VnReview
Hà Nội

Vì sao bạn không nên chỉ dựa vào điểm DxOMark để chọn camera smartphone?

Điểm số từ trang web DxOMark thường được nhiều người dùng và các trang công nghệ dẫn ra khi muốn so sánh camera giữa các smartphone với nhau. Tuy nhiên, liệu những điểm số này có thể phản ánh được chính xác về chất lượng của camera trên smartphone? Và liệu Google Pixel (98 điểm) thật sự có thể chụp ảnh tốt hơn iPhone 8 Plus và Galaxy Note 8 (cùng 94 điểm) hay không?

>> Google Pixel 2 lập kỉ lục về điểm camera trên DxOMark, vượt xa Galaxy Note 8 và iPhone 8 Plus.

>> Đánh giá chi tiết camera Google Pixel 2 của DxOMark: Giải mã kỷ lục 98 điểm

Bảng xếp hạng DxOMark tính tới thời điểm hiện tại.

Theo Android Authority, trong vài năm gần đây, ranh giới về khả năng của camera trên thiết bị di động đã liên tục được đẩy ra xa. Cảm biến camera được cải thiện theo từng năm và các tính năng mới như công nghệ ổn định hình ảnh tốt hơn hay camera kép giúp đem tới cho người dùng trải nghiệm chụp ảnh tuyệt vời.

Việc theo dõi những nâng cấp camera, phần nhiều khó có thể đánh giá một cách chính xác nếu không có một đôi mắt sắc sảo, đã trở nên ngày càng phức tạp hơn theo từng năm. Vì vậy, nhiều người đã chọn điểm số được cung cấp chủ yếu bởi trang web đánh giá chất lượng hình ảnh DxOMark để nhận định về những cải tiến của camera trên smartphone.

Nếu là một người thường xuyên theo dõi bảng xếp hạng của DxOMark, bạn có thể nhận thấy các mẫu flagship tới từ một trong những nhà sản xuất lớn đều đạt số điểm cao. Điều này phù hợp với suy nghĩ của nhiều người về việc các nhà sản xuất cải tiến camera theo từng năm. iPhone 8 và Galaxy Note 8 đều đã có thời gian đứng đầu bảng xếp hạng của DxOMark nhưng đã vừa bị vượt qua bởi Google Pixel 2. Khi bạn đang ở trong một thị trường chạy đua theo những chiếc camera mới nhất và tốt nhất, việc tham khảo DxOMark không phải là một ý kiến tệ.

Quy trình tiến hành đánh giá của DxOMark rất nghiêm ngặt. Họ kiểm tra độ phơi sáng, màu sắc, tiếng ồn khi chụp, hiện tượng ảnh giả (artifact), zoom và nhiều yếu tố khác trên camera. Điểm số được cho tại mỗi bài kiểm tra riêng biệt và sau đó, chúng được tổng hợp để trở thành điểm tổng thể của camera. Tiếp theo, điểm tổng thể sẽ được các nhà sản xuất như Google, Samsung và Apple chia sẻ để chứng minh camera trên smartphone của họ là mới nhất và là lựa chọn tốt nhất.

Tuy nhiên, việc bỏ qua những chi tiết nhỏ để tập trung vào những tiêu chí chấm điểm quan trọng khiến cho bạn gặp một chút vấn đề khi muốn chọn ra thiết bị có phần cứng tốt nhất nếu chỉ tham khảo DxOMark. Ngoài ra, cách cho điểm tổng thể của DxOMark cũng đã gây ra rất nhiều tranh cãi, đặc biệt sau khi họ giới thiệu cách tính điểm zoom và xoá phông mới, điều sẽ có lợi cho những smartphone có ống kính tele.

Điểm DxOMark của Pixel 2.

Điểm DxOMark của Galaxy Note 8.

