VnReview
Hà Nội

Sắp có smartphone màn hình trong suốt?

Màn hình trong suốt là một công nghệ đang được nghiên cứu phát triển trong thời gian gần đây. Các thiết bị thông minh với màn hình trong suốt được hy vọng sẽ sớm hiện diện trong đời sống cho dù người ta mới chỉ nhìn thấy chúng trong... phim ảnh của Holywood. Vậy công nghệ này đang phát triển đến đâu? VnReview sẽ cùng các bạn đi tìm lời giải đáp.

(bản mẫu của Polytron Technologies)

Đầu năm ngoái, một công ty Đài Loan có tên là Polytron Technologies đã khiến giới công nghệ chú ý khi đưa ra một bản mẫu thí nghiệm điện thoại trong suốt. Sam Yu, Tổng Giám đốc của hãng này nói "chắc như đinh đóng cột" rằng cuối năm sẽ là thời điểm ra mắt điện thoại trong suốt. Tuy nhiên đến nay đã là giữa năm 2014 nhưng chúng ta vẫn chưa thấy tăm hơi của chiếc điện thoại đó đâu.

Thực ra, từ hồi tháng 9/2009, hãng Sony Ericsson đã cho ra mắt một mẫu điện thoại với màn hình trong suốt độ rộng 1,8 inch, độ phân giải 320 x 240 pixel. Mẫu điện thoại này có tên là Xperia Pureness, được nhắm chủ yếu vào đối tượng thích sở hữu "hàng độc". Tuy nhiên với khả năng hiển thị kém và số lượng sản xuất ít ỏi, Xperia Pureness đã nhanh chóng rơi vào quên lãng.

(Xperia Pureness)

Lenovo cũng từng cho ra mắt mẫu điện thoại S800 với màn hình trong suốt vào năm 2011. Nhưng mẫu điện thoại này chỉ được bán ở thị trường... Philippines mà thôi.

Công ty Polytron Techologies đề cập ở trên có lẽ là đơn vị dành nhiều thời gian và tâm huyết nhất cho điện thoại trong suốt. Tuy nhiên, ngoài bản mẫu được giới thiệu đầu năm ngoái thì đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Phóng viên của tạp chí Tech Radar đã liên hệ phỏng vấn nhưng không nhận được sự hồi âm.

Vậy yếu tố nào cản trở điện thoại trong suốt?

Theo nhà thiết kế màn hình OLED, ông Jan Hesse thuộc Viện Fraunhofer (Freiburg, Thụy Sỹ), thì "vấn đề nằm ở độ tương phản rất thấp. Các màn hình trong suốt không có tấm nền nên độ sáng bao giờ cũng thấp hơn so với màn hình OLED tiêu chuẩn".

Jan Hesse cho biết Viện nghiên cứu của mình cũng đang nghiên cứu phát triển màn hình OLED trong suốt. Màn hình này chứa các điện cực cũng trong suốt. Tuy nhiên, màn hình kiểu này lại cho ra điểm ảnh rất to. Theo Jan Hesse, các hãng chế tạo điện thoại danh tiếng cũng đang gặp phải những trở ngại tương tự.

Young Min Jung, Kỹ sư cao cấp của tập đoàn LG cho biết: "Các màn LCD truyền thống đều gặp phải giới hạn khi muốn chuyển sang trong suốt, đó là khả năng truyền dẫn ánh sáng kém. Chúng tôi có thể tăng độ sáng cho màn hình, nhưng lúc đó lại gặp phải vấn đề mức tiêu thụ pin lớn".

Bản thân LG đang nghiên cứu chế tạo một mẫu tủ lạnh với cánh cửa tủ là màn hình trong suốt, cho phép người dùng nhìn được các đồ vật bên trong mà không cần phải mở tủ ra. Trưởng bộ phận thiết kế của LG khẳng định cuối năm nay sẽ cho ra mắt tủ lạnh trong suốt 55 inch, nhưng chiếc tủ chỉ hiện diện với mục đích quảng cáo chứ chưa được bán đại trà.

Samsung cũng không đứng ngoài cuộc. Theo tờ Wall Street Journal, hồi tháng 3 vừa qua hãng này đã đăng ký một bằng sáng chế về màn hình trong suốt dành cho camera. Còn đối với điện thoại và máy tính bảng, chưa có thông tin nào được hé lộ.

