VnReview
Hà Nội

Android với giao diện gốc đã hết thời?

Từ trước đến nay, fan Android luôn trung thành với hai ý kiến: Android tốt hơn iOS, và Android càng gần với bản gốc (giao diện Google, AOSP) thì càng tốt. Đối với nhiều người, giao diện tùy biến của nhà sản xuất là một sự thừa thãi không cần thiết, gây lãng phí tài nguyên hệ thống. Tuy nhiên, sau 8 năm hình thành và phát triển của Android, điều này dường như không còn đúng nữa.

Theo TheNextWeb, những lời than phiền của người dùng về giao diện Android được tùy biến của các nhà sản xuất bao gồm:

- Giao diện tùy biến trông... chán hơn giao diện Android gốc

- Các nhà sản xuất thường hay cài sẵn các ứng dụng vô bổ

- Giao diện tùy biến làm chậm máy

- Giao diện tùy biến không thống nhất với thiết kế Material của Google

- Các máy không phải Android gốc thường được cập nhật chậm hơn

- Chúng làm phân mảnh Android

- Chúng gây hao pin.

Có lẽ những than phiền nêu trên đa phần là đúng, cho đến khoảng hai năm trở lại đây. Từ 2015 đến nay, chúng ta đã thấy những bước nhảy vọt trong cấu hình các điện thoại Android, với chip xử lý ngày một mạnh mẽ hơn, RAM ngày càng nhiều và bộ nhớ ngày càng lớn. Chính những yếu tố này đã giúp xóa nhòa khoảng cách về hiệu năng giữa Android gốc (vốn luôn được xem là cực kỳ nhẹ nhàng) và Android với giao diện tùy biến. Nếu trước đó, hầu như không thể tìm được một chiếc smartphone Android nào chạy mượt như các thiết bị Nexus, thì hiện nay, các thiết bị Android khác đã có hiệu năng, tốc độ ngang ngửa Nexus, và có khi còn nhanh hơn nữa.

Một vài dẫn chứng:

- Đầu tiên là Samsung với giao diện TouchWiz. Trên Galaxy S8, giao diện này đã được "tút" lại, và sau nhiều tháng trời sử dụng với hàng tá ứng dụng được cài thêm, chiếc S8 vẫn giữ vững phong độ. Có thể nếu so với Nexus hay Pixel, S8 không phải "mượt một cách hoàn hảo", nhưng sự khác biệt là rất nhỏ đến mức chẳng mấy ai bận tâm.

- Tiếp theo, Android gốc (hoặc gần gốc) cũng chưa chắc được cập nhật nhanh hơn, đặc biệt là ở thị trường Mỹ. Các điện thoại Motorola chạy trên một hệ điều hành Android gần như là gốc, thường xuyên chậm nhận được các bản cập nhật bảo mật, chậm hơn cả Samsung và LG. Tại Mỹ, các bản cập nhật này lại thường được tung ra bởi các nhà mạng chứ không phải bởi nhà sản xuất, mà các nhà mạng thì vốn nổi tiếng vì sự chậm chạp "còn hơn rùa bò" mỗi khi cần cập nhật một thứ gì đó.

- Cuối cùng là OnePlus, cũng là một hãng sản xuất smartphone Android chạy giao diện gần như là gốc, và cũng bị mang tiếng là tung cập nhật "chậm hơn rùa". Trong khi Samsung mặc dù tùy biến khá nhiều giao diện Android lại tung ra các bản cập nhật bảo mật và các bản cập nhật hệ điều hành dưới hình thức beta nhanh hơn hẳn.

Giao diện tùy biến mang lại nhiều tính năng độc đáo và hữu dụng

Hầu hết các nhà sản xuất đều tùy biến Android trên các thiết bị của mình nhằm mục đích mang lại những tính năng mới khác biệt, giúp họ cạnh tranh với các đối thủ. Đây là những tính năng độc nhất mà không có ứng dụng nào có thể mang lại.

