VnReview
Hà Nội

"Tai thỏ" không tệ như bạn tưởng, và bạn cũng nên tập làm quen với chúng đi là vừa

Chúng ta sẽ còn thấy nhiều chiếc điện thoại có "tai thỏ" nữa trong năm 2018, nhưng đó có thực sự là một vấn đề gì quá to tát không?

> Phiên bản Android P beta đầu tiên ra mắt, hỗ trợ hoàn toàn cho màn hình có "tai thỏ"

> Đã cho đặt trước Huawei P20 Lite tại Ba Lan: có tai thỏ, cấu hình tầm trung

> Nokia 9 bất ngờ xuất hiện với mặt trước "tai thỏ"

Tạm bỏ qua chuyện Apple hay Essential là người khởi xướng trào lưu "tai thỏ", có một điều mà chúng ta không thể phủ nhận là nó đã được các hãng sản xuất smartphone nhiệt liệt hưởng ứng và sẽ được đưa lên nhiều sản phẩm nữa. Và thực lòng mà nói, "tai thỏ" là giải pháp khả dĩ nhất ở thời điểm hiện tại để các nhà sản xuất có thể khai thác triệt để diện tích mặt trước của điện thoại mà không phải hi sinh bất kỳ tính năng nào (Apex của Vivo mới chỉ là concept, chưa thể khẳng định khả năng thành công của nó khi được sản xuất hàng loạt). Theo trang AndroidCentral, "tai thỏ" không thực sự quá tệ, và bạn cũng nên tập làm quen dần với chúng đi là vừa.

Sự hình thành của "tai thỏ"

Khi làm viền màn hình càng mỏng đi, các nhà sản xuất smartphone (OEM) không còn vị trí nào để đặt các cảm biến như hồng ngoại, tiệm cận hay camera trước,… Vivo đã chọn hướng đi của mình là thu gọn camera selfie vào trong máy, có thể bật ra khi cần sử dụng đến. Xiaomi thì chọn cách dời camera trước xuống viền dưới của thiết bị, dẫn đến việc muốn selfie phải quay điện thoại ngược lại, nếu không tầm nhìn của chúng ta trong những tấm ảnh tự sướng sẽ bị hướng xuống. Với cách làm khoét một phần nhỏ màn hình để đặt các cảm biến vào trong, "tai thỏ" đã giúp giải quyết vấn đề giữ được vị trí nguyên bản của camera selfie đồng thời tối ưu hóa viền màn hình 3 cạnh còn lại.

Dải đen tuy sẽ cắt giảm một phần màn hình nhưng dù vậy, bạn vẫn có thể tinh chỉnh sao cho nội dung được phát không tràn lên "tai thỏ". Chỗ trống hai bên dải đen cũng giúp hiển thị nhiều thông tin hơn, khi đọc tin tức cũng không cần cuộn trang thường xuyên hơn. Hoặc trong trường hợp đang nhắn tin, ta có thể thấy nhiều tin nhắn đến hơn so với những thiết bị bình thường khác.

Đây được xem như là một vài ví dụ điển hình trong số các tiện ích mà màn hình dài có tỉ lệ lớn hơn 16:9 mang lại. Tuy nhiên sử dụng màn hình tỉ lệ mới khiến cho chiều dài điện thoại tăng lên, việc đặt máy vào túi quần cũng trở nên khó khăn hơn. Nhưng với "tai thỏ" và các viền xung quanh được làm mỏng hết cỡ đã giúp cắt giảm phần nào kích thước của thiết bị, từ đó giúp người dùng có thể cho điện thoại vào túi dễ hơn.

"Tai thỏ" không phải là hoàn hảo

Nhược điểm thứ nhất của dải đen đó chính là các biểu tượng trên thanh trạng thái trở nên ít hơn. Phần lớn người dùng cơ bản sẽ ít quan tâm đến nhược điểm này, nhưng đối với một bộ phận người dùng nào đó, họ có thể cảm thấy khó chịu vì không thể xem được đầy đủ biểu tượng trên thanh thông báo, đơn cử như biểu tượng phần trăm pin bị khuất trên iPhone X. Còn đối với thanh statusbar của smartphone Android, chúng đang có nguy cơ mất luôn không gian hiển thị bởi hầu hết các ứng dụng khi có thông báo đến đều hiện ra biểu tượng của riêng mình.

Tuy nhiên đây mới chỉ là tình trạng tạm thời bởi các nhà sản xuất có thể tùy biến sao cho hợp lý kết hợp cùng hệ điều hành mới hỗ trợ tốt cho dải đen ấy. Được biết, phiên bản Android P kế tiếp sẽ được Google tối ưu hóa cho các thiết bị có "tai thỏ".

Thích nó hay không thì bạn cũng nên tập làm quen với nó

Giống như mọi xu hướng phần cứng khác, "tai thỏ" có những điểm mạnh và điểm yếu của riêng mình. Samsung, Sony không chạy theo trào lưu này, và bạn hoàn toàn có thể đến với họ nếu muốn. Nhưng nếu không, bạn hãy chuẩn bị tinh thần đi, vì sắp có một "đàn thỏ" chuẩn bị đổ bộ vào thị trường trong năm nay đấy.

Thái Âu

Chủ đề khác