VnReview
Hà Nội

Nhiếp ảnh anamorphic là gì, và cơ chế ra sao?

Ngày nay, các nhiếp ảnh gia có thể lựa chọn rất nhiều loại ống kính để phục vụ mọi nhu cầu công việc, trong đó có ống kính anamorphic. Vậy nhiếp ảnh anamorphic cụ thể là gì?

Ống kính anamorphic là một loại ống kính kinh điển không thể thiếu trong bộ công cụ của một nhà làm phim. Chúng mang lại một góc nhìn siêu rộng cực độc đáo, phù hợp hoàn hảo với những khung hình điện ảnh. Nhưng như mọi loại ống kính khác, chúng cũng có ưu và nhược điểm của riêng mình.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng thảo luận về những đặc tính kỹ thuật của ống kính anamorphic, bao gồm cơ chế tạo ra ảnh góc rộng của chúng, và chúng khác biệt ra sao so với những loại ống kính mặt cầu phổ biến khác.

Lịch sử ống kính anamorphic

"Anamorphic" ám chỉ ảnh chiếu bị biến dạng của một hình ảnh trông như bình thường khi xem từ một điểm cụ thể, hoặc thông qua một tấm gương hay ống kính nhất định. Từ "anamorphic" bắt nguồn từ từ "anamophoun" trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là "biến hình".

Ống kính anamorphic được phát minh trong thời kỳ Thế chiến thứ nhất nhằm cho phép các binh sỹ điều khiển thiết giáp có góc nhìn chiến trường rộng hơn mà không phải mở rộng lỗ ngắm. Sau đó, vào thập niên 1950, ống kính anamorphic được sử dụng để tạo ra định dạng letterbox phổ biến trong phim điện ảnh ngày nay (khung hình rộng với hai dải đen trên và dưới, thay vì định dạng 4:3 truyền thống của TV thời đó).

Ống kính anamorphic có nhiều tỉ lệ khung hình và đa dạng về chất lượng quang học, giúp phân biệt chúng với các ống kính mặt cầu khác.

Ống kính anamorphic khác với ống kính mặt cầu như thế nào?

Ống kính mặt cầu thu vào lượng ánh sáng như nhau từ mọi phía. Chúng được thiết kế để tạo ra ảnh ít biến dạng nhất có thể, đặc biệt là về phía trung tâm của hình ảnh. Về cơ bản, chúng cho ra hình ảnh với tỉ lệ cân đối từ trên xuống dưới, từ trái sang phải.

Khi chụp ảnh góc rộng trên một ống kính phi-anamorphic, chiều rộng tối đa của cảm biến sẽ được tận dụng, nhưng chiều cao tối đa thì không (bởi phim/cảm biến 35mm truyền thống có tỉ lệ khung hình 3:2). Có nghĩa là đỉnh và đáy của hình ảnh phải bị cắt bớt để đạt được góc nhìn rộng mong muốn.

Ngược lại, một ống kính anamorphic sẽ chụp được hình ảnh với góc ngang dài hơn nhiều. Nhưng để làm được điều đó, nó phải "bóp" hình ảnh để vừa khít với cảm biến của máy ảnh. Hành động "bóp" này cho phép máy ảnh chụp được ảnh với tỉ lệ khung hình rộng hơn (thường là 2,39:1).

Bởi bị "bóp", hình ảnh sẽ biến dạng nặng, do đó nó cần được chỉnh sửa lại để trông bình thường. Điều này được thực hiện với một thấu kính bổ sung có chức năng giảm kích thước hình ảnh theo chiều dọc để trả nó về tỷ lệ bình thường khi xem ảnh. Ngày nay, những phần mềm như Adobe Photoshop có thể xử lý tốt quy trình khôi phục (de-squeeze) này.

Một điểm khác biệt đáng chú ý giữa ống kính anamorphic và ống kính mặt cầu là chất lượng hình ảnh. Bởi ống kính anamorphic tận dụng toàn bộ cảm biến và không gian mặt phim, nó sẽ chụp được nhiều chi tiết hơn. Có nghĩa là không có điểm ảnh nào bị bỏ phí khi chụp ảnh.

Một điểm khác biệt nữa là, bởi ống kính anamorphic đòi hỏi nhiều thành phần bên trong, chúng thường lớn hơn và tồn tại nhiều điểm yếu về mặt kỹ thuật so với các ống kính mặt cầu. Đầu tiên, chúng thường khó lấy nét hơn, đặc biệt ở khoảng cách gần. Có nghĩa là đôi lúc, bạn cần phải sử dụng đến diopter.

Bên cạnh đó, ống kính anamorphic còn bị nhoè khi mở khẩu rộng và cần khép khẩu để cho ảnh sắc nét hơn. Có nghĩa là để chụp được một bức ảnh như nhau, ống kính anamorphic sẽ cần nhiều ánh sáng hơn ống kính mặt cầu.

