VnReview
Hà Nội

Bộ vi xử 8 lõi có tốt hơn 4 lõi không?

Mua điện thoại Android bây giờ là việc không dễ dàng. Ngoài chuyện có rất nhiều lựa chọn thì các nhà sản xuất còn sử dụng các ngôn từ marketing làm người mua bối rối.

Bạn có thể nghĩ rằng bộ vi xử lý tám lõi tốt hơn bộ vi xử lý lõi tứ bởi đơn giản tám lõi sẽ hơn 4 lõi. Nhưng thực tế không phải luôn như vậy.

Công nghệ là thứ phức tạp. Công việc của người làm tiếp thị là đơn giản hoá nó để người mua đưa ra quyết định mua sắm nhưng vấn đề là họ có trung thực và nỗ lực để làm điều đó hay không. "Nhiều hơn là tốt hơn" là công thức đơn giản mà các nhà tiếp thị thường áp dụng. Nhưng giống như nhiều megapixel không làm cho chất lượng bức ảnh đẹp hơn, nhiều lõi không có nghĩa là hiệu năng của bộ vi xử lý sẽ nhanh hơn.

Nhiều lõi không hẳn đã là bộ vi xử lý tốt hơn

Hiệu năng của bộ vi xử lý không tăng chỉ đơn thuần bằng việc tăng lõi xử lý. Có nhiều yếu tố khác tác động đối với hiệu năng.

Mỗi lõi là một bộ phận xử lý (PU hoặc CPU) nhưng nhiều bộ phận xử lý chỉ tốt hơn nếu như bộ vi xử lý và phần mềm được thiết kế để tận dụng số bộ phận xử lý tăng thêm đó. Hãy nghĩ đơn giản như thế này: nếu bạn có 8 đầu bếp cùng nấu một món ăn trong nhà bếp, bạn cần có khả năng kiểm soát họ để có được hiệu quả tối đa.

Có nhiều yếu tố quyết định đến hiệu năng của 8 lõi xử lý. Nó phụ thuộc tốc độ của CPU, phần mềm được thiết kế để tận dụng các lõi xử lý, thiết kế và kiến trúc của bộ vi xử lý.

Thủ phạm lớn nhất ảnh hưởng đến hiệu năng thường là phần mềm. Lấy ví dụ, các game di động thường được tối ưu để sử dụng nhiều lõi mới có hiệu năng tốt. Tuy vậy, điều đó không đúng với tất cả các game và quan trọng hơn là nó không đúng với các ứng dụng nói chung. Trong thực tế, hầu hết ứng dụng mới được tối ưu cho một hoặc hai lõi. Song bộ vi xử lý vẫn kích hoạt toàn bộ số lõi của mình do đó thời lượng pin sẽ bị ảnh hưởng.

Kiến trúc vi xử lý: ARM và Intel

Bộ vi xử lý chỉ là ô vuông nhỏ trên bo mạch điện thoại nhưng có nhiều hệ thống mạch điện phức tạp bên trong nó. Mỗi bộ vi xử lý có các yếu tố như các lõi xử lý, bộ nhớ đệm cache, cổng logic và nhiều thứ khác nữa. Bạn không cần biết những yếu tố này hoạt động như thế nào nhưng cần hiểu là thiết kế của bộ vi xử lý có tác động lớn với hiệu năng.

Có nhiều nhà phát triển bộ vi xử lý cho điện thoại Android nhưng có hai kiến trúc được dùng phổ thông: ARM và Intel. Hai công này có những cách thiết kế khác nhau để cải thiện hiệu năng của bộ vi xử lý. Nhiều nhà sản xuất vi xử lý như Qualcomm, Samsung, NVIDIA và Mediatek sử dụng thiết kế tham chiếu chip của ARM để chế tạo ra bộ vi xử lý của mình. Trong khi đó, Intel chế tạo vi xử lý dựa trên kiến trúc thiết kế riêng của hãng.

ARM: Đây là hãng số một trong lĩnh vực vi xử lý cho di động do là đối tác của nhiều nhà sản xuất chipset lớn như đã đề cập ở trên. Intel đứng thứ hai nhưng ở khoảng cách rất xa. Nếu bạn mua smartphone, khả năng cao là thiết bị của bạn sẽ chạy trên nền tảng chipset ARM.

ARM đã đi tiên phong trong ý tưởng thiết kế vi xử lý 8 lõi được gọi là big.LITTLE gồm 2 cụm chip lõi tứ. Một cụm lõi tứ có hiệu năng cao và cụm còn lại có hiệu năng thấp hơn để tối ưu thời lượng pin và nhiệt độ. Thông thường, hai cụm chip này hoạt động độc lập.

