VnReview
Hà Nội

5 nguyên tắc "vàng" khi tập chơi tai nghe

Khi bắt đầu trở thành một Audiophile (người đam mê âm thanh) thì ngoài việc sắm cho mình một chiếc tai nghe "xịn" thì chắc hẳn bạn sẽ gặp rất nhiều bỡ ngỡ với việc lựa chọn Amplifier, DAC, bitrate… Do đó, bài viết đây sẽ thực sự hữu ích với những ai mới ra nhập thế giới Audiophile.

1

1. Hãy kiên nhẫn: tai nghe càng dùng nhiều thì càng hay

Loa và tai nghe có chung một hiệu ứng: khi sử dụng trong thời gian dài, màng loa và mạch điện sẽ thay đổi và giúp đem lại âm thanh ấm hoặc chi tiết hơn. Hiệu ứng này được gọi là "burn in" (hoặc "break in") và có thể chỉ xuất hiện trên tai nghe sau hàng trăm giờ sử dụng.

Bởi vậy, nếu bạn thấy bộ tai nghe mới mua của mình có âm thanh tệ hơn hẳn sản phẩm mẫu thì đừng vội nghĩ rằng tai nghe của bạn bị lỗi. Hãy dành ra khoảng 100 giờ bật nhạc trên chiếc tai nghe này, bạn sẽ thấy âm thanh được cải thiện đáng kể, đây là điều mà hiệu ứng burn-in sẽ tạo ra. Một số mẫu tai nghe có thời gian burn-in lâu nổi tiếng có thể kể tới 3 sản phẩm đầu bảng của AKG: K701, K702 và Q701. Sự khác biệt giữa AKG K701 trước và sau khi burn-in có thể lên tới một trời một vực.

9

Các mẫu Grado sau khi burn-in sẽ khắc phục được rất nhiều điểm yếu

Nếu không đủ kiên nhẫn, hãy burn-in cấp tốc bằng cách bật nhạc qua tai nghe và để qua 3, 4 ngày. Hãy sử dụng một danh sách bài hát có đủ các thể loại nhạc nhằm "mở" ra tất cả các dải tần cho headphone. Bạn cũng có thể sử dụng các công cụ burn in, song hãy lưu ý tuyệt đối không đeo tai nghe lên tai khi dùng các công cụ này.

Âm lượng khi burn in cũng chỉ cần đặt ở mức nghe nhạc thông thường: âm lượng quá lớn, trong mọi trường hợp, sẽ làm hỏng tai nghe (và cả đôi tai của bạn).

2. Đầu tư Amplifier và DAC

Đầu tư bộ tăng âm tai nghe (Amplifier – amp) và các cổng xuất tiếng tốt (DAC) là một nguyên tắc nằm lòng của người chơi tai nghe, và trong thực tế bạn không thể đánh giá thấp vai trò của các thiết bị này.

Một số mẫu tai nghe, đặc biệt là các tai nghe phòng thu, có thể có điện trở lên tới hàng trăm Ohm do điện trở cao cho phép tai nghe tái tạo nhiều chi tiết hơn. Sử dụng các tai nghe này với iPod, iPhone và các cổng tiếng thông thường không chỉ khiến âm thanh nhỏ hơn mà còn tệ hơn rất nhiều so với tiềm năng của chúng.

19

JDS Labs là một công ty sản xuất amp, DAC thủ công rất được ưa thích

Do vậy, đầu tư các bộ tăng âm tai nghe là rất cần thiết, đặc biệt là với tai nghe điện trở cao như Beyerdynamic DT880 (phiên bản 250 ohm/600 ohm) hoặc Sennheiser HD600/HD650 (600 ohm). Các tai nghe có điện trở thấp như các mẫu Grado, Sennheiser HD449, HD518, HD558, HD598 hoặc các mẫu Audio Technica không thực sự yêu cầu phải có amp, song các bộ tăng âm vẫn sẽ giúp tăng chất lượng âm thanh, tạo ra âm trường (soundstage) rộng hơn và làm giảm sức ép lên thiết bị phát tín hiệu.

Khi nghe trên máy vi tính, hãy lựa chọn các bộ DAC (bộ chuyển từ tín hiệu số sang tín hiệu analog cho tai nghe/loa, phổ biến nhất là card âm thanh USB) tốt. Card âm thanh tích hợp của máy vi tính sẽ đem tới âm thanh rất lộn xộn, tối và thiếu chi tiết. Các bộ DAC và amp tốt không chỉ bộc lộ được hết tiềm năng của headphone mà còn có thể mang tới nhiều trải nghiệm âm thanh khác nhau trên cùng một mẫu tai nghe.

