VnReview
Hà Nội

2017 và "cái chết" của nút home vật lý

Apple (và những công ty đang có ý định đi theo Apple) không lẽ đã quên đi những điều khiến nút home vật lý trở nên tuyệt vời?

>;Hướng dẫn sử dụng phím home ảo thay cho những thao tác vuốt trên iPhone X

> Jony Ive giải thích lý do từ bỏ nút Home trên iPhone X

Dưới đây là nội dung bài viết của David Pierce, biên tập viên phụ trách mảng công nghệ cá nhân của trang tin Wired. VnReview xin phép được dịch nguyên văn.

Lời nói dối có sức thuyết phục nhất mà Steve Jobs từng nói với bạn là "bạn đã biết cách sử dụng nó rồi". Trong nhiều năm trời, Apple đã luôn được ca ngợi bởi khả năng tạo ra những thiết bị quá đỗi đơn giản và rõ ràng, như thể nó đã ăn sâu vào trong bản năng của chúng ta vậy – rằng bạn có thể vừa tỉnh dậy sau khi ngủ đông được vài thập kỷ mà vẫn biết cách sử dụng 3D-Touch với biểu tượng của ứng dụng máy ảnh để chụp selfie. Bạn cần bằng chứng? Hãy xem video một bé gái chỉ mới 2 tuổi đã biết chơi trò chơi trên iPad dưới đây.

Tất nhiên, ý niệm đó là sai. Apple rất giỏi trong việc hướng dẫn người dùng sử dụng các sản phẩm của mình thông qua quảng cáo, video, thậm chí là cả quá trình cài đặt trên điện thoại, nhưng không ai vừa sinh ra đã biết dùng iPhone. Đó cũng chẳng phải là một vấn đề gì cả, vì Apple đã thêm vào một tính năng mà ai cũng biết sử dụng: phím home.

Phím home là thứ mà bạn sẽ ấn vào khi không biết phải làm gì nữa. Nó cho phép bạn tự do khám phá, vuốt chạm thoải mái trên màn hình, vì sau tất cả thì bạn chỉ việc ấn một nút và bạn sẽ quay lại nơi mà bạn đã bắt đầu. Nó giống như khi Ted Danson chỉ cần búng ngón tay của mình trong bộ phim The Good Place và bắt đầu mọi thứ lại từ đầu.

Nhưng trong năm 2017, Apple đã quyết định loại bỏ phím home vật lý. Họ không phải là công ty duy nhất làm vậy, nhưng họ là công ty nổi bật nhất. Trên iPhone X, Apple đã thay thế phím home – thứ mà bạn chỉ muốn ấn vào vì nó cứ "sờ sờ" ra đó – với một đường ngang nhỏ mà bạn được cho là sẽ biết mọi thao tác và cử chỉ: vuốt lên, vuốt xuống, rồi trái phải,...

Thực sự thì chẳng thứ gì có nút bấm nữa. Tương lai của công nghệ, ít nhất là từ những gì chúng ta đã thấy trong năm nay, được lấp đầy bởi các sản phẩm đa năng và phức tạp hơn bất cứ thứ gì xuất hiện trước đây. Không những thế, các công ty làm nên những sản phẩm đó đang ngày càng ép người dùng phải tự tìm cách khám phá, tìm cách thích nghi và tìm cách sử dụng...

Những lời nói trống rỗng

Các trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói như Alexa và Siri là ví dụ điển hình nhất của hiện tượng này. Mọi công ty làm trợ lý ảo của riêng mình đều phải đối mặt với cùng một vấn đề: người dùng không biết sử dụng chúng! Người dùng có thể biết dùng từ khóa đánh thức trợ lý ảo khá nhanh, hay thực hiện những tác vụ đơn giản như yêu cầu loa Echo chơi nhạc và đặt báo thức. Nhưng Apple, Google, Amazon và những công ty khác muốn trợ lý ảo trở thành một người bạn đồng hành thường trực, luôn giúp đỡ và trở thành một phần trong cuộc sống của bạn.

Họ cần phải tìm cách để giải thích những khả năng của các  trợ lý ảo đó, để người dùng có thể phân biệt giữa "nó không hoạt động như vậy" và "nó không làm được điều này". Những điểm khác biệt ấy rất khó để nhận ra, nhất là trên một thiết bị không có màn hình. Ấy vậy mà những người làm ra Siri, Alexa,... lại cảm thấy rất thoải mái về quá trình này. Tất cả họ về cơ bản đều cho rằng: vì giao diện rất đơn giản, mọi người đều sẽ thử "vọc vạch" và nếu có vấn đề gì xảy ra thì  cũng chẳng sao cả...

