VnReview
Hà Nội

Bokeh trong nhiếp ảnh là gì, làm sao để tạo ra bokeh?

Bokeh là một thuật ngữ được các nhiếp ảnh gia sử dụng khá nhiều trong các buổi "đàm đạo". Nó đề cập đến hình dạng và chất lượng của vùng ngoài nét (out nét) trong một bức ảnh.

Phát âm "Bokeh" như thế nào

Bokeh, đọc là "boh-keh" (bô-ke), là thuật ngữ xuất phát từ từ "boke" trong tiếng Nhật Bản, có nghĩa là một thứ gì đó nhoè hoặc mờ ảo. Vào năm 1997, biên tập viên Mike Johnston của trang Photo Techniques đã thêm chữ "h" vào từ "boke" để dạng viết của nó giống với phát âm hơn.

Khi phát âm bokeh, cả hai âm tiết đều được nhấn như nhau. Đừng đọc bokeh là "boke" (bóc) hay "boh-kee" (bô-ki). "Boh-kay" (bô-kay) là một cách phát âm tạm chấp nhận được, bởi giống như mọi ngôn ngữ, tiếng Nhật Bản cũng có nhiều biến thể theo vùng miền. Bạn có thể xem đoạn video này để biết được cách phát âm chuẩn (cùng những cách phát âm sai) của từ bokeh.

Độ sâu trường ảnh và Bokeh

Bokeh nằm ở hậu cảnh trong một bức ảnh chân dung

Bokeh có thể nói là một đánh giá chủ quan về chất lượng của những khu vực out nét trong một bức ảnh.

Một bức ảnh mà trong đó những khu vực out nét trông đẹp mắt và góp phần tạo nên tính thẩm mỹ tổng thể được gọi là "có bokeh đẹp".

Một hình ảnh mà trong đó khu vực out nét gây phân tâm hoặc làm giảm đi tính thẩm mỹ nói chung sẽ bị chê là "có bokeh xấu". Tuy nhiên, bởi bokeh là đánh giá chủ quan, sẽ có người không đồng ý với ý kiến của bạn rằng một bức ảnh có bokeh đẹp hay xấu.

Bởi bạn chỉ thấy rõ bokeh khi một phần lớn trong tổng thể bức ảnh là khu vực out nét, nên nó thường được nhắc đến trong những thể loại nhiếp ảnh yêu cầu độ sâu trường ảnh nông, như thể loại chân dung hay nhiếp ảnh hoang dã. Nó cũng thường đi cùng thể loại ảnh macro và thể thao, bởi bokeh sẽ xuất hiện do nhiều yếu tố liên quan đến ống kính hay tình huống chụp.

Tất nhiên, một bức ảnh thuộc bất kỳ thể loại nào cũng có thể có bokeh. Chúng ta sẽ đề cập thêm về chất lượng bokeh ở phần sau, còn bây giờ, hãy nói một chút về độ sâu trường ảnh.

Độ sâu trường ảnh là khoảng tiêu diện (focal plane) được xem là sắc nét đối với người xem ảnh. Nó chính là thứ xác định những gì nét hoặc out nét trong một bức ảnh. Trong một bức ảnh với độ sâu trường ảnh nông, như bức ảnh chân dung ở bên trái của hình trên, chỉ một phần nhỏ (trong trường hợp này là một vài millimet mà thôi) của tiêu diện nằm trong vùng nét. Bạn sẽ để ý thấy rằng phần tai của cô người mẫu đã bị mờ nhẹ.

Trong một bức ảnh với độ sâu trường ảnh rộng, như bức ảnh ở bên phải của hình trên, mọi thứ đều trong vùng nét. Độ sâu trường ảnh chịu ảnh hưởng bởi tiêu cự của ống kính, khẩu độ mà bạn thiết lập, khoảng cách từ camera đến chủ thể, và kích cỡ của cảm biến camera.

Điều quan trọng đối với bokeh không phải là trong ảnh phải có những vùng lớn bị out nét, mà là cách hình ảnh được dựng nên. Khi một thứ gì đó nằm ngoài độ sâu trường ảnh, thay vì được tái hiện một cách chính xác trên cảm biến camera, nó được tái hiện như một vòng tròn mờ ảo.