DAC và amp cũng là các thiết bị tương đối quan trọng cho quá trình burn-in: các mẫu DAC và amp cao cấp có dải tần rộng hơn, giúp mở ra âm thanh tốt hơn trên tai nghe.

11

Các sản phẩm của Fiio ngày một phổ biến tại Việt Nam

Một lời khuyên khi lựa chọn amp và DAC là hãy ưu tiên các sản phẩm được làm thủ công (Do-it-yourself - DIY) như iBasso, JDSLab và cả các sản phẩm do chính người Việt khéo tay chế tác. Các sản phẩm này đem lại hiệu năng tốt hơn nhiều so với các sản phẩm thương mại cùng tầm giá. Mặt khác, bạn cũng có thể dễ dàng tìm mua các sản phẩm amp, DAC sản xuất hàng loạt mang thương hiệu Fiio hoặc Creative... Các sản phẩm này có hiệu năng vừa đủ cho các model tai nghe tầm thấp/trung cấp và cũng được bày bán tại rất nhiều cửa hàng audio trên cả nước.

Cuối cùng, đầu tư DAC và amp tốt là một cách để đầu tư cho tương lai, trong trường hợp bạn muốn nâng cấp lên các mẫu tai nghe đắt tiền hơn.

3. Hãy nghe file nhạc có bitrate cao nhất có thể

Nếu nghe nhạc từ máy vi tính, hãy cố gắng lưu CD của mình dưới định dạng lossless (không mất thông tin) như FLAC và ALAC (Apple Lossless). Khi lưu CD dưới dạng mp3, chất lượng âm thanh sẽ bị giảm sút do một số thông tin bị loại bỏ. Mặt khác, file mp3 320kps và AAC 256kps (mua trên iTunes) cũng có thể coi là đủ dùng cho các mẫu tai nghe có giá khoảng 300 USD trở xuống.

Đầu tư ổ cứng lớn để lưu trữ lossless và mp3 bitrate cao cũng là một cách để đón đầu tương lai. Càng ngày, các mẫu tai nghe và thiết bị phát chất lượng cao sẽ càng làm cho sự khác biệt về bitrate trở nên rõ rệt.

12

Sự khác biệt về bitrate có thể mang tới trải nghiệm nghe nhạc khác nhau

Với phần lớn các mẫu smartphone/tablet, bạn chỉ cần lưu file nhạc ở bitrate 128kps: các file có bitrate 320kps hay lossless sẽ không cải thiện được nhiều. Bạn chỉ cần sử dụng file nhạc có bitrate cao nếu dùng các loại DAC cao cấp làm cổng phát tiếng cho smartphone/tablet Android thông qua kết nối USB On-the-go.

4. "Độ" tai nghe của mình

Mua tai nghe, amp và DAC mới không phải là cách duy nhất để làm mới trải nghiệm âm thanh của bạn.

13

Khoét lỗ có độ lớn bằng đồng xu trên lót tai nghe Grado tầm thấp là một cách độ đơn giản và hiệu quả

Nhiều người dùng khéo tay đã phát hiện ra được nhiều cách để tối ưu tiềm năng của tai nghe. "Độ" tai nghe có thể chỉ đòi hỏi những thao tác đơn giản nhất như khoét một lỗ nhỏ bằng đồng xu trên lớp lót tai nghe Grado (cách độ "quarter mod" nổi tiếng) để âm thanh thêm chi tiết cho tới những thao tác "nguy hiểm" hơn như mở tung HD558 và tháo lớp lót gắn giữa loa và lớp bọc ngoài để âm thanh gần với HD598 hơn. Thay dây cho tai nghe cũng là cách độ được nhiều người sử dụng

14

Thay dây bạc cho tai nghe có thể thay đổi chất âm

Hãy cân nhắc việc độ tai nghe: đây không phải là hoạt động dành riêng cho những fan lâu đời của âm thanh mà dành cho tất cả những người đủ đam mê và đủ dũng cảm. Các cộng đồng fan hâm mộ của mỗi dòng tai nghe sẽ mách cho bạn mẫu tai nghe mà bạn đang sở hữu có bao nhiêu cách độ. YouTube cũng có rất nhiều các video hướng dẫn độ chi tiết, dễ thực hiện. Tuy vậy, hãy lưu ý rằng rất có thể độ tai nghe sẽ khiến tai nghe của bạn không được chấp nhận bảo hành. Nếu có thể, hãy thực hành trên các sản phẩm cũ trước, và hãy luôn luôn dành sự tập trung cao nhất trong quá trình thực hiện việc độ tai nghe.

