VnReview
Hà Nội

Các nhà phát triển game PC đã làm gì để đối mặt với tình trạng “gian lận” tràn lan?

Một cuộc chiến mới đã bắt đầu.

Các nhà phát triển game PC đã làm gì để đối mặt với tình trạng

Nếu bạn đã từng chơi một tựa game PC có tính cạnh tranh cao, ắt hẳn bạn đã từng phải đối mặt với những kẻ gian lận. Đó có thể là một khẩu súng bắn tỉa chuẩn xác từng milimet, một người chơi "bay nhảy" khắp bản đồ, hay một đối thủ có thể theo dõi chính xác vị trí di chuyển của bạn. Vấn nạn gian lận trong game PC online đang trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết và các nhà phát triển đã và đang đối phó bằng nhiều phương thức mới.

Trong tuần vừa qua, những nhà phát triển các tựa game Call of Duty: Warzone, PUBG và Destiny 2 đều đã công bố sẽ mạnh tay hơn với gian lận. Valorant – tựa game được nhiều người xem nhất trên Twitch – cũng đang phải đổi mặt với khó khăn này, mặc dù thậm chí còn chưa ra mắt.

Gian lận trong game PC không phải là điều mới mẻ. Các phần mềm hack và cheat đã xuất hiện từ ngày PC gaming (chơi game trên máy tính cá nhân) ra đời. Aimbots sẽ tự động ngắm bắn chính xác vào đầu đối thủ, việc còn lại của người chơi chỉ là ấn nút bắn. Hack tường tiết lộ vị trí của tất cả người chơi trong bản đồ (ngay cả khi họ ẩn nấp ở các vị trí mà từ điểm nhìn của người chơi không nhìn thấy được), giúp các kẻ gian lận có được lợi thế rất lớn. Nghiêm trọng hơn cả là "lag switching", chủ yếu xuất hiện ở những game dùng mạng ngang hàng (peer-to-peer), cho phép các "cheater" "nhảy múa" khắp nơi mà không sợ trúng đạn.

Các nhà phát triển game PC đã làm gì để đối mặt với tình trạng

Aimbots và hack tường là hai loại hình gian lận phổ biến nhất trong các game bắn súng online, cho phép những người chơi mới hoặc yếu hơn nắm lợi thế tuyệt đối so với những người chơi khác. Có thể rất dễ nhận biết một số chiêu trò gian lận như khi một người chơi "lướt" qua map với tốc độ không tưởng và "bóp cò" nhanh hơn người khác. Một số "chiêu hack" khác như hack tường, khó phát hiện hơn, thường lộng hành trong game trong thời gian vài tuần đến vài tháng.

Cuộc chiến giữa các nhà phát triển game với những cộng đồng những người tạo ra và bán phần mềm gian lận không khác gì một cuộc chơi "mèo đuổi chuột". Các "cheater" thường mua những phần mềm hoạt động như một "malware", thay đổi kết cấu trong game bằng những dòng mã code mới. Những phần mềm này đã và đang trở nên phức tạp hơn những năm gần đây thậm chí có những cộng đồng ngầm liên tục làm việc để đảm bảo không ai có thể phát hiện ra chúng, tất nhiên phải chi trả một mức phí nhất định hàng tháng.

Cuộc chơi này đang ngày càng căng thẳng hơn khi trong nhiều tuần qua, Steam đã liên tục phá vỡ kỷ lục số lượng người chơi trong cùng một thời điểm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Làn sóng game thủ mới ập đến, và cùng với đó, số lượng "cheater" và "hacker" cũng tăng cao. Các nhà phát triển đang áp dụng nhiều biện pháp độc đáo hơn nhưng một trong số đó đã gây ra nhiều tranh cãi.

Các nhà phát triển game PC đã làm gì để đối mặt với tình trạng

Infinity Ward đã cho những kẻ gian lận "tự xử" với nhau, xem phần mềm cheat của ai "xịn" hơn. Hơn 70.000 tài khoản đã bị "ban" (cấm) và nhà phát triển của Call of Duty: Warzone cũng tuyên bố "không nương tay với kẻ gian lận". Những người đứng sau tựa game Apex Legends - Respawn Entertainment - gần đây cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi "cấm cửa" hơn 350.000 tài khoản năm ngoái, các hacker đã tìm ra cách vượt qua Easy Anti-cheat, phần mềm chống gian lận mà Apex Legends đang sử dụng.

