VnReview
Hà Nội

Smartphone độ nét 4K thực sự quá thừa và vô dụng

Nếu màn hình TV 65 inch mà không cần thực sự cần đến độ phân giải 4K thì độ phân giải siêu cao này cũng sẽ trở nên vô dụng trên màn hình điện thoại 5.5 inch.

Chiếc Xperia Z5 Premium của Sony là điện thoại đầu tiên sử dụng độ phân giải màn hình siêu cao như một số TV đắt tiền nhất hiện nay. Điều này nghe có vẻ ấn tượng nhưng độ phân giải 4K trên màn hình của điện thoại không giúp cho hình ảnh, video và văn bản hiển thị rõ ràng và chi tiết hơn. Trong thực tế, mắt của chúng ta thậm chí còn không nhận ra sự khác biệt.

Smartphone 4K dường như là bước tiến quen thuộc trong ngành công nghệ, lĩnh vực các kỹ sư liên tục cải thiện hiệu năng trong khi vẫn thu nhỏ các linh kiện bên trong như cảm biến máy ảnh và bộ vi xử lý. Các nhà sản xuất điện thoại luôn ưu tiên áp dụng những tiến bộ công nghệ mới nhất để thu hút người mua hướng đến sản phẩm của họ. Với Sony, việc ra mắt màn hình 4K đầu tiên trên điện thoại sẽ tạo được sự tín nhiệm của người dùng đồng thời thúc đẩy các nhà sản xuất điện thoại khác chạy theo.

Song dựa trên trải nghiệm thực tế, các biên tập viên của trang công nghệ Cnet cho rằng 4K không tạo ra lợi ích nào trên màn hình TV 65 inch, chứ chưa nói gì đến màn hình 5.5 inch của chiếc điện thoại Xperia Z5 Premium. Chúng tôi không nói độ sắc nét siêu cao trên màn hình nhỏ là xấu hay sai trái. Nó không ảnh hưởng đến độ trung thực của màn hình và cũng không gây hại cho mắt nhưng vấn đề là nó có mang lại lợi ích gì cho người dùng hay không?

4K là gì?

4K (3840 x 2160 pixel) là khái niệm chỉ màn hình có số điểm ảnh (pixel) gấp 4 lần các TV và smartphone với độ phân giải full-HD (1920 x 1080 pixel). Mỗi điểm ảnh là một ô sáng, có thể ví như là viên gạch trên bức tường màn hình. "Bức tường" 4K có 3.840 viên gạch nằm trên một hàng ngang so với 1920 viên gạch trên "bức tường" Full-HD.

Bên cạnh đó, "bức tường" 4K còn có số hàng gạch nhiều gấp hai lần Full-HD. Tuy vậy, điểm ảnh là chi tiết quá nhỏ so với thị lực bình thường của con người khi nhìn ở khoảng cách nhìn thông thường, do đó chúng không làm tăng được độ sắc nét một cách rõ ràng như ảnh minh hoạ phía dưới.

Khi đặt cạnh nhau, rất khó để phân biệt sự khác nhau giữa TV 4K và TV Full-HD

4K không làm cho TV sắc nét hơn

Cnet cho biết họ đã dành nhiều thời gian trong vài năm qua để so sánh trực tiếp màn hình TV 65 inch độ phân giải 4K với màn hình TV 65 inch độ phân giải Full-HD. Các TV này được so sánh ở khoảng cách ngồi rất gần, khoảng 1,8 đến hơn 2 mét. Đây là khoảng cách ngồi gần hơn rất nhiều so với khoảng cách hầu hết người dùng xem TV cỡ lớn. Mặc dù ở khoảng cách nhìn gần như vậy song ở hầu hết các bối cảnh, họ không nhận thấy sự khác biệt giữa hai loại TV 4K và Full-HD.

Ưu thế độ phân giải 4K chỉ thể hiện rõ hơn trên các màn hình rất lớn. Cnet đã so sánh giữa màn hình 4K với màn hình Full-HD khi ngồi xem ở khoảng cách gần 3 mét với chiếc TV màn hình 120 inch. Trong hầu hết các bộ phim họ xem, sự khác biệt không tồn tại nhưng có đôi lúc thì màn hình 4K thực sự sắc nét hơn.

Ưu thế của 4K dễ thấy hơn tên các hình ảnh tĩnh. Khi xem các ảnh tĩnh, mắt người có thời gian lâu để xác định chi tiết và so sánh với các độ phân giải khác. Nhưng trong các nội dung truyền hình và phim chuyển động liên tục, mắt người mất đi khả năng theo dõi các cho tiết, do đó vấn đề độ phân giải của TV không đáng lo ngại như với ảnh tĩnh, nhất là khi so sánh giữa 4K và Full-HD.

Khó nhận ra khác biệt giữa điện thoại Full-HD và 2K, chưa nói gì đến 4K

Ngoài kích thước, khác biệt lớn nhất giữa màn hình điện thoại và TV là bạn thường nhìn vào điện thoại ở khoảng gần hơn nhiều. Bạn thường cầm điện thoại gần khuôn mặt để nhìn vào các chi tiết nhỏ và như vậy độ phân giải cao hơn sẽ có ưu thế thực sự.

