VnReview
Hà Nội

Khi nhiếp ảnh chỉ còn là "ánh trăng lừa dối", ảnh thực khác với ảnh đẹp

Khi sức mạnh của Học máy (Machine Learning) và Trí tuệ Nhân tạo (AI: Artificial Intelligence) ngày càng được cải thiện trên cả điện thoại lẫn PC, thế giới đã thay đổi. Việc phân biệt giữa nhiếp ảnh thuần túy và các quy trình nhiếp ảnh chỉnh sửa tổng hợp trở nên ngày càng khó khăn hơn.

Khi nhiếp ảnh không còn là nhiếp ảnh, ảnh thực không còn đại diện cho cái đẹp

Lưu ý: Đây là ý kiến chủ quan của nhiếp ảnh gia William Damien trên trang PetaPixel, VnReview lược dịch cho bạn đọc tham khảo.

Tất nhiên, việc sử dụng quy trình tổng hợp ấy không có gì không ổn, nhưng nó không chỉ đơn giản là áp dụng bộ lọc hay chỉnh sửa độ phơi sáng. Chắc chắn, bất kỳ nhiếp ảnh gia film chuyên nghiệp nào cũng biết đến việc sử dụng các kỹ thuật như Dodge & Burn (làm sáng, tối các khu vực hình ảnh), tăng hoặc giảm độ phơi sáng của film, phóng to để đạt được kết quả ý muốn.

Thế nhưng, việc sử dụng cụm từ "nhiếp ảnh" để mô tả những kỹ thuật tự động, cho ra kết quả ít hoặc không liên quan đến hoàn cảnh thực tế, thực sự không đúng cho lắm.

Tôi không mô tả mình là một người theo chủ nghĩa thuần túy. Tôi luôn cố gắng không "can thiệp" quá nhiều vào những bức ảnh của mình, nhưng có lúc, tôi phải làm theo ý muốn khách hàng và cung cấp những gì họ muốn. Nhưng có nhiều người giống như tôi: yêu thích sự thuần túy của nhiếp ảnh, đến mức tôi đã thuê một nhiếp ảnh gia chụp film đám cưới của mình và yêu cầu họ không mang theo máy ảnh số.

Dù đây chỉ là một sở thích đơn giản của tôi, nhưng khách hàng thường tìm đến các nền tảng xã hội như Instagram để tham khảo. Dù đó là một khách hàng đang tìm kiếm bức ảnh phong cảnh cụ thể, hoặc một cặp đôi muốn chụp ảnh cưới, thì những khách hàng đó chỉ tiếp xúc với các nền tảng chia sẻ ảnh hiện đại. Chúng chứa nhiều hình ảnh đã qua các bước tinh chỉnh bằng công cụ chỉnh sửa tự động, giúp thay đổi bức ảnh đơn giản thành hình ảnh tổng hợp thiếu tính chân thực.

Rất hiếm khi các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp dán nhãn ảnh là "chỉnh sửa tổng hợp". Nếu tìm kiếm hashtag #composite trên Instagram, bạn sẽ thấy khoảng 700.000 kết quả, phần lớn trong số đó liên quan đến răng.

Bạn có thể chụp một bức ảnh đẹp và chỉnh sửa để giúp nó trở nên tuyệt vời hơn, nhưng một bức ảnh xấu không bao giờ có thể trở nên đẹp. Điều đó giờ đây đã không còn đúng nữa.

Bằng cách bỏ qua thực tế về độ phơi sáng, mọi người sẽ chẳng thể biết được khi nào một bức ảnh thật sự là ảnh, vốn đại diện cho mức độ và cách thức ánh sáng có thể đi đến film hay cảm biến.

Thực tế, các khách hàng giờ đây còn chẳng quan tâm quá nhiều đến tài năng thực của nhiếp ảnh gia. Thay vào đó, họ quan tâm đến khả năng tạo ra những bức ảnh "giả trân" của chúng tôi. Tôi sẽ không đề cập đến các công cụ chỉnh sửa thân hình, nhưng đó rõ ràng là một phần không thể thiếu của sự kỳ ảo trong chụp chân dung.

Đây là một số bức ảnh đã qua các bước chỉnh sửa chỉ tốn 30 giây. Tôi thao tác với các file ảnh JPEG trên một ứng dụng phổ biến, có sẵn trên thị trường và hình ảnh gốc được lấy thẳng ra khỏi máy ảnh.

Khi nhiếp ảnh không còn là nhiếp ảnh, ảnh thực không còn đại diện cho cái đẹp

Ảnh gốc

Khi nhiếp ảnh không còn là nhiếp ảnh, ảnh thực không còn đại diện cho cái đẹp

Ảnh đã qua chỉnh sửa

Khi nhiếp ảnh không còn là nhiếp ảnh, ảnh thực không còn đại diện cho cái đẹp

Ảnh gốc

Khi nhiếp ảnh không còn là nhiếp ảnh, ảnh thực không còn đại diện cho cái đẹp

Ảnh đã qua chỉnh sửa

Kết quả hoàn toàn đáng kinh ngạc.

Một ảnh chụp ban ngày tuyệt đẹp ở Seychelles đã được chuyển thành cảnh hoàng hôn ấn tượng và những người xem bình thường sẽ không nhận thấy một số điểm chưa hoàn hảo trong bức ảnh. Và nếu tôi dành ra nhiều thời gian hơn nữa, nó có thể trở nên đẹp hơn rất nhiều lần.

Vậy chúng ta có nghĩa vụ tuyên bố tính thực tế của những gì chúng ta đăng tải hay không? Trên các nền tảng xã hội, một yêu cầu mới đã xuất hiện, buộc những người có tầm ảnh hưởng phải gắn thẻ các bài đăng là quảng cáo. Điều quan trọng nhất là họ cần đảm bảo người xem hiểu được bản chất nội dung được tài trợ, bài đăng sẽ tự bị xóa nếu vi phạm các nguyên tắc này.

Nhưng đáng tiếc, không có yêu cầu nào như vậy đối với nhiếp ảnh "chỉnh sửa".

Có công bằng với những nhiếp ảnh gia phong cảnh hay không? Khi họ thức giấc lúc 2 giờ sáng để lên nút bắt cảnh mặt trời mọc ấn tượng, nhưng lại "thua kém" những phiên bản chỉnh sửa ngay tại nhà? Có không bằng không khi nghệ sĩ chân dung phải cạnh tranh với những chiếc máy tính, trong việc tạo ra một bức ảnh mà khách hàng sẵn sàng chấp nhận giả tạo, nhằm "tâng bốc" chính họ?

Các phóng viên có nghĩa vụ cung cấp những bức ảnh chưa qua chỉnh sửa cho các hãng tin tức. Phần còn lại của chúng tôi là được tự do sáng tạo những gì chúng tôi muốn, bằng các bức ảnh thông thường, không chỉnh sửa quá đà.

Nếu tiêu chuẩn cái đẹp mới là những bức ảnh đã qua chỉnh sửa tổng hợp, thì có lẽ chẳng sai khi nói "nghệ thuật là ánh trăng của lừa đối". Hiện thực nghĩa là gì, khi nó không phải cái đẹp trên ảnh? Đó là nhiếp ảnh của chúng ta bây giờ sao?

Lê Hữu (theo PetaPixel)

Chủ đề khác