Nhiều fan Android thường "dè bỉu" iOS vì khả năng tùy biến "quá kém", nhưng mấy ai chịu thừa nhận rằng có khá nhiều thứ mà Android không thể làm được nếu không root. Và nhà sản xuất chính là những người sẽ mang lại các tính năng bị thiếu này, thông qua giao diện tùy biến của họ. Ví dụ:

- Tính năng thu nhỏ màn hình để sử dụng 1 tay

- Sắp xếp, thay đổi kích cỡ hay ẩn thanh phím điều hướng (navigation)

- Thêm nút vào thanh navigation

- Thay giao diện, màu sắc, chế độ tối, icon, phông chữ, độ phân giải màn hình, chế độ hiệu suất

- Kích hoạt chế độ đọc sách

- Tính năng cửa sổ nổi (floating windows)

Tính năng thu gọn nội dung để sử dụng bằng một tay đã có từ lâu trên điện thoại Samsung

Tất nhiên, khi các dev (nhà phát triển) "lên tay", thì họ có thể viết ra các ứng dụng đưa các tính năng nêu trên lên các thiết bị mà họ mong muốn. Nhưng chúng sẽ không bao giờ hoạt động mượt mà như "hàng chính chủ", hoặc quá phức tạp trong khâu cài đặt khiến nhiều người dùng chẳng màng đụng đến.

Google cũng từ bỏ Android gốc

Thực sự thì Android gốc đã không còn tồn tại nữa. Tại sao?

Các thiết bị Nexus vốn thể hiện lý tưởng của Google về một phiên bản Android tốt nhất, thuần nhất. Chúng có thiết kế và hệ điều hành tối giản hết mức, và là nền tảng để các nhà sản xuất thêm vào các tính năng của riêng họ. Android gốc vốn không phải là thứ để kiếm tiền!

Đến khi Google tung ra Pixel thì mọi chuyện lại đi theo hướng khác. Smartphone Pixel có giá khá cao, và mục tiêu hàng đầu của nó là phải bán được càng nhiều càng tốt. Để làm được điều đó, Google phải tìm cách mang lại cho người dùng một lý do để họ chọn Pixel chứ không phải Galaxy, hay LG G, hay Sony X. Và gã khổng lồ tìm kiếm đã bắt đầu đưa vào Pixel các tính năng độc quyền, phá bỏ truyền thống tối giản của Nexus.

Nếu đã từng dùng Pixel, bạn sẽ thấy một số tính năng như "hỗ trợ 24/7" (hình trên), ứng dụng camera của Pixel, màu sắc giao diện, và thậm chí là launcher của Pixel: tất cả đều chỉ xuất hiện trên Pixel và không có thiết bị Android nào có được, ngay cả các thiết bị Nexus cũ của Google.

Tất nhiên, Google sẽ không tùy biến "nặng đô" như Samsung, nhưng có thể thấy họ sẽ còn tiếp tục sáng tạo và đưa vào các thế hệ Pixel tương lai nhiều tính năng độc quyền mà Android gốc không thể có. Hay nói cách khác, ngay cả thiết bị của chính Google, được cho là dùng một bản Android thuần nhất, cũng không hoàn toàn là Android gốc!

Như vậy, Android gốc không còn là sự lựa chọn của Google nữa, mà bây giờ là bản ROM tùy biến của Pixel. Bản ROM này - với các tùy biến và tính năng độc quyền - về bản chất không khác gì bản Android tùy biến của các hãng như Samsung, LG, Sony...

Người dùng Android luôn cho rằng: một thiết bị càng gần với Android gốc sẽ càng mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn. Điều này đã từng đúng, nhưng nay thì không. Đến năm 2017, nhiều người sẽ đồng ý rằng, khái niệm bản Android tốt nhất chính là bản Android khiến bạn thấy hài lòng nhất. Việc nó được tùy biến hay không không quan trọng!

Tấn Minh

Chủ đề khác