VnReview
Hà Nội

Đây là cách phân biệt ảnh đã photoshop hay chưa, nhắc nhẹ chị em hạn chế cà chuột hoàn hảo quá

"Bạn không thể tin tưởng hoàn toàn vào bất cứ thứ gì bạn đọc được – hay nhìn thấy", đây dường như là một chân lý của cuộc sống. Mạng xã hội ngày nay tràn ngập những tấm ảnh đã được chỉnh sửa, hay còn gọi là đã qua "photoshop".

Làm thế nào để biết một tấm ảnh đã qua chỉnh sửa hay chưa?

Vậy làm thế nào để bạn có thể phân biệt một bức ảnh thật và một bức ảnh đã qua chỉnh sửa. Bài viết này sẽ mang đến cho bạn một số "mẹo" để phát hiện những "dấu vết" của kỹ thuật đồ hoạ trong một tấm hình bất kỳ nhé!

Những bức ảnh đã được "là phẳng" thường rất dễ phát hiện

Bạn đã bao giờ nhìn thấy một hình ảnh trông cứ "sai sai" bao giờ chưa? Tin tưởng vào trực giác thường không phải là một phương pháp nhận thức có tính khoa học, nhưng tin tôi đi, chúng ta có khả năng phân biệt "đồ giả" theo bản năng tự nhiên khá tốt đó! Nếu bạn xem một bức ảnh và cảm thấy rằng có điều gì đó không đúng trên đó, thì hãy thử dành thời gian quan sát kỹ nó hơn một chút xem sao. Có thể bạn sẽ phát hiện ra một số dấu vết của sự chỉnh sửa trên đó đấy!

Làm thế nào để biết một tấm ảnh đã qua chỉnh sửa hay chưa?

Những bức ảnh đã được "là phẳng" thường sẽ mang đến một cảm giác kỳ lạ, "sai sai" khi xem. Chẳng hạn, ngay cả khi bạn sở hữu một làn da hoàn hảo, thì hầu hết các nguồn sáng thường đều có thể tạo ra bóng cho những chi tiết dù là nhỏ nhất trên mặt bạn, từ các nếp nhăn cho đến lỗ chân lông và các khuyết điểm nhỏ khác. Khi những khuyết điểm này của da được loại bỏ bằng các công cụ chỉnh sửa kỹ thuật số, thì ánh sáng tự nhiên và những vết bóng nhỏ đó cũng vậy.

Những chuyên gia chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp thường sẽ tìm cách duy trì sự cân bằng giữa sự hoàn hảo và tính hiện thực của bức ảnh, nhưng những người sửa ảnh nghiệp dư và các ứng dụng sửa ảnh trên điện thoại di động thường không làm được điều đó; đặc biệt là các ứng dụng dựa vào tông màu da để "khoanh vùng" những vị trí cần chỉnh sửa (thường là gương mặt). Điều này thường dẫn đến hiệu ứng "là phẳng" quá đà và dễ bị phát hiện.

Kiểm tra các vật thể bị cong, lệch hay vênh

Đôi khi, bạn cần phải nhìn rộng ra khỏi phạm vi của chủ thể bức ảnh để thấy toàn cảnh. Điều này đặc biệt đúng với hiện tượng "cong vênh" các đối tượng trong ảnh, thường gặp khi người ta sử dụng các công cụ chỉnh sửa để "nhấc" một vài đường nét nào đó trong hình rồi di chuyển, thu nhỏ hay phóng to để đạt hiệu ứng mong muốn.

Ví dụ, bạn hãy tìm những đường thẳng ở phần nền của bức ảnh và kiểm tra xem chúng có tuân thủ đúng các định luật vật lý thông thường hay không. Nếu một người bạn gái của bạn chia sẻ một bức ảnh với đôi chân thon gọn, vòng eo "con kiến" và vòng một căng đầy quyến rũ, nhưng hàng gạch lát đường hay cái lan can ở đằng sau, gần với những "đường cong" cơ thể lại bị biến dạng một cách thiếu tự nhiên, thì rõ ràng, tấm ảnh đó đã bị chỉnh sửa để làm nổi bật lên những chi tiết mà người chỉnh mong muốn.

Kỹ thuật tương tự cũng thường được sử dụng để "cường điệu hoá" cơ bắp hay những nỗ lực giảm cân của chủ thể.

Tìm những hoạ tiết hay các vật thể lặp lại

Làm thế nào để biết một tấm ảnh đã qua chỉnh sửa hay chưa?

