VnReview
Hà Nội

JPG và JPEG: điểm khác biệt giữa hai định dạng tập tin hình ảnh phổ biến

Liệu JPG và JPEG có giống nhau, hay chúng là hai định dạng hoàn toàn khác biệt?

Không phải mọi định dạng tập tin hình ảnh đều như nhau. Trên thực tế, nhiều trong số chúng được tạo ra để giải quyết một vấn đề mà một định dạng đã có trước đó không thể giải quyết. Ví dụ, JPEG xuất hiện bởi kích cỡ các tập tin hình ảnh lúc bấy giờ là quá lớn, chiếm quá nhiều dung lượng lưu trữ.

Bạn có thể chuyển đổi các định dạng ảnh khác như png sang jpg, pdf sang jpg, bằng những công cụ trực tuyến như Canva.

Có thể bạn không biết, nhưng các phần mở rộng tập tin JIF, JPEG, và JPG ít hay nhiều đều là một thứ. Để hiểu tại sao định dạng tập tin này lại có quá nhiều tên như vậy, chúng ta cần lật lại lịch sử của nó một chút.

JPEG là gì?

JPEG là viết tắt của "Joint Photographic Experts Group" (Nhóm các chuyên gia ảnh) - loại tập tin được đặt tên theo một tổ chức đã giúp tạo ra chuẩn JPEG Interchange Format (JIF). Nó lần đầu được công bố vào năm 1992 bởi Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO).

JPEG là những ảnh raster tĩnh 24-bit, với 8 bit trong mỗi kênh của mô hình màu RGB. Do đó, trong JPEG không có kênh alpha, đồng nghĩa dù JPEG có thể hỗ trợ hơn 16 triệu màu, chúng không hỗ trợ màu trong suốt.

Khi một bức ảnh được lưu dưới dạng JPEG, một số dữ liệu sẽ bị loại bỏ trong một quy trình gọi là nén tập tin có hao tổn. Chính vì vậy, hình ảnh chỉ chiếm khoảng 25 - 50% không gian lưu trữ so với các định dạng cũ như BMP mà chất lượng hình ảnh bị giảm đi không đáng kể.

Nén JPEG được dựa trên một kỹ thuật nén hình ảnh có hao tổn gọi là "biến đổi cosin rời rạc" (DCT), lần đầu được giới thiệu bởi kỹ sư điện tử Nasir Ahmed vào năm 1972.

JIF là gì?

Có thể xem một tập tin JIF là một JPEG ở hình thức thuần tuý nhất của nó. Tuy nhiên định dạng này không được sử dụng nhiều bởi nó có một số hạn chế khó chịu. Ví dụ, màu sắc và tỉ lệ điểm ảnh của một ảnh JIF gây ra những vấn đề về mặt tương thích giữa các bộ mã hoá và giải mã (hay các trình xem ảnh).

May thay, những vấn đề này sau đó đã được giải quyết bởi những chuẩn bổ sung khác được phát triển dựa trên JIF. Chuẩn đầu tiên là JPEG File Interchange Format (JFIF) và sau đó là Exchangeable image file format (Exif) và các hồ sơ màu ICC.

JPEG/JFIF hiện là định dạng phổ biến để lưu trữ và truyền tải hình ảnh qua internet, trong khi JPEG/Exif thì dành cho máy ảnh kỹ thuật số và các thiết bị chụp ảnh khác. Hầu hết chúng ta không phân biệt được sự khác nhau giữa các biến thể này và đơn giản gọi chúng là JPEG.

JPG2 hay JPF?

Vào năm 2000, nhóm GPEG đã tung ra một định dạng tập tin hình ảnh khác gọi là JPEG 2000 (phần mở rộng là JPG2 và JPF). Nó lẽ ra là sự thay thế cho JPEG, nhưng không phổ biến bằng, kể cả khi phương thức mã hoá tiên tiến của nó thường cho ra hình ảnh với chất lượng tốt hơn.

