VnReview
Hà Nội

10 lỗi thường gặp khi chụp ảnh kĩ thuật số

Bạn đam mê chụp ảnh nhưng đôi lúc khi chụp những bức hình bạn thấy chúng không được như ý và muốn biết lý do tại sao. Bài viết này sẽ nói về 10 lỗi thường gặp nhất khi bạn chụp một bức ảnh kĩ thuật số.

1. Hình ảnh bị mờ

Đó là một trong những lỗi phổ biến nhất mà những người chụp ảnh nghiệp dư hay gặp phải. Câu trả lời cho vấn đề này thường là do không có đủ ánh sáng tới cảm biến, do đó máy ảnh phải "căng mắt ra" để chớp lấy một bức ảnh sắc nét. Có nhiều cách giúp bạn giải quyết vấn đề này, bao gồm việc sử dụng chân máy hoặc monopod (một yêu cầu bắt buộc trong điều kiện ánh sáng yếu), lựa chọn mức thiết lập ISO cao hơn hoặc tốc độ màn trập nhanh hơn hoặc sử dụng đèn flash để đóng băng (làm cho chuyển động như dừng lại tại khoảnh khắc chụp) bất kì chuyển động nào.

2. Tương phản quá cao

Một bức ảnh với độ tương phản quá cao sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn và rõ ràng giữa những vùng sáng và vùng tối trong bức ảnh. Điều này có thể thấy rất rõ ở những bức ảnh được chụp vào một ngày nắng. Hiện tượng này cũng thường xảy ra ở các ống kích góc rộng do một phần của chùm tia sáng qua ống kính không được phản xạ đầy đủ trên phim hay cảm biến. Bạn có thể sử dụng đèn flash để chiếu vào khu vực đổ bóng của bức ảnh hay thử giảm mức phơi sáng của ảnh xuống 1- 2 stop (giảm ISO hoặc độ mở ống kính xuống 1 - 2 mức) để thấy sự khác biệt.

3. Hiện tượng "mắt đỏ"

Mặc dù bạn có thể chỉnh sửa "mắt đỏ" với một phần mềm chỉnh sửa ảnh, bạn vẫn nên biết cách để ngăn chặn hiện tượng này khi chụp ảnh.

"Mắt đỏ" thường xuất hiện khi bạn sử dụng đèn flash, khi đó flash cung cấp ánh sáng đủ mạnh để máy ảnh có thể "nhìn thấy" được sự phản chiếu màu từ những mạch máu bao quanh mắt. Hiện nay có nhiều máy ảnh có chế độ tự động giúp bạn làm giảm ảnh hưởng của vấn đề này. Thực tế, đèn flash của những máy ảnh như thế nháy hai lần liên tiếp – một lần ngay trước khi tấm ảnh được chụp và lần thứ hai trong khi bức ảnh được chụp. Lần nháy đèn đầu tiên làm đồng tử của mắt đối tượng phản ứng với ánh sáng vì thế giảm hiệu ứng mắt đỏ trong lần nháy thứ hai. Một cách khác là bạn có thể tách đèn flash ra khỏi máy ảnh nếu có thể hoặc bật tất cả điện lên khi chụp trong phòng. Hoặc một kĩ thuật khác là bạn phải cho đối tượng nhìn ra xa máy ảnh để tránh sự phản chiếu từ mắt họ.

4. Mất màu

Ảnh bị mất màu hoặc sai màu là một vấn đề phức tạp trong chụp ảnh kĩ thuật số. Chúng ta có thể sử dụng thiết lập cân bằng trắng (WB) để đối phó với vấn đề này. Chọn chế độ cân bằng trắng tự động hoặc một chế độ cài đặt sẵn phù hợp với hoàn cảnh chụp. Ví dụ, một bức ảnh chụp trong nhà thường có xu hướng có nhiều màu cam, do bóng đèn sợi đốt (Tungsten) thường phát ra những tia sáng "ấm" và có màu vàng cam. Bạn hãy chọn chế độ cân bằng trắng có dòng chữ Tungsten trong máy để máy sẽ tự động thêm màu xanh vào ảnh chụp. Tương tự, chế độ chụp dưới bóng đèn neon (Fluorescent) thường hơi lạnh, chọn cài đặt Fluorescent có thể khắc phục và làm ấm hình ảnh.

5. Không xác định được chủ thể chính

Trong một khung ảnh thường bạn muốn tạo ra một cái gì đó thu hút ánh mắt của người xem, đồng thời không làm cho họ phân tán bởi bối cảnh xung quanh. Thông thường, bạn chỉ nên chọn một tiêu điểm hoặc một vùng ảnh chính mà bạn muốn hướng người xem tới. Nếu bạn đã xác định được mục tiêu chính mà bạn muốn thể hiện trong bức ảnh có nhiều đối tượng, bạn có thể zoom ống kính tới vị trí của đối tượng (phóng to đối tượng) để làm nổi bật đối tượng đó. Bạn cũng có thể làm điều này với các phần mềm chỉnh sửa ảnh phổ biến hiện nay. Vấn đề là bạn cần biết đâu là điểm thu hút chính của bức hình.

