VnReview
Hà Nội

Lịch sử của các mẫu flagship đình đám (phần 1): Sony

Các nhà sản xuất đình đám hiện nay ít nhất đều đã phải trải qua một quá trình gian nan, vất vả để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường di động thế giới. Loạt bài viết về lịch sử các mẫu flagship đình đám trên thế giới sẽ bắt đầu với hãng điện thoại Sony với dòng sản phẩm Xperia.

Mời bạn đọc cùng theo dõi và hồi tưởng về một quá khứ thành công của Sony.

Sony Ericsson Xperia X10

Sony chỉ có một dòng sản phẩm chạy Android duy nhất: Xperia. Trước khi thương hiệu Nhật Bản này áp dụng thương hiệu Sony cho các sản phẩm của mình, nó đã có một thời gian dài gắn bó với Ericsson. Chiếc điện thoại thông minh Android đầu tiên mang đến thành công cho Sony Ericsson đó là Xperia X10, ra mắt vào năm 2009 và chính thức bán ra 4 tháng sau đó.

Xperia X10 được trang bị màn hình 4 inch độ phân giải 480 x 854 pixel với công nghệ cảm ứng điện dung khá tiên tiến vào thời điểm đó cùng vi xử lý Qualcomm QSD8250 1GHz, GPU Adreno 200, RAM 384GB cùng bộ nhớ trong 1GB. Xperia X10 tự hào với máy ảnh 8MP, chạy Android 1.6 Donut với giao diện Timescape/Mediascape UI của Sony, sau đó chiếc điện thoại này được cập nhật lên Android 2.1 Éclair và phiên bản cuối cùng mà chiếc smartphone này được cập nhật chính thức đó là Android 2.3 Gingerbread. Xperia X10 thực sự là một thiết bị đẹp với các phím cứng hữu ích, là mơ ước của khá nhiều người vào thời điểm đó.

Sony Ericsson Xperia Arc

Xperia Arc công bố vào tháng 1/2011 là phiên bản hoàn thiện hơn của Xperia X10. Arc khá giống với người tiền nhiệm của nó ở chỗ là có một màn hình 4.2 inch với độ phân giải tương tự, cấu hình được nâng cấp đôi chút với chip Qualcomm MSM8255, RAM 512MB và bộ nhớ trong 1GB (320MB có sẵn cho người dùng). Cùng với việc phát hành chiếc smartphone này, Sony giới thiệu công nghệ Best Resolution Audio Visual Integrated Architecture (BRAVIA) cho điện thoại.

BRAVIA đã trở thành một tiêu chuẩn trong hầu hết các mẫu điện thoại tầm trung và cao cấp được sản xuất bởi Sony Ericsson (Sony). Xperia Arc ban đầu được cài sẵn Android 2.3 Gingerbread và được nâng cấp lên Android 4.0 Ice Cream Sandwich. Ngay trước thời điểm ra mắt, đã có nhiều tin đồn cho rằng Xperia Arc sẽ mang tên Xperia X12 giống với các mẫu smartphone trước đó (Xperia X2, Xperia X8, …), tuy nhiên Sony Ericson quyết định loại bỏ nó vào phút chót và thay bằng một cái tên dễ nhớ hơn. Cách sau đó không lâu, Sony Ericsson còn công bố Arc S – phiên bản nâng cấp của Xperia Arc.


Sony Xperia S

Năm 2012 là một năm rất quan trọng đối với Sony. Công ty Nhật Bản quyết định dừng việc hợp tác với Ericsson và mua lại toàn bộ cổ phần của họ trong công ty. Kết quả của vụ việc trên đó là Sony Xperia S – chiếc smartphone đầu tiên mang thương hiệu Sony. Xperia S được công bố tại MWC năm 2012, là một bản cải tiến lớn so với Xperia Arc. Lần đầu tiên Sony sử dụng chip xử lý lõi kép Qualcomm Snapdragon MSM8260 với GPU Adreno 220. Sony đã nâng dung lượng RAM lên gấp đôi từ 512MB lên 1GB và 32GB dung lượng bộ nhớ trong và không hỗ trợ thẻ MicroSD, màn hình với độ phân giải 720p.

