VnReview
Hà Nội

Khái niệm "smartphone đầu bảng" đã chết?

Một bài phân tích khá chi tiết trên website công nghệ nổi tiếng Theverge đã lý giải vì sao khái niệm "smartphone flaship" đã không còn phù hợp vào thời điểm này.

Smartphone Flaship đã chết

Năm năm trước đây, chúng ta chỉ có một iPhone, một Palm Pre, một Nokia N8 và một Xperia X10. Những mẫu smartphone hàng đầu của mỗi công ty rất dễ nhận biết. Nhưng kể từ thời điểm năm 2011, khi những chiếc điện thoại Android trở nên phổ biến trên thị trường thì cũng là lúc mà người ta bắt đầu tự hỏi đâu là chiếc điện thoại tốt nhất của LG: LG G4 hay LG V10? "Chiến hạm" của Samsung thật sự là Galaxy S6 hay là Galaxy Note 5? Và iPhone có phải là sản phẩm quan trọng nhất của Apple?

Trong thế giới điện thoại di động ngày nay, các nhà sản xuất nhận ra rằng một kích thước duy nhất không phù hợp với tất cả người dùng. Google đã phát hành cùng lúc Nexus 5X và Nexus 6P có kích thước lớn hơn. Microsoft cũng có hành động tương tự với Lumia 950 có kích thước màn hình 5.2 inch và Lumia 950 XL 5.7 inch. Ngoài Apple và Samsung, Sony cũng bắt đầu làm quen với việc phát hành một model điện thoại mới với nhiều kích thước màn hình khác nhau, Motorola dự kiến sẽ xem kích thước màn hình như là một lựa chọn tùy biến cho thiết bị của mình trong tương lai.

Smartphone Flaship đã chết

Theo lý giải của TheVerge, khi thị trường điện thoại phát triển, có hai yếu tố góp phần dẫn đến sự "diệt vong" của khái niệm smartphone "đầu bảng" (flagship):

Một là sự đa dạng của các hệ điều hành, không còn khái niệm một hệ điều hành chỉ gắn bó với một loại thiết bị của một nhà sản xuất nào đó như Palm với Windows mobile hay BlackBerry với BB OS. Thay vào đó, hệ sinh thái Android, Windows Phone… đã trở nên rất phong phú với sản phẩm đến từ nhiều nhà sản xuất khác nhau.

Thứ hai, sự đồng nhất về phần mềm cũng kéo theo nhiều sự tương đồng về phần cứng trên các sản phẩm. Mỗi điện thoại thông minh ngày nay đều chạy theo xu hướng màn hình lớn, cảm ứng nhạy, thậm chí những tính năng trước đây được coi là cao cấp như cảm biến vân tay cũng dần trở nên phổ biến trên nhiều dòng điện thoại ở phân khúc tầm trung và thậm chí ở cả phân khúc giá rẻ, đặc biệt là với các sản phẩm được phát hành tại thị trường Trung Quốc.

Tình hình có vẻ ảm đảm cho các nhà sản xuất khi tìm cách bán ra một chiếc điện thoại mới vào một thị trường có nhiều sự cạnh tranh và có nhiều sản phẩm tương tự. Hầu hết các công ty mới trên thị trường di động đang cố gắng tạo ra một quy chuẩn nào đó cho những chiếc smartphone trong tương lai và lấy đó làm thế mạnh của mình, ví dụ như việc Lenovo phát hành Vibe P1 với pin 5000 mAh cũng đồng nghĩa với việc công ty này muốn xây dựng tiêu chí "pin trâu" cho những smartphone mà họ sẽ phát hành thời gian tới.

Smartphone Flaship đã chết

Thị trường smartphone là một thách thức cho các nhà sản xuất nhưng lại là một cơ hội tuyệt vời cho khách hàng. Bởi vì tại thời điểm này, khó có công ty nào có khả năng tạo ra một sản phẩm đột biến và khác biệt thật sự như cách mà Apple đã làm với chiếc iPhone đời đầu năm 2007. Thay vào đó, họ sẽ cố gắng tung ra nhiều sản phẩm để phục vụ cho những sở thích khác nhau của người dùng. Một số hành động của các nhà sản xuất đang hủy hoại thị trường smartphone, đương cử là cuộc cạnh tranh giá cả của nhiều sản phẩm cho thị trường Trung Quốc. Nhưng nếu xét một cách tổng thể sự phát triển nhanh của thị trường smartphone hiện nay cũng xuất phát từ sự cạnh tranh đó.

Trong suốt một thời gian dài sau khi chiếc iPhone đời đầu được phát hành, các sản phẩm cao cấp của các nhà sản xuất khác luôn được gắn cho cái mác "sát thủ của iPhone". Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh không ai trong số các nhà sản xuất đạt được mục đích và hiện tại họ không còn quan tâm đến việc "giết chết" iPhone nữa. Thay vào đó, các nhà sản xuất liên tục ra các sản phẩm để cạnh tranh với iPhone về cả kích thước, tính năng, giá cả. Từ chỗ xem việc "tiêu diệt" iPhone làm mục tiêu các nhà sản xuất dần chuyển hướng sang việc lấy iPhone để làm mục tiêu để vượt qua.

Mua một chiếc điện thoại thông minh vào năm 2015 là một nhiệm vụ phức tạp hơn so với thời điểm năm 2010. Đầu tiên bạn phải xác định được hệ điều hành mà mình ưa thích: là iOS hay Android, Windows Phone (Windows Mobile), BlackBerry OS… rồi đến việc lựa chọn kích thước, vật liệu, màu sắc, bộ nhớ, lưu trữ và tất nhiên là cả giá cả nữa.

Chính vì việc có quá nhiều lựa chọn tương tự trên thị trường smartphone nên khái niệm "flagship" hầu như không còn hiện hữu nữa. Điện thoại thông minh ngày càng trở nên quá thống nhất về cả phần mềm lẫn phần cứng nên việc xác định một thiết bị thật sự là "hàng đầu" gần như là một việc bất khả thi. Và quan trọng nhất là ai cần quan tâm đến "flagship" nữa khi mà tất cả các sản phẩm trong phân khúc cao cấp đều tuyệt vời và việc lựa chọn chúng gần như chỉ phụ thuộc vào sở thích và nhu cầu của người dùng mà thôi. ;

Minh Trung

Chủ đề khác