VnReview
Hà Nội

Kết hợp chế độ ẩn danh và VPN có giúp bảo vệ quyền riêng tư tốt hơn?

VPN (mạng riêng ảo) và Incognito Mode;(chế độ ẩn danh) là hai công cụ bảo vệ quyền riêng tư trên không gian mạng phổ biến nhất. VPN khiến việc theo dõi bạn trên mạng khó hơn, trong khi đó chế độ ẩn danh luôn giữ trình duyệt của bạn sạch sẽ vì không lưu lại lịch sử duyệt web.

Chế độ ẩn danh hoạt động như thế nào?

Duyệt web chế độ ẩn danh có rất nhiều tên gọi khác nhau, như InPrivate trên Microsoft Edge hay Incognito Mode trên Google Chrome. Mục đích chính của chế độ này là khiến trình duyệt "mất trí nhớ" trong một khoảng thời gian. Khi bạn sử dụng chế độ ẩn danh, trình duyệt sẽ không lưu lại bất cứ dữ liệu nào về các trang bạn đã truy cập như: địa chỉ, cookies, các dữ liệu nhập liệu hay bất kỳ dữ liệu nào khác.

Chế độ ẩn danh cũng giúp trình duyệt của bạn luôn sạch sẽ do không có bất kỳ cookies nào được lưu lại. Vì vậy, nếu bạn đăng nhập Facebook bằng trình duyệt thông thường, bạn có thể mở trình duyệt ẩn danh và thấy rằng Facebook không hề được đăng nhập ở cửa sổ này.

Khi bạn lướt web bằng chế độ ẩn danh, mọi hành vi bạn thực hiện sẽ không được trình duyệt lưu lại. Trang web bạn đã truy cập không xuất hiện trên trang lịch sử truy cập hay danh sách các tab đã mở gần đây. Nếu bạn đăng nhập vào một trang web bằng chế độ ẩn danh, bạn chỉ việc đóng cửa sổ là trình duyệt sẽ xóa mọi thông tin về lần đăng nhập đó.

Tuy nhiên, đó là tất cả những gì chế độ ẩn danh có thể làm, và thường thì trình duyệt của bạn cũng sẽ cho bạn biết tính năng của chế độ này khi nó được kích hoạt.

Mặc dù không có dữ liệu duyệt web nào được lưu trên máy tính của bạn, nó không có nghĩa là số dữ liệu đó không được lưu lại ở nơi khác. Các trang web bạn truy cập vẫn sẽ nhận được địa chỉ IP của bạn, nhà cung cấp dịch vụ internet của bạn vẫn có thể giám sát hoạt động của bạn và quản trị hệ thống máy tính tại công ty của bạn vẫn có thể biết được bạn đang làm gì. Chế độ ẩn danh và các chế độ duyệt web riêng tư khác không thực sự giúp bạn ẩn danh trên mạng.

VPN là gì?

Để thật sự có thể ẩn danh trên mạng, VPN chính là điều kiện cần. Khi bạn sử dụng dịch vụ VPN, bạn sẽ được kết nối với internet thông qua một máy chủ riêng, từ đó các trang web sẽ chỉ biết được máy chủ đó đang truy cập chứ không phải bạn. Nói cách khác, trang web bạn truy cập sẽ không nhận được địa chỉ IP thật của bạn, mà chỉ thấy địa chỉ IP từ máy chủ của dịch vụ VPN.

Dịch vụ VPN giúp tăng mức độ bảo mật nói chung cho người dùng khi duyệt web, thêm vào đó, bạn cũng có thể thay đổi vị trí truy cập đến bất cứ đâu có đặt máy chủ của dịch vụ VPN bạn đang sử dụng. Trang web sẽ thấy bạn đang truy cập từ quốc gia đặt máy chủ VPN thay vì vị trí thật của bạn. Điều này cho phép bạn truy cập các nội dung bị giới hạn truy cập theo vùng lãnh thổ như Netflix chẳng hạn. Ngoài ra, VPN cũng giúp người dùng vượt qua sự kiểm duyệt nội dung hay theo dõi người dùng ở một số quốc gia.

Nhờ những tính năng trên, VPN trở nên phổ biến rộng rãi đối với người dùng internet, bao gồm cả những người dùng quan tâm đến việc bảo vệ quyền riêng tư, cho đến những người thích tải phim lậu từ BitTorrent.

Kẽ hở của dịch vụ VPN

VPN hoạt động bằng cách chuyển hướng đường truyền của bạn qua một kết nối được mã hóa. Nhà cung cấp mạng hay quản trị hệ thống máy tính có thể nhận thấy bạn đang kết nối với một máy chủ bên ngoài, là máy chủ của dịch vụ VPN, và không thể biết trang web bạn sẽ kết nối đến sau đó. Quá trình này thường sử dụng công nghệ mã hóa đầu cuối (end-to-end encryption).

