VnReview
Hà Nội

Thiết bị đeo theo dõi sức khỏe không thực sự hiệu quả, nhưng bạn... vẫn nên đeo một cái

Vòng đeo theo dõi sức khỏe vẫn có những ích lợi nhất định, ngay cả khi khoa học nói rằng chúng không thực sự hiệu quả.

> Dùng thiết bị đeo thông minh có giúp bạn khỏe hơn?

Theo Wired, công nghệ cá nhân đang phải chịu rất nhiều tiếng xấu. Nó càng ngày càng gây nghiện hơn: Các thông báo khiến mắt chúng ta "dán" vào điện thoại. Các bộ phim trên Netflix khiến chúng ta chẳng muốn ra khỏi nhà. Những sự "tương tác" xã hội – như danh sách "seen-by" trên Instagram Stories – đã "nô dịch hóa" chúng ta với sự ám ảnh, với mong muốn được chú ý. Đã bao nhiêu lần bạn tắt Facebook, Instagram đi để rồi lại bật chúng lên chỉ sau vài phút?

Các chuyên gia đã và đang cảnh báo chúng ta rất nhiều lần, rằng các thiết bị, ứng dụng và nền tảng đã được thiết kế để thu hút sự chú ý và ăn sâu vào các thói quen hàng ngày của chúng ta – và rõ ràng đó là những thói quen không tốt cho sức khỏe.

Nhưng các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe (fitness tracker) thì khác.

Trong nhiều năm trời, vấn đề mà những chiếc Fitbit, Garmin, Apple Watch,... phải đối mặt là chúng không đủ gây nghiện. Khoảng 1/3 số người mua fitness tracker ngưng sử dụng chúng trong vòng 6 tháng, và hơn một nửa số người mua sẽ bỏ rơi chúng hoàn toàn.

Về mặt thời trang, có thể đeo một chiếc Fitbit trông bạn sẽ khỏe khoắn hơn, nhưng phần lớn những nghiên cứu về mức độ hiệu quả của chúng đều hoặc là không đưa ra được kết quả, hoặc là kết quả thiếu sức thuyết phục. Trên thực tế, hai trong số những nghiên cứu được thiết kế tốt nhất cho thấy fitness tracker thậm chí còn gây phản tác dụng.

Nghiên cứu thứ nhất, được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 6/2013 đến tháng 8/2014 với sự tham gia của 800 người tình nguyện. Các kết quả, được công bố vào năm 2016 trên tạp chí The Lancet Diabetes & Endocrinology, đã chỉ ra rằng sau một năm sử dụng, các vòng đeo theo dõi sức khỏe không hề ảnh hưởng đến sức khỏe và sự cân đối tổng thể của các đối tượng tham gia – ngay cả khi nó được kết hợp với những sự "khích lệ" về tài chính.

Nghiên cứu thứ hai là một nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (RCT – randomized controlled clinical trial) được thực hiện bởi Đại học Pittsburgh từ tháng 10/2010 đến tháng 10/2012 để kiểm tra liệu kết hợp một chương trình giảm cân với việc đeo một vòng theo dõi sức khỏe trên tay có thể giúp các đối tượng cải thiện sức khỏe tổng thể. Kết quả, cũng được công bố trong năm 2016 nhưng trên tạp chí Journal of the American Medical Association, chỉ ra rằng những đối tượng không đeo fitness tracker giảm được số cân nặng nhiều hơn so với những người có sử dụng khoảng 8 pound (khoảng 3,62 kg). Tuy trên thực tế, cân nặng không phải là đại diện cho sức khỏe tổng thể nhưng nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các đối tượng có đeo fitness tracker không năng động và cân đối hơn những đối tượng không đeo.

Thẳng thắn mà nói, những điều này khá là đáng xấu hổ với những công ty chuyên sản xuất các thiết bị theo dõi sức khỏe – chưa kể những sự lo lắng mà chúng gây ra cho người sử dụng. Tuy nhiên, chúng không có nghĩa là bạn nên vứt bỏ những vòng đeo sang chảnh vừa mới mua của mình. Các công ty như Fitbit và Garmin có chậm tích hợp các tính năng trên sản phẩm của họ không? Có, một cách rõ ràng là đằng khác.

Năm 2013 – năm mà Apple đưa những thông báo push lên màn hình khóa của điện thoại của họ, và cũng là khoảng thời gian mà nghiên cứu Lancet bắt đầu được thực hiện – các vòng đeo theo dõi sức khỏe và các ứng dụng đi kèm của chúng mới chỉ bắt đầu thúc đẩy các lý thuyết từ tâm lý học (psychology) và kinh tế học hành vi (behavioral economics). Nhưng những sản phẩm của ngày hôm nay thì đã khác.

Sự thực là, hầu hết những nghiên cứu về fitness tracker ở thời điểm hiện tại – bao gồm cả hai nghiên cứu trên – đều dựa vào những thiết bị đã vài năm tuổi. Và tuy những nghiên cứu của hội đồng chuyên gia, những cá nhân có uy tín về các sản phẩm hỗ trợ rèn luyện sức khỏe thế hệ mới vẫn còn rất thưa thớt, đã có những dấu hiệu cho thấy chúng cuối cùng cũng đã trở nên "gây nghiện" nhiều hơn.

Nói một cách dễ hiểu, fitness tracker đã trở thành những thiết bị với những khả năng ưu việt. Không còn chỉ gói gọn trong đếm số bước chạy hay số phút vận động, những tính năng như theo dõi giấc ngủ và nhịp tim 24/7 đã nên đại trà. Hơn nữa, những mối lo về thời lượng pin và sạc cũng đã được khắc phục một cách đáng kể, khi sản phẩm mới nhất của Fitbit, chiếc Ionic, có thể sử dụng liên tục trong 4 ngày, còn với "flagship" Fenix 5 của Garmin, con số này là 2 tuần.