Hầu hết smartphone Android hiện nay đều dùng chipset ARM được sản xuất bởi các hãng như Qualcomm, Samsung, Mediatek, NVIDIA và nhiều công ty khác.

Intel: Là thương hiệu số 1 trong thị trường chipset trên máy tính nhưng ở lĩnh vực di động, Intel đang phải nỗ lực để đuổi theo các nhà sản xuất chipset di động trên nền tảng ARM. Hiện tại, có rất ít nhà sản xuất điện thoại sử dụng chipset của Intel. Các smartphone dùng chipset Intel đáng chú ý nhất là từ Asus. Tuy vậy, Intel hiện mới có vi xử lý lõi tứ, chưa có chipset tám lõi như ARM.

Vi xử lý tám lõi có thực sự cần thiết?

Về mặt kỹ thuật, các chipset dùng thiết kế big.LITTLE (hai cụm chip 4 lõi) cũng là vi xử lý tám lõi. Tuy vậy, đây không phải là vi xử lý tám lõi thực sự bởi các lõi này không chạy đồng thời cùng lúc. Đó là lý do một số nhà sản xuất quảng bá "tám lõi thực sự" (True octa-cores) khi dùng các chipset tám lõi chạy đồng thời cùng lúc.

Tuy nhiên, điều trớ trêu là không có ứng dụng nào hiện nay tận dụng được hết sức mạnh của chipset tám lõi. Vì vậy, có thể hiểu đơn giản là hầu hết ứng dụng bây giờ không cần đến chipset tám lõi. Trong thực tế, kể cả những game Android mới nhất chạy mượt trên vi xử lý lõi tứ (được hỗ trợ bởi bộ vi xử lý đồ hoạ tốt) và không có bất kỳ yêu cầu nào về vi xử lý tám lõi.

Chính vì vậy, về khía cạnh kỹ thuật, có thể chipset tám lõi có hiệu năng nhanh hơn lõi tứ. Nhưng các tác vụ bạn dùng hàng ngày đều không nhanh hơn so với chipset lõi tứ, nên có thể nói là chipset 8 lõi hiện tại là vô nghĩa.

Không phải mọi chipset lõi tứ và tám lõi đều như nhau

Ngoài số lõi, bản thân các lõi cũng có sự khác biệt. Điều này được thể hiện rõ rệt ngay trên các dòng vi xử lý Cortex-A của ARM. Cortex-A hiện có nhiều dòng sản phẩm, từ mạnh đến yếu gồm A72, A57, A53, A17, A15, A9, A7 và A5.

Chipset Mediatek MT6592 (giới thiệu vào năm 2013) hiện tại vẫn là vi xử lý tám lõi phổ thông được dùng trên nhiều điện thoại Android giá rẻ. MT6592 có tám lõi ARM Cortex A7 chạy đồng thời ở tốc độ xunh nhịp từ 1.7GHz đến 2GHz.

Trong khi đó, NVIDIA Tegra 4 (cũng được giới thiệu vào năm 2013) là bộ vi xử lý lõi tứ chạy trên các lõi ARM Cortex-A15. Nhưng do các lõi có chất lượng tốt hơn nên Tegra 4 đều có hiệu năng vượt trội MT6592 trong hầu hết các bài đo hiệu năng tổng hợp.

Với trường hợp như vậy, bạn có thể nói lõi tứ tốt hơn tám lõi. Thực tế, có vô số ví dụ như vậy trên lĩnh vực di động hiện nay.

Làm thế nào để chọn được vi xử lý phù hợp?

Kiến trúc vi xử lý là đề tài phức tạp. Có nhiều yếu tố tạo nên bộ vi xử lý tốt với điện thoại như quy trình sản xuất. Chỉ riêng vi xử lý chưa phải là yếu tố quyết định đến hiệu năng thực sự của thiết bị.

Do đó bạn đừng nhìn vào các con số như "tám lõi" và "lõi tứ" để quyết định lựa chọn thiết bị. Thay vào đó, hiệu năng tổng thể của thiết bị mới là vấn đề đáng quan tâm bởi chất lượng phát triển phần mềm của nhà sản xuất có ảnh hưởng rất lớn hiệu năng và sự ổn định của thiết bị. Trước khi mua điện thoại, bạn có thể tìm hiểu các bài đánh giá trên mạng để lựa chọn sản phẩm phù hợp với mình.

NHM

Theo Makeusof

Chủ đề khác