Tuy nhiên, sử dụng VPN cũng không thể đảm bảo bạn sẽ hoàn toàn ẩn danh trên mạng internet. Dù kết nối của bạn được mã hóa, nhưng nếu bạn vẫn đăng nhập vào các tài khoản mạng xã hội hay tài khoản Google, các nền tảng này vẫn có thể định danh bạn. Nói cách khác, nếu bạn đăng nhập tài khoản Facebook, kết nối với VPN và sau đó sử dụng trình duyệt bạn đang đăng nhập Facebook đó để lướt web, tất nhiên là Facebook vẫn có thể biết bạn là ai. Cookies được lưu trữ trên trình duyệt có thể được sử dụng để xác định danh tính của bạn (Chế độ ẩn danh sẽ có thể giúp bạn tránh vấn đề này).

Và một kẽ hở lớn nhất là: Nhà cung cấp dịch vụ VPN bạn đăng ký biết mọi hoạt động trên mạng của bạn khi kết nối đến máy chủ của họ.

Nói cách khác, bạn chỉ đang trốn tránh sự kiểm soát của nhà cung cấp dịch vụ internet và bộ phận quản trị ở công ty, thay vào đó là để cho nhà cung cấp dịch vụ VPN theo dõi bạn. Tuy nhiên, hầu hết các dịch vụ VPN đều cam kết xóa lịch sử truy cập của người dùng định kỳ kèm theo gói dịch vụ. Cam kết này được quảng cáo dưới cái tên chính sách "no-logs", và trên giấy tờ thì chính sách này có nghĩa là các nhà cung cấp dịch vụ VPN không lưu lại hoạt động trên mạng của người dùng. Chính sách này cũng đồng nghĩa với việc nhà cung cấp VPN không thể chia sẻ thông tin về người dùng cho bên thứ ba như nhà cung cấp internet, dịch vụ quảng cáo, chính quyền hay bất kỳ ai muốn biết bạn đã làm gì trên internet.

Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải nhà cung cấp VPN nào cũng tuân thủ đúng lý thuyết như trên. Ví dụ với vụ việc xảy ra vào năm 2017, dịch vụ PureVPN đã giúp FBI bắt một tên tội phạm mạng, dù không lưu lại lịch sử hoạt động nhưng công ty này đã lại lưu địa chỉ IP của người dùng (năm 2018, PureVPN đã thay đổi chính sách này).

VPN như một chiếc hộp đen nhỏ và có quá nhiều công ty cung cấp dịch vụ này, do đó người dùng khó có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn. Trước khi bạn đăng ký bất kỳ dịch vụ VPN nào, chúng tôi khuyến cáo bạn nên đọc qua chính sách quyền riêng tư của dịch vụ đó, tìm thêm thông tin về dịch vụ trên mạng internet. Bạn sẽ phải đặt toàn bộ niềm tin vào nhà cung cấp dịch vụ VPN, vì thế bạn phải nghiên cứu thật kỹ một số lưu ý trước khi đăng ký dịch vụ VPN.

Sử dụng kết hợp chế độ ẩn danh và VPN giúp tăng tính bảo mật?

Dù VPN và chế độ ẩn danh không có cùng tính năng, nhưng chúng lại có thể kết hợp cùng nhau cực kỳ hiệu qủa. Nhiều kẽ hở bảo mật trong VPN có thể lấp lại bằng chế độ ẩn danh và những điểm yếu của chế độ ẩn danh cũng có thể khắc phục bằng VPN. Sử dụng kết hợp cả hai công cụ này khiến bên thứ ba gặp khó khăn hơn trong việc định danh bạn trên mạng internet, cũng như cho phép bạn bảo vệ quyền riêng tư tốt hơn, nhất là khi phải sử dụng chung máy tính với nhiều người.

Ví dụ, khi duyệt web bằng chế độ ẩn danh, bạn không được đăng nhập vào tài khoản mạng xã hội như Facebook hay tài khoản Google, và toàn bộ cookies sẽ bị xóa đi sau khi bạn tắt cửa sổ ẩn danh. Đồng thời, trang web bạn truy cập sẽ không nhìn thấy địa chỉ IP thật của bạn và nhà cung cấp dịch vụ internet hay quản trị hệ thống cũng không thể biết được bạn đang truy cập vào trang web nào.

Chỉ sử dụng một trong hai công cụ VPN hay chế độ ẩn danh không thể bảo vệ tuyệt đối quyền riêng tư cho bạn. Kết hợp cả hai sẽ giúp bạn an toàn hơn, cho phép bạn ẩn danh trên mạng internet một cách tương đối – trong trường hợp nhà cung cấp dịch vụ VPN của bạn đáng tin cậy.

Nếu bạn vẫn chưa tìm được dịch vụ VPN phù hợp với nhu cầu, bạn có thể thử một số dịch vụ VPN cho phép dùng thử miễn phí và đảm bảo an toàn.

Minh Bảo theo HowToGeek

Chủ đề khác