Các biên tập viên của Cnet cho biết họ;đã xem xét kỹ lưỡng các điện thoại độ phân giải 2K (2.560 x 1.440 pixel) như chiếc Samsung Galaxy S6 với màn hình 5.1 inch với các điện thoại màn hình Full-HD (1920 x 1080 pixel) kích cỡ 5 inch. Thậm chí cả khi so sánh các hình ảnh cùng độ phân giải với độ tương phản cao trên hai mẫu điện thoại, họ cũng rất khó khăn mới nhận ra được những điểm khác nhau rất nhỏ về độ nét và độ rõ ràng giữa hai điện thoại ở khoảng cách nhìn gần hơn so với khoảng cách hầu hết mọi người vẫn nhìn vào điện thoại, chỉ cách khuôn mặt vài inch.

Thậm chí khi nhìn rất gần vào thiết bị màn hình lớn như chiếc Galaxy Note 4 màn 5.7 inch (có độ phân giải 2.560 x 1.440 pixel), chúng ta cũng hầu như không thể thấy được cấu trúc điểm ảnh cơ bản của điện thoại. Nếu dùng kính lúp để soi vào màn hình, bạn có thể nhận thấy một mạng lưới hình thành từ các khoảng trống giữa các điểm ảnh. Cấu trúc đó hầu như không thể nhận ra thậm chí ở khoảng cách cực gần trên các điện thoại độ phân giải dưới 4K hiện nay.

Các điện thoại màn hình độ phân giải dưới 4K đã khó nhận ra sự khác biệt như vậy thì thật khó tưởng tượng được những lợi ích thực sự của màn hình điện thoại 4K đối với việc sử dụng hàng ngày.

Bao nhiêu điểm ảnh là đủ?

Nhìn chung, càng nhiều điểm ảnh trên mỗi đơn vị inch thì hình ảnh càng chi tiết. Chúng ta gọi đó là mật độ điểm ảnh. Nhiều học giả cho rằng mật độ điểm ảnh lý tưởng là 300 điểm ảnh trên mỗi inch (PPI) với người có thị lực 20/20 để thấy được các chi tiết trên màn hình.

Khi Apple giới thiệu màn hình Retina cho iPhone 4, Steve Jobs - cựu giám đốc điều hành của Apple – đã gây chú ý khi tuyên bố mật độ điểm ảnh 326 PPI của iPhone 4 (màn hình 3.5 inch, độ phân giải 960 x 640 pixel) đã đạt tới ngưỡng mắt người không thể nhận thấy được chi tiết điểm ảnh nữa. Hiểu một cách đơn giản thì màn hình 300 PPI là rất sắc nét rồi, cao hơn nữa thì mắt cũng không nhận ra được nhiều chi tiết hơn.

Thế nhưng không phải ai cũng đồng ý với Steve Jobs. Chẳng hạn, Raymond Soneira, chủ tịch hãng nghiên cứu công nghệ màn hình DisplayMate Technologies cho rằng ngưỡng mà mắt người có thể nhận thấy được chi tiết điểm ảnh ở mật độ điểm ảnh cao hơn, 477 PPI không phải 300 PPI. Tuy vậy, mật độ điểm ảnh tới 802 PPI của Sony Z5 Premium vượt xa rất nhiều so với ngưỡng 300 PPI hoặc 477 PPI.

Độ nét quá cao ảnh hưởng tới thời gian pin

Sony hứa hẹn chiếc Xperia Z5 Premium với màn hình 4K sẽ có "thời lượng pin đủ dùng trong hai ngày" giống như các mẫu Xperia Z trước đó. Tuy nhiên, theo cách thông thường thì nhiều điểm ảnh hơn sẽ tiêu hao nhiều năng lượng hơn và điều đó có thể ảnh hưởng tới thời gian pin.

Tất nhiên, nhà sản xuất có thể dùng nhiều cách để cân bằng thời gian pin với độ phân giải màn hình cao như tăng dung lượng pin tương ứng với số điểm ảnh tăng lên, sử dụng vật liệu tiết kiệm pin, giảm độ sáng màn hình mặc định hay hạn chế các thành phần sử dụng nhiều pin.

Tổng kết lại, độ phân giải 4K trên TV không tạo ra nhiều khác biệt và điều tương tự với các smartphone độ phân giải 2K cũng như 4K. Tuy nhiên, có một lĩnh vực mà độ phân giải 4K trên điện thoại có thể sẽ hữu ích là thực tại ảo (virtual reality – VR). Các thiết bị thực tại ảo như Google Cardboard và Samsung Gear VR đặt màn hình cách mắt chỉ khoảng 1 inch. Ở khoảng cách gần như vậy, mắt người có thể nhận thấy sự khác biệt giữa mật độ điểm ảnh cao và thấp.

NHM

Theo Cnet

Chủ đề khác