VnReview
Hà Nội

Android gốc đang bị cô lập?

Android M vừa chính thức được trình làng với nhiều tính năng mới, cải thiện quyền ứng dụng, nâng cao trải nghiệm duyệt web, liên kết ứng dụng, thanh toán di động, hỗ trợ dấu vân tay và cải thiện quản lý sạc. Tuy nhiên, tương lai của Android đang ngày càng ảm đạm.

Android gốc đã chết?

Hầu hết những gì chúng ta thấy trong buổi ra mắt Android M đều hướng tới điện thoại Android tương lai nhưng không thực sự theo cách mà Google đã định hình. Thực tiễn cho thấy, tầm nhìn của Google cho Android M không còn quan trọng. Vì Android M, ở dạng gốc/nguyên bản, không bao giờ được cài đặt trên những smartphone cao cấp nhất, bán chạy nhất của nền tảng này như dòng Galaxy (Samsung), dòng One (HTC), và dòng G (LG). Và còn bởi vì hầu hết những cải tiến quan trọng trên Android M sẽ tới với các smartphone trên muộn hơn nhiều so với thời điểm quý 3/2015 mà Google dự tính.

Câu hỏi đặt ra là hiện có bao nhiêu smartphone đang chạy Android gốc, theo đúng cách mà Google đã định hình?

Câu trả lời, không cần suy nghĩ, là chỉ có một, Nexus 6. Tuy nhiên, Nexus 6 quá lớn, quá bất tiện. Hầu hết người dùng muốn sở hữu một smartphone với màn hình từ 4.5 inch đến 5.7 inch. Vì vậy, gần như không có chiếc smartphone nào chạy Android gốc.

Chúng ta đã từng có một smartphone chạy Android gốc được lòng người tiêu dùng. Smartphone này là Nexus 5. Đáng buồn là Google đã ngừng cung cấp Nexus 5. Nhiều fan hâm mộ mong muốn Google sẽ trình làng một smartphone tương tự Nexus 5 trong năm nay.

Xét tổng thể, trên thị trường toàn cầu, có một vài smartphone chạy phiên bản Android gần giống Android gốc như Motorola Moto X (2014), các smartphone dòng Xperia Z của Sony. Tuy nhiên, bản Android trên những thiết bị này lại thiếu những tính năng quan trọng và có tốc độ chậm hơn so với các thiết bị Nexus.

Samsung Galaxy Note 4 hoạt động khá chậm chạm, đặc biệt là sau khi ở trạng thái nghỉ trong thời gian dài. Trong năm 2015, chậm, giật vẫn tồn tại trên những thiết bị Android hàng đầu. Vấn đề chậm, giật trên Samsung Galaxy S6 và Note 4 thậm chí còn tồi tệ hơn. So sánh hiệu suất thực tế của các smartphone cao cấp năm 2015 với Nexus 5 bạn sẽ thấy chiếc Nexus 5 ra mắt năm 2014 chạy mượt hơn, nhanh hơn và tốt hơn.

Các thiết bị cao cấp của những thương hiệu hàng đầu được trang bị giao diện với rất nhiều thay đổi so với giao diện Android gốc. Các biểu tượng được thay đổi, các ứng dụng khác, hiệu ứng động khác, phong cách khác, không có ngăn ứng dụng... Đôi khi bạn chẳng thể nhận ra ngay rằng thiết bị bạn đang dùng chạy Android. Các nhà sản xuất ROM như Cyanogen cũng đang thách thức Google và cố gắng tạo ra một bản Android không còn dáng dấp của Google.

Android gốc đã chết?

Mới đây, chúng ta thấy sự xuất hiện của Android One. Android One là nỗ lực của Google nằm mang Android gốc với đảm bảo cập nhật kịp thời trong vòng hai năm tới các thiết bị tại những thị trường đang phát triển. Tuy nhiên, một thiết bị Android One không phải là giải pháp thực sự cho vấn đề không có một trải nghiệm Android gốc tuyệt vời. Những thiết bị Android One có cấu hình tốt và mức giá rẻ nhưng chúng không thể so sánh được với những smartphone cao cấp.

Chúng ta phải thừa nhận một thực tế rằng Android gốc, phiên bản mà Google dành hàng tỷ USD để nghiên cứu, trau chuốt và hoàn thiện, phiên bản Android tốt nhất hiện tại, sẽ không có mặt trên những smartphone cao cấp mà hầu hết mọi người muốn sở hữu.

Nếu không có một thiết bị như Nexus 5, Android gốc và Android M chỉ là một ý tưởng chứ không thực sự có mặt trên các thiết bị. Và Google nên có biện pháp để khắc phục, chứ không chỉ là cố gắng ra mắt những smartphone Nexus "cầu may".

ĐHK

Theo PhoneArena

Chủ đề khác