VnReview
Hà Nội

Donald Trump kêu gọi Apple mở khóa iPhone giúp cảnh sát phá án

Trong thông điệp viết kêu gọi viết trên Twitter, ông Trump nhấn mạnh: "Apple sẽ phải giúp đất nước vĩ đại của chúng ta".

Không lâu sau khi Apple từ chối yêu cầu của FBI về việc mở khóa chiếc iPhone của kẻ sát nhân trong vụ xả súng tại Trạm không quân Hải quân ở Florida hồi tháng 12/2019, lần lượt Bộ Tư Pháp Mỹ và giờ đây là cả Tổng thống Trump đã lên tiếng yêu cầu Apple phải giúp đỡ các nhà chức trách trong vụ việc này.

Trước đó FBI đã liên hệ với Apple và yêu cầu công ty phải giúp cơ quan này mở khóa hai chiếc iPhone của kẻ sát nhân trong vụ xả súng ở một căn cứ hải quân hồi tháng 12/2019. Cả hai chiếc iPhone này đều được bảo vệ bằng mật khẩu và chủ nhân của chúng đã chết. Tuy nhiên phía Apple sau đó đã từ chối khéo không mở khóa iPhone. Thay vào đó, Apple cam kết sẽ cung cấp cho FBI những gì họ sở hữu, ví dụ như thông tin của chủ sở hữu iPhone lưu trữ trên iCloud.

Mặc dù vậy dưới quan điểm của ông Trump, Apple có vẻ đang bướng bỉnh trong khi đây lại là một vụ án nghiêm trọng.

Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump viết: "Chúng tôi (chính phủ) đang giúp đỡ Apple rất nhiều, cả trong THƯƠNG MẠI lẫn nhiều vấn đề khác nữa. Nhưng họ lại từ chối mở khóa điện thoại của kẻ sát nhân, buôn bán ma túy và các loại tội phạm khác. Họ sẽ phải bước ra đây và giúp nước Mỹ vĩ đại thêm một lần nữa. Đúng vậy NGAY BÂY GIỜ. HÃY LÀM NƯỚC MỸ VĨ ĐẠI TRỞ LẠI".

Nhưng thật ngạc nhiên khi tất cả những thông điệp mà ông Trump gửi tới Apple đều được soạn trên chính chiếc iPhone của ông.

Apple khẳng định đã hợp tác chặt chẽ với FBI

Tổng chưởng lý Hoa Kỳ William Barr là người ủng hộ Apple giúp FBI truy cập dữ liệu trên chiếc iPhone của kẻ phạm tội. Nhưng chia sẻ trên tờ New York Times mới đây, ông chỉ trích Apple không hề cung cấp bất kỳ thông tin có giá trị nào cho các nhà điều tra.

Về phần Apple, công ty này tuyên bố khẳng định đã làm hết sức mình và hợp tác chặt chẽ với FBI để điều tra vụ án. Apple nhấn mạnh đã cung cấp toàn bộ các thông tin mà họ có về chiếc iPhone cho FBI. Hai chiếc iPhone trong vụ án trên theo các quan chức Mỹ là iPhone 5 và iPhone 7.

Mặc cho những thúc ép từ các quan chức Mỹ, Apple nhiều khả năng vẫn sẽ giữ nguyên quan điểm ban đầu, đó là từ chối hack thiết bị nhằm tuân thủ các quy tắc bảo mật do chính công ty này đặt ra.

Tình trạng hiện nay giữa Apple và FBI gần như tương đồng với vụ việc xảy ra cách đây 4 năm trước. Khi đó, FBI cũng yêu cầu Apple phải mở khóa chiếc iPhone 5c của kẻ sát nhân trong vụ xả súng ở San Bernardino. Apple khi đó cũng đã bàn giao tất cả các dữ liệu liên quan đến tài khoản đám mây của kẻ sát nhân. Nhưng công ty từ chối mở khóa iPhone bất chấp sức ép của FBI và chính phủ Mỹ.

Cuối cùng, FBI đã phải nhờ đến sự trợ giúp của các tin tặc chuyên nghiệp để mở khóa chiếc iPhone 5c của kẻ xả súng. Mặc dù vậy cơ quan điều tra cũng không hề thu thập được thông tin hữu ích nào.

Điều đáng nói là Apple không hề có trong tay các công cụ hoặc phương tiện để mở khóa iPhone. Như Apple từng khẳng định, công ty không hề tạo ra bất kỳ cửa hậu nào trong các sản phẩm. Công ty cũng từng lên tiếng chỉ trích các công ty cung cấp dịch vụ mở khóa iPhone vì lo ngại sẽ đe dọa đến quyền riêng tư của người dùng.

Trong một chia sẻ với CNN hồi năm 2018, CEO Tim Cook từng nói rằng, ông muốn chính phủ các nước nên hạn chế số lượng các công ty thu thập thông tin của khách hàng. Cook cũng là người đề cao quyền riêng tư của người dùng iPhone.

Apple từng tuyên bố rằng: "Ngày nay các cơ quan thực thi pháp luật có quyền truy cập vào nhiều dữ liệu hơn bao giờ hết. Vì vậy người dùng Mỹ không thể lựa chọn giữa việc làm suy yếu mã hóa và phá các vụ án. Chúng tôi nhận thấy rằng, mã hóa quan trọng hơn cả nhằm bảo vệ dữ liệu người dùng và quốc gia".

Lần này, khả năng cao FBI sẽ lại nhờ sự trợ giúp của các công cụ hack như Cellebrite hoặc Elcomosoft để mở khóa iPhone.

Tiến Thanh

Chủ đề khác