Một ví dụ có thể cho bạn thấy vấn đề của bảng xếp hạng DxOMark. Google Pixel 2 đạt số điểm 99 về chất lượng hình ảnh, trong khi Galaxy Note 8 đạt được số điểm tuyệt đối là 100 điểm trong tiêu chí này. Tuy nhiên, ở điểm số video, Pixel 2 đạt số điểm 96, cao hơn số điểm 84 của Galaxy Note 8. Nhờ vậy, điểm tổng thể của Pixel 2 cao hơn Galaxy Note 8. Mọi người thường dựa vào điểm tổng thể để vội vàng đánh giá Pixel 2 chụp ảnh tốt hơn Galaxy Note 8. Mặc dù vậy, đối với những ai đam mê chụp ảnh bằng di động, Galaxy Note 8 mới là chiếc điện thoại đáng mua vì thứ duy nhất họ quan tâm là chất lượng hình ảnh.

Dù sao đi nữa, việc quá phụ thuộc vào điểm số của công ty đánh giá chất lượng camera là một vấn đề cho ngành công nghiệp smartphone, đặc biệt là khi bạn nhận ra DxOMark không chỉ kiếm tiền từ việc đánh giá để xếp hạng camera.

DxOMark liệu có công tâm?

Google tự hào nói về số điểm 98 trên DxOMark của Pixel 2 tại lễ giới thiệu vào tuần trước.

DxO Labs, công ty đứng sau trang web đánh giá DxOMark, về cơ bản là một hãng tư vấn. Nói cách khác, công ty này thu phí để tư vấn cho các nhà sản xuất những cách để cải tiến sản phẩm của họ dựa trên các phân tích và kinh nghiệm trong ngành công nghiệp camera.

Không có trang web đánh giá nào dám đảm bảo họ không có sự thiên vị khi tiến hành so sánh các sản phẩm với nhau. Hoạt động của DxOMark xoay quanh việc thu hút các công ty lớn sử dụng dịch vụ của họ, nhờ đó họ sẽ có thêm được nhiều đánh giá mới trên trang web. Sau đó, họ sẽ xếp hạng kết quả đánh giá như là một cách để khuyến khích khách hàng mua một số chiếc smartphone nhất định.

DxO Labs tuyên bố họ thực hiện các đánh giá một cách độc lập. Tuy nhiên, liệu họ có thể làm việc đó một cách công tâm khi bản thân là một công ty tư vấn vì lợi nhuận? Không có lý do nào để tin rằng bảng xếp hạng DxOMark có gian lận, đặc biệt là khi mô hình kinh doanh của DxO Labs phụ thuộc vào độ uy tín và kết quả của họ tương đối phù hợp với sự phát triển của phần cứng camera.

Tuy nhiên, sự thật là một số nhà sản xuất có thể đạt được số điểm cao hơn nhờ vào việc điều chỉnh camera trên smartphone phù hợp hơn với phần mềm thử nghiệm của DxOMark. Vậy điều này có làm giảm giá trị của kết quả tới từ DxOMark?

Vấn đề trả tiền để chiến thắng?

Bên cạnh chuyên môn chính là tư vấn, DxO Labs cũng bán bộ phần mềm DxO Analyzer để thử nghiệm và đo lường camera. Việc có được giấy phép sử dụng bộ phần mềm này là rất tốn kém, đặc biệt là khi bạn phải trả cho chi phí lắp đặt và đào tạo nhân viên để sử dụng các tính năng của nó.

DxO Labs cho biết "top 10 nhà sản xuất máy ảnh số, smartphone và module camera" đều là khách hàng mua DxO Analyzer.

Việc này hoàn toàn không có gì sai. Tuy nhiên, một số nhà sản xuất smartphone có thể dùng bộ phần mềm DxO Analyzer để tinh chỉnh phần cứng và các thuật toán xử lý hình ảnh trên camera của họ nhằm đạt điểm số cao khi được DxOMark đánh giá. Để cho dễ tưởng tượng, điều này không khác gì việc "cho học sinh biết trước đề trước khi thi".

Các nhà sản xuất smartphone có lý của họ khi trả tiền cho một dịch vụ sẽ đem lại kết quả tốt hơn cho camera. Việc DxO Labs giúp đỡ các nhà sản xuất để tạo ra những kết quả chụp ảnh xuất sắc sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, hiện nay đang có một sự tin tưởng thái quá của truyền thông đối với điểm số đánh giá camera của DxOMark. Điều này đem tới cho DxOMark nhiều sức ảnh hưởng, không chỉ với chất lượng của ngành công nghiệp camera mà còn tới cả cách người dùng nhận thức như thế nào về smartphone.

