VnReview
Hà Nội

Tại sao bạn không nên mua ngay chiếc smartphone vừa ra mắt?

Smartphone càng ngày càng đắt đỏ. Việc chọn mua một chiếc smartphone ưng ý là cả một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu trên mọi khía cạnh, từ cấu hình tới đánh giá của các chuyên gia. Thật tuyệt nếu bạn là một trong những người đầu tiên mua được một chiếc smartphone siêu "hot" trong ngày đầu mở bán, nhưng lý do nào khiến bạn phải vội vàng như vậy?

Bài viết này sẽ thảo luận về việc liệu bạn có nên nhanh tay mua ngay một chiếc smartphone khi nó vừa mới ra mắt hay không.

Tránh lô hàng lỗi phần cứng...

Lấy Google Pixel 2 XL làm ví dụ. Dù không muốn nhắc đi nhắc lại, nhưng phải công nhận rằng chỉ riêng vấn đề màn hình thôi thì Pixel 2 XL đã là một sự thất vọng lớn. Lô hàng đầu tiên của Pixel 2 XL dính nhiều lỗi màn hình nghiêm trọng như bóng mờ, độ nhạy cảm ứng, màu sắc nhợt nhạt... Tất nhiên Google đã hứa sẽ nghiêm túc tung ra các bản vá lỗi cho mọi vấn đề, nhưng chẳng phải với số tiền bạn đã bỏ ra, bạn phải xứng đáng được sở hữu một chiếc smartphone hoàn hảo ngay từ khi bóc hộp sao? Tại sao phải vội vàng rồi lại ngồi chờ bản vá lỗi từ nhà sản xuất?

Rõ ràng những vấn đề này không nên xuất hiện ngay từ đầu, nhưng nó đã xảy ra. Đã có nhiều trường hợp một chiếc smartphone được tung ra thị trường sớm hơn dự kiến, trong khi đáng lẽ ra nên chờ thêm một thời gian nữa để hoàn thiện tốt hơn. Khi người dùng phát hiện ra lỗi, nhà sản xuất lại hứa sẽ vá lỗi. Đó một vòng tròn luẩn quẩn, dù nỗ lực của nhà sản xuất là rất đáng khen ngợi. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, với mức giá "trên trời" của các flagship gần đây, lẽ ra người dùng phải được sở hữu một thiết bị hoàn hảo ngay từ khi bóc hộp chứ?

...và tránh lỗi phần mềm

Không chỉ phần cứng mới gây ra các vụ lùm xùm, phần mềm cũng góp phần trong đó. Hãy nói một chút về Bixby. Samsung rất tự hào về trợ lý ảo này của họ, đến nỗi họ làm riêng một nút để gọi nó trên Galaxy S8 và S8 Plus. Thế nhưng khi hai thiết bị này ra mắt, Bixby lại mới chỉ... hiểu tiếng Hàn. Phải chờ tới nhiều tháng sau đó Bixby mới "học" thuộc tiếng Anh và xuất hiện trên những chiếc flagship của Samsung tại Mỹ. Sự hụt hẫng này đã khiến nhiều người tức giận muốn tìm cách gán nút Bixby này cho một chức năng khác, ngay cả khi Bixby đã bắt đầu hoàn thiện.

Mọi lỗi lầm là do Samsung, chứ không phải do những người nhanh tay mua máy sớm. Tuy nhiên qua đó chúng ta mới thấy được những thiệt thòi khá lớn của việc nhanh tay này. Sự thực thì Bixby là một trợ lý ảo tốt, có thể so sánh với Alexa hoặc Google Assistant, nhưng chỉ vì một bước hụt của Samsung, những người mua máy đầu tiên đã mặc định rằng Bixby quá tệ hại và không bao giờ cho nó cơ hội thứ hai để thể hiện khả năng của mình.

Giảm giá

Việc smartphone rớt giá "thần tốc" cũng không có gì là quá lạ. Như chiếc Essential Phone mới đây đã giảm giá không tưởng 200 USD, và phải bồi thường thiệt hại cho những người mua máy sớm bằng một mã giảm giá 200 USD, tất nhiên là dùng để mua hàng trên cửa hàng của hãng. Các nhà sản xuất khác cũng thường đưa ra giải pháp tương tự, nhưng bạn nên nhớ đây không phải là điều họ bắt buộc phải làm sau mỗi lần giảm giá, do đó đừng nên trông mong vào việc "cứ mua trước đi, sau này giảm giá thì sẽ được đền bù"!