Những ưu điểm của màn hình trong suốt

Những rào cản kỹ thuật nói trên không phải là không thể vượt qua. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là: tại sao chúng ta lại cần màn hình trong suốt khi mà màn hình LCD hay OLED hiện tại đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về màu sắc cũng như độ sắc nét? Màn hình trong suốt chỉ là một công nghệ mang tính thời trang hay nó thực sự đem lại lợi ích cho người dùng?

Tiến sỹ Juan David thuộc Đại học Manitoba cho biết: "Có rất nhiều gợi ý về những tính năng hữu dụng mà màn hình trong suốt mang lại nhưng tất cả mới chỉ là lý thuyết. Chúng tôi đã tạo ra một thiết bị để kiểm chứng xem trong thực tiễn công nghệ trong suốt đem lại lợi ích gì". Thiết bị mà ông Juan David đề cập là tPad, một bản mẫu máy tính bảng màn hình trong mờ (sử dụng công nghệ hiển thị LCD kết hợp với kính lọc mờ). Những gì mà tPad thể hiện quả thực rất ấn tượng. Trong video clip dưới đây, chúng ta thấy tPad có khả năng thực hiện đa tác vụ rất dễ dàng. Do tPad có hai mặt cảm ứng nên có thể chạy đồng thời hai ứng dụng trên hai mặt, khi cần thực hiện tác vụ nào chỉ cần lật giữa hai mặt máy tính bảng. "Bạn hãy tưởng tượng mình đang duyệt web trên smartphone thì có một tin nhắn gửi đến. Bạn chỉ cần lật mặt dưới của thiết bị lên để đọc tin nhắn, sau đó lật lại mặt kia để làm duyệt web tiếp, thật là dễ dàng và nhanh chóng", Juan David giải thích.

Một khả năng hữu dụng nữa của màn hình trong suốt là khả năng chụp ảnh. Bạn chỉ cần đặt điện thoại hoặc máy tính bảng trong suốt lên trên hình ảnh cần chụp, chẳng hạn như một danh thiếp hoặc một trang sách, là hình ảnh sẽ nằm gọn trong máy. Đây là cách chụp mà ông Juan David gọi là "chụp bề mặt". Nó thực hiện nhanh và dễ dàng hơn nhiều so với kiểu chụp khung hình truyền thống của smartphone.

Ngoài ra, tPad còn sở hữu một số khả năng hữu dụng khác như vẽ lại hình ảnh bên dưới, tương tác với các đồ thị trên giấy...

Vậy khi nào điện thoại màn hình trong suốt xuất hiện trên thị trường?

Vẫn còn một vài trở ngại mà các kỹ sư cần phải tìm giải pháp vượt qua. Đối với các loại điện thoại hiện nay, tất cả các thiết bị điện tử đều giấu phía dưới màn hình. Nhưng với màn hình trong suốt, các thiết bị điện tử này không còn chỗ ẩn nấp trừ phi chúng cũng trong suốt. Vì thế các kỹ sư cần phải thu gọn kích thước các thiết bị điện tử thật nhiều hơn nữa. Họ phải tạo ra một mẫu điện thoại vừa hấp dẫn (về hình thức) vừa hữu dụng mà không làm mất đi các chức năng cần có của một chiếc smartphone.

Đối với chiếc tPad, các kỹ sư cần bổ sung thêm nguồn ánh sáng trắng cho bộ phận kính lọc mờ để màn hình trở nên trong suốt hơn. Bổ sung thêm nguồn sáng cho một thiết bị trong như vậy không phải là một công việc dễ dàng. Các kỹ sư của Juan David sẽ còn phải làm việc cật lực để tạo ra một mẫu điện thoại hoặc máy tính bảng trong suốt theo đúng nghĩa. Ngoài ra, theo Juan David, màn hình điện thoại không chỉ trở nên trong suốt mà nó còn phải trở thành một cảm biến.

Sắp có smartphone màn hình trong suốt?

Tuy nhiên, với sự đầu tư nghiên cứu của LG và Samsung, cũng như các ứng dụng thực tiễn mà tPad hứa hẹn đem lại, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng rằng trong tương lai các thiết bị thông minh với màn hình trong suốt sẽ hiện diện trong cuộc sống thường nhật.

Còn theo bạn đọc VnReview, phải mất bao lâu nữa thì điện thoại màn hình trong suốt mới xuất hiện trên thị trường?

Đăng Khoa

Theo Tech Radar

Chủ đề khác