VnReview
Hà Nội

Apple vẫn chưa thể khắc phục yếu điểm lớn nhất của Siri

Có lẽ những ai đã theo dõi sự kiện WWDC của Apple vừa qua chắc hẳn đều đã từ bỏ ý nghĩ cho rằng Siri năm nay sẽ là một trợ lý ảo đầy tiềm năng?

Theo TheVerge, Apple cho biết hãng đã bổ sung cho Siri một giao diện mới, khả năng trả lời câu hỏi trực tiếp hay thậm chí là cả phiên dịch ngôn ngữ. Dựa vào thuật toán học máy, cô trợ lý ảo tiên phong thời nào nay đã sở hữu một hình bóng hoàn toàn mới. SiriKit, bộ công cụ phát triển cho Siri nhằm hỗ trợ cho bên thứ ba cũng dần trở nên hoàn thiện hơn.

Trên iOS 11, bạn còn được phép viết vào Siri và tất nhiên sự xuất hiện của cô trợ lý này trên sản phẩm mới của Apple là không thể thiếu, loa thông minh HomePod Speaker. Thế nhưng sự thất bại của Apple ở đây là việc họ đã không thể đưa ra bất kỳ cách giải quyết nào cho vấn đề "chậm tiêu" của Siri.

Nhận diện giọng nói vẫn là một rào cản lớn đối với Siri

Kể từ khi được ra mắt vào năm 2011 cho đến nay, nhận diện giọng nói vẫn luôn là trở ngại lớn đối với Siri, đến mức lần nào nhận được lệnh của người dùng là nên ăn mừng lần đó. Chưa hết, nhận được một phần câu lệnh đúng rồi, chưa chắc nó sẽ chịu nghe dứt câu lệnh của người dùng mà lại còn hấp tấp đứt mạch giữa chừng. Với rất nhiều trường hợp như vậy thì cho dù có là bao cố gắng đi nữa cũng không đủ để giúp Siri trở nên hữu dụng.

Trợ lý của Google và Alexa của Amazon tuy vẫn chưa hoàn hảo, nhưng chí ít những đối thủ này vẫn thừa sức xử lý được những yêu cầu cao hơn hẳn Siri. Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc Apple đã bị tụt lại trong công cuộc tạo nên một trí tuệ nhân tạo cho riêng mình. Chính xu hướng kín đáo của công ty đã khiến cho hãng khó khăn trong việc tiếp thu những ý tưởng và kết quả là Apple đã thua trong cuộc chơi AI này.;

Ở thời điểm hiện tại, nếu như Apple trở lại với cuộc đua AI thì bước ngoặt bất ngờ đó hẳn sẽ diễn ra tại WWDC. Có một vài lý do để tin rằng cuối cùng hãng cũng đã chịu nghiêm túc về AI nhờ vào Core ML, và những thành quả của các nhà phát triển tại hội nghị vừa qua đã giúp định hình những nỗ lực của công ty trong tương lai. Thế nhưng sau cùng, Apple vẫn không màng nhắc đến bất kỳ giải pháp nào để khắc phục yếu điểm chí mạng của Siri.

Thay vào đó, những gì mà Apple đã làm là "trình bày" những cố gắng xoay quanh các khiếm khuyết: "đưa Siri lên hàng đầu". Trước khi trình diễn về Siri, Craig Federighi - phó chủ tịch cấp cao phần mềm của Apple đã phát biểu ở hội nghị rằng: "Ở iOS 11, Siri sẽ ngày càng lợi hại hơn nhờ dựa vào quá trình học hỏi cách sử dụng máy của người dùng".

Ông đã mở ứng dụng tin tức của Apple sau khi đọc về Iceland trên Safari, ngay sau đó Siri đã hiển thị một đoạn văn bản ngắn về quốc gia mà ông ấy có thể muốn đọc. Khi ông ấy chuyển qua iMessage để nói chuyện phiếm về việc đi đến đó, Siri đã gợi ý một cuốn từ điển tiếng Iceland sau khi trải qua quá trình sử dụng trên.

