VnReview
Hà Nội

5 hiểu nhầm phổ biến về Android bạn không nên tin nữa

Là hệ điều hành phổ biến nhất thế giới nhưng Android đang phải chịu rất nhiều "tin đồn" và hiểu nhầm khác nhau. Dưới đây là 5 hiểu nhầm phổ biến nhất về Android, bạn nên dừng tin ngay lập tức.

>> Tại sao nhiều smartphone Android cao cấp vừa ra vẫn cài phần mềm cũ?

>> Thị phần Android tháng 11: Nougat và Oreo tăng, còn lại đều giảm

Đã bao giờ bạn phát hiện ra những điều bạn luôn tin là đúng hóa ra chỉ là một "tin đồn" thất thiệt? Những "tin đồn" này đặc biệt nguy hiểm bởi vì chúng có thể tạo nên quan điểm tiêu cực của bạn về một thứ gì đó.

Thật không may, hệ điều hành Android đang là nạn nhân của vô số "tin đồn" và hiểu nhầm trong nhiều năm qua. Dưới đây là 5 "tin đồn" thất thiệt phổ biến nhất về Android do trang công nghệ MakeUseOf tổng hợp. Hãy cùng theo dõi để biết tại sao những điều đang được nhiều người tin này lại không chính xác.

Android là mảnh đất của mã độc

Một trong những lời nói dối phổ biến nhất về Android đó là mã độc (malware) đang chờ người dùng hệ điều hành này ở mọi nơi. "iPhone của chúng tôi không thể bị nhiễm mã độc được", nhiều người thường nói như vậy, "nhưng chiếc điện thoại Android của bạn lại cực kỳ dễ nhiễm virus".

Trên thực tế, đúng là Android dễ bị nhiễm mã độc hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người dùng iOS được an toàn tuyệt đối. Hơn nữa, người dùng bình thường của cả hai nền tảng Android và iOS đều khó bị nhiễm mã độc.

Google quản lý cửa hàng ứng dụng Play Store không chặt chẽ bằng cách Apple quản lý cửa hàng ứng dụng App Store. Vì vậy, chúng ta được nghe tin về một ứng dụng trên Play Store bị nhiễm mã độc thường xuyên hơn. Mặc dù vậy, Android không phải là một hệ điều hành yếu trước mã độc khi đang sở hữu nhiều biện pháp bảo mật để giữ người dùng được an toàn:

Đầu tiên, phải kể tới tính năng Google Play Protect mới được triển khai vào tháng 7 vừa qua. Đây là tính năng quét cùng lúc cả ứng dụng và thiết bị của người dùng để đảm bảo không có nguy cơ về mã độc. Nếu phát hiện ra một vấn đề, Google Play Protect sẽ đưa ra cảnh báo ngay lập tức.

Hơn nữa, các thống kê cho thấy 99% ứng dụng trên cửa hàng Play Store là an toàn. Mặc dù đã có nhiều ứng dụng chứa mã độc được phát hiện, bạn sẽ có rất ít cơ hội tải về một ứng dụng như vậy. Có vài mẹo cơ bản để bạn luôn tải về những ứng dụng an toàn như tránh xa những ứng dụng có mô tả sơ sài hoặc kiểm tra kỹ đánh giá của những người dùng khác.

Hầu hết mã độc trên Android đến khi người dùng tải ứng dụng từ nguồn của bên thứ ba hoặc sau khi họ đã root điện thoại. Mã độc rất dễ có trong những cửa hàng ứng dụng khác với Play Store của Google. Trong khi đó, hãy luôn cân nhắc kỹ trước khi root điện thoại vì điều này có thể mở ra cánh cửa cho nhiều mã độc xâm nhập vào thiết bị của bạn.

Android có nhiều nguy cơ bảo mật hơn iOS nhưng cũng chẳng đáng lo.

Nói tóm lại, đúng là Android có nhiều nguy cơ bảo mật liên quan đến mã độc hơn iOS, đặc biệt là đối với những người thích tải ứng dụng từ cửa hàng của bên thứ ba. Tuy nhiên, đối với những người dùng bình thường và chỉ tải ứng dụng từ Play Store của Google, nguy cơ nhiễm mã độc là rất khó xảy ra.

