VnReview
Hà Nội

Chúng ta đã làm được gì trong các smartphone “thương hiệu Việt”?

Cách đây vài tuần, VnReview đã mổ chiếc smartphone thứ hai của VNPT Technology là Vivas Lotus S2 Eco. Sau khi đăng bài mổ chiếc điện thoại này, chúng tôi nhận được khá nhiều bình luận của bạn đọc băn khoăn không hiểu VNPT Technology tham gia thực hiện những công việc gì trong sản phẩm, thậm chí có một số ý kiến bạn đọc còn hoài nghi cho rằng đó là "hàng Tàu đóng mác chứ hàng Việt Nam nỗi gì".

Vậy thực chất VNPT Technology đã làm được gì trong chiếc Vivas Lotus S2 Eco và xét trên bình diện rộng hơn, các công ty của chúng ta đã làm được gì trong các smartphone được gọi là "thương hiệu Việt"? Hy vọng, bài viết này của VnReview sẽ giúp bạn đọc thấy được đáp án cho câu hỏi trên.

Trước tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu sơ bộ về mô hình sản xuất smartphone. Hiện nay, sản xuất smartphone có hai mô hình cơ bản là OEM (Original Equipment Manufacturer – nhà sản xuất thiết bị gốc) và ODM (Original Designed Manufacturer – hiểu nôm na là sản xuất theo đặt hàng).

OEM là những công ty thực sự thiết kế và chế tạo ra các sản phẩm smartphone. Họ thực hiện từ khâu thiết kế tạo dáng sản phẩm, thiết kế cơ khí, đến thiết kế bo mạch điện tử bên trong (mua linh kiện về và tích hợp trên bo mạch) và thường tự phân phối bán sản phẩm dưới tên thương hiệu của họ. Trong số các OEM về smartphone, một số công ty tự mở nhà máy sản xuất như Samsung hay LG, còn một số thuê các công ty gia công khâu sản xuất, điển hình là trường hợp của Apple đang thuê công ty Foxconn và các công ty khác của Đài Loan.

Mô hình OEM mang lại nhiều ưu thế cho các nhà sản xuất. Do phải tham gia vào toàn bộ quá trình sản xuất, các công ty OEM có thể chủ động về thiết kế kiểu dáng và chức năng của chiếc điện thoại. Đây là yếu tố tạo nên sự khác biệt trong sản phẩm của họ với các nhà sản xuất khác. Sự chủ động giúp các OEM có thể kiểm soát thời gian ra mắt sản phẩm, sản lượng sản xuất và quá trình nâng cấp sản phẩm mới nhanh hơn do nắm bắt được công nghệ cốt lõi.

Tuy nhiên, để sản xuất điện thoại theo mô hình OEM đòi hỏi nhà sản xuất phải có sự đầu tư cả tài chính, đội ngũ nhân sự trình độ cao và thời gian nghiên cứu để triển khai được sản phẩm thường là rất lâu. Các công ty bắt tay vào nghiên cứu từ đầu thường mất vài năm mới có sản phẩm thương mại.

ODM là hình thức thức đặt hàng. Ở đây có thể chia ra làm hai loại ODM: nhà sản xuất theo đặt hàng và công ty đặt hàng. Nhà sản xuất ODM là các nhà sản xuất theo yêu cầu đặt hàng của một khách hàng nào đó hoặc là họ chủ động sản xuất sẵn ra các dòng smartphone cung cấp cho các khách hàng lựa chọn luôn nếu thấy phù hợp với nhu cầu của mình.

Công ty đặt hàng ODM là công ty mua sẵn một dòng sản phẩm smartphone nào đó của nhà sản xuất ODM; hoặc là họ đặt ra đề bài, đưa ra yêu cầu về một dòng sản phẩm nào đó, sau đó đặt hàng nhà sản xuất ODM thiết kế và chế tạo. Sau khi có sản phẩm, công ty đặt hàng này sẽ dán tên thương hiệu của mình lên dòng sản phẩm đó. Các nhà sản xuất ODM về điện thoại lớn hiện nay chủ yếu là các công ty Đài Loan như Foxconn, Arima Communications, Compal Communications… và các công ty Trung Quốc như WingTec, BYD, G Five và Longcheer.

Các ưu điểm của hình thức đặt hàng ODM là nhanh có sản phẩm bán ra thị trường; không phải đầu tư tiền cho nghiên cứu trong một thời gian dài; giá thành sản xuất rẻ vì một nhà sản xuất ODM có thể cung cấp một dòng sản phẩm cho nhiều khách hàng khác nhau, số lượng tăng lên đồng nghĩa giá thành sản xuất sẽ rẻ hơn.