Phil McClendon, Giám đốc sản phẩm của Garmin chia sẻ: "Nếu chúng thoải mái, chống thấm nước và có thời lượng pin lâu, người dùng sẽ có ít lí do để cởi chúng ra hơn". Đối với các công ty công nghệ, có một vài thước đo quan trọng hơn sự cam kết. Các nhà phát triển ứng dụng gọi nó là thời gian trên ứng dụng (time in app). Các trang web xuất bản trực tuyến (như VnReview) gọi nó là thời gian trên trang (time on site). Còn với các nhà sản xuất thiết bị đeo, thời gian các sản phẩm của họ được ở trên cổ tay của khách hàng là quan trọng nhất.

Các phần mềm, cùng với trải nghiệm người dùng của fitness tracker cũng đã được cải thiện. Thu thập thông tin là một chuyện. Hiển thị chúng theo cách mà mọi người cảm thấy dễ hiểu và hứng khởi lại là một chuyện khác. Việc liên tục nhắc nhở người dùng vận động, bất kể họ đang làm gì, sẽ gây rất nhiều sự khó chịu. Các nhà sản xuất đã thấy được điều này và thay vì làm như vậy, đa số các thiết bị đeo ngày nay sẽ chỉ nhắc nhở bạn vận động nếu như bạn đã ngồi yên trong một khoảng thời gian được định trước.

Ít nhất thì theo Fitbit, cách tiếp cận này đã có hiệu quả. Shelton Yuen, Phó Giám đốc nghiên cứu của Fitbit chia sẻ: "Những người trung bình nhận được 6 lời nhắc nhở mỗi ngày, sau vài tháng, số lời nhắc nhở đã giảm đi 40%" Đây là một ví dụ rất chi tiết, nhưng tôi cảm thấy nó rất quan trọng, vì điều này có nghĩa là hành vi của người dùng đang thay đổi".

Tất nhiên, đây là lời mà bất kì công ty sản xuất thiết bị đeo nào cũng sẽ nói. Nhưng các chuyên gia cũng đang đồng tình rằng công nghệ fitness đang dần được cải thiện. Mitesh Patel, nhà nghiên cứu đến từ Đại học Pennsylvania nhận định: "Có hai điều đặc biệt mà các ứng dụng và thiết bị đang ngày càng làm tốt hơn". Thứ nhất là thúc đẩy các mạng xã hội để nâng cao sự cạnh tranh và sự đón nhận của người dùng. Nhóm nghiên cứu do nhà tâm lý học Liza Rovniak dẫn đầu tại Penn State gần đây đã cho thấy các mạng lưới hỗ trợ có hiệu quả cao trong việc tăng cường hoạt động thể lực ở người trưởng thành, nhưng Patel nhận định mô hình bảng xếp hạng – một cách phổ biến để thúc đẩy sự cạnh tranh bằng cách xếp hạng người dùng – không thể truyền cảm hứng cho bất kì ai ngoài những người nằm trong top đầu của bảng xếp hạng (những người ít cần sự khuyến khích ấy nhất).

Thứ hai là thiết lập mục tiêu. "Chúng tôi biết rằng mọi người cần phải phấn đấu đạt được một mục tiêu nhất định để có thể thay đổi hành vi của mình," Patel chia sẻ. Vấn đề của các thiết bị đeo đời đầu là chúng dùng chung một mục đích (số bước chân) và chúng đề ra tiêu chuẩn quá cao (10.000 bước). Nhưng người Mỹ trung bình chỉ bước 5.000 bước mỗi ngày, và yêu cầu họ gấp đôi con số đó không những phi thực tế mà còn có thể gây nản chí.

Các thiết bị đeo ngày nay đã khác trước, khi chúng điều chỉnh thông tin phản hồi dựa trên thói quen cá nhân của người dùng. Thay vì yêu cầu bạn đi 10.000 bước, tính năng Insights của Garmin sẽ nhắc nhở bạn nếu như nó cảm thấy bạn đang di chuyển ít hơn so với bình thường. Fitbit giờ đây cho phép người dùng tự thiết lập và theo dõi các mục tiêu có liên quan đến những thứ như cân nặng và sức khỏe tim mạch.

Đây chỉ là một số cách mà các nhà sản xuất thiết bị đeo "vay mượn" các học thuyết của tâm lý học và kinh tế học hành vi để khích lệ người dùng trong những năm gần đây – và sẽ còn nhiều cách nữa xuất hiện trong tương lai. Theo Alycia Sullivan, nhà tâm lý học của Đại học Brandeis: "Họ đang liên tục bổ sung các tính năng". Khi giờ đây các thiết bị đều nhỏ gọn, mạnh mẽ với nhiều cảm biến tân tiến, những sự cải tiến chủ yếu sẽ xuất hiện từ phần mềm. "Đó là nơi mà các công ty có thể tận dụng tối đa dữ liệu mà họ đã và đang tích lũy để hướng tới những thông tin mang tính tương tác, cá nhân hóa mà bạn sẽ thực sự sử dụng".

Sẽ mất một thời gian rất, rất dài để fitness tracker có thể đuổi kịp với những Facebook hay Netflix, nhưng chúng chắc chắn sẽ ngày càng "gây nghiện" nhiều hơn – và điều này không hề xấu một chút nào.

Văn Hoàn

Chủ đề khác