Định dạng tập tin JPEG 2000 thất bại vì một vài lý do đơn giản. Đầu tiên, nó dựa trên một bộ mã hoàn toàn mới, do đó không tương thích ngược với JPEG. Tiếp đó, xử lý các tập tin JPEG 2000 đòi hỏi nhiều bộ nhớ để xử lý hơn, gây khó khăn cho các hệ thống thời bấy giờ. Suy cho cùng, một máy tính trung bình vào thời điểm đó chỉ có 64MB bộ nhớ mà thôi.

Hiện nay, JPEG 2000 đang hồi sinh khi mà phần cứng máy tính nhìn chung đã cải thiện đáng kể sau 20 năm qua, nhưng định dạng tập tin này vẫn được sử dụng rất ít. Trình duyệt internet duy nhất hỗ trợ JPEG 2000 ở thời điểm này là Safari.

JPEG vs JPG

Những phiên bản ban đầu của Windows (cụ thể là MS-DOS 8.3 và hệ thống tập tin FAT-16) giới hạn tối đa 3 ký tự ở phần mở rộng của tập tin. JPEG phải được thu ngắn thành JPG để không vượt quá giới hạn này. Các máy tính Mac và Linux không gặp tình huống này, và người dùng vẫn tiếp tục lưu ảnh dưới dạng JPEG.

Các trình biên tập hình ảnh phổ biến hoạt động xuyên nền tảng như Photoshop và Gimp về sau đều đặt phần mở rộng tập tin JPEG mặc định thành JPG nhằm hạn chế tối đa những rắc rối có thể gặp phải.

Và đó là lý do chúng ta hiện nay có hai phần mở rộng cho một định dạng: JPEG và JPG. Khi bạn phân vân không biết nên lưu ảnh dưới dạng JPEG hay JPG, hãy cứ thoải mái vì giữa chúng không có điểm khác biệt nào cả.

JPEG vs PNG: định dạng nào tốt hơn?

JPEG và PNG được công bố trong cùng một thập kỷ, và mỗi định dạng tập tin nhằm giải quyết một vấn đề khác nhau đối với ảnh kỹ thuật số mà thế giới công nghệ phải đối mặt. Hai định dạng này luôn bị so sánh với nhau, kể cả ở ngày nay, và chúng ta ai cũng thắc mắc JPEG và PNG, định dạng tập tin hình ảnh nào tốt hơn?

Thành thực mà nói, câu trả lời còn tuỳ thuộc vào loại hình ảnh bạn đang lưu.

JPEG phù hợp hơn cho ảnh chụp bởi chúng tận dụng kỹ thuật nén có hao tổn để giữ kích cỡ tập tin vừa phải. Ảnh chụp là những hình ảnh có độ chi tiết cao, kích cỡ lớn, do đó người xem sẽ rất khó để ý thấy những artifact (những biến dạng rất nhỏ trên hình ảnh gây ra bởi quá trình nén).

Mặt khác, những hình ảnh với các cạnh sắc và những vùng lớn chỉ một màu (ví dụ như logo vector, ảnh pixel) sẽ không đẹp lắm khi lưu dưới dạng JPEG.

Đó là lúc định dạng tập tin Portable Network Graphics (PNG) phát huy tác dụng. Được phát triển bởi PNG Development Group 4 năm sau khi JPEG ra đời, PNG hỗ trợ nén dữ liệu không hao tổn và màu trong suốt. Do đó, PNG thường xuyên được sử dụng nếu chất lượng hình ảnh cần được lưu giữ và kích cỡ tập tin không phải là vấn đề cần quan tâm.

Một quy luật dễ nhớ là: dùng JPEG cho ảnh chụp, và PNG cho ảnh với màu trong suốt và không phải ảnh chụp.;

JPEG và JPG là một định dạng tập tin duy nhất

Mặc cho những rối rắm mà JPEG đã gây ra qua nhiều bản cập nhật và nhiều biến thể của nó, sự xuất hiện của nó đã tạo ra một cơn bão hình ảnh kỹ thuật số trên mạng internet vào giữa những năm 1990.

Lần tới, khi bạn xuất ảnh từ một trình biên tập hình ảnh và cần chọn một định dạng phù hợp, hãy nhớ rằng JPEG và JPG là như nhau mà thôi!

Minh.T.T (theo MakeUseOf)

Chủ đề khác