"Nhân bản" (clone) là một kỹ thuật cơ bản trong Photoshop, tác dụng của nó là để sao chép một phần nào đó của hình sang một khu vực khác. Công cụ này thường được sử dụng để loại bỏ các khuyết điểm nhỏ trên da bằng cách "nhân bản" một vùng da "chuẩn" hơn vào vị trí cần xoá. Công cụ này cũng giúp làm cho ảnh trông đỡ giống như bị "là phẳng" hơn.

Kỹ thuật này cũng được sử dụng trong những hoàn cảnh khác. Những chuyên gia chỉnh sửa ảnh cũng có thể sử dụng công cụ này để "nhân bản" các đám đông, cây cối hoặc thậm chí các ngôi sao trên bầu trời đêm. Đây là một trong những phương pháp hiệu quả để làm nổi bật một tấm ảnh phong cảnh, bằng cách bổ sung thêm một vài bông hoa rực rỡ, nhiều màu sắc từ những phần khác của bức ảnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể làm cho ảnh chụp một sân vận động hoặc sự kiện bóng đá trông đông đúc hơn rất nhiều so với thực tế.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là để lại những chi tiết lặp lại khá dễ nhận biết trong ảnh. Mẹo: Bạn có thể chọn ra một vài chi tiết độc đáo, nổi bật của bức ảnh và nhìn kỹ xem có thấy chi tiết đó bị lặp lại ở các vùng khác của ảnh hay không. Đó có thể là một người nào đó đó đội một chiếc mũ "độc lạ" trong một đám đông, một nhóm sao (hoặc chòm sao) xếp thành hình dạng đặc biệt, hay một cái cây có ánh nắng chiếu xuyên qua và xem những chi tiết đó có bị "lặp lạ" ở một vị trí khác trong ảnh hay không.

Đừng quên kiểm tra bóng của các vật thể

Làm thế nào để biết một tấm ảnh đã qua chỉnh sửa hay chưa?

Mẹo này chỉ áp dụng với những bức ảnh được chỉnh sửa bởi những "tay mơ"; nhưng đừng quên kiểm tra phần bóng đổ của các vật thể trong ảnh. Đây là một lỗi khá sơ đẳng, nhưng thỉnh thoảng vẫn có người mắc. Thậm chí, có người khi ghép vật thể vào ảnh còn chẳng buồn chèn một chút bóng nào vào cho nó cơ.

Nhìn chung, bất kỳ vật thể nào ngoài đời đều tạo ra bóng lên một vật thể khác. Chưa kể, nếu bạn chụp một bức ảnh tập thể lúc 5 giờ chiều, bạn sẽ nhận thấy mặt trời khi đang lặn tạo ra một vệt bóng dài hơn so với những bức ảnh chụp vào giữa trưa. Tuy nhiên, chi tiết này có thể khó nhận biết hơn trên một bức ảnh sử dụng nguồn sáng nhân tạo. Tuy nhiên, nếu thấy trong ảnh có mặt trời, bạn nên kiểm tra độ dài và góc chiếu của bóng xem có khớp với vị trí của nguồn sáng hay không.

Chưa hết, bạn hãy kiểm tra cách thức đổ bóng của từng vật thể trong ảnh. Nếu trong ảnh có những đường nét phức tạp, chẳng hạn một hòn đá, thì bóng đổ của vật thể đó trông cũng giống với những vật thể khác trong ảnh.

Để ý những vùng bị mờ trong ảnh và hiện tượng nhiễu hạt của ảnh JPEG

Khi một bức ảnh đã trải qua nhiều lần chia sẻ, lưu lại và tải lên các trang mạng xã hội, bạn sẽ nhận thấy các dấu vết của quá trình nén ảnh. Chẳng hạn, bạn có thể thấy những khu vực bị mờ, nhoè hay màu sắc bị lệch ở những vùng có chi tiết thẳng, sắc cạnh. Nếu một bức ảnh đã từng qua chỉnh sửa, những vùng "lỗi" khó nhìn thấy có thể xuất hiện xung quanh viền của những chi tiết đã được chỉnh sửa.

Thực tế, điều này càng dễ phát hiện nếu bạn so sánh với những phần ảnh gốc khác, vốn trông thường khá "nuột nà". Chẳng hạn, nếu trước đó đã có người tìm cách xoá chữ khỏi một vật thể màu trắng trên ảnh bằng cách tô màu trắng lên vùng đó, những ‘vùng lỗi' của ảnh JPEG sẽ thường xuất hiện xung quanh khu vực bị tô màu, trông gần giống màu keo dính vậy.

