VnReview
Hà Nội

5 công nghệ lấy nét tự động độc đáo trên smartphone hiện nay

Tính năng tự động lấy nét đã phổ biến trên camera của smartphone. Tuy vậy, các smartphone cao cấp của các hãng còn được trang bị những công nghệ lấy nét tự động rất đặc biệt như lấy nét tự động bằng laser, theo pha, hồng ngoại hay bằng camera phụ...

Dưới đây là 5 công nghệ lấy nét tự động độc đáo nhất trên smartphone của các hãng hiện nay, theo tổng hợp của trang công nghệ Phonearena.

5 công nghệ tự động lấy nét đỉnh nhất trên các smartphone hiện nay

1. Công nghệ lấy nét pha (Phase Detection Auto Focus) trên sản phẩm của Samsung

Công nghệ lấy nét pha vốn không xa lạ gì trên những chiếc máy ảnh DSLR trước đây và đã được Samsung trang bị cho các sản phẩm di động của mình, bắt đầu với Galaxy S5. Công nghệ này cho phép camera của điện thiết bị xác định các đối tượng một cách nhanh chóng và chính xác hơn, đặc biệt là trong môi trường ánh sáng yếu.

Video minh họa lấy nét theo pha trên Galaxy S5

2. Focus Pixels

Đây cũng là công nghệ tự động lấy nét pha được Apple trang bị cho bộ đôi iPhone 6 và iPhone Plus với tên gọi riêng là Focus Pixels. Với công nghệ lấy nét này,;camera sẽ phân tích ánh sáng đi qua ống kính để xác định đối tượng cần tập trung lấy nét. Quá trình này khá phức tạp nhưng mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ máy ảnh sẽ có tốc độ lấy nét nhanh hơn và chính xác hơn cơ chế lấy nét tự động theo độ tương phản.

Video so sánh cơ chế lấy nét pha Focus Pixels trên iPhone 6 với cơ chế lấy nét theo độ tương phản trên iPhone 5s.

3. Tự động lấy nét bằng tia laser

Công nghệ này được tìm thấy trên camera chính 13 megapixel của chiếc điện thoại LG G3. Cách lấy nét tự động này đòi hỏi phải có bộ phát laser để hỗ trợ lấy nét. Nếu bạn đã biết đến việc sử dụng thước laser để đo khoảng cách trong xây dựng và thiết kế nội thất thì công nghệ lấy nét tự động bằng laser trên LG G3 cũng hoạt động tương tự.

Khi chụp ảnh, đầu phát laser trên G3 sẽ liên tục phát ra các tia laser với công suất thấp, và dựa vào thời gian các tia này phản hồi sẽ tính toán được khoảng cách đến vật thể, qua đó lấy nét phù hợp. Tuy nhiên do tia laser phát ra có công suất rất thấp, đầu phát này sẽ không có tác dụng với những vật thể lấy nét ở quá xa người chụp. Đầu phát này cũng chỉ phát huy tác dụng khi chụp buổi tối, còn khi chụp ban ngày thì G3 vẫn sử dụng phương pháp lấy nét bằng tương phản như các điện thoại thông thường. Trong thực tế, tốc độ lấy nét khi chụp đủ sáng và thiếu sáng của G3 đều rất nhanh.

4. Tự động lấy nét bằng hồng ngoại

Lenovo đã gây bất ngờ tại MWC 2015 khi trình diễn một cảm biến hình ảnh 16 megapixel, hỗ trợ tính năng ổn định hình ảnh quang học (OIS), đèn LED 3 màu và đặc biệt là khả năng tự động lấy nét bằng hồng ngoại. Máy ảnh này được trang bị cho chiếc điện thoại Lenovo Vibe Shot. Về cơ bản có thể xem đây là một phiên bản khác của công nghệ lấy nét bằng tia laser của LG. Với công nghệ này, Lenovo cho rằng camera của Vibe Shot có khả năng tự động lấy nét nhanh gấp 2 lần so với những camera thông thường.

5. Camera kép

Thị trường hiện có hai mẫu smartphone là HTC One M8 và Honor 6 Plus của Huawei sử dụng camera kép, gồm một chiếc camera chính và một chiếc camera phụ để hỗ trợ lấy nét đồng thời thu độ sâu trường ảnh để hỗ trợ xử lý hậu kỳ. Chẳng hạn trên chiếc HTC One M8, chiếc camera phụ không thực hiện việc chụp ảnh mà đóng vai trò tính toán khoảng cách của các đối tượng trong ảnh để thu thập thông tin về độ sâu hình ảnh và giúp máy lấy nét nhanh hơn (chỉ có 0,3 giây mỗi ảnh). Thông tin độ sâu hình ảnh thu được từ camera phụ còn được dùng cho tính năng lấy nét sau khi chụp.

Minh Trung

Theo Phonearena

Chủ đề khác