Những nhà sản xuất trả tiền để hợp tác với DxOMark sẽ có điểm số cao hơn trong các bài đánh giá và sau đó sẽ được hàng loạt tờ báo công nghệ trên khắp thế giới đăng tải lại. Bạn cứ nhìn cái cách báo chí khắp thế giới sôi sục khi Pixel 2 đạt điểm tổng thể cao chưa từng thấy của DxOMark vào tuần trước là biết. Điều này tạo áp lực cho nhà sản xuất để họ trả tiền cho dịch vụ của DxO Labs nhằm giữ vị trí ở top đầu trong bảng xếp hạng.

Hiện nay, nhiều thương hiệu lớn trong thị trường smartphone và camera chuyên nghiệp đang là khách hàng của DxO Labs. HTC, Huawei, Samsung và Foxconn hiện đang trả tiền để mua bộ phần mềm DxO Analyzer nhưng chúng ta không biết các hãng khác có đang làm điều tương tự hay không.

Nhiều công ty dường như đang nhận thấy giá trị của đồng tiền bỏ ra khi mỗi thế hệ smartphone mới của họ lại có điểm số cao hơn khi được DxOMark đánh giá. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là liệu chúng ta có thể dám chắc những smartphone mới nhất sẽ đem lại những cải tiến hữu ích nhất về camera cho người dùng?

Ngoài ra, hệ thống tính điểm của DxOMark cũng đang gây ra nhiều tranh cãi. Một chiếc điện thoại có thể kiếm thêm điểm nhờ những yếu tố nhỏ như phần mềm xóa phông, zoom hoặc video. Trong khi đó, những yếu tố như góc chụp rộng, ảnh RAW và khả năng xử lý đơn sắc lại không được tính điểm. Hơn nữa, một số thiết kế như camera kép có thể giúp điện thoại kiếm được nhiều điểm hơn so với các đối thủ.

Điều này dẫn chúng ta tới vấn đề lớn nhất của một ngành công nghiệp đang tin tưởng quá nhiều vào đánh giá của một trang web như DxOMark. Nếu các nhà sản xuất đang định hình camera của họ xung quanh các bài đánh giá, DxOMark sẽ là một phần hình thành lên quỹ đạo phát triển của smartphone. Tuy nhiên, vì các bài đánh giá của DxOMark không toàn diện và đặt một số tính năng lên trên các tính năng khác, chúng ta đang thấy những tính năng không được nhiều người dùng quan tâm tới lại được quan trọng hóa lên.

Kết luận

Dựa trên những điều kể trên, chúng ta có thể chắc chắn rằng điểm số của DxOMark không hoàn toàn đáng tin cậy. Một công ty hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất smartphone để cải thiện chất lượng camera chắc chắn là một điều tốt cho người dùng. Tuy nhiên, điều quan trọng chúng ta phải nhận ra là một công ty bán dịch vụ cho các nhà phát triển camera và chấm điểm cho những ai đã hợp tác với họ, hoàn toàn có thể thiên vị khi tiến hành đánh giá. Hơn nữa, các bài thử nghiệm của DxOMark cũng không toàn diện và đánh giá được toàn bộ các tính năng của camera.

Vậy, Pixel 2, Galaxy Note 8 và iPhone 8 có phải là những smartphone có camera tốt nhất hiện nay? Chắc chắn là như vậy. Tuy nhiên, liệu điều này có phản ánh bảng xếp hạng của DxOMark là chính xác? Có lẽ là không. Sự thật là nếu một số nhà sản xuất hợp tác với các hãng đánh giá để có kết quả tốt hơn, đó không hẳn là một việc xấu nếu chất lượng camera của họ thực sự tốt lên. Tuy nhiên, nếu bạn muốn có những thử nghiệm và đánh giá minh bạch về camera trên smartphone, bạn cần phải tham khảo nhiều nguồn hơn thay vì chỉ DxOMark.

Nguyễn Long

Chủ đề khác