Nói chung, bất kỳ khu vực nào trên ảnh trông không "nuột", những vùng đơn sắc trông không tự nhiên, bạn có thể đoán đây là một bức ảnh đã qua chỉnh sửa – ngay cả khi đó là một file ảnh JPEG chất lượng cao.

Kiểm tra dữ liệu EXIF và dữ liệu định vị của ảnh

Làm thế nào để biết một tấm ảnh đã qua chỉnh sửa hay chưa?

Dữ liệu EXIF là siêu dữ liệu được lưu trữ kèm theo một bức ảnh khi nó được chụp. Dữ liệu này có thể bao gồm những thông tin như dòng máy ảnh, độ dài tiêu cự ống kính, khẩu độ, tốc độ màn trập, độ nhạy sáng ISO và nhiều thông tin khác. Dữ liệu định vị dưới dạng toạ độ địa lý nơi bức ảnh được chụp thường cũng được lưu trong ảnh.

Để hiểu hơn về dữ liệu EXIF, bạn cần có đôi chút kiến thức về nhiếp ảnh. Nếu bức ảnh bạn đang xem được chụp với trường nét mỏng (chẳng hạn như f/1.8), bạn sẽ thấy một bức ảnh được "xoá phông" mạnh (tức là phần hậu cảnh đằng sau được làm mờ rất mạnh). Tốc độ màn trập chậm đồng nghĩa với việc bất kỳ đối tượng đang di chuyển nào cũng sẽ bị mờ nhoè đi. Tiêu cự ống kính lớn (chẳng hạn 300mm) sẽ "nén" phần hậu cảnh lại và khiến cho bức ảnh trông hơi "phẳng" ra và độ sâu trường nét của ảnh nhỏ lại.

Nếu những thông số này không khớp với hình ảnh bạn nhìn thấy, khả năng cao là bức ảnh đã bị can thiệp chỉnh sửa. Tương tự, dữ liệu EXIF có thể đối lập hoàn toàn với câu chuyện xảy ra khi bức ảnh được chụp. Chẳng hạn, có hai bức ảnh được cho là đã được chụp ở hai thời điểm gần nhau (cùng một vị trí) để cho thấy sự thay đổi của khung cảnh qua thời gian. Nếu bạn có thể tìm được dữ liệu định vị của hai bức ảnh này, hãy tra cứu chúng trên Google Maps và kiểm tra hình ảnh vị trí đó bằng công cụ Street View hay ảnh vệ tinh để xem đó "có đúng" là khung cảnh xuất hiện trong ảnh hay không.

Hãy nhớ rằng tất cả các công cụ chỉnh sửa ảnh, chẳng hạn như Photoshop hay GIMP, cũng đều được ghi lại trong dữ liệu EXIF của ảnh nếu chúng đã từng được sử dụng để sửa ảnh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng ảnh được chỉnh sửa để "lừa" mọi người. Có nhiều lý do chính đáng để các nhiếp ảnh gia sử dụng các phần mềm sửa ảnh, chẳng hạn như tinh chỉnh nhỏ về màu sắc hay cắt cúp, sửa hàng loạt.

Sử dụng công cụ "Image Edited?" để kiểm tra

Làm thế nào để biết một tấm ảnh đã qua chỉnh sửa hay chưa?

Bên cạnh việc zoom vào và "soi" từng điểm ảnh một để tìm dấu hiệu "chỉnh sửa", có nhiều công cụ khác cũng có thể hỗ trợ bạn phát hiện một tấm ảnh đã qua "xử lý". Công cụ cơ bản nhất mà chúng tôi giới thiệu ở đây là một trang web có tên Image Edited? có chức năng đánh giá xem một bức ảnh đã được chỉnh sửa hay không.

Image Edited?cũng sử dụng đa số các kĩ thuật chúng tôi đã đề cập ở trên để kiểm tra xem có chi tiết nào "không nhất quán" xuất hiện trong hình hay không. Công cụ cũng kiểm tra dữ liệu EXIF để phát hiện những điểm bất thường như dòng máy và không gian màu của ảnh. Nó cũng có thể kiểm tra các vùng lỗi của ảnh JPEG, độ bão hoà màu cao quá mức, các chi tiết cho thấy một vùng nào đó của ảnh đã được nhân bản, hay sai về hướng ánh sáng và bóng đổ…

Chúng tôi đã kiểm tra với một bức ảnh đã chỉnh sửa và công cụ này cho biết tấm ảnh đó "có thể" đã được chỉnh sửa do "có một số điểm ảnh chỉ xuất hiện nhờ các phần mềm sửa ảnh."