Tuy vậy, nhược điểm của mô hình này là sản lượng phụ thuộc vào đối tác sản xuất ODM và việc nâng cấp cũng phụ thuộc vào đối tác sản xuất ODM. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là cho đến nay, sản phẩm smartphone được sản xuất theo hình thức ODM thường là hàng phổ thông và không thể sánh được với sản phẩm OEM xét về thương hiệu, uy tín.

Bo mạch của chiếc Vivas Lotus S2 Eo

Vậy thì với chiếc Vivas Lotus S2 Eco, VNPT Technology là nhà sản xuất OEM hay là ODM?

Vivas Lotus S2 Eco là smartphone thứ hai của VNPT Technology ra mắt thị trường vào cuối tháng 11 năm ngoái. Đây là smartphone Android giá rẻ với cấu hình cơ bản. Cụ thể, máy có màn hình 4 inch, bộ vi xử lý lõi tứ 1.3GHz của Mediatek, RAM 512MB, bộ nhớ trong 4GB, camera 5MP và pin 1400 mAh. VnReview đã có bài đánh giá sơ bộmổ sản phẩm này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, VNPT Technology có lẽ đã sử dụng thiết kế mẫu của Mediatek (các nhà sản xuất bán dẫn như Mediatek và Qualcomm đều cung cấp các thiết kế mẫu cho các nhà sản xuất), chỉ tùy chỉnh một số công đoạn như thay vỏ, in chữ, phát triển một số phần mềm riêng và chủ yếu tập trung vào việc sản xuất (nhập linh kiện, lắp ráp và kiểm thử) máy tại Việt Nam.

Thông thường ở các sản phẩm cấu hình thấp, các nhà sản xuất chip như Mediatek và Qualcomm sẽ cung cấp luôn thiết kế mẫu ở mức hoàn chỉnh cao, được hiểu là có thể giữ nguyên phần bo mạch và kết cấu cơ khí, chỉ cần thay đổi một chút về về kiểu dáng là thành sản phẩm thương mại. Còn ở phân khúc cao cấp thì không có những thiết kế mẫu ở dạng này, nên các OEM thường phải đầu tư nghiên cứu phát triển để có được sản phẩm thương mại hoàn thiện.

Như vậy, VNPT Technology chưa phải là một OEM thực sự. Công ty chưa làm chủ được toàn bộ quá trình thiết kế (thiết kế tạo dáng, cơ khí và thiết kế mạch điện tử) của chiếc Vivas Lotus S2 Eco mà sử dụng thiết kế mẫu của MediaTek, do đó vẫn là hình thức ODM. Nhưng sự tham gia của VNPT Technology trong chiếc Vivas Lotus S2 Eco lớn hơn nhiều nếu so với các công ty điện thoại khác như FPT, Viettel và Mobiistar đến nay chỉ thuần túy đặt hàng về dán mác bán ra thị trường (Xem thêm bài "Smartphone thương hiệu Việt hay chỉ là mác Việt?").

Như đã đề cập phía trên, để trở thành OEM trong lĩnh vực smartphone không dễ dàng, nhất là khi tham gia làm các sản phẩm ở phân khúc cao cấp hơn chiếc Vivas Lotus S2 Eco.;OEM đòi hỏi nhà sản xuất phải có đội ngũ nhân sự trình độ cao để làm chủ các công nghệ thiết kế (kiểu dáng, cơ khí và điện tử) và sự đầu tư tài chính lớn, có thể lên tới nhiều triệu USD nếu tham gia vào sân chơi cao cấp.

Smartphone của Bkav xuất hiện tại triển lãm CES 2015 ở Las Vegas, Mỹ.

Thị trường smartphone Việt Nam vừa mới đây có sự xuất hiện của thương hiệu mới mẻ và gây được nhiều sự chú ý cũng như kỳ vọng là tập đoàn công nghệ Bkav. Điểm khác biệt trong điện thoại của Bkav, theo những thông tin tiết lộ đến thời điểm này, thì đây là sản phẩm cao cấp với thiết kế nhôm nguyên khối, màn hình Full-HD và bộ vi xử lý Qualcomm cấu hình mạnh. Máy dự kiến sẽ ra thị trường vào tháng Tư với giá hợp lý với người tiêu dùng Việt Nam. Đặc biệt, Bkav cũng tuyên bố đây là sản phẩm do công ty thực sự thiết kế và sản xuất tại Việt Nam.

Nếu đúng như những gì Bkav công bố thì đây rất có thể sẽ là OEM về smartphone thực sự đầu tiên của Việt Nam. Hy vọng trong thời gian tới, chúng ta sẽ có dịp kiểm chứng điều này khi sản phẩm thương mại của Bkav đến tay người dùng.

TT

Chủ đề khác