VnReview
Hà Nội

Bào thai chuột mắt đỏ phát sáng giành chiến thắng trong cuộc thi ảnh kinh dị toàn cầu

Vảy cánh bướm hay tế bào thần kinh và quá trình phân chia tế bào… là những hình ảnh tuyệt vời được các nhiếp ảnh gia ghi nhận qua kính hiển vi. Trong đó, bức ảnh bào thai chuột phát sáng với đôi mắt đỏ rực rạng rỡ đã thu hút sự chú ý của ban giám khảo trong cuộc thi ảnh quốc tế do Olympus tổ chức. Giải thưởng này đã mang về cho nhiếp ảnh gia danh hiệu Người chiến thắng toàn cầu năm 2020.

Werner Zuschratter, một nhà nghiên cứu trong Phòng thí nghiệm đặc biệt về kính hiển vi quét điện tử và tia laser tại Viện sinh học thần kinh Leibniz ở Magdeburg, Đức. Người đã chụp bức ảnh thai nhi bằng kính hiển vi đồng tiêu, đây là một kỹ thuật chụp ảnh bằng quang học.

Zuschratter chia sẻ với Live Science trong một email rằng đây chính là hình ảnh một thai nhi chuột đang phát triển ở ngày thứ 21 với độ dài 1,2 inch (3 cm). Trước đó, bức ảnh đã được xử lý hóa học để làm cho da và cơ của sinh vật trở nên trong mờ. Hình ảnh được xử lý qua thuốc nhuộm huỳnh quang và huỳnh quang tự nhiên trong các mô cơ thể làm bộ xương thai nhi và các cấu trúc bên trong sáng lên một cách kỳ lạ.

Đây là một trong những cuộc thi thường niên của Olympus, nó tôn vinh những hình ảnh hiển vi phi thường của các sinh vật sống. Một nhóm chuyên gia đánh giá rằng các hình ảnh này có tác động khoa học và được trình bày rất nghệ thuật, ngoài ra nó còn thể hiện khả năng sử dụng kính hiển vi thành thạo của nhiếp ảnh gia.

Bằng cách quét laser thai nhi nhiều lần kết hợp với hình ảnh trong các dải quang phổ khác nhau, Zuschratter cho thấy hệ xương và mô của chuột một cách chi tiết và vô cùng đặc biệt. Zuschratter chia sẻ thêm: việc quét con chuột nhỏ mất gần 25 giờ đồng hồ, trong đó phần khó nhất là giữ cho bào thai bất động hoàn toàn trong quá trình chụp ảnh.

Quá trình sản xuất hậu kỳ cũng là một thách thức vô cùng lớn với Zuschratter, bằng cách sử dụng phần mềm ghép kỹ thuật số các mảng hình riêng lẻ lại với nhau để tạo thành bức ảnh tuyệt mỹ. Zuschratter cho biết một nhóm nghiên cứu khác đã chuẩn bị mẫu vật này hơn 25 năm trước để "khám phá tác động của dược phẩm đối với sự phát triển của phôi". Đối với những thí nghiệm đó, các nhà khoa học đã làm cho bào thai trong suốt và nhuộm màu đỏ cho bộ xương.

Zuschratter giải thích thêm: "Tất cả các mô mềm khác trong bào thai không bị ố màu và gần như trong suốt.";Ông đã lấy mẫu ra khỏi kho lưu trữ để thử nghiệm với các kỹ thuật mới hơn nhằm làm sạch các mô được bảo quản để chuẩn bị cho kính hiển vi và kiểm tra sự xuất hiện của huỳnh quang tự nhiên trong các mô cơ thể khác nhau trên phổ quang.

Một hình ảnh nổi bật khác đã mang về cho nhiếp ảnh gia XinPei Zhang Giải thưởng Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đó là hình ảnh một bánh xe màu sắc rực rỡ đầy mê hoặc. Zhang đã tạo ra bức ảnh sống động này từ những chiếc vảy cánh đại diện cho hơn 40 loài bướm. Zhang đã chụp từng chiếc vảy một và sau đó ghép chúng lại thành một vòng tròn đầy sắc màu.

Có hơn 700 tấm ảnh được chụp bằng kính hiển vi từ các nhà nhiếp ảnh đến từ 61 quốc gia đã gửi đến cho ban tổ chức. Các bài dự thi rất đa dạng và thu hút từ các tinh thể axit amin được chiếu sáng bởi ánh sáng phân cực đến cấu trúc phấn hoa tinh vi trong hoa hay các collagen dạng sợi trong da rắn...

Zuschratter cho biết những hình ảnh đẹp này có nghĩa trong việc tạo ra sự cân bằng tinh tế giữa các tiêu chí thẩm mỹ và việc thể hiện chính xác một đối tượng (vật mẫu). Nó làm nổi bật vẻ đẹp của thiên nhiên - đặc biệt là nó cho phép người xem nhìn thấy những vẻ đẹp không thể nhìn thấy bằng mắt thường. 

Ông chia sẻ thêm: "Nghệ thuật luôn là nguồn cảm hứng cho khoa học. Hơn nữa, với những hình ảnh đẹp, bạn có thể khiến công chúng cảm thấy hào hứng với những chủ đề phức tạp."

Thanh Mai (Live Science)

Chủ đề khác