VnReview
Hà Nội

5 điều cần biết khi mua và sử dụng điện thoại Xiaomi

Các dòng điện thoại, tai nghe và một số phụ kiện của Xiaomi đã trở nên quen thuộc với nhiều người dùng Việt Nam. Sản phẩm của Xiaomi đều có;ưu thế cấu hình phần cứng cao, phần mềm tùy biến nhiều tính năng và giá bán hấp dẫn.

Tuy vậy, cũng có một số vấn đề người dùng nên chú ý trước khi lựa chọn cũng như trong quá trình sử dụng điện thoại của hãng này. 

1. Xiaomi không bán chính hãng tại Việt Nam

Hầu hết các hãng điện thoại có tiếng tăm ở Trung Quốc đều đã có mặt chính thức tại Việt Nam như OPPO, Huawei, Meizu, ZTE… Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thấy có sự xuất hiện của Xiaomi. Thật ra cuối năm 2014, Xiaomi đã thử nghiệm bán ra chính hãng chiếc Redmi 1S tại Việt Nam thông qua nhà phân phối bán lẻ Digiworld nhưng do mức giá chênh lệch khá lớn so với tại Trung Quốc cùng với cấu hình không mấy hấp dẫn nên sản phẩm dần bị chìm vào quên lãng.

Khoảng giữa năm 2015, có nhiều thông tin Xiaomi sẽ nhảy vào thị trường Việt Nam thông qua kênh phân phối Thế Giới Di Động. Hãng đã mở văn phòng đại diện tại TP.HCM, tạo fanpage Facebook chính thức cùng với thực hiện một số sự kiện truyền thông như hợp tác với VNG trong sự kiện offline DOTA Truyền Kỳ Mobile. Tuy nhiên sau đó mọi thứ lại im ắng như chưa hề có điều gì xảy ra. Có vẻ như Xiaomi đã phải chịu một ‘áp lực vô hình' nào đó tại Việt Nam khiến hãng không thể đưa Việt Nam thành một thị trường phân phối chính thức sản phẩm của mình.

Hiện tại, rất nhiều đồng hương của Xiaomi như đang chia nhau miếng bánh thị trường điện thoại chính hãng Việt Nam ở phân khúc giá rẻ và trung cấp. Rất có thể trong một tương lai gần, chúng ta sẽ thấy Xiaomi chính thức đặt chân bán chính hãng tại Việt Nam nhưng tính đến lúc này, không có cách nào khác, người dùng Việt Nam sẽ phải mua máy qua hình thức xách tay và chấp nhận một số rủi ro với chính sách bảo hành cũng như không có sự hỗ trợ của nhà sản xuất.

2. Giá rẻ và cấu hình cao

Xiaomi luôn thu hút được người dùng nhờ lợi thế giá rẻ. Những chiếc máy cao cấp của Xiaomi đều được trang bị với cấu hình cao tương đương với những chiếc máy đầu bảng của các hãng khác như LG, Samsung hay Sony nhưng lại có mức giá thành rẻ hơn một nửa. Điển hình là mới đây nhất, chỉ chưa đến 7 triệu đồng tại Trung Quốc, chiếc Mi 5 đã được trang bị chip Qualcomm S820 thế hệ mới nhất cùng cảm biến vân tay và thiết kế kết hợp kim loại với kính.

Chiếc Mi 5 sở hữu nhiều cấu hình giống với các máy cao cấp như Galaxy S7 và LG G5.

Trong phân khúc giá rẻ và tầm trung, hãng cũng cạnh tranh rất mạnh với các đối thủ khác bằng hàng loạt những model tầm giá 3-4 triệu đồng. Chẳng hạn ở mức giá chưa đến 3 triệu đồng, chiếc Redmi Note 2 có màn hình IPS LCD 5.5 inch độ phân giải Full-HD, camera 13MP/5MP, chip 8 lõi 2Ghz cùng pin 3060 mAh. Còn chiếc Redmi Note 3 cao cấp hơn một chút (khoảng 4 triệu đồng) đã có vỏ kim loại, cảm biến vân tay và pin 4000 mAh. Chất lượng thiết kế và hoàn thiện của các dòng điện thoại của Xiaomi cũng thường được đánh giá khá tốt so với các máy cùng tầm giá.

