VnReview
Hà Nội

Những tính năng điều khiển nâng cao trên camera điện thoại, chúng có ý nghĩa gì?

Ngày càng nhiều smartphone ngày nay được trang bị các ứng dụng camera với hàng tá tuỳ chọn và thiết lập - tất cả nhằm giúp bạn luôn chụp được những bức ảnh hoàn hảo.

Có thể phần lớn thời gian, bạn sẽ chỉ cầm điện thoại lên và chụp mọi thứ xung quanh mình, nhưng nắm được ý nghĩa của những tính năng bổ sung - để đề phòng trường hợp bạn cần đến chúng - luôn là điều nên làm. Những tính năng điều khiển nâng cao đó đôi khi sẽ là yếu tố quyết định, tạo ra sự khác biệt giữa một bức ảnh đáng nhớ và một bức ảnh...bỏ đi.

Tất nhiên, với quá nhiều thiết bị đang có trên thị trường, chúng ta không thể liệt kê toàn bộ những tính năng cụ thể, đặc trưng trên từng thiết bị. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ chỉ lướt qua một vài trong số những tính năng và thiết lập mà bạn nhiều khả năng sẽ dùng đến thường xuyên nhất. Có thể điện thoại của bạn sẽ sử dụng những từ ngữ và thuật ngữ có phần khác biệt, nhưng trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ tìm thấy các tính năng điều khiển nâng cao trong chế độ Pro hoặc Advanced của ứng dụng camera.

HDR

Có mặt trên hầu hết các ứng dụng camera điện thoại ngày nay, kể cả các mẫu điện thoại bình dân, High Dynamic Range (HDR) là tính năng giúp cân bằng các vùng sáng nhất và tối nhất của một bức ảnh - bạn sẽ không buộc phải chọn giữ lại chi tiết trong những đám mây trên trời, hay chi tiết trong những bụi cây dưới đất, bởi bạn có thể có cả hai (nhiều màn hình điện thoại cũng ứng dụng công nghệ này để cho chất lượng hình ảnh khi xem phim Netflix hài hoà hơn). HDR luôn được kích hoạt mặc định trên hầu hết cá điện thoại, bởi gần như mọi lúc mọi nơi, bạn sẽ cần đến nó. Nhưng nếu bạn cho rằng tính năng này hoạt động hơi quá tay, hoặc bạn muốn thử nghiệm đôi chút, thì bạn thường có thể tắt nó đi chỉ với một hoặc hai thao tác đơn giản mà thôi.

ISO

Thiết lập ISO (International Organization of Standardization) là thiết lập đầu tiên trong số ba thiết lập hoạt động đồng thời nhằm kiểm soát mức độ phơi sáng của một bức ảnh, hay nói dễ hiểu hơn là kiểm soát lượng ánh sáng đi vào cảm biến. Tăng mức phơi sáng sẽ cho phép nhiều ánh sáng đi vào hơn (thường dùng khi chụp đêm), nhưng cũng có thể khiến ảnh bị nhiễu hạt nhiều hơn. Tăng ISO là tăng độ nhạy ánh sáng của camera, nhưng hãy đảm bảo bạn giữ điện thoại thật ổn định khi chụp ảnh; hoặc giảm ISO nếu bạn muốn một bức ảnh nhiễu hạt nhiều hơn, trông có vẻ cũ kỹ hơn. Đây là một thiết lập mà phần lớn người dùng nên đặt tự động, nhưng một số điện thoại cho phép bạn điều chỉnh ISO thủ công, và bạn có thể tạo ra một vài hiệu ứng nghệ thuật khá thú vị khi làm điều này.

Khẩu độ (F-Stop)

Thiết lập thứ hai trong số ba thiết lập góp phần vào mức phơi sáng của một bức ảnh, hay lượng ánh sáng cảm biến thu được. F-Stop thể hiện kích cỡ khẩu độ, hay độ rộng mà ống kính camera mở ra, và số F-Stop càng nhỏ, khẩu độ càng rộng (nhiều ánh sáng đi vào hơn). Trước đây, một số thiết bị Samsung Galaxy có chế độ khẩu độ kép, cho phép người dùng chuyển giữa f/1.5 khi chụp tối và f/2.4 để lấy nét tốt hơn và rõ ràng hơn trong điều kiện đủ sáng. Trên máy ảnh kỹ thuật số, khẩu độ rộng hơn (F-Stop nhỏ hơn) còn có thể được tận dụng để tạo hiệu ứng độ sâu trường ảnh nông, còn trên điện thoại, các nhà sản xuất thường sử dụng một vài kỹ thuật khác để tạo hiệu ứng tương tự.