Ngoài Samsung và Apple thì hầu hết smartphone của các hãng khác thường có sự khởi đầu khá ì ạch. Vì vậy để kích cầu, giải pháp dễ dàng nhất là giảm giá, đôi lúc là giảm vĩnh viễn. Nếu bạn quá nhanh tay mua máy ngay từ những ngày đầu khi chưa giảm giá, rõ ràng bạn đang mạo hiểm với ví tiền của mình. Một số cho rằng mạo hiểm cũng hợp lý vì được sở hữu máy trước những người khác, nhưng việc giảm giá này diễn ra quá thường xuyên đến nỗi bạn sẽ phải tự hỏi mình mạo hiểm vì cái gì? Luôn có những deal hời để bạn lựa chọn, chỉ có điều hiếm khi chúng xuất hiện vào ngày mở bán.

Những con chuột bạch

Trước khi tung ra thị trường, những chiếc smartphone đã được kiểm tra rất kỹ càng, nhưng rõ ràng việc kiểm tra trong phòng thí nghiệm khác hẳn với thực nghiệm, nơi có sự tham gia của hàng trăm ngàn, hay thậm chí là hàng triệu người dùng sẵn sàng hồi âm (feedback) cho nhà sản xuất ngay khi có lỗi gì đó xảy ra với thiết bị mới mua của họ. Và những "con chuột bạch" - những người mua máy sớm - có tầm quan trọng rất cao đối với nhà sản xuất, ngang ngửa với các bài đánh giá.

Các bài đánh giá thực sự hữu dụng, nhưng sự thực thì hiếm khi có một chiếc smartphone nào bộc phát các nhược điểm chỉ trong 48 tiếng (hay thậm chí là 1 tuần) sử dụng đầu tiên - thời điểm mà những người chuyên viết đánh giá cần để đưa ra nhận định của mình. Phải mất một thời gian dài chúng ta mới có thể thấy một chiếc điện thoại khi hoạt động trong đời thực có hiệu quả hay không: ví dụ ban đầu máy chạy "như bay", nhưng sau khi cài một cơ số ứng dụng thì nó lại "như rùa bò", pin thì yếu dần đi... Quá trình đánh giá không hẳn là sai lầm, nhưng rõ ràng những đánh giá nhanh ban đầu thường không cho ta thấy bức tranh toàn cảnh về chất lượng thiết bị.

Đừng chạy theo trào lưu

Cảm giác cầm một chiếc smartphone mới ra mắt trên tay thật khó tả. Hàng trăm ánh mắt ngưỡng mộ sẽ nhìn về phía bạn, và bạn sẽ trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của đám bạn.

Nhưng rõ ràng sau những lời tán dương là... cả một đống tiền mà bạn đã phải cắn răng chi ra, nên hãy chắc chắn rằng bạn dùng tiền đúng chỗ và đúng lúc. Hãy từ từ thôi, lùi lại một bước và xem bức tranh toàn cảnh trước khi "vung tiền" nhé.

Hãy nhìn lại lịch sử của smartphone, đặc biệt là giá của chúng. Chúng ta sẽ thấy các nhà sản xuất thường có xu hướng giảm giá máy sau một vài tuần ra mắt. Họ cũng thường tung ra một mẫu điện thoại, và 6 tháng sau tung ra tiếp một mẫu mới, có thể chỉ là một bản nâng cấp nho nhỏ, hoặc để lấp đầy khoảng trống trên thị trường. Các nhà sản xuất hoặc các nhà mạng còn có "độc chiêu" tung ra một gói combo mua một tặng một hoặc bán kèm hàng tá phụ kiện không lâu sau khi máy chính thức ra mắt, hoặc vào một thời điểm cụ thể trong năm. Tất cả đều nhằm "dụ dỗ" người dùng sắm một chiếc điện thoại mới. Nếu bạn đã từng rơi vào các trường hợp này, hãy nhìn lại và suy ngẫm xem mình đã bị "hớ" như thế nào trước khi quyết định mua một chiếc điện thoại mới, một lần nữa.

Hãy suy nghĩ kỹ

Những người có thói quen mua smartphone ngay khi vừa ra mắt cần biết về những rủi ro mà họ có thể gặp phải. Như đã nói ở trên, sẽ có lúc một vài thứ không hoàn hảo ngay ngày đầu sử dụng, và chúng tất nhiên sẽ dần được sửa theo thời gian. Khả năng xảy ra điều này là 50-50.

Vì vậy, luôn có trường hợp người dùng rất hào hứng mua ngay những mẫu máy mới nhất, tuyệt vời nhất, để rồi nhanh chóng cảm thấy không được thoả mãn. Bạn có thấy vui không khi bỏ ra 500 USD hoặc nhiều hơn, để rồi mang về nhà cảm giác như vậy không?;

Tấn Minh

Chủ đề khác