VnReview
Hà Nội

Na Uy cấm đăng ảnh đã qua retouch mà không chú thích rõ ràng

Động thái mới của Na Uy nhằm ngăn các bức ảnh bị chỉnh sửa quá đà và tạo ra các nét đẹp phi thực tế, khiến nhiều người xem có cảm giác bị mặc cảm với ngoại hình của bản thân.

Ranh giới ảnh thực và ảnh chỉnh sửa dần bị xóa nhòa.

Na Uy mới đây đã thông qua một đạo luật về hoạt động đăng ảnh trên mạng xã hội. Theo đó, cấm người nổi tiếng và người có sức ảnh hưởng (KOL) sử dụng các bức ảnh retouch (đã can thiệp qua các công cụ kỹ thuật số) chụp cơ thể, bao gồm khuôn mặt, nhưng không ghi chú bức ảnh đó đã được chỉnh sửa. Động thái trên nhằm ngăn chặn các tiêu chuẩn nét đẹp phi thực tế và gia tăng tình trạng mặc cảm ngoại hình.

Luật mới là bản sửa đổi của Đạo luật tiếp thị năm 2009 của Na Uy. Đạo luật quy định, những người có sức ảnh hưởng khi chia sẻ ảnh chụp bản thân đã qua chỉnh sửa, trong các bài đăng quảng cáo trên mạng xã hội, cần phải mô tả bức ảnh đã qua chỉnh sửa rõ ràng. Nếu không ghi chú thông tin đó, sẽ bị coi là hành vi bất hợp pháp.

Đạo luật được thông qua với đa số phiếu bầu tán thành và yêu cầu các quảng cáo nếu có bất kỳ chỉnh sửa nào đối với kích thước, hình dáng hoặc làn da của cơ thể người mẫu, cần phải được đánh dấu bằng nhãn tiêu chuẩn.

Luật sẽ tác động tới những quảng cáo có sự tham gia của người nổi tiếng và người có sức ảnh hưởng. Bất kỳ ai nhận được thù lao hoặc các lợi ích khác nhờ một bài đăng quảng cáo trên mạng xã hội, đều phải tuân thủ. Đạo luật áp dụng cho hầu hết các nền tảng phổ biến như Facebook, Instagram, Snapchat, TikTok và Twitter. Những người vi phạm pháp luật phải chịu các khoản tiền phạt dựa theo tính chất nghiêm trọng và mức cao nhất là bị phạt tù.

Bộ Trẻ em và Gia đình Na Uy viết trong đề xuất sửa đổi được gửi đến quốc hội Na Uy với nội dung như sau: "Áp lực cơ thể thường không thể nhận thấy và rất khó để chống lại. Yêu cầu đối với các quảng cáo đã qua chỉnh sửa phải được đánh dấu nhằm ngăn tình trạng mặc cảm ngoại hình của nhiều người. Biện pháp này hy vọng sẽ góp phần hữu ích và đáng kể trong việc hạn chế tác động tiêu cực mà các quảng cáo quá hoàn hảo gây ra, đặc biệt là đối với trẻ em và thanh thiếu niên".

Mặc dù mục tiêu của đạo luật sửa đổi rất đáng hoan nghênh nhưng việc thực thi dường như là trở ngại lớn nhất. Không rõ luật sẽ giải quyết như thế nào đối với những người sống bên ngoài Na Uy vì họ không phải tuân theo luật của nước này. Ngoài ra, ngay cả khi một người vi phạm sống trong biên giới nước này, không rõ ai sẽ là người có trách nhiệm đánh giá các bài đăng và xác định xem có bất kỳ hình thức chỉnh sửa nào trên bức ảnh hay không.

Chính phủ Na Uy thừa nhận rằng vấn đề thực thi còn một số bất cập và không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định xem một bức ảnh đã được chỉnh sửa hay chưa. Ngoài ra, luật cũng có những hệ lụy không mong muốn, đó là gây áp lực buộc những người có ảnh hưởng phải phẫu thuật thẩm mỹ để duy trì các tiêu chuẩn sắc đẹp cao mà không cần nhờ tác động của các công cụ kỹ thuật số.

Theo nhật báo Na Uy Verdens Gang, luật mới đã được một số người có sức ảnh hưởng ở Na Uy đón nhận. Thậm chí một số còn cho rằng, luật mới nên áp dụng cho tất cả người đăng ảnh đã qua chỉnh sửa, thay vì chỉ có người nổi tiếng.

Tiến Thanh (Theo Vice)

Chủ đề khác