VnReview
Hà Nội

Đa nhiệm trên iOS 8 có khó không?

Các thông tin mới nhất cho thấy hệ điều hành iOS 8 sẽ cho phép iPad chạy ứng dụng ở chế độ đa nhiệm. Tuy nghe có vẻ dễ dàng, sẽ có rất nhiều vấn đề mà các kỹ sư của Apple cần giải quyết để trải nghiệm đa nhiệm được hoàn hảo.

Đa nhiệm trên iOS 8 có khó không

Để thực hiện tốt chế độ đa nhiệm, Apple sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề

Việc cho ứng dụng chạy đa nhiệm không chỉ là bật hai ứng dụng cùng lúc, chia đôi màn hình và cho chúng cùng chạy. Apple sẽ phải giải quyết những vấn đề về sự tương thích với việc chia đôi màn hình, khả năng tương tác giữa các ứng dụng, hay phân bổ phần cứng để chạy tốt cùng lúc nhiều ứng dụng. Ars Technica đã tổng hợp lại những vấn đề này, và đưa ra những cách giải quyết mà Apple có thể áp dụng dưới đây:

Không lệ thuộc vào độ phân giải

Việc chia màn hình ra khi chạy đa nhiệm không đơn giản là cứ chia đôi màn hình ra, và ép ứng dụng chạy ở mức một nửa màn hình. Khi thiết kế ứng dụng cho iOS, các nhà phát triển phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định của Apple, ví dụ như yêu cầu về kích thước của các nút bấm trong ứng dụng. Do vậy, việc thu nhỏ ứng dụng có thể làm ảnh hưởng tới các yêu cầu này.

Đa nhiệm trên iOS 8 có khó không

Trên iOS 8, ứng dụng chạy đa nhiệm có thể được chia kích cỡ màn hình tùy theo ý muốn của người dùng

Trong nhiều trường hợp, các ứng dụng sẽ phải được thiết kế lại để có thể đáp ứng yêu cầu khi chia đôi màn hình. Đây sẽ là vấn đề lớn hơn trên iOS, một hệ điều hành được chuẩn hóa với chỉ bốn loại độ phân giải màn hình. Android và Windows 8 là những hệ điều hành hỗ trợ nhiều thiết bị với kích cỡ màn hình, độ phân giải và mật độ điểm ảnh khác nhau, do vậy các ứng dụng trên những hệ điều hành này từ đầu đã được thiết kế để có thể chạy tốt dù nó có chiếm bao nhiêu phần màn hình.

Theo như ý tưởng được tiết lộ, người dùng còn có thể kéo kích thước từng ứng dụng đa nhiệm tới mức mình thích. Cộng với những tin đồn cho rằng màn hình của chiếc iPhone 6 sẽ có độ phân giải cao hơn, có lẽ đã đến lúc Apple cho phép ứng dụng không còn bị phụ thuộc vào độ phân giải nữa.

Đa nhiệm trên iOS 8 có khó không

Auto Layout có thể là câu trả lời của Apple cho những khó khăn trên

Thực ra điều này đã được Apple tính đến, với tính năng Auto Layout (dàn màn hình tự động) được đưa ra từ iOS 6. Tính năng này cho phép ứng dụng có thể chạy và tự điều chỉnh kích cỡ một cách linh hoạt, chứ không phải đóng khung ở một độ phân giải nhất định. Nhờ đó, nó sẽ hoạt động tốt dù ở bất kì độ phân giải nào. Vấn đề là các nhà phát triển sẽ phải bắt đầu sử dụng tính năng này, do từ trước tới nay họ chưa cần Auto Layout mà vẫn có thể làm tốt ứng dụng với 4 hoặc 5 độ phân giải mặc định.

Ứng dụng tương tác với nhau tốt hơn

Người dùng iOS từ trước tới nay vẫn mong đợi các ứng dụng bên thứ ba có thể giao tiếp với nhau nhiều hơn, thay vì chỉ chia sẻ nội dung qua nút "share". 9to5Mac đã miêu tả các ứng dụng đa nhiệm trên iOS 8 có thể chia sẻ nội dung chữ, ảnh hoặc video cho nhau bằng cách kéo thả giữa các cửa sổ, và đây sẽ là một tính năng hoàn toàn mới.