Xiaomi Redmi Note 3

3. Cài đặt ROM tiếng Việt

Tất cả các dòng máy Xiaomi xách tay bán ra ở Việt Nam đều được hỗ trợ và có ROM đa ngôn ngữ (Multilanguage) do cộng đồng phát triển, có sẵn tiếng Việt và các dịch vụ của Google. Thông thường, sau khi ra mắt chính thức khoảng từ 1 đến 2 tháng, máy sẽ được cộng đồng phát triển ROM đa ngôn ngữ. Người dùng Việt Nam muốn cài đặt có thể truy cập vào cộng đồng người dùng MIUI Việt Nam (http://miui.vn) để xem hướng dẫn cài đặt và tải về.

Nếu sản phẩm được Xiaomi bán ra tại các thị trường khác (Ấn Độ, Singapore, Myanmah…) thì sẽ được hỗ trợ chính chủ ROM quốc tế (Global). Không phải sản phẩm nào cũng có cơ hội được "xuất ngoại"  như thế này, vì thế nếu như máy của bạn không có ROM quốc tế, hãy tìm đến ROM đa ngôn ngữ (Multilanguage) và tận hưởng mọi tính năng cũng như trải nghiệm y hệt với ROM quốc tế.

Xiaomi cung cấp 2 loại ROM cho 2 đối tượng sử dụng đó là ROM Stable (ổn định) và ROM Developer (dành cho nhà phát triển). ROM Developer được phát hành vào mỗi thứ 6 hàng tuần để thử nghiệm trước các tính năng và thay đổi mới. Đây cũng là điểm thú vị nhất của MIUI khi mở cửa cho người dùng thoải mái trải nghiệm ROM dành cho nhà phát triển.

Một số dòng thiết bị mới như Mi 4S, Mi 5, Redmi 3, Redmi Note 3… hiện tại đã bị khóa bootloader ngay khi được bán ra để tăng cường bảo mật. Hành động này của Xiaomi gây khó khăn cho người dùng Việt Nam. Để cài đặt ROM tiếng Việt buộc chúng ta sẽ phải mở khóa bootloader. Rất may là Xiaomi cũng đã cung cấp công cụ để người dùng tự mở khóa trên trang http://en.miui.com/unlock.

4. Phần mềm nhiều tính năng, tùy biến nhưng đang dần cạn ý tưởng

ROM MIUI trên các máy của Xiaomi có giao diện trực quan, đẹp mắt và tính tiện dụng cùng khả năng tùy biến cao. Giao diện giao diện người dùng của MIUI đi đầu trong phong trào học hỏi iOS với cách bố trí danh sách ứng dụng không nằm trong khay ứng dụng (App Drawer). Ta có thể thoải mái thay đổi, tùy chỉnh thanh thông báo, thanh trạng thái, hiệu ứng mở, lật trang… MIUI cung cấp một kho giao diện khổng lồ với hàng nghìn giao diện miễn phí, người dùng có thể tha hồ thay đổi để thể hiện cá tính của mình trên màn hình điện thoại.

Tuy nhiên trong khoảng 1 năm trở lại đây, kể từ sau MIUI 6 với sự thay đổi đáng kể về giao diện phẳng, MIUI 7 trở nên nhạt nhòa với những nâng cấp nhẹ nhàng. Dần dần, ROM của MIUI không mang tới được những tính năng mới lạ, đáng trông đợi. Do là một nền tảng đồng nhất giữa các thiết bị phần cứng nên gần như tất cả các máy Xiaomi cũng như những máy chạy ROM MIUI đều có giao diện và tính năng giống hệ nhau như đúc. Nếu là một người dùng Xiaomi lâu năm, chắc hẳn sẽ cảm thấy hệ điều hành này đang ngày càng trở nên tẻ nhạt.

5. Một số vấn đề khi dùng điện thoại Xiaomi và cách khắc phục

Nếu bạn mua một sản phẩm mới của Xiaomi mà chưa được hỗ trợ ROM Quốc tế hoặc đa ngôn ngữ. Mặc định trong máy không có các dịch vụ của Google và kho ứng dụng Google Play. Chúng ta có thể chữa cháy tạm thời bằng cách cài ứng dụng "Google Installer" để cài đặt các dịch vụ của Google về. Xem hướng dẫn và tải về tại đây (hoặc tại đây với những máy chạy Android 6.0).

Nhiều trường hợp, người dùng sử dụng máy Xiaomi không thấy các ứng dụng hiển thị thông báo nổi như Facebook Messenger, Zalo, Whatsapp… Đó là do người dùng chưa cấp quyền hiển thị "pop-up" cho ứng dụng. Để kích hoạt, ta vào ứng dụng Bảo mật > Quyền > Quyền > Chọn đến ứng dụng cần kích hoạt > Hiển thị cửa sổ pop-up.

Huy Anh

Chủ đề khác