Thông số kỹ thuật cho bạn biết mọi điều về điện thoại

Trong thời kỳ đầu của những chiếc điện thoại Android, thông số kỹ thuật có tầm quan trọng lớn hơn so với những gì chúng có hiện nay. Khi Android chưa được tối ưu hóa đủ tốt, mỗi chiếc smartphone mới lại được quảng cáo là có thêm một chút sức mạnh phần cứng để giữ cho phần mềm được ổn định.

Tuy nhiên, đó đã là chuyện của nhiều năm trước. Giờ đây, các thông số kỹ thuật như tốc độ của vi xử lý, RAM và số MP của camera có thể cho chúng ta biết về cách chiếc điện thoại sẽ hoạt động như nào. Mặc dù vậy, chúng sẽ không thể cho chúng ta biết được về thứ quan trọng nhất khi sử dụng một chiếc điện thoại, đó là cảm giác của người dùng và liệu máy có đáp ứng được các nhu cầu đặc biệt hay không?

Theo bạn, người dùng iPhone có bao giờ quan tâm tới số RAM trên thiết bị của họ không? Câu trả lời là không. Những điều người dùng iPhone quan tâm là hiệu suất mượt mà và cách tiếp cận trong thiết kế của Apple. Cả hai điều này đều đang được Táo khuyết thực hiện vô cùng tốt.

Đối với nhiều người dùng Android, đó cũng là điều được họ quan tâm. Tuy nhiên, khác với người dùng iPhone, họ có nhiều hơn những lựa chọn khác nhau từ các nhà sản xuất trên thị trường.

Bạn có thể mua một chiếc điện thoại giá rẻ nếu như bạn đang không có nhiều tiền hoặc mua một chiếc điện thoại đắt đỏ nếu như bạn đang "rủng rỉnh". Bạn có thể thích một chiếc điện thoại chống nước, một chiếc điện thoại có cổng USB-C hoặc chỉ đơn giản là có máy quét vân tay ở mặt trước. Những chi tiết này thường không được liệt kê trong thông số kỹ thuật của một chiếc điện thoại nhưng có thể khiến bạn phải bỏ tiền ra vì chúng.

Nói tóm lại, thông số kỹ thuật cho chúng ta một cái nhìn cơ bản về điện thoại nhưng đó không phải là tất cả. Những tính năng được bổ sung thêm và cảm giác chiếc điện thoại mang lại cho người dùng đang được coi trọng hơn.

Mọi thiết bị Android đều giống nhau

Khi lướt qua một số diễn đàn công nghệ, bạn sẽ dễ dàng gặp được một người đã từng có trải nghiệm xấu với thiết bị Android của một nhà sản xuất và đi nói xấu tất cả những smartphone Android khác trên thị trường. Trên thực tế, điều này chỉ cho thấy sự thiếu hiểu biết của họ về Android.

Chúng ta đã từng nói rất nhiều về việc các nhà sản xuất tùy biến Android như thế nào. Đó là lý do khiến smartphone của HTC khác với LG và cũng chẳng giống Samsung. Nhiều yếu tố, từ biểu tượng ứng dụng cho tới các mục trong phần Cài đặt, đều được tùy biến khác nhau tùy theo nhà sản xuất.

Điều này hoàn toàn trái ngược so với iOS, nơi các thiết bị hầu như có sự tương đồng với nhau, ngoại trừ một số thiết bị được sở hữu công nghệ mới. Nếu bạn không thích iOS trên iPhone 5, điều đó chỉ đơn giản là bạn không thích iOS. Tuy nhiên, nếu bạn không thích Android trên smartphone Samsung, bạn vẫn có thể thích Android trên thiết bị của một nhà sản xuất khác.

Hơn nữa, một điểm khác biệt của Android đó là phân mảnh. Đối với những thiết bị không chạy Android gốc, người dùng có thể phải đợi hàng tháng để được cập nhật hệ điều hành mới. Thật không may, điều này tạo nên sự khác biệt ngày càng lớn giữa các điện thoại Android với nhau.

Thị phần của các phiên bản hệ điều hành Android hiện nay.

Nói tóm lại, vì sự khác biệt giữa các nhà sản xuất và chậm trễ trong việc cập nhật phần mềm, bạn sẽ rất khó để tìm được hai mẫu smartphone Android giống nhau.

Task Killer (trình quản lý ứng dụng) rất quan trọng

Một trong những hiểu nhầm nghiêm trọng nhất đối với người dùng Android đó là họ phải có một ứng dụng task killer (trình quản lý ứng dụng) trong máy. Ngay từ những năm đầu của hệ điều hành Android, các ứng dụng task killer đã thật sự phổ biến. Tuy nhiên, sự thật là những ứng dụng task killer không chỉ vô dụng mà còn làm hại thiết bị của bạn.

