VnReview
Hà Nội

Root điện thoại Android không còn là việc đáng làm nữa

Giống như jailbreak trên iOS, việc root điện thoại Android cũng đang dần dần bị quên lãng và mất đi giá trị. Tại sao lại như vậy?

>> ;Jailbreak, root và unlock khác nhau như thế nào?

Bài viết dưới đây được viết bởi nhà báo Cameron Summerson tới từ trang công nghệ HowtoGeek để giải thích tại sao root điện thoại Android đang là một việc không đáng để làm:

Trong nhiều năm trước đây, root điện thoại Android đã trở thành một thủ tục gần như bắt buộc nếu người dùng muốn sử dụng những tính năng nâng cao. Tuy nhiên, theo thời gian, ngày càng ít người dùng muốn root điện thoại của mình. Đơn giản là vì hệ điều hành Android đang tốt tới mức không ai muốn mạo hiểm để làm việc này.

Root điện thoại Android là gì?

SuperSU, một phần mềm thường được sử dụng để root điện thoại Android.

Hiểu theo cách đơn giản nhất, root là hành động xâm nhập vào hệ thống của điện thoại Android để chỉnh sửa theo ý muốn. Vì Android là hệ điều hành dựa trên nền tảng Linux và sử dụng lõi (kernel) Linux, root điện thoại Android có nghĩa là chiếm quyền sử dụng lõi này. Điện thoại Android thường không cung cấp tính năng cho phép người dùng can thiệp vào hệ điều hành. Do đó, để root thành công, người dùng cần phải nhờ tới sự trợ giúp của một số phần mềm tới từ bên thứ ba.

Root điện thoại Android đem tới cho bạn nhiều lợi ích khác nhau. Những lợi ích rõ ràng nhất có thể kể tới như gỡ bloatware (ứng dụng cài sẵn), cài ROM tùy chỉnh, ép xung CPU và cài những ứng dụng yêu cầu can thiệp vào hệ thống. Trong nhiều năm trước đây, root là cách được người dùng Android tìm tới khi muốn trải nghiệm những tính năng nâng cao trên điện thoại.

Đôi khi người dùng root điện thoại Android để...hack game, ví dụ như với game Pokemon Go nổi tiếng một thời.

Tuy nhiên, nếu việc root điện thoại Android đem lại nhiều lợi ích như vậy, tại sao đang ngày càng ít người dùng muốn root điện thoại? Chúng ta có thể kể tới vài lý do đáng chú ý dưới đây:

Android đang ngày càng tốt hơn

Tôi là người đã sử dụng hệ điều hành Android trong thời gian dài và khi tôi bắt đầu dùng hệ điều hành của Google, tôi thậm chí còn không thể chụp ảnh màn hình. Để khắc phục sự bất tiện này, giải pháp duy nhất tôi có thể sử dụng vào thời điểm đó là root điện thoại bằng cách kết nối nó vào máy tính và chỉnh sửa file hệ thống thông qua công cụ ADB (Android Debug Brigde).

Đó là ví dụ đơn giản của việc root trong quá khứ. Trong những năm đầu ra mắt, các ứng dụng trên Android chưa được tối ưu hóa và hiệu suất của hệ điều hành cũng rất kém. Vì vậy, người dùng đã nảy sinh một nhu cầu đó là ép xung cho CPU. Đây là một việc phức tạp và đòi hỏi phải can thiệp vào hệ thống. Nói chung, Android thời kì đầu có nhiều thiếu sót và người dùng buộc lòng phải tìm tới root để tự cải thiện trải nghiệm trên điện thoại.

Tuy nhiên, theo thời gian, những giới hạn và bất tiện kể trên đã dần dần bị Google loại bỏ. Không ít tính năng trước đây chỉ có thể làm được bằng cách root điện thoại hiện đã trở thành mặc định trên Android. Điều này khiến ngày càng ít người dùng có nhu cầu root điện thoại. Nói cách khác, Android càng tốt hơn, giá trị của việc root càng giảm xuống.   