"Soi" kĩ hơn bằng công cụ FotoForensics

Làm thế nào để biết một tấm ảnh đã qua chỉnh sửa hay chưa?

FotoForensics là công cụ tương tự như Image Edited?, ngoại trừ việc bạn có thể trực tiếp kiểm tra, phân tích để tìm xem phải chăng ảnh đã được "photoshop". Thay vì tự động kiểm tra và trả kết quả cho người dùng, trang web sẽ cho bạn xem một hình ảnh Phân tích Mức độ Lỗi (Error Level Analysis - ELA). Hình ảnh này có thể chỉ ra những vùng có khả năng đã được photoshop mà bạn không thể thấy bằng mắt thường.

Theo hướng dẫn của ELA, đầu tiên bạn cần "quan sát kỹ ảnh và chọn ra những phần viền cạnh độ tương phản cao, thấp, các bề mặt và chất liệu. So sánh những khu vực đó với hình ảnh ELA. Nếu có sự khác biệt đáng kể giữa chúng, thì điều này đồng nghĩa với việc vùng đó có thể đã bị chỉnh sửa kĩ thuật số."

Cách tốt nhất để tận dụng tối đa công cụ FotoForensics là bạn hãy xem qua phần ví dụ của họ để biết mình cần để ý những chi tiết như thế nào. Chúng tôi đã thử nghiệm với một bức ảnh xe tải bị đâm đã được ghép bằng phần mềm máy tính và thấy kết quả khá chính xác. Phần bị chỉnh sửa của ảnh có sự tương phản khá rõ rệt với phần còn lại của ảnh (xem hình minh hoạ trên).

Sử dụng công cụ tìm kiếm ảnh "ngược" và các trang web kiểm chứng thông tin

Khi tất cả các cách trên vẫn không giúp được bạn, tại sao không thử tìm về nó trên mạng? Công cụ Tìm kiếm Hình ảnh của Google cho phép bạn thực hiện tìm kiếm hình ảnh "ngược" để tìm các bản sao khác của bức ảnh bạn đang kiểm tra trên các trang web online, cũng như các hình ảnh gần giống. Công cụ này có thể sẽ giúp bạn tìm ra những trang web cho bạn biết bức ảnh bạn đang tìm có phải "hàng giả" hay không, hoặc thậm chí bạn có thể tìm thấy cả phiên bản gốc, chưa được chỉnh sửa của bức ảnh.

Bạn cũng có thể tìm kiếm thông tin về một hình ảnh mà bạn đang nghi ngờ ngờ trên các trang web kiểm chứng thông tin. Ví dụ: giả sử có một hình ảnh nói về những người ngoài hành tinh màu xanh lá cây nhỏ xuất hiện trên đường phố của Thành phố New York. Bạn có thể tìm kiếm cụm từ "những người ngoài hành tinh nhỏ màu xanh lá cây ở new york" để tìm các bài viết phân tích về bức ảnh, và bạn có thể sẽ tìm thấy các bài báo trong đó giải thích rằng những người ngoài hành tinh xanh nhỏ đó không có thật.

Đó là một ví dụ khá "cực đoan", nhưng bạn có thể áp dụng cách này với các hình ảnh đáng ngờ hoặc gây tranh cãi khác trôi nổi hàng ngày trên Internet. Hãy thử tìm kiếm nhanh và tự bản thân "phân tích" một chút trước khi bạn quyết định tin những gì người khác nói.

Không phải thấy cái gì cũng tin được

Việc chỉnh sửa ảnh không phải là điều gì đó quá mới mẻ. Những bức ảnh như vậy đã tồn tại và được chia sẻ khắp nơi kể từ khi Internet ra đời. Nhiều người đã từng trở thành nạn nhân của chúng trong quá khứ. Và, khi các kỹ thuật sửa ảnh tinh vi trở nên dễ tiếp cận hơn với người dùng thông thường, sẽ còn có rất nhiều trường hợp mọi người bị ‘lừa' bởi những bức ảnh như vậy trong tương lai.

Tuy nhiên, giờ đây khi đã biết cách tìm và xác định những chi tiết bị can thiệp chỉnh sửa trên ảnh, bạn đã nắm được cách phân tích một bức ảnh bất kỳ trên mạng để nhận biết xem chúng đã bị chỉnh sửa hay chưa rồi đó!

Quang Huy theo Howtogeek

Chủ đề khác