PUBG cũng đã dành ra hàng tháng giải quyết tình trạng này. "Năm ngoái chúng tôi đã tốn rất nhiều thời gian tìm cách chặn đứng các phần mềm gian lận," Taeseok Jang – giám đốc sản xuất PUBG PC – chia sẻ. "Chúng tôi chủ yếu tập trung đánh vào những người làm phần mềm cheat, khiến những phần mềm này không thể được hỗ trợ". PUBG đang liên tục đổi mới mã code để tự bảo vệ mình nhưng không thể phủ nhận rằng những kẻ lập trình cheat luôn "thích nghi được và vượt qua lớp bảo vệ này". PUBG sử dụng BattlEye – phần mềm tự xưng là "gương mặt vàng trong làng chống cheat" – nhưng đã tỏ ra thiếu hiệu quả trong cuộc chiến này.

Những tựa game khác như Overwatch hay Destiny 2 cũng chứng kiến sự gia tăng về tình trạng gian lận. Studio đằng sau Destiny 2 – Bungie – thú nhận trong một bài post mới đây: "Lượng người chơi gian lận trong Destiny 2 đã tăng xấp xỉ 50% từ tháng 1". Bungie vừa mới tái ra mắt chế độ đấu hạng "Trials of Osiris", và gian lận trở thành một vấn đề nghiêm trọng kể từ khi Destiny 2 trở thành tựa game miễn phí 6 tháng trước. Cộng đồng các game thủ của tựa game này bày tỏ sự tức giận trước phản ứng chậm chạp từ Bungie. Một người chơi thậm chí còn bị bắt quả tang đang sử dụng cheat hack tường trên twitch và nhanh chóng bị ban khỏi game.

Các nhà phát triển game PC đã làm gì để đối mặt với tình trạng

Blizzard phát hiện hai công cụ Aimbots là Xion và Pentagon trong tựa game Overwatch khoảng 6 tháng trước. Họ đã đưa ra lời hứa rằng: "Hai bản vá lớn tiếp theo sẽ giải quyết triệt để vấn đề gian lận" vào hồi tháng 1. Một số game thủ còn trở thành những "cảnh sát ảo" trong game. "Sở cảnh sát Overwatch" được thành lập với nhiệm vụ xâm nhập vào các mạng lưới hacker và "cheater" ngầm, tìm ra và đánh sập những phần mềm hack mới. Một thú vui với những người tham gia và cũng là một phần thú vị của cuộc chiến chống gian lận.

Với việc ngày càng nhiều tựa game bắt đầu cho phép miễn phí tải về, các nhà phát triển phải tính đến trường hợp những kẻ gian lận chỉ cần lập một tài khoản mới nếu bị ban. Đây là vấn đề đặc biệt khó khăn với các tựa game thuộc dòng battle royale, với đặc trưng là cho phép người chơi nhanh chóng vào trận sau khi lập tài khoản mới.

Kể cả những tựa game đã tồn tại gần một thập kỉ cũng không tránh khỏi làn sóng tấn công mới này. Valve đã và đang phải gồng mình chống lại số lượng lớn "cheater" trong game Counter-Strike: Global Offensive kể từ khi tựa game này cho miễn phí tải về hơn một năm trước. Công ty đã đầu tư rất nhiều cho việc nỗ lực chống gian lận, sử dụng hệ thống Valve Anti-Cheat (VAC) tự động phát hiện các phần mềm gian lận được cài đặt trên máy tính. Valve cũng cho ra mắt nhiều phương án khác, bao gồm một hệ thống cho phép những game thủ lâu năm giám sát các trận đấu cũng như quản lý cộng đồng game.

John Mcdonald – quản lý phát triển phần mềm tại Valve – chia sẻ trong một phát biểu với The Verge: "Chúng tôi nhận ra rằng với một số người, gian lận trong game là mục tiêu lớn nhất và họ sẽ luôn quay trở lại cho dù chúng tôi có cấm bao nhiêu tài khoản đi chăng nữa."