Xperia S được giới thiệu chạy Android 2.3 (tuy nhiên tại thời điểm bán ra Xperia S chạ Android 4.0.3), và phiên bản cuối cùng Sony cập nhật cho thiết bị này là Android 4.1.2 Jelly Bean. Trước đây, các nhà sản xuất Nhật Bản đã có vấn đề với việc cập nhật các thiết bị của mình, thậm chí là đối với những thiết bị cao cấp nhất. Sony quyết định đặt một thanh trạng thái LED chịu trách nhiệm cho tất cả các thông báo từ pin, cuộc gọi, … và vẫn còn được áp dụng cho đến ngày hôm nay. Giao diện người dùng của hệ thống cũng đã được đại tu. Sony Xperia S cũng đã có thể hiển thị các nội dung từ màn hình của nó ra các thiết bị bên ngoài nhờ cổng microHDMI mà đã được giới thiệu với Xperia Arc.


Sony Xperia T

Xperia T được giới thiệu vào tháng 8/2012 và được mệnh danh là điện thoại James Bond. Xperia T là model điện thoại đầu tiên từ một OEM Nhật Bản có kết nối LTE. Máy có màn hình 4.55 inch, chạy chip xử lý Snapdragon MSM8260A, GPU Adreno 225, RAM 1GB và bộ nhớ trong 16GB (có hỗ trợ thẻ nhớ MicroSD). Xperia T ban đầu chạy Android 4.0.4 Ice Cream Sandwich và sau đó được nâng cấp lên Android 4.3 Jelly Bean. Sony đã từng cân nhắc về việc cập nhật Android 4.4 KitKat tuy nhiên đã không cập nhật phiên bản mới cho Xperia T và Xperis SP và nhiều smartphone Android khác vào thời điểm đó.


Sony Xperia Z

Dòng smartphone hàng đầu thành công nhất của Sony phải kể đến là Sony Xperia Z. Chiếc Xperia Z đầu tiên được công bố tại CES 2013, được bán ra từ ngày 9/2 và ngay lập tức trở thành một cú hit lớn. Chiếc Android chống nước đầu tiên của Sony có màn hình 5 inch Fulll HD với lớp kính Gorilla Glass, chip xử lý 4 nhân Qualccomm APQ8064 với GPU Adreno 320, ROM 16GB (hỗ trợ thẻ MicroSD) và 2GB RAM. Xperia Z khi bán ra chạy sẵn Android 4.1.2 Jelly Bean nhưng đã cập nhật tuần tự lên Android 4.2, 4.3 và mới nhất là Android 4.4 KitKat.

Sony công bố sẽ cập nhật Android 5.0 Lollipop cho Xperia Z vào đầu năm sau. Xperia Z là một trong những mẫu smartphone ấn tượng nhất đầu năm 2013 và là một sự thành công của Sony. Chiếc điện thoại này còn có một "người anh em" khác mang tên Xperia ZL. Kể từ Xperia Z, Sony đều cập nhật dòng sản phẩm Z của mình sau chu kỳ 6 tháng…

Sony Xperia Z1

Sony Xperia Z1 Compact
 

Xperia Z1 được công bố vào 4/9/2013. Một lần nữa Sony sử dụng những phần cứng mới nhất và mạnh mẽ nhất để áp dụng cho chiếc Xperia Z1 này. Máy có tên mã Honami được trang bị màn hình 5 inch Triluminos với lớp kính Gorilla Class, độ phân giải Full HD với công nghệ X-Reality, chip xử lý 4 nhân Snapdragon 800, 2GB RAM, ROM 16GB, camera có độ phân giải khá lớn 20.7 MP và bộ khung nhôm cứng cáp, sang trọng. Xperia Z1 đi kèm với các tính năng camera thú vị như Info Eye, Timeshift-burst, AR Effect, Creative Effect, Sweep Panorama, AR Fun, Time Lapse, xóa phông nền và nhiều hơn nữa. Máy cũng được giới thiệu cùng với một biến thể nhỏ hơn, Xperia Z1 Compact với màn hình chỉ 4.3 inch.