Ngoài ra, khi hệ điều hành Android ngày càng lớn mạnh, người dùng có thể sử dụng những tính năng nâng cao bằng cách tải ứng dụng của bên thứ ba từ cửa hàng Play Store, thay vì root điện thoại như trước đây. Một ví dụ cụ thể là nhiều người dùng trước đây thường root Android để tùy chỉnh thanh trạng thái (status bar). Tuy nhiên, phiên bản Android mới nhất đã có tính năng System UI Tuner để làm điều này. Thậm chí, kể cả khi một số hãng như Samsung đã tắt tính năng này trên điện thoại của họ, người dùng vẫn có thể tải một ứng dụng trên Play Store để tùy chỉnh thanh trạng thái theo ý muốn.

Nói tóm lại, điện thoại Android đã tốt hơn trước rất nhiều. Tôi hiện đang có tất cả những tính năng mình muốn trên điện thoại mà không cần phải root, điều gần như bắt buộc trong thời gian trước đây. Bạn có thể nói rằng vẫn có những tính năng chỉ root mới thực hiện được. Đúng vậy, nhưng bạn sẽ phải thừa nhận rằng những tính năng này đang ngày một ít đi.

Root điện thoại Android đang ngày càng rắc rối hơn

Odin3, phần mềm root chuyên dùng cho điện thoại Samsung.

Đa phần điện thoại Android không được thiết kế để bị root. Hệ thống của điện thoại luôn được mặc định là khóa và không nhà sản xuất nào cho phép bạn mở khóa. Đáng ngạc nhiên, ngoại lệ duy nhất lại là hai mẫu điện thoại của Google là Nexus và Pixel. Theo đó, người dùng có thể dễ dàng mở khóa hệ thống và root điện thoại.

Các điện thoại Android khác lại không thể root dễ dàng như vậy. Hệ thống của chúng luôn được thiết kế để khóa trước mọi cố gắng xâm nhập. Tuy nhiên, hệ thống vẫn luôn có lỗ hổng và người dùng có thể dùng một phần mềm được cung cấp sẵn để root máy. Mặc dù vậy, các nhà sản xuất cũng sẽ nhanh chóng vá lại lỗ hổng này vì họ không bao giờ khuyến khích người dùng root điện thoại.

Kết quả là việc root điện thoại Android đang ngày càng khó hơn. Trước đây, điện thoại Android có rất nhiều lỗ hổng và việc xâm nhập vào hệ thống rất dễ dàng. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta sẽ cần phải mất vài tháng để tìm ra lỗ hổng trên một chiếc điện thoại Android mới phát hành để root được nó.

Vì sự phức tạp này, bạn sẽ phải mất nhiều thời gian để tìm ra cách root "an toàn" cho chiếc điện thoại mới mua. Cụ thể, bạn sẽ phải lướt qua nhiều diễn đàn công nghệ khác nhau để tìm ra hướng dẫn và công cụ phù hợp nhất để root điện thoại. Việc này khá khó khăn và đòi hỏi sự kiên nhẫn nhất định. Hơn nữa, những cách trên Internet có thể không hiệu quả và thậm chí làm hỏng điện thoại của bạn.

Root không cẩn thận là điện thoại của bạn có nguy cơ trở thành cục gạch.

Một điều khiến nhiều người dùng cân nhắc đó là root điện thoại luôn ẩn chứa rủi ro. Trong trường hợp tệ nhất, điện thoại của bạn sẽ trở thành "cục gạch" do hiện tượng "softbrick" xảy ra khi cố gắng xâm nhập vào phần mềm hệ thống. Ngoài ra, root đồng nghĩa với việc điện thoại sẽ không được bảo hành nữa.

Root khiến điện thoại trở nên kém bảo mật

Root điện thoại Android đồng nghĩa với việc nói không với cập nhật và bảo hành.

Việc root khiến điện thoại của bạn khó có thể tiếp tục được cập nhật phần mềm. Điều này khiến điện thoại không nhận được các bản vá và trở nên kém bảo mật.

Chúng ta có thể lấy ví dụ về lỗ hổng Spectre nghiêm trọng mới được phát hiện trong thời gian gần đây. Google đã rất nhanh chóng phát hành một bản vá bảo mật cho lỗ hổng Spectre để bảo vệ người dùng khỏi nguy cơ bị tấn công. Tuy nhiên, nếu bạn đã lỡ root điện thoại, việc nhận bản cập nhật này là không thể. Đó mới chỉ là phần nổi khi nói về nguy cơ bảo mật của việc root điện thoại.

Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao root không phải là một tính năng có sẵn trên điện thoại Android và không nhà sản xuất nào khuyến khích việc này? Câu trả lời rất đơn giản, root luôn luôn ẩn chứa nguy cơ bảo mật. Về cơ bản, sau khi root, bạn không chỉ cho phép hệ thống chạy các tác vụ bạn muốn mà còn tạo ra lỗ hổng cho mã độc dễ dàng tấn công. Ngoài ra, bạn sẽ phải cấp quyền root thiết bị cho một ứng dụng không rõ nguồn gốc trên mạng Internet và không ai dám chắc đó là ứng dụng an toàn. Câu chuyện về mã độc CopyCat lây lan trên 14 triệu thiết bị Android đời cũ bị root là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.

Thêm vào đó, nhiều mã độc trên Android luôn cố gắng âm thầm root điện thoại và cài đặt những phần mềm chạy ẩn. Trong năm 2015, một mã độc có khả năng tự root máy và không thể gỡ bỏ như vậy đã bị phát hiện.

Hơn nữa, root máy còn khiến bạn không thể truy cập được vào một số tính năng có sẵn trước đó như Android Pay. Điều này là do SafetyNet API của Google thực hiện để ngăn chặn mọi nguy cơ bảo mật đối với Android Pay, một tính năng liên quan tới thẻ tín dụng và thông tin ngân hàng của người dùng.

Điều mấu chốt cần lưu ý ở đây là: nếu bạn còn quý trọng thông tin của mình, đừng root điện thoại. Tôi không hề đe dọa bạn, tôi chỉ muốn đưa ra cảnh báo về một nguy cơ hiện hữu trước mắt.

ROM tùy chỉnh không còn là sự lựa chọn hoàn hảo

Tôi biết là khi viết những dòng này, nhiều người yêu thích cài đặt ROM tùy chỉnh sẽ không vui. Tuy nhiên, hãy cố gắng tranh luận về vấn đề này một cách công tâm. Theo ý kiến của tôi, ROM tùy chỉnh đem tới nhiều điều thú vị nhưng cũng không kém phiền phức.

Vì ROM tùy chỉnh được làm dựa theo phiên bản Android gốc, bạn có thể nói là điều này sẽ giúp các nhà phát triển ROM dễ dàng thực hiện những bản cập nhật bảo mật cho người dùng. Tuy nhiên, "dễ dàng" không đồng nghĩa với "thường xuyên". Trên thực tế, đa phần các ROM tùy chỉnh phổ biến nhất hiện nay được duy trì bởi một nhóm nhỏ các nhà phát triển. Những người này không hề được trả lương và không có lý do nào để đảm bảo họ sẽ tiếp tục cập nhật cho ROM tùy chỉnh.

Nói cách khác, dùng ROM tùy chỉnh không đồng nghĩa là bạn sẽ được cập nhật thường xuyên như khi dùng Android gốc. Hơn nữa, vì đa phần các bản ROM trên mạng đều yêu cầu root để mở khóa, tự bản thân chúng đã ẩn chứa nguy cơ bảo mật.

Lời kết

Dù sao đi nữa, việc root vẫn có một vị trí nhất định trong cộng đồng những người thích "vọc" Android và tôi cũng không muốn làm họ phật lòng thông qua bài viết này. Tôi chỉ muốn nói rằng, đối với người dùng bình thường, việc root từ lâu đã không còn đáng để làm. Hầu hết những tính năng chỉ có thể làm được bằng việc root điện thoại trước đây hiện đã có thể thực hiện dễ dàng trong Android. Nếu bạn vẫn muốn root điện thoại, tôi chỉ muốn hỏi bạn một câu là: :"Liệu phần thưởng cho việc đó có xứng đáng với những rủi ro nó mang lại?".

Jailbreak và root, những việc được người dùng thực hiện để tự cải thiện trải nghiệm điện thoại, đang dần đi vào dĩ vãng. Có lẽ, chúng ta nên vui mừng vì điều này cho thấy Android và iOS đang ngày càng hoàn thiện hơn.

Nguyễn Long

Chủ đề khác