Hiện tượng đó được gọi là "vòng tròn hỗn loạn", và nó thể hiện rõ ràng nhất với các nguồn sáng dạng điểm - đó là lý do tại sao ánh sáng và các vùng highlight phản chiếu khác lại trở nên rất rõ ràng khi chúng bị out nét.

Tuy nhiên, giống như mọi thứ liên quan đến quang học, mọi chuyện phức tạp hơn một chút. Các nguồn sáng dạng điểm về lý thuyết chỉ được dựng thành các vòng tròn. Nhưng chúng thực sự hiện ra như thế nào thì lại được xác định bởi thiết kế và cấu trúc của ống kính. Đó cũng là thứ quyết định chất lượng bokeh.

Những yếu tố ảnh hưởng đến bokeh

Nhiều thành tố thiết kế của ống kính ảnh hưởng lên cách bokeh hiện ra. Thành tố đầu tiên là số lượng lá khẩu trong ống kính. Những ống kính với số lượng lá khẩu càng ít sẽ dựng nên những "vòng tròn hỗn loạn" hình đa giác với số lượng cạnh càng nhiều. Ví dụ, một ống kính với 7 lá khẩu sẽ cho bokeh hình bảy cạnh, trong khi một ống kính với 9 lá khẩu hoặc nhiều hơn sẽ cho ra bokeh càng tròn hơn.

Bạn có thấy bokeh hình đa giác trong vùng khoanh tròn không?

Khẩu độ của ống kính cũng ảnh hưởng đến bokeh. Khẩu độ càng rộng sẽ cho ra bokeh càng lớn, càng tròn. Ở các khẩu độ hẹp hơn, hình dạng của màng chắn sáng (iris) sẽ càng rõ ràng hơn, dù đó là một vòng tròn hay một đa giác đi chăng nữa, và các "vòng tròn hỗn loạn" sẽ càng nhỏ hơn.

Ảnh chụp bằng ống kính thông thường, f/5.6 - bạn khó mà thấy được bokeh trong tình huống này

Quang sai cầu (spherical aberration) là hiện tượng xảy ra trên mọi ống kính nhiếp ảnh. Các bước bạn phải thực hiện để khắc phục quang sai cũng ảnh hưởng đến bokeh trong ảnh. Một ống kính cần nhiều bước để khắc phục quang sai cầu sẽ cho ra những "vòng tròn hỗn loạn" có viền ngoài sáng hơn ở giữa – người ta gọi đây là hiệu ứng "bong bóng xà phòng". Một ống kính cần ít bước để khắc phục quang sai cầu sẽ cho hiệu ứng ngược lại: những "vòng tròn hỗn loạn" có phần trung tâm sáng hơn và nhạt dần khi ra viền.

Góc mà ánh sáng đi vào ống kính cũng ảnh hưởng đến bokeh. Càng về phía rìa của một bức ảnh, các vòng tròn hỗn loạn thường sẽ có dạng elip hơn là tròn – đây là hiệu ứng "mắt mèo". Với một số ống kinh, hiệu ứng mắt mèo xảy ra rất nặng, bokeh trông như đang xoáy tít trong một vòng tròn vậy.

Bokeh đẹp, bokeh xấu?

Đến đây, có lẽ bạn đã rõ về bokeh rồi, nhưng các nhiếp ảnh gia chưa muốn dừng lại. Họ còn rất nhiều thứ muốn thảo luận, ví dụ điều gì góp phần tạo nên bokeh đẹp hay làm bokeh xấu đi.

Như đã nói ở trên, bokeh là;một đánh giá chủ quan về chất lượng của những khu vực out nét trong một bức ảnh.Bokeh đẹp không nhất thiết khiến một bức ảnh đẹp theo. Một chủ thể nhàm chán đứng cùng hiệu ứng bokeh đã mắt vẫn sẽ cho ra một bức ảnh nhàm chán, và những khu vực out nét thì cũng chỉ trông tàm tạm mà thôi.

Hãy tránh việc liên tục sử dụng khẩu độ rộng nhất chỉ vì muốn có bokeh, hay cho rằng bokeh sẽ giúp cải thiện hình ảnh của bạn – có rất nhiều thứ liên quan đến điều đó.