Tốc độ màn trập

Tốc độ màn trập trên điện thoại Xiaomi

Thiết lập thứ ba trong số ba thiết lập kiểm soát mức phơi sáng, hay lượng ánh sáng đi vào ống kính camera, tốc độ màn trập - đúng như tên gọi của nó - chỉ quãng thời gian màn trập mở ra. Bạn sẽ chú ý rằng các chế độ chụp đêm thường sử dụng tốc độ màn trập dài hơn để cho phép nhiều ánh sáng đi vào ống kính hơn, và đó là lý do khi kích hoạt chế độ chụp đêm, ứng dụng camera thường yêu cầu bạn giữ thiết bị thật chắc tay: tốc độ màn trập càng lâu, khả năng ảnh chụp bị nhoè càng cao nếu các chủ thể (hoặc camera) di chuyển (rung lắc). Nếu camera smartphone của bạn cho phép điều chỉnh thủ công tốc độ màn trập, bạn có thể "vọc vạch" sáng tạo đôi chút để tạo hiệu ứng bóng mờ một cách có chủ ý.

Giá trị phơi sáng (hay Bù sáng)

Một số camera cung cấp thiết lập giá trị phơi sáng (EV), vốn là tuỳ chọn kết hợp của F-Stop và tốc độ màn trập (bạn thường sẽ thấy số F-Stop trong quá trình điều chỉnh EV) - do đó nó được sử dụng để kiểm soát lượng ánh sáng đi vào ống kính camera. Bạn kéo thanh trượt về một phía để làm ảnh tối hơn, hoặc về phía ngược lại để ảnh sáng hơn (thanh EV thường sẽ có hai ký hiệu là dấu "+" và dấu "-"). Giống như mọi thiết lập khác, EV là một thuật ngữ vay mượn từ các máy ảnh thực thụ, tuy nhiên nhìn chung trên smartphone, công nghệ này đã và đang được đơn giản hoá hơn.

Cân bằng trắng

Cân bằng trắng trên điện thoại Samsung

Nếu màu sắc bạn thấy trong ảnh chụp bởi điện thoại không phải là màu sắc bạn thấy ngoài thế giới thật, thì bạn sẽ cần điều chỉnh đôi chút về cân bằng trắng (WB). Nói đơn giản, nhiều ánh sáng khác nhau có thể có thể khiến camera của điện thoại bị "rối", không biết nó đang thực sự thấy gì và tạo ra màu sắc tương tự ánh sáng đó, buộc bạn phải reset lại khái niệm về màu trắng của nó: khi làm điều đó, các màu sắc khác sẽ tự động tinh chỉnh theo cho khớp. WB thường thể hiện ở độ K (Kelvin), một đơn vị đo lường nhiệt độ. Khi điều chỉnh WB trong ứng dụng camera, tuỳ thuộc màu sắc sử dụng, bạn sẽ thấy khung cảnh chuyển sang màu lạnh hơn hay ấm.

Lấy nét thủ công

Lấy nét thủ công trên điện thoại Realme

Bạn có thấy một thiết lập là AF (lấy nét tự động) hay MF (lấy nét thủ công) trong ứng dụng camera của mình không? Chúng có thể được dùng để điều khiển điểm lấy nét trong một khung hình. Nhiều điện thoại còn cho phép bạn chạm vào khung hình và chủ thể trong khung ngắm để lấy nét, nhưng với thiết lập thủ công, bạn có thể điều chỉnh nó chính xác hơn nếu cần. Nó còn tiện dụng khi chụp ảnh cận cảnh, hay chụp những trường hợp bạn muốn hậu cảnh bị xoá nhoà nhưng tiền cảnh thì sắc nét (hoặc ngược lại), dù rằng tính năng lấy nét tự động tích hợp sẽ hoạt động tốt trong phần lớn các trường hợp. Lấy nét thủ công thường được thể hiện dưới con số mm hay millimet, để khớp với thông số ống kính trên máy ảnh kỹ thuật số.

Lưu RAW

Các điện thoại với camera tiên tiến hơn sẽ cho phép bạn lưu ảnh dưới định dạng RAW, rất hữu dụng nếu bạn dự định chỉnh sửa ảnh nghiêm túc sau này. Định dạng RAW lưu rất nhiều thông tin vào một bức ảnh, và sử dụng độ nén tối thiểu (đây là lý do ảnh RAW chiếm nhiều không gian hơn trên điện thoại) - khi bạn di chuyển ảnh sang máy tính, bạn có thể tự tay tinh chỉnh độ bão hoà, độ tương phản, màu sắc, độ sắc nét... theo ý muốn, thay vì dựa vào các tuỳ chọn nén tự động vốn áp dụng khi điện thoại tạo ra ảnh JPEG tiêu chuẩn (vẫn có thể chỉnh sửa được, nhưng không sâu như ảnh RAW).

Minh.T.T (theo Gizmodo)

Chủ đề khác