Đa nhiệm trên iOS 8 có khó không

iOS có thể học hỏi Android ở điểm này, làm cho các ứng dụng tương tác với nhau tốt hơn nhưng vẫn có sự kiểm soát của hệ điều hành

Một hệ thống mới có tên gọi "XPC" có thể cho phép điều này. Các miêu tả về hệ thống này cho thấy nó hoạt động khá giống hệ thống Intent trên Android: Nó cho phép một ứng dụng có thể đáp ứng yêu cầu của ứng dụng khác.

Hệ thống XPC cho phép ứng dụng có nhiều quyền hơn so với hiện tại, nhưng ứng dụng cũng chỉ được phân quyền trong các giới hạn chặt chẽ. Điều này sẽ giúp các ứng dụng liên lạc với nhau tốt hơn, đồng thời vẫn đảm bảo tính bảo mật của hệ điều hành.

Cần nhiều bộ nhớ hơn

Phần cứng sẽ là khía cạnh cần được quan tâm khi xét tới đa nhiệm. Những chiếc iPad thường chỉ có dung lượng RAM bằng một nửa máy tính bảng Android hoặc Windows cùng đời, nhưng sử dụng vẫn mượt mà. Một trong những lý do đảm bảo cho sự mượt mà đó là chỉ cho phép chạy đơn nhiệm – người dùng chỉ trực tiếp sử dụng một ứng dụng một lúc, và các ứng dụng khác có thể tạm dừng để tiết kiệm RAM. Các ứng dụng chạy ngầm cũng được quản lý chặt chẽ để đảm bảo không chiếm dụng tài nguyên và có thể mở lại nhanh khi cần.

Tuy nhiên, khi chạy cùng lúc hai ứng dụng như màn hình đa nhiệm, chắc chắn RAM và vi xử lý sẽ phải phân chia ra để đáp ứng cả hai ứng dụng này. Bên cạnh đó, pin cũng có thể sụt nhanh hơn.

Hiện tại, iOS quản lý bộ nhớ khá quyết liệt. Ứng dụng thường chiếm nhiều RAM nhất là trình duyệt, nhất là khi mở nhiều tab, nhưng iOS giới hạn dung lượng Safari có thể sử dụng chỉ ở mức hơn 200 MB. Các ứng dụng khác không liên quan đến hệ thống bị tắt thẳng tay, còn các ứng dụng hệ thống khác chỉ cần khoảng vài chục MB để hoạt động. Do vậy, khi sử dụng đơn nhiệm thì 1 GB RAM là đủ đáp ứng cho iPad.

Đa nhiệm trên iOS 8 có khó không

iOS đang kiểm soát RAM khá tốt, khi ứng dụng chiếm nhiều RAM nhất là hệ điều hành hoặc trình duyệt cũng chỉ được sử dụng khoảng hơn 200 MB RAM

Như vậy kể cả khi chạy đa nhiệm, thì một chiếc iPad với 1 GB RAM cũng có thể đáp ứng được, nhưng bạn sẽ dễ nhận thấy có độ trễ khi chuyển qua lại giữa các ứng dụng. Một số loại iPad cũ, cấu hình thấp như iPad 2 hoặc iPad Mini đời đầu có thể sẽ bị giật nhiều hơn, và thậm chí Apple có thể tắt hẳn tính năng đa nhiệm trên những chiếc iPad này để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất.

Chạy ứng dụng đa nhiệm thực sự là một tính năng hữu ích trên một thiết bị có màn hình to như iPad. Các máy tính bảng Windows 8 đã làm rất tốt điều này, và Apple hoàn toàn có thể làm được như vậy. Tất nhiên sẽ có một số vấn đề như đã nêu ra ở trên, nhưng vẫn có những hướng giải quyết rất thực tế mà chúng ta có thể sẽ biết thêm tại hội nghị nhà phát triển toàn cầu của Apple, diễn ra vào đầu tháng Sáu.

Hy vọng Apple sẽ lưu tâm đến những gì mà bài báo này đã đề cập và giải quyết tốt những vấn đề phát sinh khi cho phép iOS 8 chạy đa nhiệm.

Anh Minh

Theo Ars Technica

Chủ đề khác