VnReview
Hà Nội

Huawei Nova 2i và Xiaomi Mi A1: đọ hiệu năng, so độ mượt chơi game

Xiaomi Mi A1 và Huawei Nova 2i đang là 2 smartphone nổi bật trong phân khúc tầm trung hiện nay với cấu hình và mức giá tương đồng.

Cả 2 máy đều có mức giá 6 triệu đồng, sở hữu thiết kế kim loại nguyên khối, màn hình cong 2,5D ở viền và có camera kép phía sau. Kiểu dáng, kích thước và trọng lượng của 2 sản phẩm cũng khá tương đồng. Chiếc Nova 2i gây chú ý ở thiết kế màn hình 5.9 inch viền mỏng và tỷ lệ 18:9 thường thấy trên các sản phẩm cao cấp. Trong khi đó, chiếc Mi A1 được biết đến nhiều ở mô hình camera kép giống iPhone và chạy hệ điều hành Android gốc của Google.

VnReview đã có bài đánh giá chi tiết hai máy, bạn đọc quan tâm có thể xem bài đánh giá Mi A1 tại đây và Nova 2i tại đây.

Ở khía cạnh hiệu năng, hai máy đều có chip 8 lõi, RAM 4GB, bộ nhớ trong 64GB, độ phân giải Full-HD và chạy Android 7. Tuy vậy, Nova 2i sử dụng chip xử lý HiSilicon Kirin 659 do chính Huawei sản xuất, còn Mi A1 dùng Snapdragon 625 của Qualcomm. Liệu sản phẩm nào sẽ có ưu thế hơn ở khía cạnh hiệu năng, nhất là khả năng chơi game nặng đồ hoạ?

Đọ trên các phần mềm đo hiệu năng

Đầu tiên, chúng ta sẽ cho hai máy đọ nhau trên các phần mềm đo hiệu năng mà VnReview hay dùng trong các bài đánh giá smartphone. Đó là các phần mềm Antutu để đo hiệu năng tổng thể của thiết bị cũng như điểm đồ hoạ 3D; phần mềm GeekBench 4 để đo khả năng xử lý lõi đơn và đa lõi của CPU; và cuối cùng là phần mềm GFX Bench để so khả năng xử lý đồ hoạ của GPU trên độ phân giải thực của màn hình (onscreen) và độ phân giải tiêu chuẩn (full-HD).

Ở bài đo trên Antutu, hai máy cùng ghi điểm tương đương, chênh nhau không đáng kể. Nhưng khi soi vào điểm đồ hoạ 3D trên Antutu thì Mi A1 có kết quả nhỉnh hơn hẳn với 13.000 điểm so với gần 10.000 điểm của Nova 2i.

Ở khả năng xử lý của CPU trên phần mềm Geekbench 4, Mi A1 cũng cho điểm cao hơn, sự khác biệt rõ rệt nhất là điểm đo khả năng xử lý đa lõi.

Ở bài đo Antutu, điện thoại của Xiaomi thể hiện tốt hơn ở điểm đồ hoạ 3D và điều này tiếp tục lặp lại trên bài đo Manhattan của phần mềm GFX Bench. Ở bài đo này, phần mềm sẽ đo khả năng xử lý đồ hoạ ở độ phân giải thực của máy (onscreen) và độ phân giải tiêu chuẩn (offscreen) là Full-HD. Kết quả máy nào cho ra điểm cao hơn là mạnh hơn.

Đo tốc độ mở ứng dụng và đa nhiệm

Ở phần này, VnReview đã thử so sánh tốc độ mở và đa nhiệm của hai máy với 10 ứng dụng gồm 2 game 3D nặng, 2 game online cũng đòi hỏi xử lý độ hoạ khá cao (Crossfire Legends và Liên quân mobile), 3 game nhẹ và 3 ứng dụng hay dùng trên điện thoại (Facebook, Chrome và ứng dụng cài đặt).

Video đọ tốc mở ứng dụng và đa nhiệm của Nova 2i và Mi A1

Kết quả khá bất ngờ, chiếc Nova 2i lại có tốc độ mở ứng dụng nhỉnh hơn ở 6/10 ứng dụng. Các ứng dụng mà điện thoại của Huawei mở nhanh hơn đều là ứng dụng game, chỉ có một game nhẹ là mở chậm hơn điện thoại Xiaomi một chút. Tuy vậy, 3 ứng dụng hay dùng không phải là game gồm Facebook, Chrome và app Cài đặt thì Mi A1 lại mở nhanh hơn. Và ở phần đa nhiệm, chiếc Mi A1 cũng có kết quả tốt hơn chút, giữ được nhiều hơn một ứng dụng.