Bản thân hệ điều hành Android đã sở hữu một tiến trình quản lý các tác vụ rất tốt. Việc sử dụng một ứng dụng task killer để xóa tác vụ chỉ khiến điện thoại tốn tài nguyên khi phải dừng và khởi động lại ứng dụng. Vì vậy, ứng dụng task killer sẽ khiến điện thoại trở nên bất ổn định và chạy chậm hơn. Ngoài ra, điện thoại sẽ bị hao pin rất nhanh khi sử dụng ứng dụng task killer nên tốt nhất là bạn gỡ cài đặt chúng ngay lập tức.

Bạn không nên đóng ứng dụng bằng cách vuốt sang hai bên trong menu "ứng dụng gần đây".

Tương tự, nhiều người dùng Android (và cả iOS) thường có thói quen mở menu "ứng dụng gần đây" (recent app) và vuốt các ứng dụng sang hai bên để "đóng" chúng. Về cơ bản, điều này không khác gì việc sử dụng ứng dụng task killer và thật sự vô ích.

Menu "ứng dụng gần đây" là một công cụ để chuyển đổi nhanh giữa các ứng dụng. Mặc dù đúng là bạn có thể vuốt các ứng dụng sang hai bên để xóa chúng ra khỏi menu này, nhưng tốt nhất là bạn không nên làm như vậy. Xóa tất cả ứng dụng ra khỏi menu "ứng dụng gần đây" không khác gì việc bạn đóng và mở lại trình duyệt mỗi khi muốn vào một trang web mới trên máy tính.

Nói tóm lại, Android có thể quản lý bộ nhớ rất tốt mà không cần tới task killer. Vì vậy, bạn không cần phải cài đặt một ứng dụng như vậy. Hơn nữa, đừng xóa tất cả các ứng dụng ra khỏi menu "ứng dụng gần đây". Android sẽ đóng các ứng dụng chạy nền khi cần thiết nên bạn chỉ cần dùng menu "ứng dụng gần đây" để chuyển nhanh giữa các ứng dụng.

Android quá phức tạp cho người dùng bình thường

Giống như các tin đồn về bảo mật, những người ghét Android thường thích vẽ ra bức tranh về một hệ điều hành phức tạp chỉ dành cho chuyên gia máy tính sử dụng. Cũng giống như quan điểm về việc hệ điều hành Linux dễ sử dụng, "tin đồn" Android quá phức tạp là không đúng sự thật.

Các phiên bản mới của Android luôn kèm theo hướng dẫn các bước cài đặt và thiết lập. Từ đó, người dùng bình thường có thể làm được hầu hết những thứ họ muốn.

Cài đặt một ứng dụng mới rất đơn giản nếu như nó đã có trên cửa hàng Play Store. Ứng dụng camera của Android rất dễ sử dụng và trực quan. Đồng bộ hóa dữ liệu từ ứng dụng tin nhắn và danh bạ cho phép dễ dàng hơn khi chuyển sang dùng điện thoại mới.

Trong phần Cài đặt, mặc dù có nhiều tùy chọn hơn nhưng Android cũng không khiến nhiều người dùng phải nhầm lẫn. Đối với một người đã từng sử dụng hệ điều hành khác hoặc lần đầu dùng smartphone, Android có thể gây chút bối rối. Tuy nhiên, đó không phải vấn đề quá lớn để bận tâm. Một người lần đầu dùng iPhone cũng sẽ gặp phải không ít sự bối rối tương tự.

Hơn nữa, chỉ những người thích "vọc" điện thoại mới làm những việc như root hoặc tự làm ROM tùy biến. Nếu chỉ là một người dùng Android bình thường, bạn sẽ chẳng cần phải bận tâm về những điều này.

Nói tóm lại, nếu so với iOS, Android cũng không khiến người dùng phải bối rối khi sử dụng hơn là bao. Cài đặt cũng mở ứng dụng rất đơn giản và giao diện của đa phần các ứng dụng rất trực quan. Chỉ có những người đã quen dùng hệ điều hành khác hoặc lần đầu dùng smartphone là gặp chút khó khăn khi sử dụng Android. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề riêng của Android nên không việc gì phải lo ngại.

Nguyễn Long;

Chủ đề khác