Sony Xperia Z2

Vào tháng 4/2014, Xperia Sirius (Xperia Z2) được phát hành. Giống với người tiền nhiệm của nó, Xperia Z2 có khả năng chống bụi và chống nước với chuẩn IP55 và IP58. Chiếc điện thoại này có màn hình to hơn 0.2 inch so với Xperia Z1, CPU Snapdragon 801 và khả năng quay video 4K (tuy vậy vẫn có một số trường hợp tắt nguồn bởi nóng máy khi người dùng quay video 4K). Sony sử dụng GPU mới nhất đó là Adreno 330, 3GB RAM và 16GB ROM. Xperia Z2 là mẫu smartphone chính thức của FIFA World Cup 2014. Nhìn chung, Xperia Z2 không có nhiều cải tiến so với Z1, cho dù pin đã được cải thiện đáng kể.

Sony Xperia Z3

Sony Xperia Z3 Compact

Chiếc điện thoại mới nhất thuộc dòng Xperia Z đó là Xperia Z3 được ra mắt 6 tháng sau đó. Đây là lần thứ hai Sony quyết định phát hành 2 phiên bản Xperia Z khác nhau: Z3 phiên bản thường với màn hình 5.2 inch và Z3 Compact với màn hình 4.6 inch. Các thông số phần cứng của Xperia Z3 không khác biệt so với Xperia Z2 và Z3 được xem là một bản cập nhật nhỏ cho Xperia Z2. Tuy vậy nó vẫn là một chiếc điện thoại tốt và nếu đang chọn lựa cho mình một thiết bị cao cấp mới, bạn nên xem xét việc lựa chọn mẫu điện thoại này làm bạn đồng hành của mình.


Sony Xperia Tablet S

Ngoài smartphone, Sony cũng đã phát hành 4 mẫu tablet cao cấp khác. Chiếc tablet đầu tiên của Sony đó là Sony Xperia Tablet S được giới thiệu vào tháng 8/2012 (cùng thời điểm ra mắt Xperia T). Máy được trang bị màn hình 9.4 inch, CPU NVIDIA Tegra 3 4 nhân, 1GB RAM, bộ nhớ trong tùy chọn từ 16/32/64GB và cũng có thể mở rộng với thẻ MicroSD. Tablet chạy Android 4.0 và được nâng cấp lên Android 4.1 vài tháng sau đó.

Sony Xperia Tablet Z

Xperia Tablet Z đã được phát hành như là một phần của gia đình Xperia Z. Xperia Tablet Z được giới thiệu vào tháng 5/2013 và có một màn hình 10.1 inch lớn hơn so với Tablet S, độ phân giải Full HD và có cấu hình giống với Xperia Z. Sự khác biệt duy nhất giữa Xperia Z và Xperia Tablet Z đó là camera và tùy chọn bộ nhớ trong 32GB.

Sony Xperia Tablet Z2

Xperia Tablet Z3 Compact

Chiếc tablet tiếp theo trong kho vũ khí của Sony đó là Xperia Tablet Z2. Nó được phát hành với 2 phiên bản Wi-Fi và 4G LTE. Và thế hệ tablet cao cấp mới nhất của Sony đó là Xperia Tablet Z3 Compact. Thông số kỹ thuật khác biệt so với cái tên cực dài của nó. Xperia Tablet Z3 Compact có cấu hình giống với Xperia Z2 và có màn hình 8 inch cùng tiêu chuẩn chống nước IP68.

Như chúng ta đã thấy, Sony có một chặng đường dài và khá thành công trên thị trường. Trước khi tung ra dòng Xperia Z, các nhà phát triển đã khá dễ dàng trong việc unlock bootloader và root cũng như làm những việc khác. Kể từ khi Xperia Z được ra mắt, không có quá nhiều những nâng cấp được thực hiện và chúng ta cũng không nên mong đợi một sự nâng cấp hoàn hảo như tăng gấp đôi tốc độ CPU hay tăng gấp đôi RAM trong các thế hệ kế tiếp. Trên thực tế, nó là một điều khá khó khăn cho các hãng OEM để sản xuất một thiết bị sẽ mang lại cái gì đó mới mẻ cho thế giới Android. Sony là một trong những nhà OEM đặc biệt quan tâm đến các nhà phát triển bằng cách hướng dẫn mở khóa bootloader và cung cấp mã nguồn kernel cần thiết cho các thiết bị của mình.

Phần tiếp theo của loạt bài về các flagship đình đám sẽ nói về hãng OEM lớn nhất hiện nay: Samsung. Hãy theo dõi!

Phúc Thịnh

Theo xda-developers

Chủ đề khác