VnReview
Hà Nội

Điện thoại máy chiếu: Vì sao thất bại?

Cách đây vài năm, một số hãng chế tạo điện thoại đã cho ra mắt smartphone tích hợp máy chiếu với hy vọng tạo được một cú đột phá trong thị trường điện thoại thông minh. Nhưng cho đến nay cái mà họ nhận được lại là sự thờ ơ của người tiêu dùng. Vậy đâu là nguyên nhân khiến điện thoại máy chiếu thất bại?

Tại Đại hội Di động Thế giới (MWC) năm 2012, Giám đốc Tiếp thị của Samsung đã lên sân khấu giới thiệu với các nhà báo công nghệ một thiết bị mệnh danh là "Next Big Thing" (một thiết bị lớn của tương lai) đến từ bộ phận Nghiên cứu Phát triển của Samsung: đó là chiếc Galaxy Beam, smartphone tích hợp máy chiếu.

Galaxy Beam có hình dáng giống hệt Galaxy S2, chỉ khác duy nhất chiếc máy chiếu được gắn ở phía trước. Galaxy Beam là một trong những dự án tốn kém nhất của Samsung. Ngay ngày hôm sau, mẫu điện thoại độc đáo này đã xuất hiện trên 17 trang báo lớn. Giới công nghệ đã nhanh chóng xem xét nó, nhưng rồi họ nhận ra rằng Galaxy Beam đã không như kỳ vọng. Mẫu điện thoại này đi dần vào quên lãng. Mặc dù gần đây có tin đồn rằng Galaxy Beam 2 sẽ được đưa vào thị trường Trung Quốc, nhưng chúng ta vẫn tự hỏi: chuyện gì đã xảy ra với mẫu điện thoại có thể chơi Angry Bird... trên tường?

Một sự kết hợp tồi

Điện thoại máy chiếu được tạo ra từ hai yếu tố: sự ra đời của máy chiếu cỡ nhỏ pico với kích thước chỉ bằng một tấm danh thiếp, và sự tăng trưởng thị trường smartphone khiến các hãng điện thoại phải nghĩ ra một kiểu mẫu mới để thu hút khách hàng.

Kết quả là, người ta lấy bộ phận quang học của máy chiếu pico nhét vào trong điện thoại, kết hợp với các bộ phận sẵn có như pin, màn hình và bộ vi xử lý để chúng có thể hoạt động cùng nhau. Điện thoại máy chiếu về mặt ý tưởng là rất hay. Nó giúp cho mọi người có thể trình chiếu PowerPoint, thuyết trình ý tưởng hay chơi game trên phông màn rộng mà không cần đến chiếc máy chiếu cồng kềnh với dây nhợ loằng ngoằng.

Ý tưởng là vậy nhưng thực tế thì Samsung đã tạo ra một sản phẩm dở tệ. Theo Ron Mertens, biên tập viên của Pico Projector Info, các nhà chế tạo đã sai lầm khi giải quyết một số yếu tố về mặt kỹ thuật, khiến cho chiếc smartphone này trở nên "nửa mùa", chẳng ra điện thoại cũng chẳng ra máy chiếu.

"Khi mọi người lần đầu nhìn thấy điện thoại máy chiếu, họ ồ lên: ‘ôi, hay quá!'. Nhưng rồi ‘bộ quần áo mới" cũng nhanh chóng bị thay ra khi họ nhận ra rằng nó không thực sự tốt". Mertens nói rằng với Galaxy Beam, người dùng đã nhận được hai thứ tồi tệ: một chiếc máy chiếu dở kinh đi kèm với một "cục" điện thoại hao pin, cồng kềnh và đắt đỏ.