5. Hãy tự trải nghiệm tai nghe trước khi mua & nâng cấp một cách từ tốn

Ngay cả khi bạn đã đưa ra được một hoặc thậm chí là nhiều lựa chọn mua bán chính xác từ các bài đánh giá tai nghe, bạn vẫn nên dừng thói quen này lại.

Không giống như smartphone, tablet và các thiết bị công nghệ khác, sản phẩm của tai nghe là âm nhạc – một thứ mang nặng tính chủ quan. Khi đánh giá chất âm của một chiếc tai nghe, sẽ không có những "sự thật" dạng như "trải nghiệm ứng dụng trên Nexus 7 là khá mượt mà" mà sẽ chỉ có quan điểm của người đánh giá. Mỗi người sẽ đón nhận chất âm của cùng một chiếc tai nghe theo nhiều cách khác nhau, dẫn tới một số cuộc tranh luận khá gay gắt xoay quanh các sản phẩm như Audio Technica ATH-AD1000 hoặc Sennheiser HD595.

"Chơi" tai nghe cũng đòi hỏi sự tìm tòi và học hỏi như "chơi" máy ảnh hay bất kì thú vui lành mạnh nào khác. Bạn có thể cân nhắc một số kinh nghiệm sau đây để trở thành một audiophile (người đam mê âm thanh) chính hiệu theo cách dễ dàng nhất.

Beats là ví dụ điển hình cho các dòng tai nghe "tên tuổi"

Thực tế, các bài đánh giá sẽ cung cấp được những thông tin như: số lượng và chất lượng (theo đánh giá chủ quan) của âm thanh trên từng dải; bass (trầm), mid (trung) và treble (cao); độ rộng của âm trường; mức độ màu/khô của âm thanh; khả năng tái tạo các chi tiết... Chúng sẽ chỉ vẽ ra cho bạn một bức tranh tương đối sơ lược. Trong trường hợp bạn đã từng trải nghiệm một sản phẩm có chất âm tương đồng hoặc một sản phẩm của cùng một hãng sản xuất, bức tranh này sẽ trở nên rõ ràng hơn đôi chút. Chỉ khi nào bạn đeo tai nghe thật lên tai, bức tranh này mới trở nên hoàn chỉnh, và đó mới là lúc bạn nên đưa ra quyết định mua hay không mua sản phẩm.

Ngoài ra, bạn cũng không nên nâng cấp một cách quá vội vàng từ tai nghe tầm thấp lên tai nghe tầm cao. Trước hết, các mẫu tai nghe cùng một công ty sản xuất vẫn có thể mang nhiều chất âm khác nhau, và một mẫu tai nghe cao cấp hoàn toàn có thể làm bạn thất vọng hơn một mẫu tai nghe tầm thấp. Dĩ nhiên, lời khuyên tối quan trọng vẫn sẽ là hãy tự trải nghiệm tai nghe trước khi mua.

"Chơi" tai nghe cũng đòi hỏi sự tìm tòi và học hỏi như "chơi" máy ảnh hay bất kì thú vui lành mạnh nào khác. Bạn có thể cân nhắc một số kinh nghiệm sau đây để trở thành một audiophile (người đam mê âm thanh) chính hiệu theo cách dễ dàng nhất.

Beyerdynamic DT880, một sản phẩm khá "kén tai" nhưng lại được nhiều fan audiophile ưa thích

Thứ 2, tai nghe "xịn" hơn cũng thường đòi hỏi amp và DAC "xịn hơn". Do đó, khi nâng cấp, bạn sẽ phải cân nhắc kinh phí cho cả 3 thiết bị: tai nghe, amp và DAC.

Cuối cùng, khi chơi tai nghe, thẩm mỹ âm thanh của bạn cũng có thể thay đổi. Bạn có thể sẽ lựa chọn âm thanh nhiều tiếng "teble" hoặc có dải tần trung mạnh hơn, thay cho âm "bass" được nhiều người lựa chọn lúc đầu. Gần như chắc chắn bạn sẽ quen và muốn tìm những mẫu tai nghe có thể giúp bạn phát hiện thêm các chi tiết nhỏ trong các bài nhạc quen thuộc mà các mẫu tai nghe trước đây của bạn không tái hiện được. Các audiophile vẫn có thể là các "basshead" (người mê bass), song họ cũng sẽ tìm những loại tai nghe có tiếng bass chắc, mạnh, sâu và quan trọng là không lấn át các nhạc cụ/dải tần khác một cách vô lý.

Tin liên quan:

Những mẫu tai nghe tốt nhất để bắt đầu bước chân vào thế giới audiophile

Hướng dẫn chọn mua tai nghe

Cách burn-in tai nghe mới mua

Lê Hoàng

Chủ đề khác