VnReview
Hà Nội

Lỗi “Black Crush” trên màn hình là gì?

Bạn đã từng nghe đến cụm từ "black crush" (tạm dịch: đen triệt tiêu) khi đọc các bài đánh giá về TV hay màn hình hay chưa?

Lỗi này ngày càng nhận được nhiều sự chú ý trong bối cảnh các nhà sản xuất màn hình đang tìm cách cải thiện khả năng tái hiện màu đen, đặc biệt trên các mẫu màn hình LCD sử dụng bóng LED. Vậy "đen triệt tiêu" là gì, và bạn có cần phải lo lắng về nó hay không?

"Đen triệt tiêu" có nghĩa là mất chi tiết ở các vùng tối

"Đen triệt tiêu" ám chỉ việc mất chi tiết ở các khu vực đặc biệt tối trong một hình ảnh. Thuật ngữ này có thể áp dụng cho cả nhiếp ảnh lẫn video, nhưng chủ yếu được dùng để miêu tả việc mất chi tiết ở vùng tối trong các hình ảnh chuyển động như trong phim hay game.

Bạn có thể không để ý ngay thấy hiện tượng "đen triệt tiêu" cho đến khi so sánh với hình ảnh "chính xác" đặt ngay bên cạnh nó (ví dụ, trong một màn hình khác đã được cân chỉnh chính xác). Bạn có thể thấy ví dụ minh hoạ trong hình ảnh bên dưới: ảnh bên phải bị mất chi tiết ở phần tường gạch dưới bóng đổ. Nói cách khác, ảnh này có "sắc đen bị triệt tiêu".

Vấn đề này ít có khả năng dẫn đến việc nội dung đang hiển thị không thể xem được, nhưng nó chắc chắn làm giảm giá trị tổng thể của nội dung. Trong phim, bạn có thể không thấy được những chi tiết tinh tế ở quanh viền của khung hình, và trong một số game, vấn đề này có thể khiến người chơi rất khó thấy được điều gì đang diễn ra (đặc biệt trong những căn phòng có ánh đèn hắt).

Có khá nhiều lý do dẫn đến hiện tượng "đen triệt tiêu", và không phải tất cả đều bắt nguồn từ màn hình. Nếu chi tiết vùng tối ngay từ đầu đã không được ghi nhận bởi camera không được thiết lập phù hợp để làm việc đó, thì sắc đen sẽ bị triệt tiêu. Một số đạo diễn và nhiếp ảnh gia sử dụng kỹ thuật này để tạo nên bầu không gian u ám một cách có dụng ý.

TV hoặc màn hình có thể tạo nên khác biệt

Thông thường, vấn đề nằm ở màn hình hoặc thiết bị nguồn (như máy game console). Nhiều game đòi hỏi người chơi phải cân chỉnh gamma (độ tương phản hình ảnh) và tông màu trắng khi lần đầu khởi chạy, và nếu bạn thiết lập không đúng (hoặc thiết lập sai ở cấp độ hệ thống), nó sẽ gây ra hiện tượng mất chi tiết vùng tối. Đôi lúc, game xử lý HDR quá kém cũng có thể gây ra "đen triệt tiêu".

Hầu hết các loại màn hình thông thường không bao giờ được cân chỉnh khi rời khỏi nhà máy, và nếu không được cân chỉnh bởi một chuyên gia, chúng sẽ luôn cho ra hình ảnh khác với nguồn. Đó là lý do tại sao các nhà kiến tạo nội dung và các nhiếp ảnh gia luôn khuyến khích sử dụng một màn hình đã cân chỉnh khi biên tập tác phẩm của họ.

Đôi lúc, TV thực sự là nguyên nhân gây ra vấn đề. OLED là màn hình sử dụng công nghệ tự phát sáng, có nghĩa các điểm ảnh có thể tắt để hiển thị màu đen "thực thụ". Không may là, OLED cũng khó thoát khỏi màu đen, khiến một số mẫu TV bị mất chi tiết vùng tối trong quá trình thiết bị tìm cách tái hiện lại các tông màu tinh tế tồn tại ở giữa hai trạng thái "bật" và "tắt" ở cấp độ điểm ảnh.

Nhiều TV LCD công nghệ LED hiện sử dụng các thuật toán làm tối (dimming) để tắt hoặc giảm ánh sáng phía sau các khung cảnh tối hoặc đen. Điều này giúp TV tạo ra một cấp độ màu đen sâu hơn nhiều, nhưng nó hầu như luôn đi kèm nhược điểm là mất chi tiết vùng tối. Nhìn chung, màn hình càng có nhiều vùng tối (dimming zone), vấn đề càng ít nghiêm trọng hơn.

Cách kiểm tra màn hình có bị "đen triệt tiêu" hay không

Một cách dễ dàng để kiểm tra hiện tượng "đen triệt tiêu" là sử dụng bài test bầu trời sao. Trên một màn hình có biểu hiện bị "đen triệt tiêu", nhiều ngôi sao sẽ không nhìn thấy được. Trên một màn hình OLED, đại đa số các ngôi sao sẽ hiện ra, bởi một điểm ảnh trắng sáng có thể nằm ngay bên cạnh điểm ảnh đen thuần khiết mà không bị bất kỳ thuật toán làm tối nào can thiệp vào hình ảnh.

Minh.T.T (theo HowToGeek)

Chủ đề khác