Những lời nhận xét như thế này đã lan truyền trên Internet không lâu sau ngày Galaxy Beam ra mắt. Trang công nghệ CNET đã nhận xét rất chí lý: "Bạn được trải nghiệm một chiếc smartphone Android tầm trung trong khi phải trả một cái giá rất đắt cho máy chiếu pico mắc kẹt trong đó". Còn phóng viên Laura Tosney của trang Tech Radar thì nhận định: "Galaxy Beam giống như một thứ đạo cụ cho Samsung chạy đua, nhưng mọi người chưa có nhu cầu sở hữu một chiếc điện thoại tầm trung kèm theo máy chiếu".

Giống điện thoại camera thuở ban đầu

Nếu bạn từng theo dõi sự ra đời của các mẫu điện thoại cách tân, thì bạn cũng sẽ thấy ban đầu chúng cũng nhận được những lời chỉ trích tương tự.

Khi điện thoại camera lần đầu xuất hiện trên thị trường, nó cũng bị đánh giá là quá đắt đỏ, máy ảnh chưa đủ tốt, trọng lượng điện thoại quá nặng, quá cồng kềnh. Tuy nhiên, một thập kỷ sau như chúng ta đã thấy, một chiếc điện thoại tầm trung cũng có thể cho ra một tấm ảnh đẹp ngang ngửa máy ảnh compact. Khái niệm smartphone có một hoặc hai camera trở nên quá đỗi bình thường.

Tất nhiên, không thể kết luận đến năm 2020 thì điện thoại máy chiếu cũng sẽ thành công giống như điện thoại camera hiện tại. Bởi vì thị trường ảnh số mà điện thoại camera tham gia rộng lớn và sáng sủa hơn nhiều so với thị trường mà máy chiếu pico đang nắm giữ. Điện thoại máy chiếu vẫn có thể thành công nếu nó giảm được trọng lượng, kích cỡ và giá thành.

Công nghệ laser là cứu cánh?

Để thành công, máy chiếu pico cần phải được hoàn thiện hơn nữa. Bên cạnh việc phải nhỏ đi và nhẹ hơn, nó cũng cần phải trình chiếu tốt.

Điện thoại Galaxy Beam khi trình chiếu cho độ sáng 15 lumen, đủ để tạo ra hình ảnh trong phòng tối. Nhưng nếu độ sáng cao hơn nữa thì hình ảnh sẽ sáng sủa, sắc nét, có độ tương phản cao mà không cần phải dùng trong phòng tối.

Một công nghệ hứa hẹn sẽ giải quyết được vấn đề này, đó là trình chiếu laser. Thay vì sử dụng đèn làm nguồn sáng như các loại máy chiếu hiện thời, hệ thống này sử dụng công nghệ quét chùm tia laser (LBS) với nguồn sáng là chùm laser bán dẫn, và được dẫn hướng bởi các mặt gương. Công nghệ LBS cho phép trình chiếu mà không cần phải lấy nét lại hình ảnh, và trên lý thuyết có thể tạo ra những hình ảnh tươi sáng có độ phân giải cao.

Hiện tại công nghệ này mới chỉ ở giai đoạn đầu ứng dụng. Mặc dù trên thị trường đã có một số mẫu máy chiếu pico laser nhưng chúng vẫn chưa được tích hợp vào điện thoại. Thế hệ máy chiếu laser đầu tiên này không được đánh giá cao do vẫn còn tồn tại khuyết điểm, đó là các tia laser phát ra chưa đều khiến hình ảnh hơi bị sạn.

Theo Ron Mertens thì phải phải hơn 5 năm nữa công nghệ máy chiếu pico mới đủ nhỏ, đủ sáng và đủ sắc nét để lắp vừa vào trong điện thoại mà không tạo ra trở ngại gì. Mertens cũng cho rằng điện thoại máy chiếu hiện giờ là một thiết bị mang tính phô trương. Với sự ra mắt của Galaxy Beam 2 cho dù mới chỉ là tin đồn vào thời gian tới, người dùng sẽ có cơ hội quyết định sự thành bại của loại điện thoại mang tính phô trương này.

Đăng Khoa

Theo Tech Radar

Chủ đề khác