Chưa dừng lại ở đó. Federighi trình chiếu một cách vắn tắt về những thứ mà Apple muốn các nhà phát triển tập trung vào dựa trên SiriKit như tìm kiếm hình ảnh, tập thể dục và mã QR. Một đoạn demo ngắn khác cũng đã trình diễn được khả năng thông hợp lý về chuyến bay sắp đến. Những sắp xếp mới trên watchOS 4 đặt những "hình ảnh kỷ niệm" giữa những "thời tiết", "giao thông" và cả "lịch trình trong ngày" cũng là nhờ Siri sắp xếp.

Nghe thì có hữu ích nhưng họ đã đi lệch hơi xa những gì mà chúng ta trông đợi ở Siri kể từ lúc dự án này vẫn còn trong "trứng nước". Những tính năng đó không đòi hỏi người dùng phải nói hay viết gì cả. Thành thật mà nói, Siri thậm chí không hé nửa lời trong cả sự kiện vừa qua.

Siri "bặt âm" cả sự kiện.

Apple đã âm thầm phát triển việc học máy này được một thời gian, bắt đầu bằng những thứ như "những ứng dụng đề xuất", một dãy icons trên màn hình Spotlight được thay đổi phụ thuộc trên những dự đoán dựa vào quá trình sử dụng thiết bị của người dùng. Nhưng giờ đây, công ty đã sẵn sàng để áp dụng rộng rãi việc học máy vốn đang dần trở thành một chuẩn mực trên smartphone này thông qua Siri.

Những câu lệnh của HomePod như yêu cầu tìm hiểu tay trống trong bài nhạc có vẻ là hơi quá tầm đối với Siri

Đây sẽ là một cuộc cách mạng chưa từng có đối với Siri, vì nhờ vào cách hoạt động này, Siri sẽ được khỏa lấp đi phần nào yếu điểm lớn nhất của nó nhờ vào những cách tương tác hoàn toàn mới mà không cần phải dựa vào nhận diện giọng nói. Nhưng dù có giảm bớt được gánh nặng đó đi nữa, bước đi mới này của Apple lại có khả năng trở thành con dao hai lưỡi bởi những tính năng này cũng không phải là mới mẻ gì hay thậm chí là có phần thua thiệt so với những đối thủ lớn mặt khác như Google, Amazon hay Microsoft.

Vậy rốt cuộc những gì mà chúng ta trông đợi ở Siri đâu rồi? Vào tháng 8 năm ngoái, Apple phát biểu rằng Siri đã sẵn sàng để trở nên lợi hại hơn bao giờ hết. Thế nhưng 2 tháng sau đó, những người dùng khó tính vẫn có thể đưa ra những phản hồi không mấy khả quan hay thậm chí là tiêu cực và thất vọng. Và rồi vài tháng sau, chiếc iPhone mới ra mắt (thậm chí là những chiếc iPhone sau đó) như thêm một minh chứng nữa cho sự thật phũ phàng này. Ngày càng có nhiều lý do khiến Siri đánh mất đi vị thế của mình trong lòng những người dùng.

Hẳn là Apple rất tự tin về trợ lý ảo của mình bởi Siri lúc nào cũng được đưa lên đầu làm trung tâm cho mọi thiết bị của họ. Sản phẩm HomePod mới được ra mắt gần đây cũng là một ví dụ điển hình cho sự tin của "Táo Khuyết". Khi mà iOS 11 được cập nhật nhật đầy đủ trên các thiết bị và HomePod xuất hiện rộng rãi hơn cũng là lúc chúng ta biết được liệu Siri có bắt kịp cuộc chơi không hay lại tiếp tục gây thêm những thất vọng cho người dùng.

Trương Văn Thuyết

Chủ đề khác