VnReview
Hà Nội

Máy tính bảng ở thập niên 90 trông như thế nào?

Máy tính bảng ngày càng phổ biến trong cuộc sống của chúng ta và thiết kế của chúng ngày càng trở nên nhẹ hơn, mỏng hơn, thời trang hơn và giá cả cũng hợp lí hơn. Tuy nhiên, những phiên bản tablet đầu tiên lại cực kì đắt tiền, hạn chế về tính năng, rất lớn và nặng so với tiêu chuẩn ngày nay.

VnReview sẽ đưa đọc giả trở về những năm 90 của thế kỷ trước để chiêm ngưỡng những chiếc máy tính bảng đời đầu của các hãng, những cổ máy góp phần tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực di động ngày nay:

1. Máy tính bảng GRiDPad, phát hành năm 1989

GRiDPad được xem như một phần lịch sử của máy tính bảng. Thiết bị này được phát hành năm 1989 và được xem như một cộc cách mạng lúc bấy giờ. GRiDPad có trọng lượng hơn 2kg, dày 3,6 cm, thiết bị này không khác gì một cục gạch nếu so với chiếc iPad hiện tại của Apple nhưng vào thời điểm đó người ta ca ngợi nó là một thiết bị nhỏ gọn và mang tính di động cao.

Thông số kỹ thuật của máy bao gồm bộ vi xử lí 80C86 10MHz, RAM 1 MB, màn hình đen trắng 10 inch với độ phân giải 640 x 400 pixel, có thể trang bị thẻ nhớ 256 hoặc 512 kilobyte. Người dùng có thể có thêm tùy chọn ổ cứng 20 MB nếu chấp nhận thêm 1,36kg trọng lượng. Máy sử dụng hệ điều hành DOS 3.3 với khả năng nhận diện chữ viết tay và những cảm ứng đầu vào. GriDPad được bán ra với giá 2370 USD hoặc 3000 USD (khoảng 50 đến 63 triệu đồng) bao gồm cả các phần mềm kèm theo.

Nhà sản xuất thiết bị này cho biết họ đã bán được 10.000 sản phẩm trong năm 1990. Tất nhiên vào thời đó, bạn sẽ không thể nào tìm thấy Netflix, Spotify, Call of Duty 4 trên thiết bị này. Thay vào đó, GriDPad chỉ có thể hoạt động với các phần mềm đơn giản sẵn có của nó. Người ta nói rằng, quân đội Mỹ cũng đã mua rất nhiều thiết bị này cho binh lính của họ, nó được dùng cho nhiều mục đích với sự hỗ trợ của bút cảm ứng. Tuy nhiên, phiên bản dành cho quân đội được thiết kế chắc chắn, bền bỉ hơn so với phiên bản thương mại bán ra thị trường.

2. ToshibaT100X, phát hành năm 1993

Vài năm sau khi GriDPad ra đời, hãng Toshiba cũng phát hành chiếc tablet đầu tiên cho riêng mình vào năm 1993 với tên gọi T100X hoặc Dynapadtại Nhật Bản. Toshiba cho biết thiết bị của mình là "máy tính dựa trên bút".

ToshibaT100X được trang bị vi xử lí Intel 386tốc độ25MHz, RAM 4 MB, bộ nhớ trong 4 MB và tích hợp một thỏi pin NiMH giúp thiết bị có thể hoạt động liên tục trong vòng 2 đến 3 giờ. Thiết bị này sở hữu một màn hình hiển thị đơn sắc 9.5 inch với độ phân giải 640 x 480 pixel (có thể hiển thị 16 sắc thái của màu xám). Máy có trọng lượng 1,5 kg và chạy hệ điều hành Windows 3.1 và một trình điều khiển được cài đặt kèm theo cho phép nó hoạt động với bút cảm ứng.

Toshiba T100X được bán ra thị trường với giá 3490 USD (khoảng 73 triệu đồng) không đi kèm với đĩa mềm (đĩa mềm được bán riêng). Với mức giá gần như là "trên trời" đó thì đối tượng mua Toshiba T100X chủ yếu là những doanh nhân thành đạt, những người có thu nhập cao lúc bấy giờ.

3. Fujitsu Stylistic 1000 ra mắt năm 1996

Fujitsu Stylistic 1000 ra mắt vào năm 1996 khi Mark Zuckerberg, CEO hiện tại của Facebook mới chỉ 12 tuổi. Fujitsu cũng là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực máy tính bảng, họ đã công bố những dịch vụ của riêng mình vào năm 1990.

Trở lại với Fujitsu Stylistic 1000, đó là một chiếc máy tính bảng được trang bị màn hình 8 inch với độ phân giải 640 x 480 pixel. Phiên bản giá rẻ của Stylistic 1000 có màn hình hiển thị đơn sắc, tuy nhiên người dùng cũng có thể lựa chọn phiên bản với màn hình STN 256 màu. Đây là màn hình cảm ứng có thể hoạt động với hệ điều hành Windows 95, phiên bản được tối ưu hóa cho tablet. Máy hoạt động trên nền bộ vi xử lí 486DX4 100MHz của AMD, RAM từ 8 đến 40 MB (tùy chọn), bộ nhớ trong 340MB. Máy có độ dày 40 mm, nặng 1,7kg và được bán với giá 2900 USD.

4. Atari Stylus, chiếc tablet không bao giờ được bán ra thị trường

Dự án về chiếc tablet Atari Stylus hay còn gọi là Atari STPad được công bố năm 1991 nhưng sau đó buộc phải dừng lại do những vấn đề liên quan đến sự nhận diện chính xác chữ viết tay. Những thông tin rò rỉ trước đó cho thấy Atari Stylus sẽ sử dụng vi xử lí 68000, một bộ vi xử lí khá phổ biến của Motorola lúc bấy giờ. Ngoài ra, thiết bị còn được dự định sẽ sở hữu RAM 1 MB cùng không gian lưu trữ đến từ thẻ nhớ ngoài và chạy hệ điều hành riêng của công ty.

Dù là những cổ máy cồng kềnh với một sợi dây buột bút cảm ứng khá rườm rà, nhưng rõ ràng chúng là những thiết bị đi tiên phong để chúng ta có được những chiếc iPad hay Galaxy Tab S ngày nay.

Minh Trung

Theo PhoneArena

Chủ đề khác