Nhiếp ảnh gia là người khiến bokeh đẹp hay xấu. Một số người ghét hiệu ứng bong bóng xà phòng, trong khi số khác tìm mua những ống kính chuyên dụng để tạo ra được hiệu ứng đó. Nhìn chung, bokeh hình tròn "mướt mờ" được xem là đẹp hơn bởi nó ít khả năng gây xao nhãng khỏi chủ thể.

Ví dụ, hình ảnh trên có bokeh được đánh giá là đẹp, trong khi bokeh ở hình bên dưới là khá tệ. Vùng out nét có quá nhiều hoạ tiết và thu hút mọi ánh nhìn, còn hiệu ứng bong bóng xà phòng thì giống như đập vào mặt người xem vậy.

Tạo bokeh trong ảnh

Có một vài điều bạn có thể làm nếu muốn tăng chất lượng của bokeh trong ảnh, hoặc ít nhất thì cũng vận dụng sáng tạo nó.

Sử dụng một ống kính prime (ống kính một tiêu cự) với khẩu độ rộng tối đa thường sẽ cho bokeh đẹp mắt hơn so với những ống kính zoom bình thường, đặc biệt nếu ống kính prime kia được thiết kế cho chụp chân dung hoặc macro.

Hãy chụp ở khẩu độ rộng nhất có thể mà vẫn giữ chủ thể của bạn hoàn toàn trong vùng nét. Đôi lúc, bạn cần mở khẩu hết cỡ, nhưng thông thường thì bạn sẽ cần khép khẩu lại một chút để mọi thứ được sắc nét.

Đừng quên chú ý đến hậu cảnh. Các nguồn sáng dạng điểm và những vùng highlight phản chiếu với độ sáng cao (như những giọt mưa phản chiếu trên lá) sẽ cho bokeh rõ ràng nhất, trong khi các vùng shadow tối tăm thường cho bokeh khá nhạt nhoà.

Ngoài ra, nếu bạn đặt khoảng cách giữa chủ thể và hậu cảnh quá lớn, bạn sẽ thu được ảnh có hậu cảnh mờ nhất, và đi kèm với đó là bokeh mịn hơn. Các ống kính telephoto dài hơn sẽ giúp tăng cường hiệu ứng này, miễn là bạn duy trì được khoảng cách vừa đủ giữa chủ thể và hậu cảnh.

Ngoài ra bạn phải biết cách lấy nét chính xác trên máy ảnh. Một vài tình huống có thể hứa hẹn cho bokeh đẹp nhưng lại khiến hệ thống lấy nét tự động của camera gặp khó khăn.

Hãy thử nghiệm thật nhiều. Chụp được bokeh đẹp là một trong những điều mà bạn chỉ có thể học được nếu tập luyện thường xuyên, bởi nó mang tính chủ quan mà!

Tại sao smartphone phải tạo bokeh giả

Hầu hết smartphone hiện đại có chế độ chụp chân dung làm mờ hậu cảnh để giả lập bokeh mà một ống kính khẩu độ rộng có thể tạo ra. Hiệu ứng đó trông đẹp hay không còn tuỳ vào tay chụp của bạn, nhưng lý do tại sao nó phải làm giả bokeh thì không phải ai cũng biết.

Để đạt được bokeh đẹp, một bức ảnh cần có những phần tiền hoặc hậu cảnh bị out nét. Như đã nói ở trên, khẩu độ, tiêu cự, và kích cỡ cảm biến là những thành tố ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh.

Dù camera smartphone có khẩu độ cố định khá rộng (thường là f/1.8 hoặc f/2.0), tiêu cự của các ống kính này lại rất ngắn (chỉ 2-6mm). Và vì chúng còn có những cảm biến rất nhỏ, crop factor (hệ số cúp nhỏ, hay hệ số crop) khiến chúng có cùng góc nhìn như của các ống kính góc rộng hoặc ống kính thông thường trên máy ảnh DSLR full-frame.

Tuy nhiên, có một vấn đề: crop factor chỉ ảnh hưởng đến trường nhìn, không phải độ sâu trường ảnh. Tiêu cự thực sự của ống kính mới ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh, và trên smartphone thì các ống kính có tiêu cự rất ngắn. Điều đó đồng nghĩa ảnh chụp ra sẽ có độ sâu trường ảnh rất lớn, dẫn đến việc không có bokeh. Kết quả: smartphone phải tạo bokeh giả.

Minh.T.T (theo HowToGeek)

Chủ đề khác