Đo độ mượt khi chạy ứng nặng đồ hoạ

Đây có lẽ là phần so đọ giữa hai máy mà nhiều người dùng quan tâm nhất, đặc biệt là với các bạn có dự định mua về để chơi game. Để đánh giá độ mượt thực tế của game, chúng tôi sử dụng phần mềm GameBench. Phần mềm này cho phép theo dõi tốc độ khung hình trong game (tính theo khung hình/giây hay fps), lượng tài nguyên (CPU, GPU và RAM) sử dụng, cũng như tính toán lượng tiêu thụ điện và thời gian pin ước tính khi chơi game.

Chúng tôi sử dụng 3 game để đánh giá độ mượt: Dead Trigger 2, game thể loại bắn súng với đồ họa chi tiết, sống động; Warhammer 40K: Freeblade, game hành động với đặc điểm có nhiều đối tượng trong khung hình và hiệu ứng cháy nổ; và CrossFire: Legends, game bắn súng online thông dụng với đồ họa nhẹ hơn hai game nói trên nhưng có sự đa dạng về về đối thủ, màn chơi... Các game đều được chỉnh sang chế độ đồ họa cao nhất, không khóa tốc độ fps.

So sánh tốc độ khung hình và độ ổn định trong game Dead Trigger 2

Tựa game đầu tiên Dead Trigger 2 cũng là game rất thử thách, khi cả hai máy đều không thể đạt mức 60 fps. Tốc độ khung hình trung bình của Nova 2i là 37 fps, còn Mi A1 nhỉnh hơn một chút khi đạt 42 fps. Độ ổn định khung hình (sự dao động khung hình) của hai máy cũng khá gần nhau. Nhìn chung với khoảng 40 fps thì cả hai máy đều chơi ổn tuy chưa thực sự mượt mà. Với các cảnh đông quái hay cháy nổ phức tạp thì ít khi có hiện tượng khung hình giảm mạnh, do vậy không gây khó chịu khi chơi.

Tốc độ khung hình và độ ổn định trong game Warhammer 40K: Freeblade

Tựa game thứ 2 là Warhammer 40K, với đặc điểm có nhiều đối tượng trong mỗi cảnh chơi đã "hút" nhiều RAM hơn ở cả 2 máy. Trong game này Mi A1 chơi mượt hơn hẳn, với số khung hình trung bình là 51 fps. Trong khi đó Nova 2i chỉ đạt 28 fps, độ ổn định khung hình cũng kém hơn hẳn. Sự chênh lệch lớn như vậy khá bất ngờ, có thể đến từ việc Nova 2i không thể tận dụng tối đa phần cứng để xử lý game. Theo báo cáo từ GameBench thì CPU trên Nova 2i trung bình chỉ sử dụng 13,81%, thấp hơn nhiều so với 29,88% trên Mi A1. Ứng dụng này chưa tương thích với GPU Mali-T830 trên Nova 2i, nhưng ở Mi A1 thì GPU sử dụng đến 83,94%.

Game CrossFire: Legends khá nhẹ nên cả hai máy đều đạt gần mức 60 fps

Bài test cuối cùng CrossFire lại khá nhẹ, cả hai máy đều đạt mức trên 50 fps. Game không yêu cầu phần cứng quá mạnh nên cả hai máy đều đáp ứng dễ, sử dụng dưới 15% CPU và 50% GPU. Tốc độ trung bình và độ ổn định khung hình của Mi A1 tiếp tục nhỉnh hơn Nova 2i.

Như vậy Mi A1 đã có một chiến thắng trước Nova 2i khi chơi game thực tế, với tốc độ khung hình và độ ổn định đều nhỉnh hơn, thể hiện khả năng tận dụng phần cứng tốt hơn. Nếu xét cả những bài đánh giá hiệu năng và đa nhiệm ở trên thì Mi A1 vẫn là điện thoại chiếm ưu thế, Nova 2i chỉ hơn một chút ở tốc độ mở game.

Nhóm Review

Chủ đề khác