Tuy nhiên, cho đến nay, cách tiếp cận này đang tỏ ra hoàn toàn thiếu hiệu quả. Một nghiên cứu vào đầu năm 2017 cho thấy gần 70% các kĩ năng của Alexa là "Zombie Skills" (những kỹ năng chết) và hầu như không có ai sử dụng. Ngay cả khi người dùng tìm thấy một kĩ năng mới, chỉ có 3% trong số họ sẽ tiếp tục sử dụng nó trong tuần sau. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng chỉ có 14% người dùng trên mọi nền tảng sử dụng trợ lý ảo nhiều lần trong một ngày. Người dùng có khám phá những tính năng cơ bản của trợ lý ảo, có tỏ ra thích thú với chúng, nhưng tất cả cũng chỉ đến vậy mà thôi.

Sự tự nhiên

Các giao diện máy tính cách đây 40 năm về cơ bản không giống với bất cứ thứ gì mà người ta từng nhìn thấy trước đây, do đó, họ cần sự giúp đỡ để khám phá chúng. Rất nhiều máy tính giai đoạn đầu được thiết kế để giống với bàn làm việc của mọi người để họ biết phải làm gì. Ứng dụng ghi chép có hình của cuốn sổ ghi chép, nút lưu (save) có hình của một chiếc đĩa mềm. Máy tính giống như một thứ đến từ ngoài hành tinh được "ngụy trang" để trở nên thân quen hơn một chút.

Ở thế giới hiện đại, người dùng đã hiểu máy tính của họ hơn, biết nó hoạt động như thế nào và làm việc/tương tác với nó ra sao. Vì vậy, các công ty có thể làm những điều mới mang tính thử nghiệm và hữu ích hơn. Nhưng khi các giao diện mới như thực tế tăng cường (AR) và giọng nói đi vào cuộc sống, chúng ta dường như đã bỏ qua giai đoạn "dắt tay" ấy, vì trên lý thuyết, những giao diện đó rất tự nhiên và đời thường nên các công ty đằng sau chúng nghĩ rằng mọi người đều sẽ biết cách sử dụng. Nhưng điều đó đã (và đang) không đúng!

Tất nhiên, môi trường khởi đầu trong hệ thống thực tế hỗn hợp tăng cường (mixed reality) của Microsoft trông giống hệt một ngôi nhà, nhưng cách duy nhất để bạn có thể di chuyển trong "ngôi nhà" đó là dịch chuyển tức thời, rõ ràng không phải là cách mà bạn đi lại trong thực tế. Bộ điều khiển trông giống như tay của bạn, nhưng bạn chẳng thể cầm nắm thứ gì cả. Bạn vẫn phải tự tìm hiểu các quy tắc, tìm ra những thứ mình có thể chạm vào và những thứ không. Điều này cũng chẳng sao, ngoại trừ việc chẳng có ai hướng dẫn bạn nữa, vì nó rất tự nhiên nên mặc định bạn sẽ biết phải làm gì.

Đối với giọng nói cũng vậy. Đúng, nói là một hành động rất tự nhiên và chúng ta đều biết cách nói. Nhưng không ai muốn và coi lời nói "Hey Google, cho tôi gọi cho mẹ" là một phản xạ theo bản năng cả. Việc chúng ta học hỏi những thứ mới là điều hoàn toàn bình thường, và các công ty cần phải hướng dẫn chúng ta những điều đó. Nhưng họ lại đang không làm như vậy...

Họ chỉ hi vọng rằng bạn sẽ tự mày mò và khám phá. Hoặc là vậy, hoặc là công nghệ sẽ phát triển đến mức bạn sẽ có thể sử dụng chúng theo cách mà bạn muốn. Dù là thế nào, nó cũng sẽ tốn thời gian, và cả hai phương án ấy đều không chắc chắn sẽ thành công. Cho đến khi đó, chúng ta sẽ mắc kẹt giữa một mớ những sự tương tác người dùng, nơi bạn có thể mường tượng ra phần nào cách mọi thứ hoạt động, nhưng chưa chắc chúng đã hoạt động theo cách đó.

Trở về "nhà"

Tin vui đây: Sau hai tháng sử dụng iPhone X, tôi không còn thực sự nhớ phím home vật lý nữa. Tuy tốn một chút thời gian, nhưng tôi đã thành thạo cách sử dụng các cử chỉ trên màn hình. Tôi hoàn toàn ủng hộ các xu hướng như màn hình tràn viền, kích thước lớn của điện thoại, hay các giao diện mới phức tạp hơn. Hàng tỷ người dùng đã dành một thập kỷ để học cách sử dụng chúng, và giờ chúng ta đã biết nên chúng ta có thể thử những điều mới lạ.

Nhưng khi chúng ta chuyển sang các hạng mục và giao diện mới, các công ty công nghệ không nên quên những điều giúp phím home vật lý trở nên tuyệt vời: nó cho phép người dùng được tự do khám phá, vì luôn có một con đường trở về nếu như họ lạc lối. Và đặc biệt là những công nghệ mới, dù chúng có thông minh hay tự nhiên đến thế nào đi chăng nữa, cũng chẳng thể tránh khỏi những sự lạc lối ấy. Người dùng vẫn cần một nút home để "trở về", dù đó là nút hôm vật lý hay nút home cảm ứng/cử chỉ đi chăng nữa...

Văn Hoàn

Chủ đề khác