Các nhà phát triển game PC đã làm gì để đối mặt với tình trạng

Có những cách thức chống gian lận gây ra vô số tranh cãi trong cộng đồng game thủ. Tựa game bắn súng mới của Riot – Valorant – đã và đang đang đối mặt với vấn đề hack và cheat, mặc dù vẫn đang trong giai đoạn beta. Riot đã giới thiệu động cơ chống gian lận mới mang tên Vanguard. Phần mềm này sẽ luôn chạy ngầm trên máy tính, kể cả khi đã tắt game. Tuy nhiên các fan thể hiện sự lo ngại về những lỗ hổng an ninh và Riot buộc phải xem lại cách Vanguard hoạt động. Người chơi đã có thể tắt phần mềm này, nhưng phải khởi động lại máy nếu muốn chơi Valorant.

Một trong những vấn đề cốt lõi của vấn nạn này nằm ở chính hệ hiều hành Windows của Microsoft. Phần lớn các tựa game PC được phát triển để chạy trên nền tảng này, nhưng chính yếu tố mở của Windows cho phép những kẻ gian lận dễ dàng tạo ra các phần mềm cheat và hack. Không thể có một công cụ nào có thể ngăn chặn gian lận ở tất cả các tựa game và các nhà làm game buộc phải phát triển một phần mềm chống "virus" của riêng họ.

Một số công cụ, như BattEye đã xảy ra xung đột với những bản cập nhật của Windows 10, hoặc dẫn đến các ứng dụng khác trên máy tính bị "sập" (crash). Microsoft đã phát triển hệ thống chống gian lận của họ mang tên "True play", nhưng chỉ có mặt trên các ứng dụng trong Windows Store – kho ứng dụng mà nhiều nhà làm game đã không còn quan tâm. "True play" biến mất sau một thời gian ngắn tồn tại trong một phiên bản thử nghiệm của Windows 10.

Khác với với PC, các dòng máy chơi game như PS4, Xbox One hay Nintendo Switch hiếm khi phải đối phó với gian lận. Tính chất "đóng" của những hệ máy này không cho phép các hacker phát triển các phần mềm cheat một cách dễ dàng. Điều này không đồng nghĩa là các dòng máy "sạch bóng" gian lận, điển hình là  những "trận chiến" hack tràn lan trong tựa game Modern Warfare 2 nhiều năm về trước. Tuy nhiên, các máy chơi game hiện đại cơ bản đã giải quyết được vấn đề này.

Nếu không thể "dẹp loạn", các tựa game PC này sẽ phải chịu nhiều tổn thất nghiêm trọng. PUBG đã mất phần lớn lượng game thủ trong các tháng gần đây và lượng người chơi Destiny 2 trên PC đã giảm đáng kể so với Xbox One và PS4. Số lượng người chơi giảm sút đồng nghĩa với doanh thu từ game cũng tuột dốc không phanh, điều này khiến các nhà phát triển lo lắng. Và không ai muốn xem một game thủ chuyên nghiệp trên Twitch suốt ngày phải "đụng mặt" với những kẻ gian lận cả.

Sự phức tạp trong biện pháp chống gian lận của Riot không phải là mới, nhưng nó đã chỉ ra con đường mà PC gaming phải đi. Các nhà làm game vẫn luôn chậm chạp trong việc chống gian lận và các công ty thường xuyên từ chối cung cấp thông tin về những chiến dịch này do lo ngại các hacker sẽ biết trước. Nếu các nhà phát triển tiết lộ cách thức chống gian lận trong một bản vá tiếp theo thì những kẻ tạo "cheat" chỉ cần cảnh báo khách hàng của mình không sử dụng công cụ gian lận cho đến khi các phần mềm này được nâng cấp, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Riot cũng đã trao thưởng cho người phát hiện ra những sai sót trong hệ thống chống gian lận của công ty. Những người phát triển tựa game Valorant đã tăng mức thưởng lên 100.000 USD cho mỗi lỗ hổng có tính chất phá hoại nghiêm trọng đến tính riêng tư cũng như sự bảo mật của phần mềm Vanguard.

Valorant vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm "closed beta", nhưng tựa game này sẽ là một bài kiểm tra đầu tiên để chứng minh rằng những biện pháp mạnh mẽ, có ý kiến gây tranh cãi rằng đây có phải là một giải pháp chống gian lận hiệu quả hay không. Trong khi đó, các nhà làm game vẫn đang đau đầu trong công cuộc tìm kiếm câu trả lời cho vấn nạn này.

Tuấn Bảo Lưu Vũ

Chủ đề khác