnh secondhand với cam kết bảo hành đầy đủ. Dù giá sẽ cao hơn một chút, nhưng ít nhất bạn cũng an tâm được phần nào, và nếu cửa hàng đó có uy tín, họ có thể sẽ giúp bạn kiểm tra máy toàn diện để xem có vấn đề phổ biến nào hay không.

Ngoài ra, tránh mua lại các mẫu máy ảnh cao cấp nhất của một dòng sản phẩm. Nikon D700 là mẫu máy cao cấp thứ nhì của Nikon sau D3. Bởi vậy, nó nhiều khả năng đã được sử dụng qua dưới dạng máy phụ của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, hoặc máy ảnh chính của một anh chàng nghiệp dư chụp vì sở thích nào đó. Ở năm 2020 này, bạn vẫn có thể tìm thấy những chiếc D700 với số shutter count chỉ khoảng 10.000 mà thôi.

Nếu bạn mua máy từ người dùng cá nhân, hãy mua trực tiếp. Nếu chưa từng dùng máy ảnh, hãy nhờ một người bạn có kiến thức về máy đi theo. Đừng ngại việc tháo ống kính ra và kiểm tra máy thật kỹ càng. Một điểm cộng khi mua máy theo kiểu này là người bán có khả năng là một "tay chơi" máy ảnh, do đó họ sẽ hiểu chiếc máy họ đang bán, cũng như những nhu cầu của bạn.

Và cuối cùng, hãy mang theo một chiếc tablet hay laptop để kiểm tra ảnh chụp trên màn hình lớn, đồng thời chạy chương trình kiểm tra shutter count nữa.

Khả năng sửa chữa

Máy ảnh DSLR là sự kết hợp giữa các linh kiện cơ khí và những con chip máy tính tinh vi. Mọi thứ đều có kích thước khá bé, được "nhồi nhét" vào trong thân máy. Nhưng điều đó không có nghĩa việc sửa chữa sẽ gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, có khá nhiều bài viết hướng dẫn sửa chữa máy ảnh trên internet, mà nổi bật là bài viết của iFixit. Bạn cũng có thể ghé thăm website Learn Camera Repair vốn có đầy đủ những thủ thuật xuất sắc cùng nguồn tài nguyên cần thiết cho việc sửa chữa.

Ngoài ra, có khả năng một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp cũ sẽ dễ sửa chữa hơn một chiếc máy ảnh hiện đại giá rẻ. Nếu một người dùng chuyên nghiệp quyết định bỏ ra 5.000 USD cho một công cụ nào đó, họ hẳn mong muốn có thể bảo trì và sửa chữa nó, hoặc ít nhất thì có thể giao cho một cửa hàng thực hiện điều đó. Máy ảnh kỹ thuật số phức tạp hơn xét về số lượng linh kiện và khả năng sửa chữa, nhưng không gì là bất khả thi.;

Theo website "Nikon Camera Repair Site", rất khó mua linh kiện cho các máy ảnh sản xuất trước 2006. Tác giả của trang web khuyến cáo mua thêm một vài "xác máy" thuộc cùng mẫu bạn dự định mua để có linh kiện thay thế khi cần sửa chữa.

Một lưu ý bạn cần biết trước khi mở bung một chiếc DSLR cũ: cẩn thận với những mẫu máy có đèn flash tích hợp. Các tụ điện của chúng có thể khiến bạn bị giật. Tụ điện là thành phần trữ điện giống pin, và nếu bạn mở bung thiết bị mà không theo hướng dẫn cụ thể, bạn có thể bị giật điện từ đây. Nếu máy ảnh có đèn flash tích hợp, tụ điện của nó sẽ khá lớn, và nếu không chắc cần làm gì, tốt nhất hãy tránh xa thành phần này ra nhé. Nên nhớ rằng kể cả khi máy ảnh không còn được sử dụng một thời gian, các tụ điện của nó có thể vẫn còn điện bên trong.

Bạn đã sẵn sàng để lượn một vòng và tìm cho mình một chiếc DSLR secondhand chưa nào?

Minh.T.T (theo iFixit)

Chủ đề khác