Đặc tính quang học của ống kính anamorphic

Khi sử dụng các loại ống kính khác nhau, chất lượng hình ảnh, bokeh, và lỗi quang học có thể có sự khác biệt lớn. Điều này cũng đúng với ống kính anamorphic. Dưới đây, chúng ta sẽ cùng điểm qua một số điểm khác biệt của ống kính anamorphic.

Bokeh hình elip

Bokeh là chất lượng của những vùng mất nét trong một bức ảnh và là một trong những yếu tố chính mà các nhà quay phim và nhiếp ảnh gia cân nhắc khi chọn ống kính.

Ống kính mặt cầu sẽ thể hiện các vùng mất nét dưới dạng hình tròn, trong khi ống kính anamorphic sẽ thể hiện chúng dưới dạng hình oval đứng. Điều này xảy ra bởi ống kính anamorphic nén hình ảnh theo chiều ngang, từ đó bóp méo bokeh hình tròn.

Lens flare nằm ngang

Một dạng quang sai khác thường thấy ở ống kính anamorphic là nó sẽ thể hiện lens flare dưới dạng một đường thẳng màu xanh dương nằm ngang chạy từ trái sang phải hình ảnh khi có ánh sáng xuất hiện trong ảnh.

Đây là một đặc tính phổ biến của ống kính anamorphic và khá được ưa chuộng trong phim ảnh vì trông đậm chất nghệ thuật.

"Phồng" ảnh

Trên các hệ thống anamorphic trước đây thường xuất hiện hiện tượng "phồng" ảnh: bởi ảnh bị nén ngang một cách không nhất quán, các vật thể ở trung tâm ảnh có thể trông rộng hơn so với các vật thể ở ngoài rìa.

Đây được gọi là "phồng" ảnh bởi khuôn mặt của một diễn viên ở trung tâm của khung hình có thể trông như thể họ đang bị quai bị.

Độ sâu trường ảnh (DoF) nông hơn thông thường

Cường số anamorphic là thuật ngữ để chỉ mức độ bóp ảnh theo chiều ngang so với chiều dọc của ống kính. Bởi quá trình bóp ảnh, ống kính anamorphic có thể có DoF nông hơn nhiều dù chụp ở cùng tiêu cự so với ống kính mặt cầu.

Tiêu cự hiệu quả của một ống kính anamorphic là tiêu cự thực tế của nó chia cho cường số anamorphic. Nếu ống kính có cường số 1,33x và tiêu cự 100mm, thì tiêu cự hiệu quả sẽ vào khoảng 75mm. Điều này gây nên hiện tượng DoF nông hơn dù ở cùng tiêu cự và khẩu độ so với các ống kính mặt cầu.

Tạm kết

Để chọn giữa hai loại ống kính khác nhau, bạn cần cân nhắc nhiều yếu tố, bao gồm chi phí, phong cách chụp, các chi tiết kỹ thuật, và kết quả mong muốn. Nhưng dưới đây là tóm tắt những khác biệt về mặt kỹ thuật giữa ống kính anamorphic và ống kính mặt cầu:

Ống kính anamorphic:

- Đậm chất điện ảnh và nghệ thuật hơn

- Chất lượng hình ảnh có vẻ mờ ảo hơn (vì bị biến dạng nhiều hơn)

- Bokeh hình oval/elip

- Lens flare nằm ngang và màu xanh dương

- DoF nông hơn

- Ảnh biến dạng nhiều hơn

- Khó lấy nét

- Khẩu độ nhỏ hơn

- Có thể tận dụng tối đa cảm biến/cuộn phim (tối đa chiều rộng và chiều cao)

- Đắt hơn, ít lựa chọn hơn

Ống kính mặt cầu:

- Ảnh thực tế hơn

- Không có lens flare (hoặc lens flare bình thường)

- DoF bình thường

- Ảnh không biến dạng

- Ảnh sắc nét hơn (do ánh sáng phải đi qua ít thành phần bên trong hơn)

- Khẩu độ lớn hơn

- Dễ lấy nét hơn

- Nếu chụp góc rộng, bạn chỉ có thể tận dụng tối đa chiều ngang của cảm biến/cuộn phim chứ không phải chiều cao

- Rẻ hơn, nhiều lựa chọn hơn

Có nên dùng ống kính anamorphic không?

Câu hỏi này phụ thuộc hoàn toàn vào việc bạn muốn đạt được điều gì với ống kính. Nếu bạn muốn chụp ảnh tĩnh, hoặc là một nhà quay phim, hãy thử cả hai để xem chúng trông thế nào. Một ống kính anamorphic có thể cho ra ảnh trông thực sự đặc biệt và tạo ra một bầu không khí tuyệt vời cho đoạn phim.

Nhưng ống kính anamorphic thường khó sử dụng hơn nhiều và đòi hỏi hiểu biết sâu rộng hơn về camera lẫn ống kính. Mặt khác, ống kính mặt cầu lại phổ biến hơn và rẻ hơn - và có thể cho ra kết quả thực tế hơn.

Nên nhớ rằng bạn phải nắm vững kỹ thuật de-squeeze ảnh nếu chọn ống kính anamorphic!

Minh.T.T (theo MakeUseOf)

Chủ đề khác