VnReview
Hà Nội

Khắc phục sự cố gỡ ứng dụng trên Android

Nếu bạn không thể gỡ bỏ được một ứng dụng nào đó trên chiếc smartphone chạy Android của mình, thì sau đây là hai nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến việc không thể gỡ ứng dụng được, mời bạn đọc theo dõi.

Việc cài đặt một ứng dụng trên Android là điều cực kỳ dễ dàng, tuy nhiên với một số người dùng cơ bản mới làm quen với Android thì việc gỡ cài đặt một ứng dụng đôi lúc lại trở nên cực kỳ khó khăn. Sau đây là 2 nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến việc không gỡ cài đặt một ứng dụng nào đó được và cách khắc phục nó, mời bạn đọc theo dõi.

Nguyên nhân 1: Ứng dụng đang sử dụng quyền Admin trên điện thoại.

Không phải tất cả các ứng dụng nào đều giống nhau. Có thể một ứng dụng này chỉ cần yêu cầu một quyền hạn cơ bản nào đó, còn có thể có một ứng dụng khác cần có những quyền hạn cao hơn khi cài đặt vào máy nhằm mục đích sử dụng cho một vài chức năng nào đó được tích hợp trong ứng dụng và để các chức năng hoạt động đúng cách hơn. Thậm chí một số ứng dụng có thể yêu cầu bạn cho phép truy cập vào quyền quản trị (Administrator) trên điện thoại nhằm một vài mục đích như: Khóa/Mở khóa điện thoại, gửi thông báo, theo dõi vị trí điện thoại, …. (một vài ứng dụng điển hình cần truy cập quyền Admin như: Android Device Manager, AirDroid, Gravity Screen …). Khi bạn cấp phép cho ứng dụng truy cập quyền quản trị rồi, bạn sẽ không thể gỡ bỏ ứng dụng khi chưa tắt quyền truy cập của ứng dụng đó.

Để tắt quyền quản trị của ứng dụng, bạn có thể vào phần Cài đặt -> Bảo mật -> Quản trị thiết bị, nếu trong danh sách hiển thị ra có ứng dụng mà bạn muốn gỡ bỏ và có đánh dấu chọn ở phần bên phải, bạn chạm vào để tắt nó. Sau khi tắt quyền quản trị của ứng dụng đó, bạn có thể gỡ bỏ ứng dụng bình thường.

Nguyên nhân 2: Ứng dụng là bloatware hoặc là một phần của hệ thống.

Bloatware là một thứ mà hàng triệu người dùng Android mắc phải, nó là các ứng dụng được nhà sản xuất OEM cài sẵn khi bán ra các sản phẩm Android của mình. Trong nhiều trường hợp, người dùng nếu không thích chúng cũng không thể gỡ bỏ được vì chúng đã được gán là một phần của hệ thống Android. Tuy là ứng dụng hệ thống, nhưng có một vài ứng dụng thật sự không cần thiết và có thể xóa bỏ đi mà không gây ảnh hưởng gì đến hệ thống cả.

Bạn có nhiều lựa chọn (như xóa file apk trong thư mục system/app, dùng Titanium Backup, …..). Tuy nhiên đối với nhiều người dùng cơ bản thì có một cách đơn giản nhất nhằm "gỡ bỏ" các ứng dụng khó chịu trên đó là vô hiệu hóa chúng, đây không thực sự gọi là gỡ bỏ vì nó chỉ tắt và xóa dữ liệu của ứng dụng đi thôi, thực chất rằng nó vẫn còn nằm trong máy và chiếm một dung lượng nhất định tuy nhiên việc tắt chúng sẽ làm cho nó không tốn thêm nhiều tài nguyên nữa.

Để thực hiện việc đó, bạn vào phần Cài đặt và kéo sang phải đến mục Tất cả (mục cuối cùng) rồi lựa chọn ứng dụng muốn tắt và chạm vào nút Tắt (hoặc Vô hiệu hóa), sau khi tắt, ứng dụng sẽ được loại bỏ khỏi app drawer, hệ thống cũng sẽ xóa bỏ dữ liệu người dùng của nó nên bạn có thể yên tâm. Trong trường hợp nếu muốn bật lại, bạn cùng thực hiện thao tác tương tự.

Tất nhiên, vẫn còn nhiều nguyên nhân khác khiến cho ứng dụng trên điện thoại không thể đuôc gỡ bỏ bình thường, trên đây là 2 nguyên nhân cơ bản và thường xuyên gặp nhất. Chúc bạn đọc thành công!

Phúc Thịnh

Theo PhoneArena

Chủ đề khác