6. Đối tượng quá xa

Mỗi bức ảnh bạn chụp là để lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng và đáng nhớ. Nếu đối tượng bạn chụp quá xa, nó sẽ không còn tác động nhiều tới cảm xúc, suy tưởng của người xem vì đối tượng của bạn sẽ không còn được chú ý trong bức hình. Bạn cần di chuyển tới gần đối tượng hơn hoặc sử dụng một ống kính tele chất lượng tốt để zoom gần lại (nên sử dụng các ống kính có tính năng ổn định hình ảnh ngay trên thân ống kính khi chụp chủ đề thể thao) hoặc bạn có thể cắt cúp hình ảnh với những phần mềm chỉnh sửa ảnh. Nên chụp ảnh ở độ phân giải cao nhất có thể, vì việc cắt cúp có thể làm giảm chất lượng ảnh.

7. Độ phân giải thấp

Chụp hình ở độ phân giải thấp có thể cho phép bạn lưu trữ được nhiều ảnh hơn trên thẻ nhớ của bạn, nhưng đó không phải là một ý tưởng hay. Sử dụng chế độ chụp độ phân giải thấp có nghĩa là chất lượng hình ảnh sẽ bị ảnh hưởng, và bạn sẽ không thể in các bức ảnh lớn với chất lượng cao. Ngoài ra, mỗi khi bạn lưu một một tập hình ảnh, nó sẽ bị nén lại làm giảm chất lượng của ảnh. Nếu bạn chọn một bức ảnh chất lượng thấp, các tùy chỉnh của bạn sẽ rất hạn chế hoặc nếu bạn muốn chất lượng của nó cao hơn bạn sẽ rất mất thời gian để chuyển đổi, trong khi chất lượng không thể bằng khi bạn chụp ảnh chất lượng cao ngay từ đầu. Nếu dung lượng thẻ nhớ của bạn quá nhỏ hãy mua một chiếc dung lượng lớn hơn (không quá đắt) để chụp và lưu trữ những bức ảnh chất lượng cao.

8. Quá nhiều nhiễu tạp

Nhiễu tạp kĩ thuật số thường thể hiện như "hạt" trên mỗi bức ảnh, những đốm nhỏ khó chịu đó sẽ xuất hiện trên bức hình của bạn. Khi bạn để ISO càng cao thì nhiễu tạp càng nhiều và nó sẽ nhiều hơn khi bạn phóng to bức hình. Nếu bạn chụp ảnh về đêm, máy ảnh sẽ phải rất "cố gắng" để ghi lại chi tiết thông tin trong bức ảnh của bạn do đó nó dễ bị nhiễu tạp hơn. Để giảm hiện tượng này, bạn nên sử dụng các thiết lập hình ảnh với chất lượng tốt nhất và luôn luôn sử dụng một chân máy để bạn có thể chọn các thiết lập ISO thấp nhất mà không gây mờ.

9. Hình ảnh thiếu sáng

Một bức ảnh thiếu sáng (underexposed) là bức ảnh quá tối do không có đủ ánh sáng tới được cảm biến ảnh khi bạn chụp nó. Nếu bạn nhìn thấy trên màn hình LCD một hình ảnh trông quá tối tăm và thiếu ánh sáng, bạn có thể thử mở khẩu độ để cho phép nhiều ánh sáng hơn đi vào trong. Bạn cũng có thể điều chỉnh độ phơi sáng trên một chiếc DSLR bằng cách chọn ‘+' để mở rộng bán kính của khẩu độ, nếu máy ở chế độ ½ stop thì bạn nhấn ‘+ ' hai lần mới có thể tăng bán kính khẩu độ lên 1mm.

10. Ảnh bị dư sáng

;Bức ảnh của bạn quá sáng (ảnh hơi cháy) và thiếu chi tiết, nghĩa là nó bị dư sáng, thuật ngữ gọi là overexposed, do có quá nhiều ánh sáng tới được cảm biến. Ảnh bị dư sáng thường xảy ra khi bạn chụp vào những ngày có ánh sáng chói rực rỡ và các đối tượng chụp bị chiếu sáng quá nhiều. Để chỉnh chính xác lại độ phơi sáng, bạn có thể giảm độ phơi sáng xuống -0,5 hoặc -1 và nhìn trên màn hình để biết được trạng thái hình ảnh của bạn và điều chỉnh cho tới khi nào hình ảnh chi tiết nhất và độ sáng phù hợp nhất. Ngoài ra bạn nên dùng chế độ spot metering (đo sáng theo điểm) để xác định đâu là nguồn sáng chính, điều này có thể làm mờ đi một vài chi tiết ở những vùng sáng khác song đối tượng của bạn sẽ được thể hiện rõ ràng hơn.

Thế Duyệt

Theo exposureguide.com

Chủ đề khác