VnReview
Hà Nội

Timelapse Vs Hyperlapse: Có gì khác nhau?

Bạn muốn làm một video tua nhanh thật cool để đăng trên Instagram, TikTok hay Youtube. Và đây là cách tuyệt vời để thể hiện một lượng lớn thời gian, không gian hoặc cả hai chỉ trong một video ngắn. Nhiều điện thoại và camera có hai chế độ gồm timelapse và hyperlapse. Cả hai đều có cùng một chức năng là "rút ngắn" thời lượng video.

Nói một cách ngắn gọn thì sự khác biệt của hai chế độ này là;timelapse kết hợp nhiều ảnh tĩnh thành một video, trong khi đó hyperlapse là tua nhanh một video bình thường. Giải thích kỹ hơn vì sao hai phương pháp này có thể tạo ra sự khác biệt như vậy sẽ khá phức tạp. Và dù bạn hoàn toàn có thể sử dụng chúng thay thế cho nhau, mỗi chế độ sẽ phù hợp với những loại nội dung khác nhau.

Ảnh: Geoffrey Morrison

Timelapse

Để quay một video timelapse, bạn cần đặt điện thoại hay camera ở vị trí cố định, lý tưởng nhất là sử dụng tripod (giá đỡ ba chân), và bắt đầu chụp một hình mỗi vài giây hoặc vài phút, hoặc bạn có thể kích hoạt chế độ quay timelapse trên thiết bị và để nó tự làm việc.

Video timelapse là cách tuyệt vời để thể hiện dòng chảy thời gian. Nếu bạn chụp một tấm hình mỗi phút trong một giờ, bạn sẽ có một video dài 60 giây thể hiện một giờ đồng hồ đó. Chế độ này phù hợp để thể hiện những cảnh bình minh, hoàng hôn, hay cảnh xe cộ đông đúc vào giờ tan tầm…

Tùy vào thiết bị của bạn là gì, bạn có thể chụp hình mỗi giờ, ngày, tuần hay bất kể đơn vị thời gian nào. Một trong những điểm khác biệt chính giữa timelapsehyperlapse là camera thường không di chuyển theo thời gian, nhưng tùy vào thiết bị của bạn mà sự khác biệt này đôi lúc không rõ ràng lắm. Bạn hoàn toàn có thể bật chế độ timelapse và di chuyển điện thoại/camera của mình.

Hyperlapse

Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai chế độ là camera trong hyperlapse di chuyển theo thời gian. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì sự khác biệt còn ở chỗ camera đang quay phim chứ không phải chụp một loạt ảnh tĩnh. Mặc dù bạn có thể quay hyperlapse với camera đặt trên tripod nếu muốn, nhưng như vậy sẽ chẳng còn ý nghĩa gì khi chọn chế độ hyperlapse cả.

Khi sử dụng camera/điện thoại dùng để quay hyperlapse, có một điểm cộng là hình ảnh sẽ ổn định hơn. Với 30 khung hình mỗi giây, chắc chắn hình ảnh tạo ra sẽ mượt mà hơn đáng kể.

Ngoài ra, không phải mọi camera đều sử dụng tên gọi hyperlapse. Với GoPro, họ sử dụng cái tên TimeWarp.

Ví dụ dưới đây là một video bình thường được tua nhanh bằng ứng dụng trên camera để tạo video hyperlapse. Bạn hoàn toàn có thể quay video này với chế độ timelapse, nhưng kết quả sẽ không được mượt mà như vậy.

Ưu và nhược điểm

Nói ngắn gọn thì: Nếu vật thể bạn cần quay chuyển động, hãy chọn chế độ timelapse; Nếu camera chuyển động, hãy chọn hyperlapse. Nếu bạn cần quay trong một khoảng thời gian rất dài, timelapse sẽ là sự lựa chọn tốt hơn. Nguyên nhân là vì mọi camera đều có khoảng thời lượng quay và bộ nhớ giới hạn. Do vậy, bạn sẽ không thể quay phim liên tục vài giờ đồng hồ vì bộ nhớ sẽ nhanh chóng bị lấp đầy.

Ngoài ra, hầu hết các video dưới đây là timelapse… nhưng camera lại di chuyển. Nguyên nhân là vì các nhà leo núi chụp hình trong nhiều giờ đồng hồ nên nếu họ quay phim thì sẽ cần phải mang theo rất, rất nhiều thẻ nhớ.

Tuy nhiên, nếu bạn chỉ quay trong một thời gian ngắn khi đang di chuyển, chắc chắn sự lựa chọn là hyperlapse, hoặc bạn có thể quay phim bình thường sau đó dùng ứng dụng để tua nhanh video và biến nó thành hyperlapse. Nhiều loại camera, nhất là camera hành trình được tích hợp sẵn tính năng này hoặc có trong ứng dụng chỉnh sửa đi kèm. Ngoài ra, rất nhiều ứng dụng của bên thứ ba cũng cung cấp tính năng này trên cả điện thoại và máy tính.

Minh Bảo (theo Forbes)

Chủ đề khác