VnReview
Hà Nội

Các ứng dụng thu thập một lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ mà người dùng không cho phép

Một nghiên cứu mới đây cho thấy các ứng dụng thu thập một lượng dữ liệu cá nhân "đáng sợ" mà không được phép của người dùng.

Các ứng dụng thu thập một lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ mà người dùng không cho phép

Theo Bgr, các ứng dụng chạy trên iPhone và các phiên bản của chúng trên Android thường yêu cầu cho phép trước khi sử dụng dữ liệu vị trí của bạn trong lần chạy đầu tiên. Có một tùy chọn cho phép ứng dụng chỉ sử dụng vị trí của bạn một lần thay vì cấp quyền truy cập vĩnh viễn. Nhưng mọi thứ không phải lúc nào cũng như vậy, đặc biệt là trên Android. Google đã gặp phải vấn đề liên quan đến tính năng theo dõi vị trí cách đây vài năm khi người ta phát hiện ra người dùng đã tắt lịch sử vị trí vẫn bị theo dõi. Không chỉ các ứng dụng điều hướng như Google Maps mới yêu cầu quyền truy cập vào vị trí của người dùng trên thiết bị di động.

Một nghiên cứu mới cho thấy từ dữ liệu vị trí, các ứng dụng có thể "suy ra" một số lượng khổng lồ các thông tin khác. Các nhà nghiên cứu Mirco Musolesi (Đại học Bologna, Ý) và Benjamin Baron (Đại học College London, Anh) đã cố gắng xác định lượng thông tin cá nhân được thu thập thông qua theo dõi vị trí. Họ đã phát triển một ứng dụng cho mục đích đó có tên là Trackocity, được cài đặt trên các thiết bị của 69 người dùng.

Ứng dụng đã chạy ít nhất hai tuần trên mỗi thiết bị, theo dõi hơn 200.000 vị trí. Ứng dụng đã xác định được khoảng 2.500 địa điểm và thu thập 5.000 thông tin cá nhân liên quan đến nhân khẩu học và tính cách. Trackvisor có thể suy ra dữ liệu về sức khỏe, tình hình kinh tế xã hội, dân tộc và tôn giáo của tình nguyện viên bằng cách xem thông tin vị trí mà nó thu thập được. Tất cả những thông tin thuộc về nhóm dữ liệu "nhạy cảm" mà người dùng thường muốn bảo mật.

Các ứng dụng thu thập một lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ mà người dùng không cho phép

Ứng dụng này cũng có tùy chọn để các tình nguyện viên cung cấp phản hồi về tính chính xác của dữ liệu thu thập được về họ. Đó là cách các tác giả có thể xác định loại thông tin nào sẽ được coi là riêng tư hoặc nhạy cảm.

Musolesi cho biết: "Phần lớn người dùng không biết về những tác động khi cung cấp các quyền truy cập vào thông tin riêng tư cho các ứng dụng và dịch vụ, đặc biệt là liên quan đến việc theo dõi vị trí. Nhờ sự hỗ trợ của máy học, những dữ liệu này cung cấp thông tin nhạy cảm như nơi người dùng sống, thói quen, sở thích, nhân khẩu học và thông tin về tính cách của họ".

Các tác giả cho biết đây là nghiên cứu mở rộng đầu tiên làm sáng tỏ loại thông tin mà các ứng dụng và dịch vụ có thể suy ra từ dữ liệu vị trí. Trong thông cáo báo chí của mình, nhóm nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu cũng cho thấy việc thu thập thông tin như vậy có thể vi phạm quyền riêng tư của người dùng như thế nào".

Các chuyên gia nói rằng những nghiên cứu như vậy có thể mở đường cho việc cải thiện các chính sách theo dõi vị trí của các ứng dụng để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng tốt hơn. Cụ thể, các công ty tạo ra ứng dụng phải cung cấp các tùy chọn chi tiết hơn để người dùng lựa chọn loại thông tin vị trí nào mà họ không muốn chia sẻ.

Các ứng dụng và dịch vụ khác nhau theo dõi người dùng trên web và trên thiết bị di động. Và việc thoát theo dõi quảng cáo là điều gần như không thể. Tuy nhiên, bạn có thể giới hạn lượng thông tin vị trí mà mình chia sẻ với các ứng dụng khác bằng cách vào cài đặt quyền riêng tư của điện thoại và thay đổi quyền truy cập dữ liệu vị trí cho từng ứng dụng cụ thể.

Bạch Đằng

Chủ đề khác